Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sửa đổi Nghị định để quản lý nền tảng xuyên biên giới

Thu Hằng - Trần Thường| 10/11/2020 15:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Netflix vi phạm quy định pháp luật Việt Nam. Để quản lý các nền tảng xuyên biên giới, Bộ TT&TT đã, đang làm nhiều việc, trong đó có việc sửa Nghị định về quản lý cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Tại phiên chất vấn sáng 10/11, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời câu hỏi của ĐBQH liên quan đến công tác quản lý truyền hình trả tiền.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu, một số DN kinh doanh các kênh truyền hình trả tiền than phiền, các kênh truyền hình trong nước bị quản lý về nội dung, kiểm duyệt rất chặt chẽ, các khoản thuế phí cũng quản lý chặt chẽ nhưng các kênh truyền hình nước ngoài thì hầu như thả nổi.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sửa đổi Nghị định để quản lý nền tảng xuyên biên giới - Ảnh 1.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)

"Họ mong muốn có sự công bằng, vì dẫu sao chúng ta cũng phải ưu tiên cho nội lực Việt Nam", ĐB Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề này đến Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện.

Bảo hộ ngược

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận,  ĐB Trương Trọng Nghĩa đã nói về một câu chuyện cũng khá bức xúc, nhiều người nói "bảo hộ ngược". Tức là, DN Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế cũng như luật pháp. Trong khi đó, một số nền tảng xuyên biên giới không thuế, không luật pháp, cạnh tranh không công bằng... Cụ thể, lĩnh vực truyền hình trả tiền cũng như vậy.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, Việt Nam có 35 DN cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, với khoảng 14 triệu thuê bao và doanh thu một năm khoảng 9.000 tỷ đồng. Dự đoán, tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới hiện nay như Netflix, Apple TV hoặc Buy TV của Trung Quốc, đang cung cấp tại Việt Nam khoảng 1 triệu thuê bao và doanh thu đã tiến dần tới con số 1.000 tỷ.

Trong khi, các DN cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trong nước cơ bản phải tuân thủ các quy định về cấp phép, biên tập nội dung, nộp phí đóng thuế và quý 1/2020 thì giảm thuê bao, giảm khoảng gần 1 triệu thuê bao truyền hình truyền thống.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sửa đổi Nghị định để quản lý nền tảng xuyên biên giới - Ảnh 2.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Còn DN nước ngoài chưa phải thực hiện các quy định pháp luật Việt Nam và năm 2020 cũng tăng trưởng mạnh. Thuê bao của Netflix, riêng quý 1/2020 tại Việt Nam tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Netflix đúng là có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam, như pháp luật về báo chí, điện ảnh, trẻ em. Cụ thể là phản ánh sai lịch sử như loạt phim về chiến tranh Việt Nam, xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Hay phim Madam Secretary, có nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm", Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng dẫn chứng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các giải pháp cần phải làm nhanh là sửa đổi Nghị định số 06 năm 2016 về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Nghị định này Bộ TT&TT đã soạn thảo xong, đang trình Chính phủ và đang xem xét.

Thứ đến, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính để gắn trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp qua nền tảng xuyên biên giới. Vấn đề này Bộ Tài chính chủ trì, Bộ TT&TT đang phối hợp tích cực.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng cần tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, kinh tế, kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Đã có 10.000 bộ dữ liệu đặt trên cổng data.gov.vn

Trả lời chất vấn của ĐB Bùi Thanh Tùng, Hải Phòng vào hôm qua (9/11) về cơ sở dữ liệu quốc gia,

 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là những nền tảng chung để cho toàn quốc dùng và cơ sở dữ liệu của từng tổ chức, của các bộ, ngành và địa phương.

Chính phủ tập trung để thúc đẩy 6 cơ sở dữ liệu quốc gia và đã xong 4 loại dữ liệu về DN, bảo hiểm, hộ tịch và tài chính. Còn 2 dữ liệu cơ sở dữ liệu quốc gia là dân cư, đất đai sẽ bắt đầu ấn nút khai trương vào tháng 2/2021 và sẽ hoàn thiện vào tháng 7/2021.

Về đất đai, Bộ trưởng cho biết, hết năm 2020 sẽ xong nền tảng để bắt đầu có thể nhập dữ liệu từ năm sau. Còn để thúc đẩy các cơ sở dữ liệu khác của các bộ, ngành và địa phương, Bộ đã làm một số việc. Cụ thể, Bộ TT&TT đã ban hành chuẩn kỹ thuật để cho các cơ sở dữ liệu này có thể kết nối được với nhau; đã xây dựng trục kết nối chia sẻ dữ liệu, 90% là các bộ ngành và các địa phương đã xong trục này và hết năm nay sẽ là 100%.

Ngoài ra, Bộ TT&TT đã ra mắt cổng quốc gia data.gov.vn để mở các cơ sở dữ liệu. Hiện nay, đã có 10.000 bộ dữ liệu đặt trên cổng này. Sắp tới,  Thủ tướng sẽ ban hành lộ trình để cho các địa phương, các bộ, ngành, mở dữ liệu trên cổng này.

Về thể chế,  năm 2020, Bộ trưởng TT&TT cho hay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 47 về kết nối và chia sẻ dữ liệu. Trong đó, Thủ tướng đã giao Bộ TT&TT xây dựng Chiến lược quốc gia về dữ liệu. Bộ đã soạn thảo xong và sẽ trình Chính phủ và hy vọng năm 2020 sẽ được ký.

“Như vậy, năm 2020 chúng ta xong về chiến lược,  về thể chế và nền tảng. Hy vọng từ năm 2021, tiến độ các cơ sở dữ liệu số cả quốc gia và cả của bộ, ngành, địa phương sẽ nhanh hơn rất nhiều”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sửa đổi Nghị định để quản lý nền tảng xuyên biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO