Bến Tre đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống thiên tai

T.H| 19/10/2021 14:33
Theo dõi ICTVietnam trên

Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã và đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp chủ động phòng, chống thiên tai được dự báo có khả năng sẽ diễn biến phức tạp trong các tháng cuối năm, đặc biệt là công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ và chủ động các biện pháp ứng phó hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Thiên tai xảy ra liên tục ảnh hưởng đến đời sống nhân dân

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Bến Tre, công tác khắc phục thiên tai đang được tiến hành do thời gian qua, mưa to kèm theo giông lốc và triều cường dâng cao đã gây thiệt hại nhiều nhà dân, sạt lở nhiều khu vực ảnh hưởng đến tài sản và cuộc sống của người dân tại địa phương.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, mưa to kết hợp với triều cường đã làm sạt lở đoạn bờ bao từ Trại Thủy sản đến cầu Cái Tre thuộc ấp Long Khánh, xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách) chiều dài khoảng 25m, lấn sâu vào đất liền 5m.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bến Tre, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam kết hợp mưa to kèm theo dông lốc từ đầu năm đến nay đã gây thiệt hại 18 căn nhà ở (sập hoàn toàn 3 căn; hư hỏng, tốc mái 15 căn) trên địa bàn các huyện Giồng Trôm, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Ba Tri và TP. Bến Tre.

Ngoài ra, tình hình sạt lở bờ sông Bến Tre trên địa bàn TP. Bến Tre ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân. Vào đầu tháng 7/2021, UBND TP. Bến Tre đã tổ chức đoàn khảo sát và ghi nhận đoạn sạt lở dài trên 1.000m. Sạt lở làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích đất khoảng 17ha của 18 hộ dân và tuyến đường đường giao thông tại địa phương...

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, chính quyền, đoàn thể địa phương đã đến thăm hỏi, động viên các hộ bị ảnh hưởng, đồng thời tổ chức vận động kinh phí để tiếp tục hỗ trợ cho người dân. Ban Chỉ huy PCTT các địa phương của Bến Tre cũng đã huy động nhân lực, vật lực theo phương châm 4 tại chỗ nhằm khắc phục kịp thời.

Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre, trong vòng 5 năm trở lại đây, toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở với khoảng 120 km bờ sông và 20 km bờ biển bị sạt lở gây hư hại nhà ở, mất đất, rừng phòng hộ và an toàn của hàng trăm hộ dân. Ngoài ra, tình hình giông bão, áp thấp nhiệt đới, giông lốc… thường xuất hiện trong mùa mưa hàng năm gây hư hại nhà ở, cây cối, hoa màu của người dân và ảnh hưởng đến các công trình công cộng phục vụ dân sinh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, hiện Bến Tre có 157/157 xã, phường, thị trấn thành lập lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, với khoảng 15.096 người; trong đó, lực lượng dân quân tự vệ đóng vai trò nòng cốt.

"UBND tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh rà soát, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng huy động khi có tình huống thiên tai xảy ra. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi, UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, khắc phục kịp thời sự cố công trình, đảm bảo an toàn các trọng điểm đê điều, công trình thủy lợi trong mùa mưa bão"- Phó Chủ tịch Nguyễn Minh Cảnh chia sẻ.

Bến tre - đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống thiên tai - Ảnh 1.

Bến Tre triển khai thi công các dự án khẩn cấp về sạt lở bờ sông, bờ biển.

Tập trung tuyên truyền về việc tăng cường công tác PCTT và TKCN

Để nâng cao kiến thức về PCTT cho người dân, Sở Thông tin và Truyền thông Bến Tre đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí trong tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở tập trung tuyên truyền các hoạt động phòng tránh thiên tai, lụt bão; sẵn sàng ứng phó với thiên tai nhằm bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thiệt hại, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp.

Theo đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục tập trung tuyên truyền các hoạt động triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1107/CĐ-TTg ngày 31/8/2021 và Công văn số 1100/TTg-NN ngày 23/8/2021 của Chính phủ về việc chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Công văn số 928-CV/TU ngày 26/7/2021 về việc tăng cường công tác PCTT và TKCN; chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh tại Công văn số 5058/UBND-KT ngày 24/8/2021 về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó thiên tai.

Đồng thời, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống thiên tai; kịp thời vận động, hỗ trợ thiệt hại để giúp người dân sớm ổn định đời sống, sản xuất (nếu bị ảnh hưởng).

Thông qua tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức đối với các cấp uỷ, chính quyền địa phương và nhân dân trong việc chủ động ứng phó với tình hình thiên tai trong mùa mưa bão, triều cường những tháng cuối năm 2021; tăng cường cảnh giác, tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ đầu những hư hỏng của hệ thống đê bao; bờ bao (nhất là tuyến đê bao các cồn), cống dưới đê, khu vực đã, đang có nguy cơ bị sạt lở... quyết không để xảy ra trường hợp vỡ đê.

Bên cạnh đó, địa phương cần chủ động sơ tán, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng khi xảy ra tình huống triều cường, ngập úng, sạt lở, bão, áp thấp nhiệt đới,... để đảm bảo an toàn; hệ thống thông tin cơ sở địa phương thường xuyên cập nhật, thông tin về diễn biến tình hình mưa bão, triều cường đến các cấp chính quyền địa phương và người dân để chuẩn bị phòng tránh, ứng phó.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO