Bảo vệ dữ liệu cá nhân như tài sản quý

Hồng Anh| 10/11/2021 21:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay việc bảo vệ dữ liệu cá nhân (DLCN) đang thực sự là một thách thức đối với cộng đồng, xã hội và mỗi cá nhân.

Thực tế cho thấy nhiều vụ việc rò rỉ DLCN, gây ảnh hưởng đến đời tư liên tiếp xảy dù đã được cảnh báo rất nhiều trêm các phương tiện truyền thông. Vấn đề bảo mật DLCN chưa được người dân quan tâm, trong khi đó, các biện pháp bảo vệ DLCN cho công dân của cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân như tài sản quý - Ảnh 1.

Để tránh việc bí mật đời tư bị công khai trái phép, bản thân mỗi người cần phải tự nâng cao ý thức, kiến thức để bảo vệ DLCN trên không gian mạng.

Điển hình hàng loạt vụ việc lộ lọt DLCN liên tiếp được phát hiện, như  việc lộ thông tin sao kê ngân hàng của nghệ sỹ hài Hoài Linh; Vụ việc 10.000 thông tin chứng minh nhân dân bị rao bán trên diễn đàn mạng; Vụ hai vợ chồng giám đốc công ty VNIT TECH ở Hà Nội bị khởi tố liên quan đến vụ án đánh cắp DLCN rồi rao bán...

Bên cạnh các vụ việc do các đối tượng cố tình xâm hại, can thiệp để lấy để được DLCN của người khác, nhiều vụ việc lộ lọt thông tin, nhất là qua mạng xã hội, các trang điện tử... là do cá nhân người dùng lơ là, thiếu ý thức bảo vệ thông tin DLCN.

Trong một buổi tọa đàm về quyền riêng tư và bảo vệ DLCN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông Nguyễn Quang Đồng cho biết  việc thông tin cá nhân bị thu thập và chia sẻ thời gian qua là vi phạm Luật An toàn thông tin. Luật đã quy định bên thu thập DLCN khi chuyển giao cho bên thứ ba phải có sự đồng ý của cá nhân sở hữu. Nhưng thực tế nhận thức của người dân về các quyền này còn khá hạn chế. Tình trạng người sử dụng mạng xã hội đăng tải công khai thông tin cá nhân nhạy cảm của chính mình, đặc biệt là giới trẻ như thông tin sinh trắc học, lý lịch cá nhân, mối quan hệ tình cảm, tài chính… tạo điều kiện cho các ứng dụng mạng tự động bí mật thu thập thông tin. 

Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay việc bảo vệ DLCN đang thực sự là một thách thức đối với cộng đồng, xã hội và mỗi cá nhân. Đặc biệt với việc trẻ em tiếp cận công nghệ từ rất sớm, truy cập mạng Internet ngày càng được phổ biến thì nguy cơ bị lộ DLCN rất cao vì trẻ em chưa có nhận thức, hiểu biết đúng đắn về việc bảo vệ DLCN.  

Qua rà soát, Bộ Công an phát hiện hơn 60 tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động mua bán, sử dụng trái phép thông tin, DLCN trên không gian mạng, bao gồm: Các công ty cung cấp giải pháp công nghệ, nhân viên môi giới bất động sản, nhân viên ngân hàng, người có khả năng truy cập vào hệ thống chính quyền điện tử... 

Trước tình trạng lộ lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán DLCN trái phép diễn ra phổ biến, Bộ Công  an đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định về việc bảo vệ DLCN. Theo đó, dự thảo Nghị định đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý DLCN. Nhiều chuyên gia cho rằng khi nghị định được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc để lực lượng chức năng tham gia các hoạt động bảo vệ DLCN. Việc bảo vệ DLCN phải được tiến hành từ khâu tạo ra dữ liệu đến việc chuyển giao, lưu trữ, quản lý sử dụng.  

Mặc dù lực lượng an ninh mạng đã vào cuộc quyết liệt để bảo vệ an ninh thông tin trên mạng nhưng hiệu quả chưa cao. Một trong những nguyên nhân là do sự tinh vi của các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu thập DLCN. Do vậy để tránh cho việc bí mật đời tư bị công khai trái phép, bản thân mỗi người cần phải tự nâng cao ý thức, kiến thức để bảo vệ DLCN của mình như: Không tự ý đưa thông tin, hình ảnh cá nhân lên mạng; Không tùy tiện truy cập, chia sẻ các đường link, thông tin khi chưa có sự kiểm chứng, chưa đảm bảo tính an toàn... Đặc biệt, các gia đình cần có biện pháp giám sát, đảm bảo an toàn cho trẻ khi trẻ tiếp cận môi trường mạng để tránh các sự cố lộ lọt DLCN đáng tiếc. 

Dự thảo Nghị định quy định về việc bảo vệ DLCN quy định rõ DLCN bao gồm: Họ, tên; Ngày, tháng, năm sinh; Nơi thường trú, nơi ở hiện tại, quê quán; Số điện thoại; Số căn cước công dân, số hộ chiếu, số mã số thuế cá nhân; Tình trạng hôn nhân..; Đồng thời quy định các chế tài xử phạt vi phạm như, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng khi vi phạm quy định về tiết lộ DLCN... Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không áp dụng biện pháp bảo vệ DLCN. Ngoài ra, tùy theo mức độ, hậu quả của vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý vi phạm theo Điều 159 và Điều 288 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ dữ liệu cá nhân như tài sản quý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO