Bộ TT&TT đánh giá, xếp hạng các cổng, trang TTĐT của CQNN hằng năm
Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 22/2023/TT-BTTTT quy định cấu trúc, bố cục, yêu cầu kỹ thuật cho cổng thông tin điện tử (TTĐT) và trang TTĐT của cơ quan nhà nước (CQNN). Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 05/4/2024.
Nhận diện trang TTĐT của CQNN
Thông tư quy định: "Trang TTĐT của CQNN là trang TTĐT theo quy định tại khoản 21 Điều 3 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và có tên miền theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của CQNN trên môi trường mạng. Mỗi trang TTĐT của CQNN là thành phần của một cổng TTĐT của CQNN (gọi tắt là trang thành phần)".
Phạm vi điều chỉnh của Thông tư là Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tổng cục, Cục và cơ quan tương đương; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp huyện); UBND xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp xã).
Các tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan trong việc cung cấp giải pháp, xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng, vận hành, kết nối với cổng TTĐT và trang TTĐT của CQNN.
Tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử (CPĐT), Chính phủ
Theo yêu cầu chung của Thông tư, Cổng TTĐT, trang TTĐT phải tuân thủ quy định về cung cấp thông tin của CQNN trên môi trường mạng tại Chương II Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT của CQNN trên môi trường mạng, Điều 28 Luật Công nghệ thông tin (CNTT) và Điều 20 Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN.
Đồng thời, tuân thủ Khung kiến trúc CPĐT, Chính phủ số Việt Nam và Kiến trúc CPĐT, Chính phủ số cấp bộ hiện hành đối với cổng TTĐT và trang TTĐT cấp bộ; Kiến trúc Chính quyền điện tử, Chính quyền số cấp tỉnh hiện hành đối với cổng TTĐT và trang TTĐT cấp tỉnh.
Các thông tin của CQNN trên môi trường mạng được lưu trữ dưới dạng dữ liệu có cấu trúc, lưu trữ trong cơ sở dữ liệu và chia sẻ dưới dạng dịch vụ web (web service) để bảo đảm khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống thông tin của CQNN.
Cổng TTĐT hoặc trang TTĐT có phương án dự phòng bảo đảm duy trì hoạt động an toàn, liên tục và khắc phục khi có sự cố xảy ra, trừ những trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
Đối với cơ quan chủ quản cổng TTĐT hoặc trang TTĐT, phải có quy chế quản lý, vận hành và cung cấp thông tin bao gồm nội dung về quy trình xử lý sự cố, tiếp nhận và xử lý thông tin vi phạm theo quy định của pháp luật.
Cổng TTĐT hoặc trang TTĐT được gắn mã giám sát trên Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC) trên cơ sở thông tin được cung cấp theo mẫu trong Thông tư này.
Bên cạnh đó, cổng TTĐT và trang TTĐT phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu và đáp ứng yêu cầu về hiệu năng tải trang dành cho người trải nghiệm sử dụng. Cùng với đó, phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và quy định của pháp luật khác có liên quan.
Kết nối với Hệ thống EMC
Thông tư cũng quy định, các cổng, trang TTĐT phải được kết nối với Hệ thống EMC trước khi chính thức đưa vào sử dụng để quản lý, giám sát hiệu quả, mức độ cung cấp, sử dụng thông tin của CQNN trên môi trường mạng.
Cơ quan, tổ chức có các hoạt động kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống EMC có trách nhiệm lưu lại nhật ký (log) thực hiện kết nối để phục vụ công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát tối thiểu 01 năm kể từ thời điểm kết nối hoàn thành.
Thông tư cũng quy định quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thực hiện kết nối với Hệ thống EMC. Theo đó, cơ quan tổ chức thực hiện kết nối với Hệ thống EMC có quyền khai thác, sử dụng dữ liệu thu thập trên Hệ thống EMC trong phạm vi được phân quyền quản lý; Đề nghị cơ quan quản lý Hệ thống EMC giải quyết các vướng mắc về kỹ thuật làm ảnh hưởng đến quyền khai thác, sử dụng thông tin; các sự cố kỹ thuật trong quá trình kết nối thông qua thư điện tử, qua số điện thoại liên hệ, tại trụ sở cơ quan quản lý Hệ thống EMC (Cục Chuyển đổi số quốc gia - Bộ TT&TT) hoặc bằng văn bản đề nghị hỗ trợ, giải quyết vướng mắc.
Đi đôi với trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý Hệ thống EMC định kỳ rà soát, đánh giá bảo đảm kết nối kỹ thuật duy trì ổn định, liên tục; Thông báo cho cơ quan quản lý Hệ thống EMC khi có sự thay đổi về mã nhúng, cấu hình hệ thống, cấu hình kết nối, các vấn đề khiến dữ liệu không đầy đủ xảy ra từ phía cổng TTĐT hoặc trang TTĐT. Và thông báo cho cơ quan quản lý Hệ thống EMC khi có sự thay đổi về đầu mối chịu trách nhiệm phối hợp về cổng TTĐT và trang TTĐT theo mẫu phiếu cung cấp thông tin tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Trong khi, cơ quan quản lý Hệ thống EMC có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có cổng TTĐT và trang TTĐT và cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết, xử lý sự cố, vướng mắc phát sinh trong quá trình kết nối....
Thông tư 22 bãi bỏ Điều 16, 17, 18, 19, 20, 21 và 22 Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT và Thông tư số 24/2011/TT-BTTTT của Bộ TT&TT.
Bộ TT&TT (Cục Chuyển đổi số quốc gia) tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá đối với các cổng TTĐT, trang TTĐT của các CQNN theo quy định của pháp luật; tổ chức công bố và xếp hạng các cổng TTĐT, trang TTĐT của CQNN định kỳ hằng năm./.