Chuyển động ICT

62/63 địa phương chuyển đổi thành công IPv6 cho cổng TTĐT, dịch vụ công

Hoàng Linh 14:58 30/05/2023

Tính đến tháng 5/2023, 20/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch IPv6, 16/30 Bộ, ngành và 62/63 địa phương đã chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng Thông tin điện tử (TTĐT), cổng dịch vụ công (DVC).

Thông tin đưa đưa ra tại chương trình tập huấn, đào tạo IPv6 dành cho các cán bộ kỹ thuật từ 32 đơn vị phụ trách CNTT khối Bộ, ngành, các Văn phòng Trung ương và các cơ quan trung ương vừa diễn ra cuối tháng 5.

tap-huan-vnnic-3.jpg
Các cán bộ kỹ thuật tham gia chương trình đào tạo

Chương trình do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức nhằm phát triển nguồn nhân lực IPv6, giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ các cơ quan nhà nước (CQNN) trong chuyển đổi IPv6 kết hợp tái kiến trúc hạ tầng mạng, dịch vụ CNTT theo hướng hiện đại, phục vụ phát triển hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số (CĐS).

Bứt phát chuyển đổi IPv6 cho mạng, dịch vụ CQNN

Thực hiện nội dung “Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6)” theo Chương trình CĐS quốc gia năm 2025, định hướng đến năm 2030, ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo, giao nhiệm vụ công tác chuyển đổi IPv6 Việt Nam với chỉ tiêu bứt phá, tỷ lệ sử dụng IPv6 Việt Nam đạt 60-70%, Việt Nam vượt lên đứng thứ 6 - 8 toàn cầu.

Để triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi IPv6 cho mạng, dịch vụ CQNN, Bộ TT&TT đã ban hành Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho CQNN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình IPv6 For Gov) theo Quyết định số 38/QĐ-BTTTT ngày 14/01/2021 của Bộ trưởng Bộ TT&TT nhằm định hướng, thúc đẩy, hỗ trợ CQNN chuyển đổi IPv6 thành công trên mạng lưới, dịch vụ, song song với quy hoạch nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống CNTT, kết nối Internet, cổng TTĐT, cổng DVC trực tuyến của CQNN một cách thống nhất, đồng bộ, hiện đại để đảm bảo ATTT, phát triển hạ tầng số.

Mục tiêu đến năm 2025, 100% Bộ, ngành, địa phương chuyển đổi IPv6 toàn bộ hạ tầng mạng, dịch vụ của CQNN; sẵn sàng để chuyển đổi sang hoạt động thuần IPv6 (IPv6 only) trong giai đoạn tiếp theo.

tap-huan-vnnic-1.jpg
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc VNNIC phát biểu tại chương trình đào tạo

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc VNNIC nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác chuyển đổi IPv6 cho mạng, dịch vụ CQNN, kết hợp tái kiến trúc hạ tầng mạng, dịch vụ CNTT của CQNN theo hướng hiện đại, phục vụ phát triển hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu CĐS. Để thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác trên, các cơ quan chuyên trách CNTT của khối Bộ, ngành đóng vai trò tham mưu xây dựng, triển khai kế hoạch, chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng mạng, dịch vụ CNTT của CQNN, bám sát mục tiêu Chương trình IPv6 For Gov.

Các chương trình đào tạo, tập huấn IPv6 VNNIC triển khai hỗ trợ giải quyết vấn đề nguồn nhân lực về công nghệ IPv6 cho CQNN. Khóa đào tạo được thiết kế mới, sát với thực tế, dành riêng cho khối Bộ, ngành, các Cơ quan Trung ương. Các học viên được hướng dẫn các nội dung chính sách, quy định, đến các nội dung mang tính ứng dụng cao trong thực tiễn chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng mạng, các dịch vụ kết nối, dịch vụ DNS, đặc biệt là hướng dẫn cách thức chuyển đổi IPv6 cho Cổng TTĐT của CQNN.

Đây là nội dung quan trọng trong việc ứng dụng vào công tác chuyển đổi IPv6 cho Cổng TTĐT, DVC của CQNN, nhằm phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp (DN) truy cập và sử dụng dịch vụ của CQNN qua IPv6. Đến nay, VNNIC đã tổ chức 86 khóa cho khoảng 4.000 học viên trên cả nước.

Thời điểm thuận lợi để các CQNN triển khai công tác chuyển đổi IPv6

Với các hoạt động sớm và đúng hướng, hiện Việt Nam đạt được kết quả nổi bật trong công tác chuyển đổi IPv6. Tính đến tháng 5/2023, tỷ lệ sử dụng IPv6 trên Internet Việt Nam hiện đạt 57% (tăng 4% so với 2022), với hơn 65 triệu thuê bao FTTH, mobile hoạt động tốt với IPv6. Việt Nam đã thứ 2 tại khu vực ASEAN, thứ 3 Châu Á và thứ 10 toàn cầu (vượt qua Mỹ). Mạng Internet Việt Nam đã hoạt động ổn định trên nền địa chỉ IPv6.

Đối với Chương trình IPv6 For Gov, tính đến tháng 5/2023, 20/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch IPv6; 16/30 Bộ, ngành và 62/63 địa phương đã chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng TTĐT, cổng DVC.

Hiện nay, địa chỉ IPv4 đã cạn kiệt. Việc cấp, phân bổ IPv4 chỉ giải quyết tạm thời tài nguyên trong giai đoạn chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6. Chuyển đổi mạng, dịch vụ sang hoạt động với IPv6 là giải pháp lâu dài, bền vững phát triển hạ tầng, dịch vụ CQNN.

Với vai trò chủ trì điều phối chương trình IPv6 For Gov, VNNIC luôn đồng hành, hỗ trợ các cơ quan chuyên trách CNTT của khối CQNN trong công tác chuyển đổi IPv6, quy hoạch hạ tầng mạng theo mô hình tham chiếu kết nối mạng Bộ, ngành, địa phương (theo hướng dẫn tại văn bản số 273/BTTTT-CBĐTW ngày 31/01/2020 của Bộ TT&TT), thực hiện mục tiêu chuyển đổi IPv6 thành công cho hạ tầng mạng, dịch vụ CNTT CQNN và sẵn sàng triển khai thuần IPv6 trong giai đoạn tiếp theo.

tap-huan-vnnic-4.jpg
Các cán bộ nhận chứng chỉ đào tạo

Khóa đào tạo đã ghi nhận sự tham gia tích cực, trao đổi sôi nổi của các học viên về vấn đề xây dựng kế hoạch, quy hoạch hạ tầng mạng lưới của đơn vị. Kết thúc khóa học, các học viên được trao Chứng nhận tham gia chương trình đào tạo. Thành công của chương trình tập huấn, đào tạo góp phần phát triển nguồn nhân lực IPv6 cho CQNN; nội dung đào tạo giúp ứng dụng trực tiếp vào chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng mạng, dịch vụ CNTT cho CQNN.

Trong thời gian tới, VNNIC tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo về công nghệ IPv6 trực tiếp; tổ chức Webinar IPv6 trực tuyến trên nền tảng VNNIC Internet Academy để hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương để chuyển đổi IPv6; giúp các cơ quan sớm hoàn thành mục tiêu 2023 theo nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 02/CT-TTg năm 2022 và Chỉ thị số 03/CT-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
62/63 địa phương chuyển đổi thành công IPv6 cho cổng TTĐT, dịch vụ công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO