Truyền thông

"Bảy chuyện kể Gothic" của Isak Dinesen và phong cách dịch độc đáo

PGS. TS Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy 14:35 26/05/2024

Dịch là một trong những lao động khổ công và, do đó, khổ sai. Người dịch chẳng những phải giỏi ngôn ngữ, cả tiếng mẹ đẻ lẫn đích ngữ, mà còn phải am hiểu văn hóa, tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm, nhất là văn phong/Eriture của tác giả. Điều này đòi hỏi một công phu rèn luyện đến mức quá thân thành tác giả thứ hai của tác phẩm.

Dịch - hành trình vạn dặm góp phần tái thiết ngôn ngữ Việt

Ở vào những thời kỳ hệ giá trị văn học cũ rơi vào khủng hoảng, trong khi giá trị thẩm mỹ mới chưa hình thành, thì người ta cần vịn vào văn học thế giới để vượt lên chính mình. Hành trình đổi mới thành công rực rỡ của văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX có thể cô lại thành công thức: Dịch -> phóng tác -> sáng tác.

Tuy nhiên, tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà quy trình này có thể lặn đi một khâu nào đó. Ví như, cuối thế kỷ XVIII – đầu XIX do văn xuôi tiếng Việt chưa phát triển nên các nhà Nho tài tử bỏ qua khâu dịch để phóng tác các tiểu thuyết đô thị Minh Thanh thành các truyện thơ Nôm: Hoa Tiên, Phan Trần, thậm chí cả Truyện Kiều. Còn đầu thế kỉ XXI này thì bỏ qua khâu phóng tác để đến ngay với sáng tác. Ăn cơm mới nói chuyện xưa như vậy, để thấy rõ tầm quan trọng của văn học dịch và dịch văn học hiện nay, nhất là trong lĩnh vực dịch tiểu thuyết.

Dịch là một trong những lao động khổ công và, do đó, khổ sai. Người dịch chẳng những phải giỏi ngôn ngữ, cả tiếng mẹ đẻ lẫn đích ngữ, mà còn phải am hiểu văn hóa, tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm, nhất là văn phong/Eriture của tác giả. Điều này đòi hỏi một công phu rèn luyện đến mức quá thân thành tác giả thứ hai của tác phẩm. Bởi thế, có thể ai cũng dịch được, nhưng không phải ai cũng dịch thành công các tác phẩm khó như của Dostoievsky.

Nếu không tin bạn có thể so sánh hồn cốt Đốt qua các dịch phẩm của Nguyễn Hữu Hiệu, Cao Xuân Hạo, Phạm Mạnh Hùng,… Hơn nữa, một tác phẩm khó dịch không chỉ khó ở nội dung, mà khó hơn nữa ở một ngôn ngữ mới, một tư duy mới. Bởi thế, chuyển ngữ được sang tiếng Việt bản dịch sẽ tham dự vào tiến trình tái thiết ngôn ngữ Việt, dựng xây một văn phạm mới, một tiếng Việt mới.

Đáng tiếc là hiện nay ở Việt Nam có tình trạng đa số các dịch giả thường lảng tránh những văn phẩm hóc búa mà tìm đến các tác phẩm dễ, ít tốn công chuyển ngữ mà lại gặt hái nhiều tiền hơn, như các tiểu thuyết bán chạy. Bởi vậy, tôi rất phục cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm của Nguyễn Tuấn Bình khi anh chọn dịch Bảy Chuyện kể Gothic của Isak Dinesen.

ggggg.jpg

Bảy Chuyện kể Gothic của Isak Dinesen - Một phong cách dịch giả ấn tượng

Bạn đọc có thể đã làm quen với nữ văn sĩ Đan Mạch này trong Châu Phi ngàn trùng của bà qua bản dịch tiếng Việt của Hàn Thế Giang. Hoặc có thể bạn đã xem phim Châu Phi xa mãi chuyển thể từ cuốn hồi ký này.

Nhớ lại, cách đây hơn 10 năm tôi đã đến vùng đất Đông Phi này. Tôi đã kinh ngạc trước cảnh tượng từng chục nghìn con ngựa vằn, trâu rừng, vào mùa khô hạn lũ lượt di cư từ Kenya đến Tanzanya, vượt qua những dòng sông đầy sư tử rình rập trên bờ và đầy cá sấu chờ trực dưới nước. Tôi cũng đã chui vào những túp lều tối om như hang chuột, uống máu ngựa, lấy lửa từ hai thanh gỗ và cầm gậy nhảy múa cùng cùng người Msai.

Nhưng cái nhìn của tôi, dẫu đậm chất Nhân Học thì vẫn cứ là cái nhìn từ ngoài vào ít nhiều nhiễm thói chuộng xa lạ. Trong khi đó Isak Dinesen thì sống cùng/với mảnh đất này đến hàng chục năm trời. Bà nuôi bò, trồng cà phê, tham gia đến tận cùng số phận người bản xứ. Bà đã chứng kiến những xung đột văn hóa giữa da đen và da trắng.

Cuốn hồi ký, tuy vậy, vẫn đầy chất thơ, đầy phong khí lãng mạn xen lẫn những khoảng tối, huyền bí, kì dị. Có thể dịch giả Nguyễn Tuấn Bình, cũng như tôi, bị hấp dẫn bởi Châu Phi ngàn trùng rồi từ đó đi đến Bảy Chuyện kể Gothic, một tác phẩm cực kỳ khó đọc. Như vậy, tuy cùng một tác giả, nhưng hai tác phẩm này là hai thế giới văn học không giống nhau.

Quả vậy, Bảy Chuyện kể Gothic rất khác. Đó là một toà kiến trúc ngôn ngữ đồ sộ, bí hiểm, khó vào, tuy chìa khóa được treo ngay ở nhan đề tác phẩm. Gothic là một phong cách, kiến trúc tôn giáo rất phổ biến ở Châu Âu. Bạn hãy thử nhìn một ngôi nhà thờ đá nặng nề nhưng đã được kiến trúc sư khắc phục cái bản chất ấy của vật liệu để nó như muốn bay lên (thăng thiên). Đặc điểm này khi di thực vào văn chương nhằm chỉ một dòng văn học có tính chất nghịch dị, thậm chí kinh dị, vừa cổ điển, vừa lãng mạn như các truyện ngắn của Edgar Poe, Ác quỷ Dracula của Bram Stoke, hoặc Frankenstein của Mary Shellay.

Và những tòa ngôn ngữ ấy đều bí hiểm nhiều tầng lớp, nhiều hầm ngầm khiến người đọc không dễ thám mã. Bảy Chuyện kể Gothic được Isak Dinesen khởi thảo ở Châu Phi đen huyền bí và kết thúc ở Đan Mạch trắng tuyết. Bản thảo từng bị vài nhà xuất bản tại Anh trả lại, nhưng cuối cùng cũng được một nhà xuất bản nhỏ ở Mỹ nhận in với điều kiện tác giả phải kí bút danh và tác phẩm phải có lời giới thiệu của một tiểu thuyết gia danh tiếng.

Sự đón nhận nhiệt liệt Dinesen tại Mỹ như một tâm sóng lan xa mãi về Châu Âu. Đến mức bà liên tục được đề cử vào Giải Nobel. Nhưng có thể chủ đề và lối viết khó hiểu của Bảy Chuyện kể Gothic không còn là thời thượng nữa nên tên tuổi bà bị từ chối. Năm 1962, bà mất, điều kiện giành giải không còn, thì thư kí hội đồng chấm giải Peter Englund mới thú nhận đó là một sai lầm. Còn Ernest Hemingway Nobel Văn chương 1954 thì viết: “Tôi rất hạnh phúc và sẽ hạnh phúc hơn nếu giải thưởng này được trao cho Isak Dinesen”.

Ngưỡng đọc của người Việt vốn ưa cái đọc dễ, ngại cái đọc khó, từ đó dần dần yêu cái đẹp nho nhỏ, xinh xinh, dễ cảm. Họ đâu biết rằng cái khó cũng có vẻ đẹp của nó, hơn nữa cái đẹp khó thường là phức hợp của nhiều cái đẹp dễ. Tuy nhiên để chiều gu đọc này, nhằm cải hóa nó, Nguyễn Tuấn Bình đã dịch thêm những bình luận đặc sắc từ tác phẩm Để hiểu Isak Dinesen của Susan C.Bratly rồi dán vào đằng sau những Chuyện kể. Hy vọng sợi chỉ Adriane này sẽ giúp bạn đọc vào sâu được mê cung Dinesen và không lạc lối ra.

Trước đây, khi viết tựa cho cuốn sách đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Ngọc Hiến có chúc anh không thuận buồn xuôi gió. Đương khi mỗi truyện ngắn của Thiệp đều gây bão dư luận, thì lời Hiến có vẻ như một điềm gở. Có thể đó là một lời chúc kiểu giải xui “đến một chiếc lông cũng chẳng được” của người xưa với một người thợ săn trước khi anh ta cầm vũ khí bước vào rừng. Hoặc cũng có thể Hiến thật lòng muốn Thiệp gặp nhiều trở ngại để anh có điều kiện trải nghiệm và trưởng thành. Cùng với ý nghĩa ấy, tôi dành cho Nguyễn Tuấn Bình trước khi anh lên đường dịch - phản./.

Bài liên quan
  • Dịch giả trẻ Việt say mê đọc và dịch sách lịch sử Hy Lạp
    Anabasis là cuốn tự truyện nổi tiếng của Xenophon sẽ đến với độc giả Việt Nam vào trung tuần tháng 12/2022. Cuốn sách mang những thông điệp ý nghĩa lớn lao về nghệ thuật lãnh đạo và tổ chức mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Sách do dịch giả trẻ Ngô Gia Thiên An dịch, NXB Đà Nẵng và Công ty Book Hunter ấn hành.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
"Bảy chuyện kể Gothic" của Isak Dinesen và phong cách dịch độc đáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO