Bộ TT&TT tập trung triển khai trợ lý ảo hỗ trợ công việc
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các trưởng đơn vị thuộc Bộ tập trung triển khai trợ lý ảo để hỗ trợ công việc.
Triển khai trợ lý ảo là công việc trọng tâm
Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 6/2024 với các đơn vị, doanh nghiệp (DN) và các cán bộ biệt phái của Bộ TT&TT sáng ngày 4/7/2024, sau khi trực tiếp hỏi các trợ lý ảo hỗ trợ công việc mà các đơn vị thuộc Bộ đang thí điểm triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu rõ bắt đầu từ 1/7/2024, Bộ trưởng và các Thứ trưởng khi làm việc với các đơn vị sẽ trực tiếp hỏi trợ lý ảo của các đơn vị được giao phụ trách.
Trợ lý ảo hỗ trợ công việc trả lời không đúng câu hỏi hoặc không có nội dung trả lời thì cấp trưởng các đơn vị là người chịu trách nhiệm.
“Việc lãnh đạo Bộ TT&TT hỏi trợ lý ảo của các đơn vị với mong muốn để đơn vị phải xây dựng được hệ tri thức, qua trợ lý ảo cũng giúp cho cán bộ công nhân viên làm việc. Đây là công việc trọng tâm của Bộ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo nhận định của Bộ trưởng, thúc đẩy sử dụng trợ lý ảo sẽ thúc đẩy xây dựng hệ tri thức, thay đổi toàn bộ cách làm việc của đơn vị, tổ chức đó, làm thông minh hóa hệ thống công chức của Bộ.
Vì vậy, công việc đầu tiên cấp trưởng đơn vị phải quan tâm là dùng, hỏi trợ lý ảo. Nếu hỏi chưa được câu trả lời đúng thì phải hỏi “nhóm thông thái” nắm thông tin về việc nạp tri thức. Việc thúc đẩy sử dụng trợ lý ảo hỗ trợ công việc là tài sản để lại cho các cán bộ thế hệ kế tiếp của đơn vị nên các cấp trưởng chủ động sử dụng.
Bộ trưởng cũng cho rằng: “Cái xuất sắc nhất của trợ lý ảo là hiểu câu hỏi, cái khó nhất khi làm trợ lý ảo là trợ lý ảo không hiểu câu hỏi. Trợ lý ảo phải trả lời được 90% câu hỏi thì may ra mới dùng được”.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các Thứ trưởng Bộ TT&TT sử dụng phần mềm quản lý điều hành công việc của Bộ cũng như trợ lý ảo để đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) của Bộ hơn nữa.
Ngoài các trợ lý ảo hỗ trợ công việc đang được các đơn vị thuộc Bộ TT&TT thí điểm triển khai như trợ lý ảo do Viettel, Misa, VTC… phát triển, Bộ trưởng cũng đề nghị Cục CĐS Quốc gia tìm hiểu thêm trợ lý ảo của DN công nghệ khác để có thêm thí điểm trong tháng 7 và 8 năm 2024. Sau khi thí điểm tốt hơn có thể khuyến nghị cho Toà án Nhân dân tối cao hay các bộ, ngành khác thí điểm sử dụng.
Tập trung cao cho các công việc thường xuyên
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ quan tâm hơn nữa đến các công việc thường xuyên bên cạnh các công việc mới bởi các công việc thường xuyên là để đất nước vận hành. Các đơn vị phải lên danh sách các đầu công việc để không bị quên việc, tiếp theo là giao việc và thời hạn thực hiện cho cán bộ, rồi quán xuyến, “nắn chỉnh”. Các công việc thường xuyên phải được báo cáo các Thứ trưởng phụ trách.
“Việc thường xuyên mới là việc quan trọng nhưng ít được nhắc đến nên là việc khó. Việc mới cũng tốt nhưng chỉ là 5%”, Bộ trưởng lưu ý.
Đối với các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, Bộ trưởng lưu ý cần tăng cường công tác đo lường chất lượng các dịch vụ, mạng lưới và công bố để các DN phải cố gắng nâng cao chất lượng.
Đối với lĩnh vực bưu chính, cần đo lường chất lượng theo quý bởi theo năm thì khá lâu, không có ý nghĩa lắm cho việc thúc đẩy các DN bưu chính cạnh tranh. “Công bố việc đo lường là một trong những việc chính của cơ quan quản lý nhà nước”.
Vừa qua, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) bị tấn công mạng, Bộ trưởng cho biết cần thông tin cho các DN bưu chính lớn để nhắc nhở, chia sẻ kinh nghiệm phục hồi mạng.
Về viễn thông, Bộ trưởng cho biết cần phải tăng cường thời lượng đo. Đối với chất lượng dịch vụ trên mạng di động, phải tiến hành đo trong 2 - 3 phút mới chính xác thay vì đo khoảng 20 giây. Việc đo vừa qua cho thấy chất lượng mạng đạt trung bình cỡ khoảng 85%, còn 15% là giật. Khu vực miền núi thấp hơn do sóng kém.
Bộ trưởng cũng yêu cầu kỷ luật nhà mạng nếu để xảy ra tình trạng SIM rác nhằm hạn chế người dân bị lừa đảo qua SIM rác. Việc đấu giá băng tần C3 cho 5G và các băng tần tiếp theo cần tiếp tục thực hiện tốt.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G, Cục Viễn thông cần họp với các nhà mạng hàng tuần để đảm bảo tiến độ, chủ yếu liên quan đến hỗ trợ người dân về smartphone. Phải có chương trình truyền thông, khuyến mãi… và phải hội ý ngay với lãnh đạo Bộ để giải quyết công việc.
Về lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT), Bộ trưởng nhấn mạnh: “Triết lý của lĩnh vực ATTT đã thay đổi. Trước đây đảm bảo ATTT là chống đỡ, giờ phải chuyển sang chiến lược phục hồi nhanh; phải có mật khẩu 2 lớp bằng cách dùng OTP và ngắt các máy tính không “chọc thẳng” vào hệ thống nữa mà cho dùng trên app”.
Về công nghiệp ICT, Bộ trưởng yêu cầu tập trung vào hai việc lớn là chiến lược phat triển ngành công nghiệp bán dẫn và luật công nghiệp công nghệ số.
Bộ trưởng cũng lưu ý cơ sở dữ liệu (CSDL) về DN công nghệ số cũng rất quan trọng, cần xem xét tiêu chí cho CSDL này. Trong Luật CNTT có nội dung là Bộ TT&TT phải cung cấp thông tin về ngành, bức tranh về ngành để phát triển, trong đó có CSDL về các DN công nghệ số.
Về CĐS, Bộ trưởng yêu cầu trong tháng 7 tiến hành sơ kết 6 tháng, tổ chức hội nghị công bố mô hình tỉnh mẫu thành công về thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Về kinh tế số, cần thống nhất sớm với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đo lường. Năm 2024 là năm trọng tâm phát triển kinh tế số. Do đó cần nghiên cứu ban hành hướng dẫn phát triển kinh tế số cho các bộ ngành, địa phương.
Về báo chí, Bộ trưởng đề nghị cần hoàn thành đề án cơ quan báo chí chủ lực. Về xuất bản, cần thúc đẩy sách ngắn, trong đó có sách ngắn của Tổng Bí thư và phải chủ trì việc này.
Cuối cùng, Bộ trưởng lưu ý những việc quan trọng phải chú tâm làm để đạt chất lượng, kết quả. Nhiều việc tuy vất vả nhưng khi làm việc đến tận cùng thì các cán bộ sẽ trưởng thành, đất nước hưởng lợi. “Làm việc phải luôn nghĩ đến hai đối tượng là làm cho nhân viên đỡ vất vả thông qua hệ tri thức, trợ lý ảo, công cụ làm việc số và người dân được nhờ”./.