Bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982)”

Lương Thị Thanh Mai| 08/11/2018 16:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ tem kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982) nhằm tôn vinh cống hiến của ông trong nền văn học Việt Nam.

Nguyên Hồng tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 05/11/1918 tại thành phố Nam Định. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, ông  mồ côi cha từ năm 12 tuổi, mẹ đi bước nữa và sống nhờ vào họ hàng. Vốn là người rất nhạy cảm, dễ xúc động, ông cảm thông, chia sẻ những nỗi khổ đau, oan trái với những con người cùng khổ, bất hạnh trong gia đình và cả ngoài xã hội.

Năm 16 tuổi khi mới học hết bậc tiểu học, ông cùng mẹ ra Hải Phòng kiếm sống trong các xóm chợ nghèo, rồi về Thủ đô Hà Nội công tác và cuối cùng Nguyên Hồng vẫn là người “dứt áo” khỏi chốn thị thành thực hiện cuộc “xê dịch” cuối cùng về Bắc Giang.

Có thể nói, Hải Phòng đã trở thành quê hương thứ 2 của ông. Hải Phòng đã chứng kiến những năm tháng hàn vi nhất của cuộc đời. Hải Phòng là nơi tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến nghiệp văn chương của ông.

Đất lạ đã hóa quê hương. Mảnh đất, con người đất Cảng đã thấm vào ông tới từng mạch máu để làm nên một Nguyên Hồng nhân hậu, giản dị, thẫm đẫm tình người, tình đời. Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời dâu bể, nhưng cũng chính ở mảnh đất đầy sóng gió này đã găm neo, bền chặt trong tâm hồn ông những giá trị nhân văn. Nguyên Hồng như thuộc về mảnh đất này với từng gương mặt, thân phận con người nơi đây như thể từng con đường, hẻm phố, ga tàu, bến sông, xóm thợ nghèo ở thành phố cửa biển đã trong ông máu thịt để rồi nó chiết xuất thành trang đời, trang văn.

Nguyên Hồng bắt đầu viết văn từ năm 1936 với truyện ngắn "Linh Hồn" đăng trên Tiểu thuyết thứ 7. Đến năm 1937, ông thực sự gây được tiếng vang trên văn đàn với tiểu thuyết Bỉ Vỏ. Tiểu thuyết Bỉ Vỏ là bức tranh xã hội sinh động về thân phận những "con người nhỏ bé dưới đáy" như Tám BínhNăm Sài Gòn...

Nguyên Hồng tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ (1936-1939) ở Hải Phòng. Tháng 9/1939, ông bị mật thám bắt và bị đưa đi trại tập trung ở Bắc Mê (Hà Giang). Năm 1943, Nguyên Hồng tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc bí mật cùng với Nam CaoTô HoàiNguyễn Huy Tưởng... Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam năm 1957. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông là "Núi rừng Yên Thế".

Nguyên Hồng qua đời ngày 02/5/1982 tại Tân Yên (Bắc Giang). Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

Việc phát hành bộ tem Kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982) sẽ góp phần tôn vinh những cống hiến của ông đối với nền văn học, nghệ thuật Việt Nam và đối với nền văn hóa Việt Nam.

Bằng ngôn ngữ hội họa đặc trưng và sự phối mầu chặt chẽ, họa sỹ thể hiện nổi bật ở trung tâm mẫu tem là hình ảnh chân dung nhà văn Nguyên Hồng, nền tem là bến sông Tam Bạc (Hải Phòng), nơi ông đã từng gắn bó và là nguồn cảm hứng cho những tác phẩm như “Bỉ vỏ”, “Sóng gầm”, “Núi rừng Yên Thế”... ra đời.

Bộ tem do họa sỹ Tô Minh Trang (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế và được phát hành ngày 05/11/2018./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982)”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO