Theo báo cáo, trong năm 2017, cả nước đã thành lập 22 ngàn 500 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 625 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết quả, các đoàn đã phát hiện gần 124 ngàn cơ sở vi phạm, chiếm 19,8%; đã xử lý hành chính 36 ngàn cơ sở với số tiền trên 61 tỷ đồng. Điều đáng mừng, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản, tỷ lệ đạt yêu cầu tăng từ 91% (năm 2016) lên 97,3% (năm 2017).
Đáng chú ý, qua kiểm tra gần 10.000 mẫu tại các chợ, cơ sở giết mổ trong cả nước, đến thời điểm này ngành chức năng chưa phát hiện có chứa chất cấm; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chiếm 0,06%, giảm 2,05% so với năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ vi phạm chỉ tiêu vi sinh chiếm hơn 26 % số mẫu được kiểm tra, so với mức 9,3% của năm 2016. Qua đó cho thấy tình hình vi phạm vệ sinh ATTP vẫn còn nhiều phức tạp, nhất là cao điểm cuối năm, các tỉnh, thành không được lơ là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ở Bình Dương, nhằm tăng cường quản lý vệ sinh ATTP dịp cuối năm và tết nguyên đán cổ truyền, lực lượng kiểm tra liên ngành triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ tháng 12 kéo dài sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Cuối năm là thời điểm lưu lượng hàng hóa tăng nhanh, nhất là thực phẩm phục vụ người dân trong dịp cuối năm. Việc thường xuyên giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ giúp doanh nghiệp làm ăn có trách nhiệm hơn với cộng đồng, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới.