Bí thư Hải Dương: Chuyển đổi số giúp kinh tế tăng trưởng bất chấp dịch bệnh

Hoài Anh | 05/02/2022 13:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Nông nghiệp Hải Dương tăng cao thứ hai cả nước. Nông sản lên sàn điện tử, xuất khẩu bất chấp dịch. Có được điều này một phần nhờ Hải Dương tích cực thực hiện kinh tế số.

Ứng dụng chuyển đổi số đang là động lực cho tỉnh Hải Dương mở ra chìa khoá phát triển kinh tế trong năm 2022 và thời gian tới. PV VietNamNet đã có cuộc trò chuyện Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăngvề hướng đi này của tỉnh.

PV: Thưa ông, ngay trong cao điểm dịch Covid-19, Hải Dương đã kết hợp với Vỏ sò, Postmart tiêu thụ tốt nông sản bị ùn ứ cho bà con, điều này gợi ý thêm những gì cho tỉnh trong việc chuyển đổi số, tạo thêm dư địa phát triển trong thời gian tới?

Ông Phạm Xuân Thăng: Với tinh thần “vượt khó - tăng tốc”, Hải Dương năm 2021 đã đạt và vượt 11/14 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tổng giá trị sản phẩm ước đạt 8,6% cả năm (xếp thứ 4 trong Vùng đồng bằng sông Hồng, thứ 8 trong cả nước), thu ngân đạt 21.046 tỷ đồng (vượt dự toán 61,93%).

Sản xuất nông nghiệp của Hải Dương tăng cao, giá trị sản xuất ước đạt trên 20.308 tỷ, tăng 6,9% so với năm 2020 (đứng thứ 2 toàn quốc).

Nhờ ứng dụng công nghệ cao và thực hiện quy trình sản xuất an toàn nên Hải Dương đã có trên 100 sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm đạt chuẩn cao, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Mặc dù bị tác động rất lớn của dịch bệnh nhưng nhờ ứng dụng chuyển đổi số đã thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản rất mạnh mẽ.

Việc đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên các nền tảng số, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử đã giúp cho nông sản Hải Dương được tiêu thụ tốt, thậm chí tăng giá.

Bí thư Hải Dương: Chuyển đổi số giúp kinh tế tăng trưởng bất chấp dịch bệnh - Ảnh 1.

Lãnh đạo các bộ, ngành về dự lễ xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản

Đơn cử vụ vải thiều năm 2021 vừa qua, quả vải thiều đặc sản của Hải Dương đã vượt dịch lên các sàn, ra thị trường thế giới với giá bán rất cao. Vải xuất khẩu đi Trung Quốc, Lào, Campuchia: 25.000 tấn, xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU, Singapore, Thái Lan,... khoảng 2.000 tấn.

Giá trị kinh tế đem lại cho các hộ trồng vải là 1.478 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2020. Cùng với đó, số hoá kinh tế nông nghiệp góp phần lan tỏa thương hiệu một đặc sản nổi tiếng của Hải Dương rộng khắp cả trong và ngoài nước.

Bí thư Hải Dương: Chuyển đổi số giúp kinh tế tăng trưởng bất chấp dịch bệnh - Ảnh 2.

Hải Dương đang xây dựng chính quyền số đến toàn dân

Từ những kết quả bước đầu cho thấy, để thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế cần sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, dẫn dắt chuyển đổi số ở nông thôn, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho người dân.

Chuyển đổi số là làm mạnh ngay khâu ứng dụng khoa học công nghệ và và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu; cùng với đó cần phải thu hút được sự đầu tư của các doanh nghiệp.

PV: Hải Dương đặt nhiều mục tiêu lớn trong việc chuyển đổi số để tăng trưởng nhanh, bền vững. Ngay trong năm 2022, tỉnh đặt chỉ tiêu kinh tế số chiếm 20% tổng thu nhập trên địa bàn. Xin ông cho biết tỉnh sẽ làm gì để đạt được mục tiêu trên?

Ông Phạm Xuân Thăng: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Hải Dương đã lựa chọn con đường phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số. Gọi tắt là Xanh - Số.

Phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm của tỉnh. Trong đó, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của tỉnh trước mắt cũng như lâu dài.

Bí thư Hải Dương: Chuyển đổi số giúp kinh tế tăng trưởng bất chấp dịch bệnh - Ảnh 3.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ghi nhận Hải Dương có nhiều nỗ lực vượt dịch phát triển kinh tế

Vào tháng 3/2021, Hải Dương là tỉnh đầu tiên đã ban hành nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số.

Với mục tiêu, tới năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GRDP, từng bước hình thành đồng bộ cả 3 trụ cột: kinh tế số, chính quyền số, xã hội số.

Để cụ thể hoá các mục tiêu đó, Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch và các giải pháp để thực hiện. Cụ thể vừa qua, Hải Dương đã ký thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 với Tập đoàn FPT với 7 chương trình hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực.

Đáng chú ý, doanh nghiệp sẽ phối hợp với địa phương, đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện các bộ chỉ số như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI index); chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); chỉ số cải cách hành chính (PAR index); chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) để tìm ra những giải pháp thúc đẩy triển khai chuyển đổi số cho tỉnh Hải Dương.

Bí thư Hải Dương: Chuyển đổi số giúp kinh tế tăng trưởng bất chấp dịch bệnh - Ảnh 4.

Nhiều cuộc hội thảo về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong tỉnh

Trước mắt sẽ triển khai các chương trình đào tạo cho các cấp lãnh đạo, cán bộ công chức, cán bộ viên chức, các doanh nghiệp/hộ kinh doanh/người dân trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số

Hải Dương sẽ đầu tư xây dựng hệ thống giáo dục đào tạo nguồn nhân lực từ bậc trung học phổ thông đến cao đẳng và hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, an toàn thông tin bậc đại học.

Chuyển đổi số sẽ đi sâu vào các chính sách về an sinh xã hội, trong đó có chương trình hỗ trợ smartphone giá rẻ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo...

PV: Nhìn vào thực tại, hiện tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tổng số thủ tục hành chính của tỉnh còn rất thấp so với mức trung bình cả nước. Hạ tầng công nghệ số ở cấp xã, phường còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn nhân lực nội bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương chuyên trách về ứng dụng công nghệ thông tin, trong chuyển đổi số còn hạn chế. Tỉnh sẽ tính toán những bước đi cụ thể thế nào trong đẩy mạnh chuyển đổi số trên bối cảnh đó thưa ông?

Ông Phạm Xuân Thăng: Đây là kết quả bước đầu, tuy nhiên vẫn chưa có sự chuyển biến mang tính bức phá.

Cụ thể, chỉ số ứng dụng nội bộ trong các cơ quan nhà nước của tỉnh xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số về thực hiện dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trên cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia xếp thứ 52/63. Số lượng thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 4 còn thấp.

Nguyên nhân chủ yếu là do công tác tuyên truyền về lợi ích của việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến chưa được coi trọng; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các sở, ngành và ủy ban nhân dân cấp huyện chưa quyết liệt. Một số cán bộ còn gây cản trở, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.

Bí thư Hải Dương: Chuyển đổi số giúp kinh tế tăng trưởng bất chấp dịch bệnh - Ảnh 5.

Năm 2021, vải thiều Hải Dương tăng trưởng cả về chất lượng và sản lượng

Thời gian tới, Hải Dương sẽ khẩn trương triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giúp giảm thời gian, chi phí, tăng tính công khai, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Các cấp chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc triển khai và xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Quyết tâm triển khai có hiệu quả các thủ tục hành chính đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đảm bảo 100% hồ sơ được thực hiện trực tuyến. Đến hết năm 2021, đạt mức trung bình chung của cả nước về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, mỗi năm tiếp theo phấn đấu tăng 20% để đến năm 2025 đạt 80% .

Tỉnh ban hành danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giao chỉ tiêu cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Lấy đây là tiêu chí chấm điểm cải cách hành chính hằng năm và là cơ sở đánh giá năng lực, trách nhiệm của người lãnh đạo.

Trước hết, Hải Dương lựa chọn 314 thủ tục hành chính giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 có đủ điều kiện hơn, có tiêu chí phù hợp để lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Nghiên cứu giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được giảm 50% phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính và phí dịch vụ bưu chính công ích trong thời gian 2 năm.

Bí thư Hải Dương: Chuyển đổi số giúp kinh tế tăng trưởng bất chấp dịch bệnh - Ảnh 6.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan kiểm tra mã vạch trên sản phẩm của Hải Dương

Hải Dương lưu ý rà soát, bố trí kinh phí, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tổ chức triển khai thực hiện tốt số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và tăng cường sử dụng chữ ký số.

Chỉ đạo Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã bố trí cán bộ có trình độ, năng lực để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện số hóa hồ sơ ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính.

Bí thư Hải Dương: Chuyển đổi số giúp kinh tế tăng trưởng bất chấp dịch bệnh - Ảnh 7.

Cà rốt xuất khẩu sang tây Âu đầu năm 2022 nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Đồng thời, phải giảm tối thiểu 20% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với thời gian đang được quy định thực tế để khuyến khích, động viên người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Thành lập Tổ giúp việc triển khai xây dựng 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

PV: Thời gian qua, Hải Dương từng là tâm dịch của cả nước. Vượt qua dịch bệnh, chắc chắn Hải Dương đã đúc rút ra nhiều bài học cho việc phát triển kinh tế- xã hội cũng như phòng chống dịch trong thời gian tới. Ông có thể cho biết đâu là bài học sâu sắc nhất có thể áp dụng cho việc đẩy mạnh chuyển đổi số ở Hải Dương?

Ông Phạm Xuân Thăng: Từ những bước đi đầu tiên rất thuyết phục của ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp đã giúp cho chúng tôi rút ra được bài học kinh nghiệm sâu sắc.

Đó là chuyển đổi số là một xu thế tất yếu trong các hoạt động kinh tế - xã hội, cần phải nhanh chóng nắm bắt lấy thời cơ phát triển do chuyển đổi số mang lại.

Bí thư Hải Dương: Chuyển đổi số giúp kinh tế tăng trưởng bất chấp dịch bệnh - Ảnh 8.

Cà rốt Hải Dương trở thành sản phẩm bán chạy ở nước ngoài, giá cao bất chấp dịch

Thực tế tại tỉnh chúng tôi cho thấy, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu tạo ra những giá trị gia tăng mới; làm cho năng suất lao động tăng lên, đồng thời chất lượng sản phẩm cũng được quản lý chặt chẽ và nâng cao theo. Chuyển đổi số chắp cánh cho sản phẩm bay xa, dẫu dịch bệnh Covid-19 gây ra muôn vàn khó khăn.

Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng.

Kinh tế số cho phép mỗi người dân có thể tiếp cận toàn bộ thị trường một cách nhanh chóng theo cách chưa từng có; xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống.

Bí thư Hải Dương: Chuyển đổi số giúp kinh tế tăng trưởng bất chấp dịch bệnh - Ảnh 9.

Cà rốt Hải Dương đầu vụ tăng giá, đầu năm 2022 tỉnh đã xuất 625 tấn sang Hàn

Như vậy, có thể nhận thấy vai trò vô cùng quan trọng của chuyển đổi số; nó không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới.

Nó tạo ra các giá trị khác biệt, tạo "bứt phá" trong chính những thách thức đòi hỏi phải vượt lên.

Bí thư Hải Dương: Chuyển đổi số giúp kinh tế tăng trưởng bất chấp dịch bệnh - Ảnh 10.

Mặc chuỗi cung cầu bị đứt, vải Hải Dương vượt dịch ra thế giới, lên sàn thương mại điện tử

Chúng tôi yêu cầu mỗi người cán bộ lãnh đạo, người dân Hải Dương phải nâng cao hiểu biết, nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của kinh tế số.  Con người là trung tâm.

Bài học sâu sắc nhất để Hải Dương có thể thực hiện thành công chuyển đổi số, ngoài chính sách ra thì còn cần nhân tố con người.

Chúng tôi đã phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong toàn Đảng bộ và rộng khắp nhân dân.

Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Ngành TT&TT vươn mình trong kỷ nguyên mới
    Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, các xếp hạng lĩnh vực TT&TT của Việt Nam đang có thứ hạng cao và nhiều thứ hạng trong top đầu thế giới. Do vậy, Ngành TT&TT cần tiếp tục phát huy trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
  • Xu thế công nghệ trong An ninh mạng năm 2025
    Giám đốc công nghệ VSEC - Ông Phan Hoàng Giáp nhận định “Trong bức tranh của năm 2025, các xu thế như trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng bảo mật Cloud Native (Cloud Native Application Protection Platform - CNAPP) được dự báo sẽ chi phối ngành an ninh mạng”.
  • Báo chí - Truyền thông Việt Nam 2024: Nhìn từ hai thái cực
    Năm 2024, báo chí - truyền thông Việt Nam tiếp tục đứng trước những cơ hội và thách thức mang tính bước ngoặt.
  • Đông Nam Á có thể nắm bắt cơ hội từ hàng tỷ USD đầu tư vào đám mây và AI?
    Các hãng công nghệ lớn đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI). Nhưng để khai thác tối đa dòng vốn này, các quốc gia trong khu vực cần giải quyết khoảng cách về kỹ năng số và thách thức về lượng khí thải carbon.
  • FPT tự động hóa quy trình ngân hàng bằng robot ảo cho VietinBank
    VietinBank và FPT đã chính thức khởi động dự án triển khai tự động hóa các quy trình nghiệp vụ bằng giải pháp akaBot. Hợp tác đánh dấu sự chuyển mình của VietinBank trong việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như Robotics và AI.
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Hải Dương: Chuyển đổi số giúp kinh tế tăng trưởng bất chấp dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO