Chính sách và chiến lược

Năm 2024, bộ ngành, địa phương quan tâm ứng dụng mạnh mẽ AI và trợ lý ảo

Hoàng Linh 29/12/2023 13:18

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Năm 2024, các bộ ngành và địa phương hãy dành sự quan tâm đặc biệt để chuyển những việc vất vả, khó khăn, tốn thời gian sang cho AI, giải phóng con người vào những việc thú vị hơn”.

Ngày 29/12/2023, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Bộ TT&TT có Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy; Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bô Công an; Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ… cùng đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương, lãnh đạo Ngành qua các thời kỳ, lãnh đạo các Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp (DN).

Dự hội nghị tại 63 điểm cầu các địa phương có đại diện Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các Sở TT&TT.

CĐS quốc gia phải gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết năm nay, tổng kết của Bộ TT&TT có một số đổi mới. Thay vì có các tham luận nội bộ tại Hội nghị tổng kết thì Bộ đã tổ chức nguyên một buổi sáng ngày hôm qua, để lãnh đạo Bộ trao đổi, đối thoại trực tiếp, cởi mở với các giám đốc sở, giám đốc CNTT của các bộ ngành, Tổng giám đốc các doanh nghiệp lớn, Tổng Biên tập một số báo, nhà xuất bản lớn, một số hội và hiệp hội.

Nhiều vấn đề quan trọng đã được giải quyết ngay tại buổi làm việc.

bt-nguyen-manh-hung.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Đã đến lúc, và đã đủ điều kiện để CĐS quốc gia phải gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình CĐS quốc gia đã đi qua 4 năm. Năm thứ nhất 2020 là năm khởi động CĐS. Năm thứ hai 2021 là năm tổng diễn tập CĐS trên phạm vi toàn quốc để phòng chống COVID-19. Năm thứ ba 2022 là năm tổng tiến công với việc phát triển các nền tảng số dùng chung quốc gia. Năm thứ tư 2023 là năm dữ liệu số.

Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Đã đến lúc, và đã đủ điều kiện để CĐS quốc gia phải gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội.

Kinh tế số giúp tăng năng suất lao động

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, kinh tế số (KTS) là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. KTS của Việt Nam đã chiếm 16,5% GDP, và luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP khoảng 3 lần. Nhưng đặc biệt, KTS còn giúp tăng năng suất lao động (NSLĐ), vốn là chỉ tiêu mà nhiều năm nay chúng ta chưa đạt được. KTS là một mũi tên trúng hai đích, vừa tăng trưởng GDP, vừa tăng NSLĐ.

Ngày 28/12/2023, trong phiên họp Tổng kết năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Uỷ ban Quốc gia về CĐS, Thủ tướng Chính phủ đã định hướng CĐS cho năm 2024 là: Phát triển KTS với 4 trụ cột: Công nghiệp CNTT và truyền thông, Số hoá các ngành, Quản trị số và Dữ liệu số, tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Theo Bộ trưởng, năm 2024 cũng sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của CĐS, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động. Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng số Việt Nam thì phải dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước để thúc đẩy CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Năm 2024 là năm lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông sẽ coi không gian mạng (KGM) sẽ là mặt trận chính, với nhận thức thắng bại là ở đây, vừa là CĐS báo chí, vừa là đảm bảo KGM lành mạnh, xử lý thông tin xấu độc trên mạng, quản lý các nền tảng số xuyên biên giới hoạt động ở Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Bắt đầu vào giai đoạn chính phủ số

Năm 2024 là năm dich vụ công trực tuyến (DVCTT) phải toàn trình và thực chất. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình tức là phải được làm từ nhà, từ xa, người dân không đến nộp hồ sơ tại trung tâm một cửa. Dịch vụ công trực tuyến thực chất thì ít nhất phải có 70% người dân sử dụng.

Năm 2023, chúng ta đã làm được một số DVCTT toàn trình và thực chất, thậm chí có đến 95% người dân sử dụng, tạo niềm tin và quyết tâm cho chúng ta làm mạnh mẽ trong năm 2024, để kết thúc giai đoạn chính phủ điện tử và thực sự bắt đầu chính phủ số ở Việt Nam.

khen-thuong-2023.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm cùng đại các tập thể, cá nhân đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc đóng góp vào sự phát triển các lĩnh vực TT&TT năm 2023.

Trợ lý ảo giúp công chức mạnh dạn xử lý công việc

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Năm 2024 là năm ứng dụng mạnh mẽ AI và trợ lý ảo.

Theo Bộ trưởng, với AI thì càng nhiều dữ liệu càng thông minh, càng ít dữ liệu thì càng ngây ngô. Con người thì ngược lại, càng nhiều dữ liệu thì càng ngây ngô (còn gọi là “tẩu hoả nhập ma”), càng ít dữ liệu thì càng thông minh. Vậy nên, cứ việc gì nhiều dữ liệu, nhiều giấy tờ văn bản, nhiều quy định thì hãy để máy tính làm. 120.000 văn bản thể chế trong hệ thống của chúng ta đã vượt quá khả năng xử lý của cá nhân. Và số lượng này đang tiếp tục tăng qua mỗi năm.

Do vậy, Bộ trưởng cho rằng lời giải duy nhất ở đây là "hãy để AI xử lý số lớn, con người thì xử lý số nhỏ". Số nhỏ thì cần nhiều sự tưởng tượng, cần nhiều sự sáng tạo và đó là thế mạnh của con người. Số mà lớn thì con người luôn thấy không thoải mái khi làm, thấy vất vả khi làm, có xu thế thoái thác. Trước đây thì chẳng có cách nào, cứ phải cố mà làm thôi.

“Nay, đã có AI làm thay được, lại làm tốt hơn nhiều, vậy thì năm 2024 này, các bộ ngành và địa phương hãy dành sự quan tâm đặc biệt để chuyển những việc vất vả, khó khăn, tốn thời gian sang cho AI, giải phóng con người vào những việc thú vị hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ, cán bộ công chức nhà nước hiện nay đang rất vất vả. Lương thì không cao, quy định thì quá nhiều, không thể nhớ hết, hiểu hết, vì vậy mà rủi ro cũng cao. Nhiều cán bộ công chức bây giờ sợ trách nhiệm, không dám làm cũng một phần là do không thể hiểu hết, biết hết các quy định, đó là chưa nói đến việc các văn bản này còn có sự mâu thuẫn, hoặc có cách hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau.

"Một nền tảng làm việc số, hoặc một trợ lý ảo giúp việc cho cán bộ công chức, để ít nhất 70 - 90% công việc, những công việc đơn giản nhưng dữ liệu thì lại quá lớn, sẽ do trợ lý ảo làm hộ. Làm được như vậy thì năng suất lao động tăng, chất lượng công việc tăng, công việc của con người thú vị hơn vì được tập trung vào việc mang tính sáng tạo", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Hiện, Bộ TT&TT đang chỉ đạo phát triển 4 trợ lý chính: Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ công chức; Trợ lý ảo phát hiện mâu thuẫn văn bản pháp luật; Trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân; Trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán (đã đưa vào sử dụng hơn một năm nay, giảm thời gian xử án 30%, và nâng cao chất lượng)./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Năm 2024, bộ ngành, địa phương quan tâm ứng dụng mạnh mẽ AI và trợ lý ảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO