Đây là một trong những gói hợp phần của Dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” (SASSP).Tới dự và chứng kiến lễ ký có Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - bà Victoria Kwakwa; Quyền Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam - ông Muller
Toàn cảnh Lễ ký kết
Dự án SASSP được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ quản. Dự án hướng đến mục tiêu xây dựng những cải cách trong quản lý và triển khai dịch vụ trợ giúp xã hội trên toàn quốc cũng như thử nghiệm những cải cách này ở 4 tỉnh miền Bắc, Trung và miền Nam Việt Nam. Dự án hỗ trợ việc hợp nhất thông tin và quy trình nhằm đơn giản hóa các thủ tục do hệ thống trợ giúp xã hội của Việt Nam hiện đang có nhiều chương trình manh mún, dẫn đến sự kém hiệu quả từ góc độ của cả đơn vị triển khai thực hiện và đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, Dự án còn hợp nhất cơ sở dữ liệu hiện hành thành một cơ sở dữ liệu quốc gia về các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và các đối tượng trợ giúp xã hội để đặt nền móng cho việc hợp nhất các chương trình và tăng tính hiệu quả của chi tiêu công cho lĩnh vực trợ giúp xã hội.
Dự án hỗ trợ mục tiêu tổng thể về xóa đói giảm nghèo của Chính phủ Việt Nam thông qua việc nhấn mạnh vai trò của hệ thống trợ giúp xã hội trong việc giúp trẻ em phát huy hết khả năng của mình và phá vỡ tình trạng đói nghèo truyền kiếp. Tại 4 tỉnh triển khai thí điểm của dự án, các hộ nghèo có trẻ em và phụ nữ mang thai sẽ nhận được trợ cấp và tư vấn về kỹ năng nuôi dạy con cái một cách kịp thời và dễ tiếp cận. Cán bộ làm công tác xã hội ở địa phương sẽ được hưởng lợi thông qua việc đơn giản hóa các quy trình và giảm bớt khối lượng công việc có liên quan. Cán bộ quản lý dự án ở cấp tỉnh và cấp Trung ương tăng cường được khả năng giám sát thực hiện chương trình và hỗ trợ xây dựng chính sách. Với mạng lưới rộng khắp, phủ kín tất cả xã, phường, thị trấn trên phạm vi toàn quốc, đến cả các xã vùng sâu, vùng xa, Bưu điện Việt Nam có lợi thế trong việc cung cấp các dịch vụ công đến với người dân. Đặc biệt từ năm 2011, Bưu điện Việt Nam đã triển khai dịch vụ chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, đến nay đã thực hiện tại 62 tỉnh thành, hơn 2 triệu người hưởng,với tổng số tiền gần 80.000 tỷ đồng/năm.Cùng với đó, Bưu điện Việt Nam cũng đang tham gia thực hiện chi trả bảo trợ xã hội tại 6 địa phương: Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Hà Giang, Hòa Bình và Lâm Đồng.
Theo đó, tại 4 tỉnh thí điểm của Dự án là Hà Giang, Quảng Nam, Trà Vinh và Lâm Đồng, Dự án sẽ thử nghiệm chương trình trợ giúp xã hội hợp nhất và được tăng cường bằng cách gom các chương trình chi trả tiền mặt hiện hành và các chương trình mới cho các hộ gia đình nghèo có trẻ em thành “gói trợ cấp gia đình” nhằm đảm bảo an sinh thu nhập cho các hộ nghèo. Chương trình sẽ được triển khai thông qua hệ thống cung cấp dịch vụ và quản lý được cải thiện. Theo thỏa thuận, trong thời gian thí điểm của Dự án, từ ngày 01/7/2015 đến ngày 30/6/2018 Bưu điện Việt Nam sẽ thực hiện chi trả bằng tiền mặt gói trợ giúp xã hội hợp nhất cho hộ gia đình và thù lao hàng tháng cho cộng tác viên xã hội thuộc Dự án trên địa bàn 4 tỉnh triển khai thí điểm. Trong đó bao gồm việc thực hiện chi trả tại các điểm phục vụ của Bưu điện Việt Nam và tại nhà cho các đối tượng hưởng không thể tự đến điểm chi trả như người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng mà không có người lĩnh thay.
Đồng thời, Bưu điện Việt Nam sẽ thực hiện công khai thông tin về kế hoạch chi trả, thủ tục nhận tiền và danh sách hộ gia đình hưởng lợi tại các điểm chi trả bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc ở nơi có đồng bào dân tộc sinh sống. Như vậy, việc chi trả “Gói trợ giúp xã hội hợp nhất cho hộ gia đình” qua Bưu điện, không chỉ tận dụng lợi thế về mạng lưới điểm phục vụ, chất lượng dịch vụ của Bưu điện để mang lại những lợi ích thiết thực cho người được hưởng, đảm bảo thuận tiện, nhận đúng, nhận đủ số tiền, đúng thời gian quy định… mà còn góp phần đảm bảo sự minh bạch giữa công tác quản lý và chi trả các chính sách trợ cấp xã hội, đảm bảo an toàn nguồn tiền cũng như công tác thanh quyết toán.
Được biết, trước đó, Ngân hàng Thế giới đã khảo sát mạng lưới, năng lực của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cũng như năng lực hoạt động tại 4 Bưu điện tỉnh Trà Vinh, Lâm Đồng, Hà Giang và Quảng Nam trong các năm 2013-2014. Tại Hiệp định tín dụng giữa Việt Nam và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), Ngân hàng Thế giới đã chỉ định Tổng công ty Bưu điện Việt Nam là đơn vị cung cấp dịch vụ chi trả cho Dự án.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết Chính phủ đã có chủ trương tách chi trả với quản lý. Tổng công ty BĐVN được đánh giá là có khả năng chi trả tốt nhất với mạng lưới rộng khắp, có cán bộ chi trả đến tận xã và có khả năng kết nối với Bộ Lao động, mức chi trả phù hợp nên BĐVN đã được lựa chọn chi trả và được ghi trong Hiệp định tín dụng giữa Việt Nam và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA).
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trao bức tranh lưu niệm cho bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc World Bank
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Lễ ký cho biết Dự án này là một bước cụ thể hóa của Đảng và Nhà nước ta về an sinh xã hội và xây dựng nền hành chính công hiệu quả. BĐVN là doanh nghiệp bưu chính lớn nhất tại Việt Nam gồm 71 đơn vị trực thuộc có mạng lưới 15.000 điểm phục vụ. Đây là công ty duy nhất được Nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ công, là thành viên của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) và là đối tác của nhiều doanh nghiệp lớn như HSBC, VietnamAirline… BĐVN đã tham gia chi trả lương hưu, chi trả bảo hiểm y tế tự nguyện… BĐVN đã chứng tỏ khả năng thực hiện các nhiệm vụ nhân văn, năng lực mạnh của mạng lưới bưu chính cung cấp dịch vụ hành chính công thuận tiện nhất đến cho người dân.
Bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc World Bank phát biểu nhấn mạnh WB vui mừng vì Việt Nam xây dựng mô hình trợ giúp xã hội vừa hiệu quả vừa minh bạch. WB sẵn sàng hỗ trợ hợp tác này giữa hai đơn vị bởi hợp tác này có ý nghĩa quan trọng đảm bảo chi trả hiệu quả, đúng thời hạn. Người nhận không gặp khó khăn khi nhận được gói hỗ trợ này. Việc này cũng có có ý nghĩa quan trọng vì Việt Nam sử dụng hình thức chi trả độc lập. Bà hy vọng vào sự thành công của hợp tác này và mong BĐVN cung cấp dịch vụ này hiệu quả, hiệu suất. Đây là bước đầu tiên trong quá trình hiện đại hóa chi trả ở Việt Nam, WB sẵn sàng hợp tác để chi trả trong thời gian tới. Việt Nam được kỳ vọng sẽ tự hào về mô hình này.
Ông Muller, Quyền Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đề nghị BĐVN có cơ chế phản hồi về tiến độ, thông tin lại những thách thức về chương trình./.