Bưu điện sẵn sàng chi trả trợ cấp theo phương thức thanh toán điện tử

Hoàng Linh| 30/10/2021 07:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành Bưu điện và Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), công tác chi trả các chế độ chính sách qua mạng lưới bưu điện đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần đẩy mạnh số hóa cơ sở dữ liệu, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

Công tác chi trả nhanh chóng và chuyên nghiệp

Đánh giá về hiệu quả của việc chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội (BTXH) qua bưu điện, đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) cho biết: "Việc chi trả các chính sách trợ cấp hàng tháng cho đối tượng BTXH qua hệ thống bưu điện không chỉ thực hiện chính xác, nhanh chóng, kịp thời mà còn góp phần giảm áp lực công việc cho phòng LĐ-TB&XH tại địa phương, giúp cán bộ làm công tác TB&XH có nhiều thời gian tập trung vào việc chuyên môn, tuyên truyền phổ biến chính sách, quản lý đối tượng… Qua đó, giảm rủi ro trong quá trình nhận tiền từ các tỉnh, thành phố về cấp phát cho đối tượng thụ hưởng tại xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, thông qua việc trao đổi thông tin kịp thời, thường xuyên của nhân viên Bưu điện và cán bộ làm công tác LĐ-TB&XH tại các địa phương đã phát hiện kịp thời một số người đã từ trần, đối tượng không có ở địa phương chuyển đi nơi khác và loại bỏ được những đối tượng bị trùng chính sách, chế độ như vừa hưởng hưu trí, vừa hưởng trợ cấp xã hội.

Để việc chi trả đạt được sự hài lòng cao nhất từ phía người hưởng, tất cả các bưu điện tỉnh/thành phố đều chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết; bố trí địa điểm, nhân lực chi trả. Người hưởng không phải trả bất kỳ khoản chi phí nào khi đến nhận tiền chế độ tại điểm chi trả của bưu điện, thực hiện chi trả miễn phí tại nhà đối với các trường hợp cao tuổi, bệnh tật, ốm đau không thể đến điểm chi trả để nhận mà không có người lĩnh thay.

BĐVN sẵn sàng triển khai chi trả BHXH theo phương thức thanh toán điện tử - Ảnh 1.

Trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhân viên bưu điện thực hiện chi trả tại nhà cho đối tượng được hưởng

Đặc biệt, trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, BĐVN đều được thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn phòng chống dịch trong quá trình chi trả. Tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhân viên bưu điện đã chi trả tại nhà cho người hưởng nhận chế độ bằng tiền mặt đảm bảo an toàn, kịp thời.

Tổng công ty BĐVN cũng thường xuyên tổ chức tập huấn trực tiếp và trực tuyến nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng giao tiếp, khả năng ứng dụng CNTT cho đội ngũ nhân viên bưu điện thực hiện công tác chi trả BTXH bảo đảm nắm chắc chế độ, chính sách, nhất là những quy định mới, phục vụ chi trả đúng, đủ, chính xác.

"Số hóa" công tác chi trả

Với mạng lưới rộng khắp 63 tỉnh thành, đến tận thôn, xã, hải đảo, BĐVN đã và đang là đơn vị thực hiện chi trả các chế độ an sinh xã hội (ASXH) theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ. Thời gian qua, BĐVN đã chủ động phối hợp với UBND, Sở LĐ-TB&XH các địa phương cũng như BHXH Việt Nam xây dựng các kịch bản chi trả không dùng tiền (KDTM) mặt phù hợp đối với từng đối tượng người hưởng khác nhau cả nước.

Bên cạnh đó, bưu điện các tỉnh, thành phố cũng đã thiết lập các kênh thu thập, cung cấp thông tin qua cán bộ trực tiếp chi trả, qua bưu tá, nhân viên bưu điện - văn hóa xã là những người rất gần gũi với dân, sinh sống cùng nhân dân trong các thôn, bản... để kịp thời thống kê, bổ sung dữ liệu chi trả và người hưởng trên hệ thống cho các cơ quan quản lý.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán KDTM tại Việt Nam, với hệ thống CNTT chuyên biệt, đội ngũ nhân lực có chuyên môn và nghiệp vụ chất lượng cao, BĐVN luôn sẵn sàng đáp ứng việc thực hiện triển khai chi trả chế độ BTXH thông qua thanh toán điện tử.

Bên cạnh đó, việc hợp tác của BĐVN với các ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán sẽ mang đến những giải pháp tối ưu nhất trong công tác chi trả chế độ phù hợp với từng địa bàn và đảm bảo lợi ích tối đa của người hưởng. Xác định trở ngại lớn nhất trong việc triển khai chi trả ASXH KDTM là do tâm lý thích dùng tiền mặt, đặc biệt với đối tượng ASXH chủ yếu là người nghèo, người ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật, người cao tuổi,… Vì vậy, những vấn đề như mức phí, khoảng cách di chuyển, điểm giao dịch, độ tiện dụng, người phục vụ cũng được BĐVN xây dựng kế hoạch cụ thể.

Hình thức chi trả các chế độ BTXH theo phương thức KDTM qua mạng lưới bưu điện được triển khai bằng việc sử dụng thẻ chi trả và tài khoản thanh toán không chỉ giúp các cơ quan quản lý tra cứu thông tin người hưởng thuận tiện, các thông tin liên quan đối tượng hưởng đã được cập nhật thường xuyên, minh bạch trên cơ sở dữ liệu của bưu điện mà còn góp phần vào việc mở rộng phương thức thanh toán KDTM trong thời gian tới.

Đây cũng là tiền đề để đưa ra các điều chỉnh quy trình chi trả theo hướng tăng cường ứng dụng CNTT, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo an toàn cho người hưởng chế độ khi xảy ra các sự kiện bất khả kháng trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán KDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán KDTM gấp 25 lần GDP; thanh toán KDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán KDTM lên trên 450.000 điểm.

Đề án cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán KDTM đạt 20-25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35-40%/năm; tỉ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán KDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

Mục tiêu thanh toán KDTM đối với dịch vụ công: Từ 90-100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán KDTM; từ 90 - 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán KDTM; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán KDTM./.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Bưu điện sẵn sàng chi trả trợ cấp theo phương thức thanh toán điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO