Thời gian trẻ em dùng mạng xã hội ngày càng nhiều
Theo khảo sát mới đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trẻ em sử dụng Internet ngày càng nhiều. Trong 3 tháng khảo sát, có 89% trẻ em truy cập và sử dụng Internet, trong số này, 87% là sử dụng Internet hàng ngày. Ngoài thời gian dành cho việc học, trung bình trẻ em thường sử dụng từ 5 - 7 tiếng/ngày vào mạng xã hội (MXH).
Mặc dù, Internet và MXH đem lại cho trẻ em nhiều giá trị tích cực, giúp các em có thể tìm hiểu, khám phá thế giới một cách dễ dàng, gặp gỡ, giao lưu được với nhiều người, chia sẻ tình cảm, thông tin... tuy nhiên, sử dụng MXH nhiều cũng đi kèm với đó là những vấn đề tiêu cực cho trẻ em như tiếp cận với thông tin giả; truy cập vào những nội dung xấu độc; nghiện sử dụng MXH…
Với nhiều nguy cơ tiềm ẩn như vậy, nhưng theo kết quả khảo sát, chỉ 36% trẻ em, hầu hết ở độ tuổi 16 - 17, được dạy về việc đảm bảo an toàn trên không gian mạng.
Theo thống kê từ Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, các cuộc gọi tư vấn, hỗ trợ liên quan đến không gian mạng đã tăng trong thời gian gần đây. Cụ thể, năm 2021 có 422 cuộc gọi, trong 7 tháng năm 2022 có gần 270 cuộc gọi cần tư vấn chủ yếu liên quan tới 3 nhóm vấn đề lớn như tư vấn về xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng (31%); nhóm vấn đề về cách sử dụng Internet an toàn (chiếm 31,3%); nhóm vấn đề tư vấn khi trẻ em bị dụ dỗ, gạ gẫm trên mạng (chiếm hơn 7%).
Trước thực tế trẻ em sử dụng Internet ngày càng gia tăng, chia sẻ tại "Hội nghị tập huấn bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng", bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho rằng việc cấm đoán trẻ em không dùng Internet không còn phù hợp.
Để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, trong thời gian tới cần tăng cường vai trò của gia đình, cha mẹ và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn, biết cách nên và không nên khi sử dụng các tiện ích, ứng dụng trên mạng cũng như cách nhận biết các thông tin, video clip độc hại, không phù hợp, cách kiểm soát thông tin cá nhân.
Biện pháp "mềm" và công nghệ để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Cùng chia sẻ tại Hội nghị tập huấn, bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ TT&TT cho biết: "Để có thể bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng, chúng ta phải hiểu tâm lý theo từng độ tuổi của trẻ. Với độ tuổi nào nhu cầu sử dụng Internet là hợp lý và hiểu những rủi ro có thể xảy ra đối với từng độ tuổi để trang bị cho trẻ những kỹ năng phù hợp với từng độ tuổi đó".
Theo các chuyên gia tâm lý, độ tuổi trẻ em được quy định là dưới 16 tuổi và có 3 giai đoạn chính (giai đoạn 0 - dưới 6 tuổi, giai đoạn 6 - dưới 11 tuổi, và 11 - 16 tuổi). Tương ứng mỗi độ tuổi khác nhau thì nhu cầu sử dụng Internet cũng sẽ khác nhau.
Cụ thể, đối với giai đoạn 0 - dưới 3 tuổi, các chuyên gia khuyến khích trẻ em không cần và không nên tiếp xúc với các thiết bị số dù với bất kỳ lý do gì. Đây là giai đoạn trẻ cần được sự quan tâm, yêu thương, tương tác thực tế, để phát triển ngôn ngữ, giao tiếp, vận động. Giai đoạn 3 - dưới 6 tuổi, trẻ có nhận thức muốn khám phá thế giới xung quanh một cách nhanh chóng, tiếp xúc với xung quanh bằng các giác quan khác nhau, phát triển ngôn ngữ. Đây được coi là độ tuổi vàng để phát triển trí tuệ, kỹ năng cho trẻ.
Về cơ bản giai đoạn dưới 6 tuổi, trẻ em cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với Internet và các thiết bị số. Tuy nhiên, thời đại ngày nay ít cha mẹ có thể làm được điều đó. Đối với giai đoạn này, trẻ sử dụng Internet sẽ thường gặp 2 rủi ro chính đó là vô tình tiếp cận thông tin không phù hợp, nội dung độc hại; vô tình rò rỉ, lộ, mất thông tin.
Bà Hoa cho biết, để trẻ trong giai đoạn này có thể tham gia môi trường Internet một cách an toàn thì bố mẹ nên thiết lập tài khoản trên mạng cho trẻ và kết nối với tài khoản bố mẹ; Thiết lập thời gian tiếp xúc màn hình vời thời lượng không quá 1 giờ/ngày; và có những biện pháp quản lý hành vi rủi ro.
Giai đoạn từ 6 - dưới 11 tuổi, đây là lứa tuổi trẻ em đã bắt đầu học tập và tìm hiểu tương tác trên môi trường mạng trong một giới hạn nhất định, bắt đầu hình thành các kỹ năng số.
Đối với giai đoạn này, rủi ro trẻ thường gặp nhất là: Rò rỉ, lộ lọt thông tin cá nhân; Tiếp cận thông tin không phù hợp, nội dung độc hại; Bị kết bạn xấu; Bắt nạt trên mạng; Xâm hại tình dục trên môi trường mạng.
Theo đó, với giai đoạn này bố mẹ có thể thiết lập quy tắc sử dụng Internet cùng với con (bao nhiêu giờ mỗi ngày, chỉ vào những trang web nào); Đào tạo, hướng dẫn trẻ nhận biết rủi ro trên môi trường mạng và biện pháp phòng tránh; Cài đặt một số ứng dụng theo dõi, giám sát, hỗ trợ phát hiện các nội dung độc hại và hành vi có thể gây nguy hiểm.
Giai đoạn tiền trưởng thành (11-16 tuổi): Đây là giai đoạn tuổi "teen", trẻ rất muốn tự khẳng định, tự chứng minh vị trí của mình trên tất cả các lĩnh vực, thường khó thừa nhận hành vi sai trái và muốn chứng minh bản thân nhiều hơn. Giai đoạn này trẻ sẽ bắt đầu rõ ràng hơn trong việc hình thành các kỹ năng số.
Trong độ tuổi này, rủi ro trẻ thường gặp khi tham gia không gian mạng như: Rò rỉ, lộ lọt thông tin cá nhân; Tiếp cận thông tin không phù hợp, nội dung độc hại; Bị kết bạn xấu, bắt nạt, xâm hại tình dục trên môi trường mạng; Nghiện Internet, nghiện game; Selfie và livestream không an toàn cũng là một trong những rủi ro; tham gia các thử thách nguy hiểm; Tin giả, tin sai sự thật…
Trẻ em thuộc giai đoạn này thường đã có một số những kỹ năng và hiểu biết nhất định về không gian mạng, tuy nhiên trẻ cũng bắt đầu có xu hướng thể hiện và chứng minh bản thân nhiều hơn, do đó trẻ trong giai đoạn này cũng cần được trang bị những kỹ năng về quản lý danh tính số như biết sử dụng danh tính số an toàn, phân biệt được đâu là sống ảo, đâu là sống thật, hạn chế chia sẻ những thông tin cá nhân quan trọng.
Đồng thời trao quyền cho trẻ tự quản lý quyền riêng tư; tự cài đặt mật khẩu. Đối với trẻ trong giai đoạn này, bố mẹ cũng cần thống nhất với con về thời gian sử dụng Internet phù hợp và giai đoạn này trẻ có thể tự độc lập quản lý rủi ro như nhận biết, biết cách phòng tránh, có tư duy phản biện và có khả năng báo cáo tìm kiếm nhờ sự trợ giúp khi phát hiện ra hành vi xâm hại trên không gian mạng.
Đặc biệt, trẻ em thuộc giai đoạn này thường khá nhạy cảm, do đó các chuyên gia cũng khuyến nghị cha mẹ là nên tôn trọng quyền sử dụng Internet của trẻ; Dạy trẻ cách thức đảm bảo an toàn tại nhà; Đồng hành tìm cách giải quyết khi trẻ gặp phải các tình huống xấu.
Rõ ràng, để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, cha mẹ cần là những người "gác cổng", áp dụng các biện pháp để chủ động bảo vệ các em. Tuy nhiên, bên cạnh những biện pháp "mềm" thì cha mẹ cũng nên tận dụng sự hỗ trợ của công nghệ tiến tiến để việc bảo vệ các em một cách hiệu quả nhất trước các tác động xấu của không gian mạng./.