Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, Cà Mau là một trong những tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có lợi thế rất lớn về phát triển nông nghiệp - thủy sản với trên 300.000 ha nuôi trồng thủy sản, 115.000 ha trồng lúa và 95.000 ha rừng tập trung.
Tỉnh đã và đang thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tập trung vào các nhóm sản phẩm chủ lực như tôm, cua, lúa chất lượng cao, gỗ… Từ đó, đã hình thành được các vùng sản xuất chuyên tôm, lúa chất lượng cao và thâm canh gỗ.
Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp (SXNN), nổi bật như: Ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi trồng thủy sản; ứng dụng quy trình công nghệ biofloc để nâng cao năng suất, chất lượng tôm giống; ứng dụng công nghệ tuần hoàn, semi-biofloc, nuôi 3 giai đoạn đối với các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, quy trình sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ, sinh thái, VietGAP, GlobalGAP…
Đến nay, diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh của tỉnh đã lên đến trên 7.927 ha, với tổng số 11.555 hộ nuôi. Trong đó, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh đạt gần 3.683ha. Nổi bật là tại huyện Phú Tân với gần 900 hộ nuôi tôm siêu thâm canh, tổng diện tích trên 840ha. Với phương pháp nuôi công nghệ cao này, năng suất tôm nuôi đạt từ 20 - 40 tấn/ha.
Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, để từng bước đưa công nghệ cao lan tỏa sâu rộng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực của ngành nông nghiệp, tỉnh đã triển khai một loạt giải pháp chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp và thủy sản như hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành và phát triển nông nghiệp; phần mềm nhật ký sản xuất; phần mềm hạch toán chi phí sản xuất - kế toán…
Với hệ thống phần mềm CSDL chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành và phát triển nông nghiệp được tích hợp trên ứng dụng thiết bị di động và cả website: http://nongnghiepcamau.vn, hệ thống này tập trung tạo lập CSDL với đầy đủ các thông tin về: Cảnh báo thiên tai, giám sát môi trường; giá cả thị trường; thời tiết nông vụ; kỹ thuật SXNN…
Từ hệ thống này, bà con nông dân kịp thời nắm bắt diễn biến về môi trường nước, độ ẩm của đất, nhu cầu sản xuất, kinh doanh nông sản làm cơ sở để xúc tiến thương mại, đầu tư trong tỉnh.
Hơn nữa, hệ thống này cũng là kênh thông tin để ngành chức năng tiếp nhận các thông tin về dịch hại, thiên tai, sạt lở, xâm nhập mặn… từ người dân. Từ đó, công tác quản lý, điều hành của ngành nông nghiệp địa phương trở nên nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn./.