Bước tiến vũ bão của công nghệ là cơ hội vàng để Việt Nam bứt phá vươn lên
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, thế giới đang bước vào một giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, được dẫn dắt bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những bước tiến vũ bão của AI, dữ liệu lớn, IoT, công nghệ sinh học, năng lượng mới và đặc biệt là xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số toàn cầu. Đây là thách thức lớn, nhưng đồng thời là cơ hội vàng để Việt Nam bứt phá vươn lên.
Chiều ngày 16/5, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đã diễn ra Chương trình “Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5” năm 2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp (DN) công nghệ cao, nhà sáng chế, cộng đồng nhà khoa học trong và ngoài nước đã tham dự chương trình.
Chủ đề Ngày KH&CN năm nay là “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Đột phá đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng” thể hiện quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước và toàn ngành KH&CN về vai trò cốt lõi của tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) trong hành trình phát triển đất nước.

Những nỗ lực, cống hiến và kết quả đáng trân trọng của toàn ngành KH&CN
Phát biểu tại Ngày hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng trân trọng cảm ơn những cống hiến không ngừng nghỉ của các thế hệ nhà khoa học, cán bộ quản lý khoa học, cộng đồng DN và toàn thể nhân dân đối với sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và ĐMST của đất nước.

62 năm trước, vào ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã gặp mặt giới trí thức, nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học phải xuất phát từ thực tiễn sản xuất và quay trở lại phục vụ nhân dân, phục vụ mục tiêu cao cả là xây dựng chủ nghĩa xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Lời dạy ấy, bình dị mà sâu sắc, đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt các giai đoạn phát triển của đất nước, từ những năm tháng kháng chiến gian lao đến công cuộc xây dựng và đổi mới hôm nay”.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm: Phát triển và ứng dụng KHCN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định và nâng tầm trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, xác định phát triển mạnh mẽ KHCN, ĐMST và CĐS là động lực chính để tăng trưởng kinh tế và là một trong ba đột phá chiến lược cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã vạch rõ con đường và mục tiêu chiến lược để KHCN, ĐMST và CĐS thực sự trở thành yếu tố nền tảng, là bệ phóng đưa Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên số.
Nhìn lại chặng đường vừa qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của KHCN và ĐMST trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ những sáng kiến kỹ thuật phục vụ chiến trường đến các công trình xây dựng vĩ đại, từ việc đảm bảo an ninh lương thực đến chủ động sản xuất vaccine, từ những nghiên cứu khoa học cơ bản đạt tầm khu vực, quốc tế đến sự bứt phá mạnh mẽ trong Chỉ số ĐMST toàn cầu, đưa Việt Nam liên tục giữ vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp và cải thiện thứ hạng đáng kể.
Đặc biệt, khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần quan trọng trong việc làm sáng tỏ lý luận, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, khẳng định bản sắc văn hóa, con người Việt Nam. Những thành tựu đó là minh chứng sống động cho trí tuệ, lòng say mê và tinh thần cống hiến của đội ngũ trí thức Việt Nam.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cống hiến và kết quả đáng trân trọng mà toàn ngành KH&CN, đặc biệt là Bộ KH&CN cùng cộng đồng các nhà khoa học, DN và những người làm công tác ĐMST đã đạt được.
Cơ hội vàng để Việt Nam bứt phá vươn lên
Phó Thủ tướng cho biết: Thế giới đang bước vào một giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, được dẫn dắt bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những bước tiến vũ bão của AI, dữ liệu lớn, IoT, công nghệ sinh học, năng lượng mới, và đặc biệt là xu hướng chuyển đổi xanh, CĐS toàn cầu. Đây là thách thức lớn, nhưng đồng thời là cơ hội vàng để Việt Nam bứt phá vươn lên.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ xác định rõ: KHCN, ĐMST và CĐS chính là con đường ngắn nhất, là yếu tố có ý nghĩa sống còn để Việt Nam thực hiện khát vọng phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, và tự chủ, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
“KHCN và ĐMST không chỉ là động lực tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng để xây dựng một Việt Nam số an toàn, nhân văn, thịnh vượng; là công cụ chiến lược để nâng cao năng suất lao động, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”.
Để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược này, với vai trò là cơ quan tham mưu cao nhất cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ về KHCN và ĐMST, Bộ KH&CN, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và sự vào cuộc của toàn xã hội, cần tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đột phá sau:
Một là, khẩn trương hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, cởi trói tối đa tiềm năng KHCN và ĐMST.
Hai là, đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống ĐMST quốc gia theo hướng hiệu quả, gắn kết chặt chẽ khu vực công và tư nhân.
Ba là, tập trung đầu tư có trọng điểm cho nghiên cứu cơ bản và làm chủ các công nghệ chiến lược, nền tảng, công nghệ lõi. Hỗ trợ phát triển các nền tảng số "Make in Viet Nam" mang tính quốc gia, có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Bốn là, có chính sách đột phá để thu hút, đào tạo, sử dụng và trọng dụng nhân tài KHCN.
Năm là, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng KHCN và ĐMST trong DN và các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Sáu là, đẩy mạnh ngoại giao khoa học, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng về KHCN và ĐMST.
Bảy là, tăng cường vai trò của tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TĐC) như ba trụ cột chiến lược.
Tám là, đẩy mạnh truyền thông, khơi dậy niềm đam mê khoa học, hình thành văn hóa ĐMST trong toàn xã hội.
Kiến tạo một tương lai mới cho KHCN, ĐMST và CĐS của đất nước
Trước các đánh giá về sự phát triển của KH&CN nước nhà, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Những thành tựu đã góp phần làm nên diện mạo Việt Nam tươi sáng hơn, mạnh mẽ hơn.
Những nhà KHCN có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, của nhân loại, theo Bộ trưởng, phải được tôn vinh muôn đời. Bộ KH&CN sẽ đề xuất Chính phủ xây dựng một công viên với các tượng đài của các nhà KHCN có thành tựu nghiên cứu, có đóng góp xuất sắc cho đất nước và thế giới, giống như các quốc gia có nghĩa trang danh nhân, nghĩa trang nhà khoa học nổi tiếng.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh: "Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để kỷ niệm, tôn vinh và đặc biệt là cùng nhau khẳng định quyết tâm kiến tạo một tương lai mới cho KHCN, ĐMST và CĐS của đất nước”.
Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Phát triển KHCN là quốc sách hàng đầu; giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Theo Bộ trưởng, tinh thần này tiếp tục được cụ thể hóa và nâng tầm trong các Nghị quyết quan trọng của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Nghị quyết 57 đã xác định KHCN, ĐMST, CĐS phải thực sự trở thành đột phá chiến lược, động lực chính để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. “Chúng ta đang sửa luật KHCN thành luật KHCN và ĐMST để thể chế hoá các định hướng, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước”.
Bộ KH&CN bây giờ là 5 ngón tay trên một bàn tay: KHCN, Sở hữu trí tuệ (SHTT), ĐMST, TĐC, CĐS. KHCN là cái máy cái sản xuất ra tri thức; SHTT là biến cái tri thức đó thành tài sản để giao dịch được, tạo thành trị trường tài sản trí tuệ, giúp cho tri thức ra khỏi phòng thí nghiệm và đi xa được; ĐMST là mang cái trí ấy sáng tạo ra sản phẩm, của cải cho xã hội; TĐC là sự đảm bảo hình hài, chất lượng cho sản phẩm hàng loạt; CĐS là môi trường mới, mảnh đất mới, công cụ mới cho sự phát triển. 5 ngón tay này là một chỉnh thể toàn diện cho KHCN phát triển.
CĐS có vai trò quan trọng
Tham dự và phát biểu tại Ngày hội, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vương Quốc Anh Ian Frew, cho biết hiện tại là một thời điểm thú vị cho KHCN và CĐS trên toàn thế giới.

Theo Đại sứ, chưa bao giờ trong lịch sử, chúng ta thấy vai trò của KHCN trong việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia bằng cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất và thúc đẩy ĐMST. Chưa bao giờ trong lịch sử, chúng ta thấy KHCN thâm nhập vào cuộc sống con người như bây giờ. Hai phần ba dân số thế giới được kết nối với Internet. Tỷ lệ này ở Việt Nam là 80%. AI đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc. Việt Nam có các công ty lớn sẵn sàng đầu tư và cạnh tranh trên thị trường AI toàn cầu.
Ấn tượng trước sự đổi mới chính sách nhanh chóng gần đây của Đảng và Chính phủ Việt Nam, Đại sứ cho biết Nghị quyết 57 là một cột mốc trong tư duy của Việt Nam để nhận ra vai trò quan trọng của KHCN, ĐMST và CĐS trong kỷ nguyên mới. Nghị quyết 57 cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc giải quyết các rào cản về thể chế, đầu tư vào nhân tài và cơ sở hạ tầng để nắm bắt cơ hội.
Đại sứ cũng cho biết trong kỷ nguyên mới, CĐS là rất quan trọng. Trong khi cố gắng bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ mang tính chuyển đổi như AI, Vương quốc Anh và Việt Nam có chung tầm nhìn rằng AI phải được phát triển và áp dụng một cách có trách nhiệm.
Đại sứ Anh mong muốn đa dạng hóa và đào sâu hơn nữa sự hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, tăng trưởng xanh, công nghệ chuyển đổi bao gồm AI, chất bán dẫn, khoáng sản quan trọng và sinh học kỹ thuật.
Tôn vinh sản phẩm công trình KH&CN tiêu biểu
Tại sự kiện, Ban Tổ chức đã vinh danh một số sản phẩm và công trình KHCN tiêu biểu năm 2024. Cụ thể, năm 2024, các tập thể và cá nhân tiêu biểu được vinh danh gồm:
Bidiphar: Tiên phong sản xuất thuốc ung thư tại Việt Nam, giúp giảm mạnh chi phí điều trị, doanh thu 1.748 tỷ đồng;
VNPT Technology: Phát triển thiết bị XGS-PON Wi-Fi 7 đầu tiên trên thế giới, mở rộng thị phần viễn thông;
MedCAT: Ứng dụng AI số hóa dữ liệu y tế, tăng hiệu quả xử lý bảo hiểm, đạt nhiều giải thưởng quốc tế;
Growmax: Sản xuất thức ăn tôm công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị ngành tôm, doanh thu 5.600 tỷ đồng;
Nhóm tác giả của công trình: “Phát triển công nghệ hồ treo trữ nước, giải quyết thiếu nước vùng núi cao” đạt giải Trần Đại Nghĩa;
Veritas Việt Nam: Sản xuất pallet từ vỏ dừa polymer hóa, giảm phát thải carbon, tạo việc làm cho nông dân, top 3 sáng kiến khoa học 2025;
MISA: Đạt giải Sao Khuê cho sản phẩm công nghệ thông tin xuất sắc;
Viện Thuốc phóng Thuốc nổ: Sản xuất thuốc phóng mới cho đạn quân sự, đạt giải thưởng sáng tạo KHCN;
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà: Sáng kiến dự báo mưa bão, phục vụ phát triển năng lượng tái tạo;

PGS. Nguyễn Minh Tân: Đóng góp khoa học nâng tầm nông sản Việt Nam, nhận giải Kovalevskaia 2024.
Chương trình hành động và sứ mệnh mới của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED)
Tiếp nối hoạt động vinh danh, Bộ KH&CN đã chính thức công bố Chương trình hành động và sứ mệnh mới của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) - một thiết chế tài trợ khoa học được tái cấu trúc nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KHCN.
Đặc biệt, 10 nhóm tiêu biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, DN và nhà sáng chế đã cùng nhau cam kết triển khai các công trình nghiên cứu và ứng dụng KHCN trọng điểm, hướng đến các lĩnh vực ưu tiên như: Nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị ung thư theo cơ chế di truyền; Phát triển chip AI ứng dụng cho thiết bị thông minh tại biên (Edge-AI); Thiết kế máy móc phục vụ nông nghiệp tuần hoàn; Làm chủ công nghệ y tế tiên tiến như nút mạch não và hỗ trợ tim; Sản xuất phần mềm trí tuệ nhân tạo ngôn ngữ tiếng Việt “Make in Viet Nam”.

Đây là lần đầu tiên một lễ công bố cam kết khoa học quy mô quốc gia được tổ chức đồng thời giữa các nhà khoa học, nhà sáng chế và DN cho thấy tính thực chất và định hướng ứng dụng mạnh mẽ của ngành KH&CN trong giai đoạn phát triển mới.

Bên cạnh các cam kết nghiên cứu, Chương trình Ngày hội KH&CN năm nay còn vinh danh các sáng kiến tiêu biểu từ Cuộc thi “Sáng kiến Khoa học 2025” do Báo VnExpress phối hợp tổ chức, với tổng giá trị giải thưởng gần 1 tỷ đồng./.