AI đang mở ra những định hướng nghiên cứu mới đối với khoa học xã hội và nhân văn
Đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trí tuệ nhân tạo đang mở ra những định hướng nghiên cứu mới, cung cấp phương pháp và công cụ nghiên cứu mới...
Sáng ngày 16/5, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI): Cơ hội và thách thức đối với nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam hiện nay”. Đây là một hoạt động trọng điểm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Khai thác có hiệu quả AI trong nghiên cứu KHXH và nhân văn
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết, AI đang trở thành một trong những đột phá công nghệ chủ đạo của thời đại; tác động mạnh mẽ tới mọi mặt, mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội.

Đối với khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV), AI đang mở ra những định hướng nghiên cứu mới, cung cấp phương pháp và công cụ nghiên cứu mới. Từ phân tích dữ liệu xã hội ở quy mô lớn, trích xuất và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, cho đến mô hình hóa hành vi và dự báo xu hướng xã hội, AI đang làm thay đổi căn bản cách thức, phương thức tiếp cận, lý giải và phản ánh các hiện tượng xã hội.
Bên cạnh những tiềm năng to lớn, việc ứng dụng AI trong KHXH&NV cũng đặt ra không ít thách thức như: khả năng tiếp cận công nghệ mới, kỹ năng phân tích, lập trình, khai thác ứng dụng đối với các nhà nghiên cứu; việc khai thác, sử dụng dữ liệu lớn; tiềm ẩn nguy cơ sai lệch do thuật toán và dữ liệu huấn luyện; vấn đề đạo đức và quyền riêng tư trong xử lý dữ liệu xã hội; vấn đề liêm chính học thuật, quyền sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu, công bố kết quả khoa học qua các ứng dụng từ AI; vấn đề về bảo đảm tính phản biện, kiểm chứng và trách nhiệm khoa học trong các nghiên cứu có sử dụng AI…
.jpg)
TS. Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đã xác định mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển AI.
Chính vì vậy, Hội thảo hôm nay có ý nghĩa quan trọng, không chỉ góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, ý nghĩa của ngày KH&CN Việt Nam; từng bước hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đột phá phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mà còn là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người hoạt động thực tiễn cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp góp phần khai thác có hiệu quả AI trong nghiên cứu KHXH&NV hiện nay.
Hội thảo cũng góp phần thúc đẩy quan hệ giao lưu, hợp tác giữa các nhà khoa học trong và ngoài Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; mở rộng cơ hội hợp tác trong nghiên cứu khoa học giữa các tổ chức, đơn vị nghiên cứu, đơn vị đào tạo trong lĩnh vực KHXH&NV của cả nước.
AI đang dần khẳng định vị thế quan trọng trong các ngành KHXH&NV
Tại Hội thảo, PGS. TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc của AI trên phạm vi toàn cầu. AI không còn chỉ giới hạn trong phạm vi khoa học tự nhiên và công nghệ thuần túy, mà đang dần khẳng định vị thế quan trọng trong các ngành KHXH&NV.

Công nghệ AI đang tạo ra những biến đổi sâu rộng, mở ra tiềm năng to lớn trong việc phân tích dữ liệu, mô hình hoá hành vi xã hội và dự báo chính sách. Hiện nay, các công cụ AI tạo sinh như GPT-4 và các mô hình ngôn ngữ chuyên ngành đang hỗ trợ thu thập dữ liệu và mô phỏng chính sách trong kinh tế học và KHXH, tạo điều kiện cho dự báo nhanh và thiết kế kịch bản, nhưng cũng đặt ra những thách thức về tính giải thích và tái lập kết quả.
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định rõ AI là một trong các lĩnh vực ưu tiên trong Chương trình phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược; đồng thời thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc phát triển mạnh mẽ công nghệ AI với những mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết số 57 không chỉ mở ra cơ hội bứt phá cho chuyển đổi số quốc gia, mà còn tạo điều kiện thuận lợi chưa từng có cho “nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Đây chính là một cơ hội tốt để số hóa nền tảng nghiên cứu, nâng cao hiệu quả nghiên cứu KHXH và mở rộng kết nối học thuật quốc tế.
“Hơn 78 triệu người dùng Internet ở Việt Nam hiện nay bao gồm một nguồn lớn nhân lực trẻ và am hiểu công nghệ là một nền tảng quan trọng cho việc phát triển và ứng dụng mạnh mẽ AI trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và nghiên cứu KHXH nói riêng”, PGS. TS. Tạ Minh Tuấn nhấn mạnh.
Vai trò của KHXH&NV trong việc định hướng sự phát triển AI
Cũng tại Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Hải, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: AI đang trải qua một giai đoạn phát triển với tốc độ chưa từng có, mang lại những thay đổi sâu sắc và đa chiều trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó KHXH&NV không phải là ngoại lệ.

AI không chỉ nổi lên như một công cụ mạnh mẽ hỗ trợ các nhà nghiên cứu KHXH&NV trong việc xử lý dữ liệu, tổng quan tài liệu và phát hiện tri thức mới, mà còn trở thành một đối tượng nghiên cứu quan trọng, đòi hỏi sự phân tích sâu sắc từ góc độ đạo đức, xã hội và văn hóa.
“Trong bối cảnh đó, vai trò của KHXH&NV trở nên then chốt trong việc định hướng sự phát triển AI một cách có trách nhiệm, đảm bảo công nghệ này phục vụ lợi ích con người, phù hợp với bản sắc văn hóa, đặc thù xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước”, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Hải cho hay.
Theo PGS. TS. Nguyễn Hoàng Hải, Việt Nam đang tích cực hội nhập vào cuộc cách mạng AI toàn cầu, với những chủ trương, chính sách và sáng kiến cụ thể nhằm phát triển và ứng dụng công nghệ này một cách có trách nhiệm, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nền tảng pháp lý và định hướng chiến lược cho sự phát triển AI tại Việt Nam được thể hiện rõ nét qua Quyết định số 127/QĐ-TTg. Chiến lược này đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 1290/QĐ-BKHCN hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm" với 9 nguyên tắc cốt lõi nhằm định hướng sự phát triển AI phù hợp với các giá trị của Việt Nam.
Tuy nhiên, để Việt Nam có thể khai thác hiệu quả tiềm năng của AI đồng thời quản lý tốt các rủi ro, cần có sự chung tay và nỗ lực đồng bộ từ các nhà hoạch định chính sách, cộng đồng học thuật và các bên liên quan trong xã hội.
“Việc tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu liên ngành, tăng cường năng lực cho đội ngũ nghiên cứu KHXH&NV, đổi mới chương trình đào tạo để tích hợp kiến thức và kỹ năng về AI, xây dựng các bộ dữ liệu và công cụ AI tiếng Việt chất lượng cao và thúc đẩy đối thoại công khai về AI là những bước đi cần thiết”, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Hải đề xuất.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề cập đến các vấn đề về: Tổng quan về AI và các ứng dụng hiện đại trong nghiên cứu KHXH&NV; Thực trạng ứng dụng AI tại Việt Nam; Cơ hội mà AI mở ra cho KHXH&NV ở Việt Nam; Khung chính sách và đạo đức AI cho nghiên cứu KHXH&NV; Thách thức về dữ liệu và phương pháp: Tận dụng xu hướng khoa học mở, dữ liệu mở; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Định hướng nghiên cứu tương lai và kết nối quốc tế: các hướng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng phù hợp với bối cảnh thực tiễn tại Việt Nam hiện nay; Các hướng nghiên cứu liên ngành nhằm ứng dụng AI; Mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố như phương pháp, dữ liệu, công cụ,… trong nghiên cứu KHXH&NV trong sự phát triển của AI; Ứng dụng AI trong các ngành nghiên cứu cụ thể: triết học, kinh tế học, xã hội học, tâm lí học, nhân học, sử học, khảo cổ học, luật học….
Cũng tại Hội thảo, Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học ngành KHXH&NV./.