Chuyển động ICT

Đến 15/4, thuê bao di động không chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa hai chiều

Hoàng Linh 19:53 06/04/2023

Đây là thông tin được Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) công bố tại buổi họp báo của Bộ TT&TT chiều ngày 6/4/2023.

toan-canh-hop-bao-06042023.jpg
Toàn cảnh buổi họp báo

Buổi họp báo cũng cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong 3 tháng đầu năm 2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới. Đồng thời, trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT đang được báo chí và dư luận quan tâm.

Dự họp báo có lãnh đạo Bộ TT&TT, lãnh đạo Cục Viễn Thông, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Báo chí, Văn phòng Bộ, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Trung tâm Thông tin, Tạp chí TT&TT và đại diện một số doanh nghiệp liên quan cùng các nhà báo, phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí.

2,17 triệu thuê bao di động thực hiện chuẩn hóa thông tin với CSDL quốc gia

Theo Bộ TT&TT, trong tháng 3/2023, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) viễn thông tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm thuê bao phát triển mới, thuê bao được chuẩn hoá có thông tin thuê bao đúng quy định, đáp ứng mục tiêu tất cả các thuê bao đang hoạt động phải có thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác, trùng khớp.

Đến hết 31/3/2023, trong tổng số 3,84 triệu thuê bao mà các DN đã xác định cần chuẩn hóa do có thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư sau đối soát, có dấu hiệu có thông tin không đúng quy định, đã có 2,17 triệu thuê bao (56,49%) thực hiện chuẩn hóa sau khi nhận được thông báo; còn 1,67 triệu thuê bao (43,51%) không thực hiện chuẩn hoá theo thông báo đã bị tạm dừng dịch vụ một chiều theo quy định.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết đến ngày 15/4, thuê bao di động nào không chuẩn hóa thông tin thuê bao sẽ bị khóa hai chiều và đến ngày 15/5 thuê bao di động không chuẩn hoá sẽ bị thu hồi số về nhà mạng.

thu-truong-nguyen-thanh-lam-06042024.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm: khẩn trương tổ chức các đoàn thanh tra triển khai thanh tra đồng bộ trên cả nước đối với các chi nhánh của DN viễn thông tại các địa phương

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm thông báo ngày 31/3/2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký công văn số 1057 gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp chỉ đạo thanh tra diện rộng quản lý thông tin thông bao di động. Bộ TT&TT đã đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở TT&TT khẩn trương tổ chức các đoàn thanh tra triển khai thanh tra đồng bộ trên cả nước đối với các chi nhánh của DN viễn thông tại các địa phương, tổ chức, DN, cá nhân đăng ký sử dụng SIM điện thoại với số lượng lớn, có dấu hiệu bất thường và chỉ đạo UBND cấp huyện và các cơ quan liên quan phối hợp với Sở TT&TT để triển khai thanh tra, tạo thuận lợi cho đợt thanh tra đạt kết quả tốt. 

Cũng về lĩnh vực viễn thông, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các DN viễn thông hỗ trợ miễn phí dịch vụ SMS thông báo cho người dân, DN đối với một số nội dung triển khai Đề án 06 như: thông báo các trạng thái hồ sơ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), gửi tin nhắn cho công dân phục vụ triển khai ứng dụng VNeID và một số nội dung khác thuộc Đề án 06.

Trong tháng 3/2023, đã phát hiện và chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý 08 vụ việc sử dụng trạm phát sóng BTS giả phát tán tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo, tin nhắn giả mạo,.. với mục đích lừa đảo người dân tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Nam, Thanh Hóa.

Từ 01/3/2023, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã triển khai cổng tra cứu thông tin website, tên miền tại https://tracuutenmien.gov.vn hoặc nhắn tin qua đầu số 156 hỗ trợ người dân nhận diện, xác thực nguồn thông tin chính thức khi sử dụng dịch vụ, giao dịch trên Internet. Đến nay, có 65.040 lượt tra cứu (trong đó qua SMS 156 là 5.677 lượt; website 59.363 lượt).

Phê duyệt kế hoạch “năm dữ liệu số quốc gia”

Theo Bộ TT&TT, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xác định năm 2023 là năm về dữ liệu số Việt Nam, ngày 31/3/2023, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 516/QĐ-BTTTT về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai “Năm dữ liệu số quốc gia” của Bộ TT&TT với chủ đề của năm 2023 là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”. Theo đó, chủ yếu tập trung vào các nội dung: Phát triển dữ liệu mở; Phát triển CSDL; Phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; Nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu. Trong toàn bộ tiến trình này, Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp về năm dữ liệu, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu.

Điểm nổi bật trong hoạt động của Bộ TT&TT năm 2023 là Bộ TT&TT khởi động chiến dịch hỗ trợ các DN công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài để “mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi mở cõi”, mở rộng cơ hội, không gian hoạt động, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Bưu chính thí điểm nền tảng địa chỉ số

Sản lượng bưu gửi tháng 3/2023 ước đạt 176 triệu bưu gửi (không tăng so với tháng 2/2023 và tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái); doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 4.360 tỷ đồng (không tăng so với tháng 2/2023 và tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái).

Trong tháng 3/2023, Bộ TT&TT đã tổ chức triển khai thí điểm nền tảng địa chỉ số tại 02 xã, phường của tỉnh Hà Nam và tỉnh Thái Bình để làm hình mẫu nhân rộng cả nước.

63/63 địa phương đã triển khai xây dựng mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng

Bộ TT&TT đã tham mưu ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) năm 2023 tại Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 04/4/2023 của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Trong đó giao 13 nhóm nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ủy ban, 59 nhóm nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo CĐS các bộ, ngành, VCCI, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 69 nhóm nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo CĐS các địa phương.

Ban hành Quyết định số 516/QĐ-BTTTT ngày 31/3/2023, về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai “Năm dữ liệu số quốc gia” của Bộ TTTT với chủ đề của năm 2023 là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu là: Phát triển dữ liệu mở; Phát triển CSDL; Phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; Nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.

Theo số liệu của Bộ TT&TT, 63/63 địa phương đã triển khai xây dựng mô hình Tổ CNSCĐ với 71.836 tổ, tăng 4% so với tháng trước (69.345), 334.896 thành viên, tăng 3% so với tháng trước. Tổng lượt truy cập Nền tảng học trực tuyến mở đại trà One Touch của Bộ đạt gần 18 triệu lượt truy cập.

Đẩy mạnh cung cấp DVC toàn trình đạt 50,61%

Trong Quý I năm 2023, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp DVCTT theo hướng toàn trình quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Tính từ 21/02/2023-20/3/2023, tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ là 50,61%, tăng 2,84% so với tháng trước (47,77%). Mục tiêu 2023 là 80%.

Tỷ lệ DVCTT mức độ toàn trình đủ điều kiện là 77,08% tăng 2,36% so với tháng trước (74,72%). Mục tiêu 2023 là 100%.

Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng số hồ sơ của các DVCTT toàn trình: 54,80%, tăng 6,06% so với tháng trước (48,74%). Mục tiêu 2023 là 60%.

19/22 bộ, cơ quan ngang bộ, 63/63 địa phương đã ban hành Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử 2.0

Hướng dẫn xử lý 525 cuộc tấn công

Trong tháng 3, số địa chỉ IP nằm trong mạng botnet là 392.108 địa chỉ (giảm 50,3% cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,5% so với tháng 02/2023). Trong tháng 03/2023, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 525 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (407 cuộc phishing, 65 cuộc deface, 53 cuộc malware), giảm 68,9 % so với tháng 02/2023 (1.687 cuộc), giảm 49,3% so với cùng kỳ tháng 03/2022 (1.035 cuộc).

Số lượng địa chỉ IP nằm trong mạng botnet và các cuộc tấn công mạng đã giảm nhờ chiến dịch càn quét mã độc và việc cung cấp thông tin cảnh báo kịp thời tới các cơ quan, tổ chức và người dùng mạng Internet.

7 ứng dụng có số lượng người dùng thường xuyên trên 10 triệu người dùng

Ttính đến ngày 17/03/2023, số lượng DN nhỏ và vừa (SME) tiếp cận Chương trình CĐS DN là 749.665 DN (tăng 17.502 DN, tăng trưởng 2,3% so với tháng 02/2023). Số lượng SME sử dụng nền tảng của Chương trình: 107.221 DN (tăng trưởng 17.213 DN, tăng trưởng 16% so với tháng 02/2023).

Về xã hội số, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 7 ứng dụng có số lượng người dùng thường xuyên trên 10 triệu người dùng hàng tháng (Zalo, Zing Mp3, Baomoi, Momo, MB Bank, My Viettel, Vietcombank), 12 ứng dụng có từ 5-10 triệu người dùng hàng tháng và 67 ứng dụng có từ 1-5 triệu người dùng hàng tháng.

Mạng xã hội vẫn là lĩnh vực được người dùng điện thoại yêu thích nhất (trong đó ứng dụng chỉnh sửa video và mạng xã hội cung cấp các video ngắn ghi nhận sự gia tăng số lượng người dùng ấn tượng nhất trong tháng 02/2023), tiếp đến là các sàn TMĐT và trò chơi điện tử.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong Quý I/2023 là 13,6%, tăng 3,99% so với thời điểm cuối năm 2022. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP Quý I/2023 là 14,62%, tăng 0,36% so với thời điểm cuối năm 2022.

Doanh thu công nghiệp ICT đạt 32,8 tỷ USD

Ước tính đến hết tháng 3/2023, doanh thu công nghiệp CNTT 03 tháng đầu năm 2023 ước đạt 32,8 tỷ USD giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022.

Kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử: ước đạt khoảng 26,6 tỷ USD giảm 9,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, sản lượng xuất khẩu các tháng đầu năm đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Gỡ bỏ game và các ứng dụng vi phạm tại Việt Nam

Bộ TT&TT đã tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế báo chí 2023 và Hội nghị Kết nối mở rộng thị trường ngành game Việt Nam: Tầm nhìn mới cho game Việt nhằm tiếp tục chuỗi hoạt động kết nối và phát triển ngành.

Đối với công tác đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, Bộ TT&TT tiếp tục làm việc với một số DN/nền tảng lớn như: Apple, Google, Facebook, Tiktok…về việc gỡ bỏ các game và ứng dụng vi phạm tại Việt Nam; xử lý các tài khoản cá nhân/tổ chức có dấu hiệu vi phạm và đề xuất các giải pháp quản lý nội dung trên không gian mạng.

Công tác điều hoà thông tin trên báo chí tháng 3/2023: Tỷ lệ thông tin tiêu cực trên báo chí chiếm 22%; Tỷ lệ thông tin tích cực trên báo chí chiếm 58%.

Doanh thu tháng 3 đạt 325.565 tỷ đồng

Trong tháng 3/2023, doanh thu toàn ngành ước đạt 325.565 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với tháng 2. Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 3/2023 ước đạt 845.577 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ; tỷ lệ doanh thu ước đạt 20% so với kế hoạch năm.

Nộp ngân sách nhà nước ước đạt: 8.872 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với tháng 2. Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 3/2023 ước đạt 24.455 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm ngoái./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Đến 15/4, thuê bao di động không chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa hai chiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO