Với chủ đề “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Đột phá đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng”, “Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5” năm 2025 đã được tổ chức chiều ngày 16/5 tại trụ sở Bộ KH&CN.
Chủ đề thể hiện quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước và toàn ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) về vai trò cốt lõi của tri thức, công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) trong hành trình phát triển đất nước.
Phát biểu tại Ngày hội, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để kỷ niệm, tôn vinh và đặc biệt là cùng nhau khẳng định quyết tâm kiến tạo một tương lai mới cho KHCN, ĐMST và CĐS của đất nước".
Tạp chí TT&TT trân trọng giới thiệu bài toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng:
Kính thưa đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ,
Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương,
Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ KH&CN qua các thời kỳ,
Kính thưa các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các quý vị đại biểu, khách quý, cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành KH&CN và những người yêu khoa học trong cả nước,
Ngày 18 tháng 5 hàng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Chúng ta khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ nhất Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam năm 1963: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi...”. Khoa học không chỉ nằm trong phòng thí nghiệm, trên trang sách, mà phải đi vào cuộc sống, giải những bài toán lớn của quốc gia, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để kỷ niệm, tôn vinh và đặc biệt là cùng nhau khẳng định quyết tâm kiến tạo một tương lai mới cho KHCN, ĐMST và CĐS của đất nước. Thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN, tôi xin gửi lời chào mừng nồng nhiệt và lời cảm ơn sâu sắc đến đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, các đồng chí Lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương, các quý vị đại biểu đã dành thời gian quý báu đến tham dự và chia sẻ niềm vui, niềm tự hào với ngành KHCN, ĐMST và CĐS.
Sự hiện diện của các đồng chí và quý vị là nguồn động viên to lớn, khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với lĩnh vực then chốt này - lĩnh vực quyết định vận mệnh quốc gia trong kỷ nguyên mới.
Nhìn lại chặng đường đã qua, mỗi cán bộ ngành KH&CN đều hết sức tự hào và tri ân sâu sắc công lao, trí tuệ và sự cống hiến thầm lặng của các thế hệ cha anh đi trước đã đặt nền móng vững chắc cho những thành tựu hôm nay - những thành tựu đã góp phần làm nên diện mạo Việt Nam tươi sáng hơn, mạnh mẽ hơn.
Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu; giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Tinh thần này tiếp tục được cụ thể hóa và nâng tầm trong các Nghị quyết quan trọng của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Nghị quyết 57 đã xác định KHCN, ĐMST, CĐS phải thực sự trở thành đột phá chiến lược, động lực chính để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Chúng ta đang sửa luật KHCN thành luật KHCN và ĐMST để thể chế hoá các định hướng, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Tôi xin được chia sẻ những đổi mới mạnh mẽ, mang tính cách mạng của Luật KHCN và ĐMST.
Thứ nhất, khoa học, công nghệ là nền của một quốc gia. KHCN mà hưng thịnh thì quốc gia mới hưng thịnh. KHCN mà mạnh thì quốc gia mới mạnh. Một quốc gia muốn trở thành cường quốc thì phải là cường quốc KHCN. Một quốc gia muốn trở thành nước phát triển thì phải là một quốc gia có KHCN phát triển.
Thứ hai, khoa học, công nghệ phải hướng tới đổi mới sáng tạo, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Lần đầu tiên, ĐMST được đưa vào Luật và được đặt ngang hàng với KHCN, thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển. Nhấn mạnh ĐMST cũng chính là nhấn mạnh vai trò thúc đẩy ứng dụng của KHCN trong thực tiễn, góp phần gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội. Nếu KHCN và ĐMST được kỳ vọng đóng góp 4% vào tăng trưởng GDP thì phần đóng góp từ ĐMST chiếm tới 3%, trong khi KHCN chiếm 1%.
Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ trong tư duy quản lý, từ kiểm soát quy trình và đầu vào như hóa đơn, chứng từ chi tiết, sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro gắn với quản trị rủi ro.
Trọng tâm của quản lý nhà nước không còn là cách thức thực hiện mà là kết quả. Bộ KH&CN có trách nhiệm đo lường hiệu quả tổng thể của các chương trình, nhiệm vụ KHCN, đồng thời lấy kết quả làm căn cứ để phân bổ nguồn lực. Tăng quyền tự chủ cho các tổ chức, cá nhân và chủ nhiệm đề tài trong triển khai nhiệm vụ, quản lý bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi, nhưng đi kèm là yêu cầu nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch trong sử dụng nguồn lực. Đặc biệt, tổ chức và cá nhân thực hiện nghiên cứu được quyền sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa; người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% từ phần thu nhập thu do thương mại hóa và được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập này.
Thứ tư, chuyển từ một quốc gia sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược.
Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam xác lập định hướng rõ ràng về việc chuyển từ một quốc gia chủ yếu sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia. Ngân sách nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phân bổ khoảng 40 - 50% để thực hiện các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược. Việc triển khai các nhiệm vụ này được giao cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu có năng lực và uy tín thực hiện.
Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hạ tầng kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ phát triển công nghệ chiến lược.
Thứ năm, khoa học công nghệ thay vì ở trên Trời, đi từ Trời xuống Đất thì phải có một chiều nữa là đi từ Đất đi lên, từ đổi mới sáng tạo tới phát triển công nghệ rồi tới nghiên cứu khoa học.
Thay vì chỉ đi một chiều như trước đây là xuất phát từ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để phát triển các sản phẩm mới, thì lần này tập trung vào một chiều mới là lấy thị trường, định hướng sản phẩm làm động lực, làm định hướng cho phát triển công nghệ, xác định các bài toán nghiên cứu liên quan.
Thứ sáu, chuyển nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học.
Đây là định hướng lớn của nhà nước, việc chuyển dịch nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học là phù hợp với thông lệ quốc tế, tất cả các quốc gia đều coi các cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản do đây là nơi tập trung nhiều nhất nhân lực nghiên cứu cơ bản, nhất là nhân lực trẻ (đội ngũ giáo viên, giáo sư, sinh viên, nghiên cứu sinh). Việc chuyển dịch này không có nghĩa là loại bỏ vai trò của các viện nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Ngược lại, các viện nghiên cứu, nhất là hai Viện Hàn lâm, vẫn có thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản phù hợp với thế mạnh, cơ cấu tổ chức và định hướng phát triển của mình.
Thứ bảy, chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp.
Doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu phát triển, không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Nếu trước đây, ngân sách nhà nước tài trợ cho nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp chỉ được dưới 10% thì thời gian tới sẽ là 70 - 80%. Cho phép doanh nghiệp được hạch toán các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp như chi phí sản xuất kinh doanh, và không còn giới hạn mức tối đa (trước đây là khoảng 1% doanh thu và chỉ áp dụng với doanh nghiệp có lãi).
Các khoản chi này còn được tính khấu trừ thuế với hệ số ưu đãi vượt trội là 150% và có thể lên đến 200% nếu đầu tư vào công nghệ chiến lược. Doanh nghiệp có lãi được trích lợi nhuận trước thuế để lập quỹ đầu tư cho KHCN và khởi nghiệp sáng tạo, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, hỗ trợ các khởi nghiệp sáng tạo nghiên cứu phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mang tính đột phá. Ngoài ra, nhà nước cũng có chính sách ưu tiên mua sắm sản phẩm KHCN của doanh nghiệp trong nước.
Thứ tám, cân bằng nghiên cứu khoa học tự nhiên và nghiên cứu khoa học xã hội. Các nghiên cứu khoa học xã hội, nhân văn có tác động đến phát triển của quốc gia, nhân loại không kém gì các nghiên cứu khoa học tự nhiên. Các nghiên cứu khoa học xã hội, nhân văn hướng tới sự phát triển của xã hội, con người.
Sự kết hợp liên ngành KH tự nhiên và KH xã hội để đảm bảo các công nghệ phát triển gắn với bảo vệ các giá trị đạo đức cốt lõi của nhân loại.
Thứ chín, phát triển KHCN và ĐMST trong một hệ sinh thái hoàn chỉnh và cân bằng, bao gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực và các chủ thể như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà nước, nhà nghiên cứu, các định chế tài chính, tổ chức trung gian, trung tâm ĐMST, các quỹ NCPT, quỹ đổi mới công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm.
Trong hệ sinh thái này, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, thông qua việc đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hỗ trợ thông tin, tiêu chuẩn, sở hữu trí tuệ, ban hành cơ chế tài chính ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST, đồng thời thu hút và đãi ngộ nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước. Kết nối với hệ sinh thái các nước. Việt Nam có nhiều bài toán lớn, có ngân sách thực hiện, chúng ta phải hợp tác, phải thuê, phải tận dụng được các cơ sở nghiên cứu, các nhà khoa học toàn cầu.
Đây là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để phát triển KHCN và phát triển đất nước.
Thứ mười, CĐS toàn diện hoạt động KHCN và quản lý KHCN.
Các tổ chức nghiên cứu phát triển sẽ sử dụng nền tảng số quốc gia để quản lý đề tài, nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm theo dõi toàn bộ vòng đời nhiệm vụ, kể cả khi kéo dài 10-15 năm. Chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình tiền kiểm sang hậu kiểm, cắt giảm thủ tục hành chính và thay thế bằng quản lý số hoá, qua đó nâng cao hiệu quả điều hành, tính minh bạch và khả năng giám sát dài hạn.
Kính thưa các đồng chí và quý vị,
Những nhà KHCN có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, của nhân loại phải được tôn vinh muôn đời. Bộ KH&CN sẽ đề xuất Chính phủ xây dựng một công viên với các tượng đài của các nhà KHCN có thành tựu nghiên cứu, có đóng góp xuất sắc cho đất nước và thế giới. Giống như các quốc gia có
nghĩa trang danh nhân, nghĩa trang nhà khoa học nổi tiếng.
"Bao giờ cho tới ngày xưa" là câu chúng ta hay nói với nhau. Sao bây giờ cứ kém ngày xưa, người bây giờ không giỏi bằng người ngày xưa, không có tinh thần hi sinh như ngày xưa. Nhưng khi nhìn sâu vào thì sự khác nhau giữa ngày xưa và ngày nay là ở chỗ, ngày xưa, giấc mơ, khát vọng của con người lớn hơn rất nhiều so với những gì họ đang có trong tay.
Ngày nay, chúng ta giầu có hơn, có nhiều thứ trong tay hơn, có nhiều công cụ hơn thì giấc mơ phải lớn hơn ngày xưa, lớn hơn rất nhiều so với những gì đang có thì chúng ta sẽ lại có được tinh thần ngày xưa ấy, lại giỏi giang như thế và hơn thế, phụng sự nhiều hơn, và vì thế, Việt Nam sẽ phát triển để trở thành nước XHCN phát triển có thu nhập cao, với GDP/người 20 - 25.000$ vào năm 2045.
Bây giờ, giấc mơ đã lớn, việc đã đủ lớn, đủ khó, lại có tiền nữa thì chúng ta có thể thu hút tri thức toàn cầu, các nhà khoa học, công nghệ toàn cầu tham gia giải các bài toán lớn của Việt Nam, và qua đó mà KHCN của nước nhà phát triển, đất nước phát triển.
Bộ KH&CN bây giờ là 5 ngón tay trên một bàn tay: KHCN, Sở hữu trí tuệ (SHTT), ĐMST, Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng (TĐC), CĐS. KHCN là cái máy cái sản xuất ra tri thức; SHTT là biến cái tri thức đó thành tài sản để giao dịch được, tạo thành trị trường tài sản trí tuệ, giúp cho tri thức ra khỏi phòng thí nghiệm và đi xa được; ĐMST là mang cái trí ấy sáng tạo ra sản phẩm, của cải cho xã hội; TĐC là sự đảm bảo hình hài, chất lượng cho sản phẩm hàng loạt; CĐS là môi trường mới, mảnh đất mới, công cụ mới cho sự phát triển. 5 ngón tay này là một chỉnh thể toàn diện cho KHCN phát triển.
Kính thưa các đồng chí và quý vị,
Nhân dịp Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, một lần nữa, tôi xin trân trọng cảm ơn và tri ân những đóng góp quý báu của các thế hệ nhà khoa học, cán bộ quản lý KH&CN, cộng đồng doanh nghiệp đối với sự nghiệp phát triển KHCN, ĐMST và CĐS của đất nước.
Xin kính chúc đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, toàn thể các đồng chí Lãnh đạo, các quý vị đại biểu, quý vị khách quý cùng toàn thể đội ngũ cán bộ KH&CN, ĐMST và CĐS, những người yêu khoa học sức khỏe dồi dào, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!