Diễn đàn

Báo VnExpress phải trở thành cơ quan báo chí cách mạng hiện đại, truyền cảm hứng

Hoàng Linh 09/07/2025 19:48

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Báo điện tử VnExpress là cơ quan ngôn luận của Bộ phải có bản sắc báo chí cách mạng hiện đại, truyền cảm hứng, kiến tạo xã hội, phân tích sâu.

Ngày 9/7/2025, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng và Đoàn công tác của Bộ đã có buổi thăm trụ sở của báo VnExpress tại Hà Nội và làm việc trực tiếp và trực tuyến với tập thể cán bộ nhân viên của Báo.

bt-o-vne-3.jpeg
bo-truong-o-vne.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thăm trụ sở và trao đổi với đội ngũ những người làm báo VnExpress.

6 điều chỉnh lớn của báo

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hiếu, Tổng biên tập Báo VnExpress đã thông tin về sự phát triển của Báo. Ra đời năm 2001, VnExpress là báo điện tử đầu tiên được cấp phép. Hiện hệ sinh thái của báo có trang VnExpress, VnExpress International, tờ Tia sáng, trang Ngôi sao.

ong-hieu.jpeg
Ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin về quá trình phát triển của VnExpress trong gần 25 năm qua.

Với 45 triệu độc giả/tháng, VnExpress nằm trong Top 50 các website báo chí trên thế giới (theo Similar Web). Với 7 triệu độc giả quốc tế, VnExpress là cơ quan báo chí hiệu quả nhất trong hoạt động đối ngoại (theo xếp hạng của Cục Thông tin Đối ngoại).

VnExpress là tờ báo tiên phong trong chuyển đổi số (CĐS) và ứng dụng công nghệ khi lọt Top 10 cơ quan báo chí CĐS xuất sắc.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng cho biết, kể từ sau 1/3/2025, Báo có 6 điều chỉnh lớn:

Thứ nhất, điều chỉnh giao diện, đưa nội dung liên quan KHCN lên vị trí trang nhất.

Thứ hai, chuyên trang Kỷ nguyên mới tập trung truyền thông Nghị quyết 18 và 4 Nghị quyết đột phá là các Nghị quyết 57, 59, 66, 68. Kết quả từ tháng 3 đến hết tháng 6, số lượng tin là 430 (tăng 3,3 lần so với quý trước 130 bài), xem trang (pageview) là 29 triệu (tăng 3,6 lần so quý trước là 8 triệu).

Thứ ba, hội tụ nguồn lực Khoa học Công nghệ (KHCN) khi thành lập Ban KHCN từ tháng 5/2025 trên cơ sở hợp nhất 2 ban. Lập nhóm chuyên trách liên ban: KHCN - Thời sự - Kinh doanh có nhân lực tăng từ 8 người lên 16 người.

Thứ tư, mở chuyên trang Hoạt động Bộ KH&CN để truyền thông các hoạt động của Bộ; Mở chuyên mục Chia sẻ của Bộ trưởng; đưa tư tưởng của Bộ trưởng vào trong các bài viết về KHCN, ĐMST và CĐS. Hiện đã có 180 tin bài với 1,3 triệu pageview.

Thứ năm, mở cổng Góp ý kiến tạo từ 8/4/2025 tiếp nhận 200 đề xuất và câu hỏi từ doanh nghiệp, viện trường, chuyên gia và người dân.

Thứ sáu, đẩy mạnh mục Tech (công nghệ) trên phiên bản tiếng Anh truyền thông về chính sách phát triển các ngành công nghiêp công nghệ số, công nghệ chiến lược, hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại Việt Nam; cập nhật các tiến bộ công nghệ thế giới. Trung bình, mục Tech có 1 triệu bạn đọc/tháng, vào top 3 mục nhiều người đọc nhất trên tiếng Anh.

Những mặt mạnh và thách thức

Tiếp đó, tại buổi làm việc, một số đơn vị của Bộ KH&CN đã "đặt hàng" Báo VnExpress truyền thông cho các lĩnh vực KHCN, ĐMST, CĐS, khởi nghiệp, tiêu chuẩn đo lường chất lượng…

Qua lắng nghe báo cáo của Báo và các ý kiến của lãnh đạo một số đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ với những người làm báo VnExpress về một số vấn đề liên quan đến phát triển của Báo và nghề báo.

bt-o-vne-6.jpeg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ những mặt mạnh và thách thức của Báo.

Theo Bộ trưởng, Báo có 3 mặt mạnh:

Thứ nhất, ngay từ đầu Báo đã có phần kỹ thuật số mạnh như toà soạn số, phân phối số, tương tác số…

Thứ hai, phong cách của báo khá trung tính, dễ tiếp cận.

Thứ ba, đội ngũ làm báo chuyên nghiệp. Đội ngũ cần tham gia vào những việc định hướng dư luận về chiến lược quốc gia sẽ tạo ra giá trị rất lớn.

Cùng với đó, Bộ trưởng cũng nêu một số vấn đề Báo cần quan tâm là tính báo chí cách mạng, tính định hướng, chính trị tư tưởng, dẫn dắt xã hội, đồng hành với sự chuyển đổi lớn của đất nước. “Nội dung đời sống còn theo hướng thị trường, tiêu dùng, giải trí, chưa đề cập nhiều đến chuẩn mực đời sống”.

Báo chưa phát huy hết định hướng trở thành tờ báo ngôn luận của Bộ KH&CN, còn chưa đầu tư nhiều cho các nội dung về KHCN, ĐMST, và CĐS.

Nhận sứ mệnh lớn lao

Định hướng cho Báo phát triển trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng là tờ báo đông người đọc nhất Việt Nam, Bộ trưởng "đặt hàng" một loạt nội dung cho Báo và đề nghị báo cần tập trung quan tâm khi đất nước đang ở vào giai đoạn chuyển mình rất vĩ đại, 100 năm mới có 1 lần.

Theo đó, là tờ báo đứng đầu, “VnExpress phải nhận lấy sứ mệnh lớn hơn. Việc lớn thì sứ mệnh phải lớn hơn. Báo phải nhận lấy sứ mệnh quốc gia để đóng góp đất nước phát triển”.

bt-o-vne-4.jpeg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Báo VnExpress phải trở thành báo điện tử kiểu mới, ảnh hưởng thực sự đến các lĩnh vực KHCN, ĐMST, CĐS.

Bộ trưởng cho rằng, có rất nhiều câu chuyện Báo có thể kể cho bạn đọc như viết về câu chuyện kinh nghiệm giải bài toán ô nhiễm môi trường, già hoá dân số ở Trung Quốc đã hình thành những ngành công nghiệp mới như ngành công nghiệp môi trường, công nghiệp “trắng”, làm tăng trưởng GDP cho quốc gia… Hay, ĐMST đã giúp tăng chi tiêu, cạnh tranh, doanh nghiệp bán được sản phẩm nhiều hơn.

Báo có thể mở các đối thoại, các bình chọn sáng kiến của cộng đồng hay đăng tải những bài toán KHCN để các startup góp phần giải các bài toán này cũng như các bài toán xã hội khác và có thêm nhiều bài viết từ cộng đồng.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Báo VnExpress phải trở thành báo điện tử kiểu mới, ảnh hưởng thực sự đến các lĩnh vực KHCN, ĐMST, CĐS, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ… Báo cũng cần có các bài viết ảnh hưởng đến chính sách, bồi dưỡng cộng đồng về tư duy phản biện, ra quyết định dựa trên lý trí, bằng chứng, dữ liệu trực quan.

“VnExpress phải vượt lên trên thông tin, chuyển sang tri thức nhiều hơn. Báo phải nâng tầm từ việc làm tin khác đi, khác với mạng xã hội và vượt lên trên thông tin”.

Theo Bộ trưởng, Báo đã và đang làm tốt nhưng cần có một số điều chỉnh. Theo đó, Bộ KH&CN tham gia chỉ đạo về tư tưởng, đặt mục tiêu chính trị cho tờ báo rõ hơn trong giai đoạn mới, bám sát các chiến lược phát triển quốc gia, đất nước.

Bộ trưởng giao Báo cần trở thành cơ quan ngôn luận toàn diện của Bộ, đẩy mạnh truyền thông chính sách về KHCN, ĐMST, CĐS và các nhiệm vụ khác…

"Truyền thông chính sách của Bộ phải có trong trọng tâm hoạt động của Báo. VnExpress là cơ quan ngôn luận của Bộ KH&CN nên làm các nội dung trọng tâm của Bộ thật tốt, là điểm nhấn của Báo với tỷ lệ 10% - 15% nội dung của Báo và hơn nữa, góp phần phát triển ngành, đất nước", Bộ trưởng nói.

Báo cần xây dựng các tuyến bài “đinh”, có bản sắc báo chí cách mạng hiện đại, có định hướng, giá trị, truyền cảm hứng, kiến tạo xã hội, phân tích sâu.

Cùng với đó, Báo cần bồi dưỡng đội ngũ phóng viên làm nội dung chính trị một cách phù hợp. “Việc này là không dễ”, theo Bộ trưởng.

Và quản lý kết quả hơn là quy trình

Bộ trưởng cũng đề nghị Báo quản lý kết quả đầu ra (outcomebase) thay vì quy trình. Luật KHCN&ĐMST vừa được Quốc hội thông qua cũng quản lý dựa trên outcome base.

Estonia là một ví dụ điển hình cho việc này. Là nước nhỏ, dân số có gần 1,4 triệu người nhưng quốc gia này có bí quyết để dẫn đầu về KHCN. Đó là KHCN phải dựa trên kết quả đầu ra, sản phẩm, không quan trọng quá trình.

Ngay cả giáo dục phổ thông cũng không có giáo trình chuẩn, không quy định cách dạy, chỉ quy định chuẩn đầu ra. Nên độ sáng tạo của Estonia khác.

Nghề báo là nghề đặc biệt

Chia sẻ về nghề báo với những người làm báo VnExpress, Bộ trưởng cho rằng, nghề báo là nghề đặc biệt nên kén người đặc biệt. Đó là nghề cầm trên tay một lưỡi dao sắc bén - có thể mở đường cho tri thức, sự thật và tiến bộ, nhưng cũng có thể gây tổn thương nếu thiếu thận trọng.

“Sức mạnh của báo chí là rất lớn, nhưng đi cùng với đó là trách nhiệm rất cao, bởi nếu được sử dụng đúng cách, nó sẽ mang lại lợi ích to lớn cho xã hội, còn nếu lạm dụng hoặc thiếu chuẩn mực, hậu quả có thể vô cùng nghiêm trọng”.

bt-7.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sức mạnh của báo chí là rất lớn, nhưng đi cùng với đó là trách nhiệm rất cao.

Báo chí cách mạng ở chỗ tiên phong. Tiên phong là đi đầu. Nghề báo là nghề dấn thân là vì vậy. Báo chí bây giờ không chỉ còn là thông tin mà còn là tri thức. Là phân tích, là tìm ra những viên ngọc trong cả núi thông tin. Trên tri thức là understanding (hiểu biết). Trên understanding là insight (thấu hiểu). Trên insight là Ngộ. Thế có nghĩa là ngoài thông tin còn nhiều cấp độ khác nữa để báo chí khai thác, nhất là khi thông tin bây giờ bị các mạng xã hội lấn sân.

Báo chí không chỉ dùng cây bút, tờ giấy mà còn là công nghệ. Thời đại thay đổi thì công cụ thay đổi. Nghề báo luôn phải dùng các công cụ mới. AI đưa vào báo còn ít. Công cụ không thay đổi nghề mà chỉ giúp làm nghề tốt hơn, ở các cấp độ cao hơn. Nhưng không kịp thời dùng công cụ mới thì nghề có thể bị lấy mất.

Báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi. Báo chí mà dựa trên thị trường hoàn toàn thì có thể bị thị trường hoá, bị thị trường dẫn dắt. Báo chí cách mạng phát triển bền vững thì nhà nước phải nuôi, tức là đặt hàng 20-30%.

Muốn viết hay thì cách duy nhất phải lặn lội xuống cuộc sống. Cây đời thì luôn xanh tươi. Báo chí muốn "xanh tươi" thì phải bám vào đời là vì thế. Nhà báo bây giờ hơi thích lặn lội trên mạng, nhưng nếu muốn đời thì phải ra ngoài kia. Mạng thì thông tin đã thứ cấp rồi.

Muốn viết ngắn thì biết nhiều mới nói một. Không thể viết ngắn được là vì biết 1 mà cứ muốn nói 2 - 3. Muốn viết ngắn thì cũng cần nhiều thời gian suy nghĩ hơn. Nhà toán học Blaise Pascal thế kỷ 17, trong thư gửi một người bạn, đã xin lỗi như sau: "Tôi không có đủ thời gian để viết một bức thư ngắn hơn, nên đã viết dài”.

Báo chí phải kể được câu chuyện hay. Câu chuyện lay động lòng người thì mới đi xa, mới thấm vào nhận thức của người đọc. Mà thay đổi nhận thức mới là mục tiêu của truyền thông. Một câu chuyện hay có thể thay đổi đời người. Thông tin thì chóng bị quên, bị thông tin khác đè lên. Nhưng câu chuyện hay thì không.

Tin tức nhanh thì mạng xã hội tốt hơn báo chí. Nếu là tin xác thực thì báo chí lại tốt hơn. Nếu là phân tích, tạo ra tri thức thì báo chí lại hơn nữa. Vậy là mạng xã hội lấy đi một số thứ để báo chí quay về với nghề chính của mình, quay về với các giá trị cốt lõi của báo chí là xác thực, minh bạch, độc lập, cân bằng, nhân đạo và có trách nhiệm với cộng đồng. Đây là cơ hội để quay về với tuyên ngôn của báo chí cách đy mấy trăm năm.

Con người thì có phần con là bản năng gốc và có phần hướng thiện, hướng người. Báo chí là tập trung vào phần thứ hai của con người. Nó ít vật chất, nhiều tinh thần. Bởi vậy nghề báo theo đúng nghĩa thì khó mà giầu có về vật chất. Làm báo thì nên chấp nhận cái này. Nếu không chấp nhận thì nên chọn nghề khác.

Người hiện đại thì cần thành thạo, như là biết đọc - biết viết, 3 ngôn ngữ: tiếng Việt để giữ gìn bản sắc, tiếng Anh để kết nối với thế giới, và ngôn ngữ số để làm việc, sáng tạo và sống chủ động trong kỷ nguyên số. Nhà báo càng phải như vậy.

Một quốc gia muốn trở thành nước phát triển phải dựa vào sức mạnh tinh thần là chính - tức là năng lực tư duy, khát vọng vươn lên và tinh thần đổi mới sáng tạo trong mỗi người dân. Sức mạnh tinh thần ấy không tự nhiên có, mà được hình thành từ những nhận thức mới về thế giới, về chính mình và về con đường phía trước.

bt-o-vne-2.jpeg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng với tập thể cán bộ nhân viên báo VnExpress.

“Báo chí, với vai trò là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng, có sứ mệnh đặc biệt: Không chỉ phản ánh thực tại, mà còn góp phần định hình nó, bằng cách dẫn dắt dư luận, làm sáng tỏ vấn đề, khơi mở tư duy, thay đổi nhận thức xã hội. Khi nhận thức thay đổi, tư duy đổi mới, thì nguồn lực mới sẽ được khai phóng, từ trí tuệ, sáng tạo, đến niềm tin và hành động. Đó chính là động lực để Việt Nam bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, chủ động và tự tin hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo VnExpress phải trở thành cơ quan báo chí cách mạng hiện đại, truyền cảm hứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO