Bộ TT&TT thành lập nhóm quy hoạch lại cáp quang biển quốc tế
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo nhiều nội dung công tác trọng tâm tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I năm 2023 đối với các đối tượng quản lý nhà nước của Bộ.
Thúc đẩy phát triển lĩnh vực IoT, game online
Tại Hội nghị lần này, đã có nhiều bài tham luận, đóng góp ý kiến cho phát triển ngành công nghiệp game, nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp IoT, ứng dụng GHTK để kinh doanh trực tuyến và phổ cập an toàn thông tin (ATTT).
Đề xuất thúc đẩy hệ sinh thái IoT tại Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Cục Công nghiệp CNTT-TT cho biết cần xác định các lĩnh vực ứng dụng phù hợp (nhà thông minh, công nghệ nông nghiệp); khuyến khích các doanh nghiệp (DN) viễn thông đóng vai trò hạ tầng; thúc đẩy sự phát triển mang tính mở; thúc đẩy sản xuất thiết bị; thúc đẩy D.I.Y (Do It Yourself) và AIoT.
Qua nghiên cứu từ Hàn Quốc, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết AIoT cung cấp các dịch vụ mới cho ngành công nghiệp, nền kinh tế và xã hội, tạo ra một sự thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh. Theo báo cáo của Hiệp hội IoT Intelligence Hàn Quốc, hơn 80% dự án IoT vào năm 2022 được quảng bá là dự án thông minh và thị trường IoT ở Hàn Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.
Trao đổi về hướng phát triển cho ngành công nghiệp game, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG cho biết gần 20 năm phát triển, nhưng thực tế quy mô ngành game Việt Nam vẫn còn quá nhỏ. Hiện nay, chỉ có khoảng 30 DN đang phát hành game ra thị trường trong khi cơ hội cho Việt Nam là rất lớn. Lý do là các DN hiện phải chịu rất nhiều chi phí , gồm: sản xuất game hoặc mua bản quyền game; kênh phân phối (trả cho các nền tảng phát hành, Google/Apple), kênh thanh toán (ngân hàng, trung gian thanh toán, nhà mạng, chi phí nhân sự và vận hành sản phẩm, các loại thuế (VAT, thuế nhà thầu, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân).
Ông Minh bày tỏ lo ngại khi Bộ Tài chính đang dự thảo quy định về việc thuế tiêu thụ đặc biệt có thể tới 10% áp dụng với game online sẽ mang lại một số hệ luỵ và quan trọng, ngành game Việt sẽ không thể phát triển, trở thành ngành công nghiệp số, thế mạnh của Việt Nam như định hướng và nỗ lực mà Bộ TT&TT đang thực hiện trong thời gian qua.
Nói về vai trò của dữ liệu đóng góp cho sự phát triển của Giao hàng Tiết kiệm (GHTK), ông Phạm Hồng Quân, Tổng Giám đốc cho biết với nền tảng dữ liệu lớn, GHTK bình dân hoá dữ liệu nhằm mục đích bất kỳ đối tượng nào ở trong hệ thống vận hành GHTK đều có thể dễ dàng tiếp cận dữ liệu, tạo ra giá trị kinh tế từ dữ liệu; không phân biệt lứa tuổi, vùng miền hay trình độ học vấn, ngay cả đội ngũ lao động phổ thông như nhân viên giao nhận hàng hóa hay nhà bán online, người tiêu dùng... ở các vùng quê xa xôi cũng có thể tận dụng và sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Về phổ cập hoá ATTT, ông Ngô Tuấn Anh, CEO Công ty an ninh mạng thông minh SCS đề xuất Bộ TT&TT hỗ trợ thúc đẩy tạo thị trường ATTT mạng cho gia đình, SME và các cơ quan tổ chức có quy mô nhỏ với giải pháp SafeGate School có chi phí rẻ hơn rất nhiều so với các giải pháp ngoại hiện được nhiều trường học sử dụng.
Với các tham luận trao đổi ý kiến và đề xuất tại hội nghị lần này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trực tiếp trao đổi thêm và giải đáp các ý kiến. Đối với phát triển ngành công nghiệp IoT tại Việt Nam, Bộ trưởng cho rằng đây là cơ hội cho Việt Nam bởi ngành công nghiệp này mang lại cơ hội doanh thu hàng nghìn tỷ USD.
Về việc dự kiến áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online, Bộ trưởng đề nghị VNG nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về chính sách pháp luật trong việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online. Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử sớm có báo cáo thêm để Bộ TT&TT làm việc với Bộ Tài chính.
Đối với giải pháp bảo đảm ATTT SafeGate School, Bộ trưởng đánh giá đây là giải pháp đáp ứng được các tiêu chí cơ bản trong đảm bảo ATTT nhất là bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Lần đầu tiên sẽ đo lường, công bố chất lượng cổng dịch vụ công (DVC)
Tại hội nghị, Bộ trưởng cho biết ngành TT&TT đang ở những tháng đầu năm 2023, vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị, tổ chức tập trung các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh lần đầu tiên sẽ thực hiện đo lường, công bố chất lượng cổng DVC, quyết liệt triển khai xác thực thông tin thuê bao di động, thành lập nhóm quy hoạch lại cáp quang biển quốc tế.
Cụ thể, năm 2023 là năm nâng cao chất lượng làm thể chế số. Bộ TT&TT phải sửa nhiều luật và nghị định, theo đó, nội dung mới, đúng xu thế và phải phù hợp với bối cảnh Việt Nam phải đưa vào các quy định, đảm bảo khả thi, tạo ra sự phát triển, quản lý tốt hơn. Người đứng đầu đơn vị phải trực tiếp tham gia xây dựng luật, thể chế.
Các DN, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội lập các nhóm nghiên cứu để góp ý, đề xuất vấn đề thể chế liên quan cho Bộ, đặc biệt chú ý tham khảo các kinh nghiệm quốc tế, luật pháp của các quốc gia khác, đặc biệt xem các nước xử lý các vấn đề mới.
Năm 2023 là năm chất lượng và bền vững của hạ tầng số. Theo Bộ, trưởng, hạ tầng của nền kinh tế số, của nền kinh tế nói chung thì không thể kém ổn định, thiếu bền vững như bộc lộ trong thời gian vừa qua: sự cố cáp quang biển, chất lượng di động, cắt cáp lẫn nhau của các DN di động, chất lượng dịch vụ công trực tuyến... “Quản lý nhà nước tại trung ương, các địa phương và DN viễn thông phải chịu trách nhiệm về chất lượng và bền vững của hạ tầng số quốc gia. Bộ TT&TT cũng thành lập nhóm để quy hoạch lại cáp quang biển quốc tế để bền vững hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Năm 2023, Bộ TT&TT chính thức hoá khái niệm hạ tầng số và hạ tầng viễn thông băng rộng và phổ cập, hạ tầng trung tâm dữ liệu (TTDL), hạ tầng đám mây, hạ tầng công nghệ số như AI, chuỗi khối, dữ liệu, phân phân tích dữ liệu. Năm 2023 cũng sẽ là năm thương mại hoá 5G, xây dựng các TTDL lớn, cung cấp công nghệ như là một dịch vụ.
Năm 2023 cũng là năm xử lý triệt để SIM rác. Ngành đã làm xong bước một là thuê bao phải có đầy đủ thông tin. Bước thứ hai là thông tin phải đúng. Ngày 31/3/2023 là hạn cuối để các nhà mạng cắt các SIM không xác thực với cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư. Xong bước 2 là bước xác minh SIM chính chủ, tức là đăng ký đúng người.
Bộ trưởng cho biết: “Xong bước này thì hành vi dùng SIM rác để lừa đảo mới được giải quyết cơ bản. Công việc sẽ vất vả nhưng phải làm để bảo vệ người dân và các DN viễn thông cũng sẽ được hưởng lợi vì số thuê bao đúng sẽ được sử dụng vào việc định danh, giao dịch điện tử, tạo ra cơ hội phát triển mới”.
Năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia. Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh: Bộ TT&TT sẽ làm rõ nội hàm, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị trong Bộ, cho các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban CĐS Quốc gia đã ban hành kế hoạch năm 2023, trong đó có nội dung là năm dữ liệu. Các DN, các đơn vị trong Ngành, các Hiệp hội cũng chú trọng xử lý dữ liệu, tạo ra giá trị cũng như tuyên truyền về năm dữ liệu. “Tạo ra giá trị từ dữ liệu, tạo ra tăng trưởng, tạo ra phát triển từ dữ liệu là nội dung chính của CĐS. Dữ liệu là đầu vào mới của sản xuất, là yếu tố của sản xuất giống như đất đai”.
Năm 2023 cũng là năm thực thi các chiến lược đã ký. Bộ TT&TT lập chương trình hành động toàn quốc, hướng dẫn các Bộ, ngành địa phương lập chương trình hành động, thực thi chiến lược. Bộ TT&TT sẽ ban hành kế hoạch, đưa quản lý thực thi chiến lược vào thực tế, đo lường và công bố các số liệu thực thi chiến lược tạo ra bước tiến quan trọng trong quản lý nhà nước. Các DN, đơn vị trong Ngành, các Hiệp hội bám sát chiến lược đã ban bố của Ngành để hành động.
Năm 2023 còn là năm phải đánh giá và công bố chất lượng cổng dịch vụ công (DVC), kể cả cải cách hành chính của các bộ, ngành trên môi trường số, địa phương chuyển từ có sang có một cách chất lượng và việc đầu tiên là Bộ sẽ ban hành tiêu chuẩn về chất lượng cổng DVC.
Bộ trưởng cho biết, vừa qua, Bộ TT&TT có lập đoàn kiểm tra cổng DVC và thấy lỗi chính là nằm trong từng hệ thống CNTT, chất lượng kém. “Đo đạc là vấn đề đầu tiên của quản lý nhà nước. Chúng ta làm CNTT, chính phủ điện tử (CPĐT) 20 năm nhưng chưa bao giờ đo đạc. Phải rút kinh nghiệm sâu sắc”.
Năm 2023 cũng là năm mà Bộ TT&TT đứng ra đảm bảo chất lượng toàn trình của liên thông dữ liệu, đảm bảo DVC liên thông liên bộ, liên hệ thống, liên ngành, liên địa phương. Các DN đã có hợp tác với các Bộ, ngành, địa phương phải chú ý đánh giá hệ thống CNTT của các Bộ, ngành, địa phương để đề xuất nâng cấp, đảm bảo kết nối chia sẻ dữ liệu, cũng như chất lượng DVCTT.
Năm 2023 là năm sẽ tạo ra thay đổi căn bản để đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) về CPĐT, chính phủ số Việt Nam được chính xác thông qua việc cung cấp đầy đủ thông tin, cũng như cải thiện các thành phần đang có điểm thấp để thứ hạng Việt Nam được công bố vào năm 2024 phải tăng ít nhất 10 hạng từ 86 lên trên 75.
Năm 2023 là năm sử dụng AI để tạo ra trợ lý ảo cho các DN, các tổ chức. Năm 2023 cũng là năm vận hành các hệ thống giám sát online. Ngành, các DN, đơn vị sự nghiệp muốn bền vững cũng phải giám sát online. Dùng công nghệ số để giám sát.
Năm 2023 là năm làm mẫu về các nền tảng làm việc số, có nghĩa là 100% công việc của nhân viên trên môi trường số, không vào hệ thống là không làm việc được.
Năm 2023 là năm dùng công nghệ cao, công nghệ mới để giải bài toán nhỏ nhưng tạo ra giá trị lớn. Theo Bộ trưởng, các công ty công nghệ lớn thì đang phát triển công nghệ số để giải các bài toán to, các yêu cầu phổ quát, tập trung cho các thị trường hàng tỷ người như ChatGPT để trả lời các thể loại câu hỏi cho tất cả mọi người và vì thế ở mức trung bình khá. Nếu như dùng AI để tạo ra trợ lý ảo chuyên sâu cho từng lĩnh vực chuyên môn thì trợ lý ảo của chúng ta trở nên xuất sắc và đây là thị trường rất phong phú và không hề nhỏ.
Năm 2023 cũng là năm đưa các DN công nghệ số ra nước ngoài, chinh phục thế giới, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại và làm thịnh vượng Việt Nam. Mỗi tháng Bộ TT&TT sẽ tổ chức ít nhất một sự kiện hỗ trợ DN công nghệ số đi ra nước ngoài. Các DN khó khăn thì hãy liên hệ với Bộ TT&TT qua Vụ Hợp tác quốc tế để được hỗ trợ.
Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Năm 2023 cũng nhấn mạnh lại nội hàm hành động là làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”./.