Ngày 23/5/2017, Bộ TT&TT đã tổ chức buổi làm việc với các Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2017 - 2020. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng và Đại diện Bộ Ngoại giao, Trợ lý Bộ trưởng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Campuchia, ông Vũ Quang Minh (Trưởng đoàn) đã chủ trì buổi làm việc. Tham dự còn có 24 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, 10 Tổng lãnh sự tại các nước và đại diện các đơn vị thuộc Bộ TT&TT. Đây là dịp để Bộ TT&TT và các Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ chia sẻ thông tin và đưa ra những đề xuất nhằm tăng cường phối hợp công tác TT&TT trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định vai trò của các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài trong bối cảnh quốc tế hiện nay rất quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế trên mọi lĩnh vực về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng… Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, TT&TT trở thành một phương thức vô cùng quan trọng trong công tác ngoại giao, làm cho các nước hiểu rõ hơn về đất nước con người Việt Nam, chia sẻ chủ trương của Việt Nam: là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế cũng như ủng hộ lập trường của Việt Nam về chủ trương bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và trong xử lý các vấn đề khu vực có liên quan.
Toàn cảnh buổi làm việc
Bộ TT&TT là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong 5 lĩnh vực báo chí; xuất bản; bưu chính, viễn thông và CNTT. bao gồm cả phát thanh truyền hình (PTTH) - thông tin điện tử; thông tin đối ngoại;
Về báo chí, Báo chí Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc mở rộng quan hệ đối ngoại, công tác thông tin đối ngoại của Đảng, Nhà nước; quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt trong thời gian gần đây, báo chí đã tích cực tuyên truyền về vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước, các vấn đề về an ninh trên biển Đông và biên giới, hải đảo. Hiện nay, Việt Nam có 845 cơ quan báo chí in; 01 hãng thông tấn quốc gia; 125 báo điện tử; 66 đài PTTH quảng bá, một số báo điện tử đã được đầu tư, với phiên bản tiếng Việt và tiếng nước ngoài như Đảng Cộng sản Việt Nam, VNPlus, Vietnamnet, Nhân dân điện tử, Chính phủ Việt Nam, VOV News…
Về xuất bản, Ngành Xuất bản vẫn duy trì được chất lượng sản phẩm và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần giữ vững định hướng chính trị, ổn định xã hội; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đọc của nhân dân. Nội dung các xuất bản phẩm đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao văn hóa đọc của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hiện toàn quốc có 60 nhà xuất bản thuộc sở hữu nhà nước, 9 văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Về PTTH, mạng lưới PTTH có 67 đài PTTH từ Trung ương tới tỉnh, thành phố. Nhiều chương trình PTTH quốc gia và một số chương trình PTTH quảng bá khác được phát sóng trên mạng Internet đến các khu vực và các nước trên thế giới phục vụ công tác thông tin đối ngoại.
Về thông tin đối ngoại, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ TT&TT đang tích cực triển khai Quy hoạch PTTH đối ngoại đến năm 2020, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là quảng bá các kênh chương trình PTTH đối ngoại của Việt Nam ra nước ngoài. Bộ TT&TT cũng đang trong lộ trình triển khai Quy hoạch mạng lưới đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, tối đa 34 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có văn phòng thường trú thông tấn, báo chí Việt Nam.
Về Bưu chính, Viễn thông và CNTT, Việt Nam hiện có tốc độ phát triển hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á. Từ kinh doanh độc quyền nhà nước, Việt Nam đã có một thị trường viễn thông cạnh tranh mạnh mẽ, với các doanh nghiệp (DN) thương hiệu Việt làm chủ thị trường trong nước và sẵn sàng vươn ra quốc tế. Công nghiệp CNTT năm 2015 ước đạt 42 tỷ USD. Hiện nay, Việt Nam là điểm đến của các tập đoàn, DN lớn về CNTT, điện - điện tử, đặc biệt từ các nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
Trên cơ sở các lĩnh vực quản lý và yêu cầu hợp tác quốc tế của ngành TT&TT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã đề xuất với Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tiếp tục ủng hộ và phối hợp để triển khai Quy hoạch mạng lưới đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2020. Theo đó sẽ mở văn phòng thường trú thông tấn, báo chí Việt Nam tại các nước; Hỗ trợ các cơ quan báo chí trong việc giới thiệu, quảng bá, đưa các kênh chương trình PTTH đối ngoại của Việt Nam tới các nước sở tại cũng như ra cộng đồng quốc tế; Phối hợp mời các đoàn nhà báo nước ngoài vào Việt Nam tìm hiểu tình hình, đưa tin, viết bài về quá trình đổi mới và phát triển của việt Nam, cũng như hỗ trợ các đoàn báo chí của Việt Nam sang công tác tại nước ngoài; Phối hợp tổ chức các sự kiện hoạt động thông tin đối ngoại, triển lãm do Bộ TT&TT chủ trì tại các nước giúp quảng bá hình ảnh đất nước – con người Việt Nam, thông tin về tình hình chính trị, kinh tế xã hội của Việt Nam tới người dân nước sở tại… Đặc biệt, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động thông tin đối ngoại kết hợp tổ chức triển lãm, trưng bày các tư liệu lịch sử, bằng chứng pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở nước ngoài, dự kiến các sự kiện sẽ được tổ chức tại Nga, Pháp, Séc, Hoa Kỳ trong năm 2017.
Bộ TT&TT cũng đề nghị các đồng chí Đại sứ hỗ trợ Bộ TT&TT trong việc học tập kinh nghiệm triển khai các đề án CNTT-TT qua việc hỗ trợ tổ chức hội nghị, hội thảo, đi khảo sát học tập, vận động các Bộ, chính phủ, DN các nước hỗ trợ tài chính cho đào tạo nhân lực và tham gia thực hiện các đề án của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển ứng dụng CNTT và an ninh thông tin; Tìm kiếm thị trường, tiếp cận các đối tác nước ngoài, đặc biệt hỗ trợ thành lập DN, xin giấy phép kinh doanh cũng như các thủ tục hộ chiếu, visa cho người lao động trong lĩnh vực CNTT-TT của Việt Nam và hỗ trợ Bộ TT&TT trong hoạt động ứng cử, vận động các nước/các tổ chức liên quan ủng hộ Việt Nam tranh cử các vị trí chủ chốt tại các tổ chức quốc tế và khu vực như Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU)…
Thứ trưởng Bộ TT&TT, đại diện các đơn vị thuộc Bộ và các Đại sứ, Tổng lãnh sự chụp ảnh lưu niệm
Cũng tại buổi làm việc, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện tại các nước đã đánh giá cao sự phát triển của ngành TT&TT trong thời gian qua và và cam kết sẽ hợp tác, phối hợp với Bộ TT&TT thúc đẩy hợp tác lĩnh vực TT&TT và đối ngoại của Việt Nam với các nước hiệu quả. Đại sứ các nước Anh, Pháp, Malaysia… đã đề nghị Bộ TT&TT trong thời gian tới sớm triển khai tổ chức các hoạt động triển lãm, quảng bá hình ảnh, đất nước Việt Nam tại các nước này nhân dịp năm 2018 sắp tới là năm đánh dấu thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam với nhiều nước.
Được biết, các Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Tổng lãnh sự được bổ nhiệm nhiệm kỳ 2017 – 2020 sẽ sớm làm nhiệm vụ tại các nước gồm Campuchia, Nga, Mexico, Quatar, New Zealand, Pháp, Anh, Australia, Thái Lan, Ucraina, Bỉ, Argentina, Mông Cổ, Hy Lạp, Singapore, Hungary, Kuwait, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Malaysia, Srilanka, Pakistan, Áo, Slovakia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong.