Bộ TT&TT và tỉnh Điện Biên ký hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số giai đoạn 2024 - 2026
Bộ TT&TT và Tỉnh ủy Điện Biên đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2024 - 2026 nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực TT&TT trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Ngày 16/10, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) và đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên về công tác TT&TT và CĐS. Tiếp và làm việc với đoàn có Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trở thành nguồn lực phát triển Điện Biên
Theo đó, tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024 và kết quả quản lý Nhà nước ngành TT&TT của tỉnh. Đồng thời, thành viên Đoàn công tác của Bộ TT&TT cũng trao đổi một số gợi ý cho tỉnh trong thực hiện công tác CĐS, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Trong 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Điện Biên đạt được kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP ước tăng 10,55% so với cùng kỳ năm trước; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng thu ngân sách địa phương đạt 74,56% kế hoạch năm, trong đó thu ngân sách nhà nước đạt 53,65% kế hoạch năm.
Về lĩnh vực TT&TT, tổng doanh thu hoạt động bưu chính 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 105 tỷ đồng, tăng 1,78% so cùng kỳ năm 2023. Hạ tầng viễn thông ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, từng bước đáp ứng vai trò là hạ tầng số, hạ tầng kinh tế kỹ thuật quan trọng của Chính phủ số thúc đẩy CĐS, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Mức độ phổ cập điện thoại thông minh, Internet và sử dụng dữ liệu ngày càng tăng. Tổng số thuê bao di động ước đạt 567.666 thuê bao (đạt 86,8 thuê bao/100 dân); tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 72%; thuê bao Internet băng rộng cố định ước đạt hơn 73.000 thuê bao; trên 52% hộ gia đình có kết nối Internet. Tổng doanh thu các dịch vụ viễn thông 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 465 tỷ đồng, tăng 0,13% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện toàn tỉnh có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet với tổng số 920 vị trí trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) trong đó có 811 vị trí có phủ sóng 3G, 825 vị trí có phủ sóng 4G. Sóng thông tin di động (3G, 4G) đã được phủ đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 95% khu vực có dân cư sinh sống. Toàn tỉnh có 510 tuyến cáp quang với tổng chiều dài 3.350 km, tập trung chủ yếu là hạ tầng của Viettel Điện Biên, Viễn thông Điện Biên. Hạ tầng truyền dẫn cáp quang được kéo đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 88,7% cấp thôn/bản.
Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu cùng thảo luận, trao đổi về nội dung hỗ trợ triển khai trợ lý ảo cho cán bộ, công chức tỉnh; xem xét việc tỉnh Điện Biên thí điểm Sổ Sức khỏe điện tử; triển khai Sổ tay đảng viên điện tử trong thời gian gần nhất; hỗ trợ, chuyển giao Bức tranh panorama về Chiến thắng Điện Biên Phủ bằng công nghệ trình chiếu 3D Mapping.
Đồng thời, các đại biểu cũng trao đổi về vận hành trung tâm xử lý tin giả; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình, cách thức thực hiện xuất bản điện tử; triển khai làm hệ thống loa, truyền thanh cấp xã hiện đại; phát triển hạ tầng viễn thông; quyết liệt tình trạng xử lý SIM rác; triển khai dịch vụ công cho đồng bào dân tộc thiểu số...
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi, chia sẻ và làm rõ thêm các nội dung về công tác CĐS trong đó nhấn mạnh CĐS là cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị Điện Biên trong nhiệm kỳ tới nên có Nghị quyết mới về CĐS, trong đó đưa nội dung CĐS thành một nội dung công tác của cấp ủy các cấp, đưa kết quả CĐS vào đánh giá cấp ủy, đánh giá người đứng đầu. Điện Biên cần tăng tỷ lệ cấp ủy các cấp có chuyên môn về CĐS và người đứng đầu các cấp phải trực tiếp làm, trực tiếp chỉ đạo CĐS.
Để CĐS phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tỉnh tạo sự đột phá, đồng thời, tăng chi ngân sách của tỉnh cho CĐS.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu và khẳng định tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trở thành nguồn lực phát triển Điện Biên.
Tăng cường trao đổi, hợp tác hiệu quả về TT&TT, CĐS
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT và Tỉnh ủy ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2024 - 2026. Theo đó, Bộ TT&TT và Tỉnh uỷ Điện Biên thống nhất hợp tác, hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT; tăng cường trao đổi, phối hợp hiệu quả công tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước về TT&TT ở Trung ương và địa phương.
Hai bên cam kết cùng lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong triển khai các hoạt động hợp tác chung: Tham vấn, đóng góp ý kiến, chia sẻ các thông tin; phối hợp chỉ đạo trong công tác thực thi quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên; tổ chức các hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý Nhà nước, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ về TT&TT; triển khai các chương trình, đề án, dự án về TT&TT tại địa phương.
Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường đã trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên tặng Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô cũng trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên cho đại diện các đơn vị có nhiều đóng góp trong công tác CĐS của tỉnh.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác Bộ TT&TT đã tới đặt vòng hoa, dâng hương viếng đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ và Nghĩa trang liệt sĩ A1./.