Các công ty Australia, Mỹ, Singapore tạm dừng chuyển đổi số do rủi ro mạng
Các tổ chức ở Australia, Mỹ và Singapore nằm trong số những tổ chức hàng đầu có khả năng phải trì hoãn các sáng kiến chuyển đổi số (CĐS) do các mối đe dọa chiến tranh mạng, với mức cao hơn mức trung bình toàn cầu là 55%.
Theo phát hiện từ báo cáo Xu hướng và Chiến tranh mạng của Armis (State of Cyberwarfare and Trends report), cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm gia tăng bối cảnh các mối đe dọa mạng và ảnh hưởng đến các quyết định của công ty, với 55% tổ chức toàn cầu tiết lộ rằng họ đã phải dừng các dự án CĐS do rủi ro từ chiến tranh mạng.
Nhà cung cấp bảo mật Armis đã khảo sát 6.021 chuyên gia CNTT và bảo mật trên 14 thị trường, trong đó có 501 người ở Singapore và Nhật Bản, và 511 người ở Australia.
Ở mức 79%, các công ty Australia có nhiều khả năng tạm dừng các sáng kiến CĐS trước các mối đe dọa từ chiến tranh mạng, tiếp theo là Mỹ ở mức 67%, Singapore ở mức 63%, Vương quốc Anh ở mức 57% và Đan Mạch ở mức 56%.
Khoảng 40% số người được hỏi ở Australia đã thấy nhiều hoạt động đe dọa hơn trên mạng trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10/2022, so với 6 tháng trước đó, với 57% xác nhận rằng tổ chức của họ đã gặp phải sự cố vi phạm an ninh mạng.
Giám đốc kinh doanh đối tác ANZ của Armis, Evan Thomas cho biết: “Nhiều người Australia đã trực tiếp cảm nhận được tác động của chiến tranh mạng thông qua hậu quả liên tục từ các vi phạm của nhà mạng Optus và ngân hàng Medibank. Mức độ đe dọa đang gia tăng trên khắp khu vực và Australia cũng không ngoại lệ, với các nguồn lực lẽ ra dành cho việc xây dựng doanh nghiệp (DN) lại bị chuyển hướng để giải quyết tình trạng này”.
Mô tả chiến tranh mạng là "tương lai của chủ nghĩa khủng bố trên mạng", Nadir Izrael, Giám đốc công nghệ (CTO) và đồng sáng lập của Armis, cho biết nó tạo ra một phương pháp tấn công bất đối xứng và hiệu quả về chi phí, khiến các DN phải thường xuyên cảnh giác và đầu tư nguồn lực để chống lại những mối đe dọa như vậy.
"Chiến tranh mạng bí mật đang nhanh chóng trở thành dĩ vãng. Giờ đây, chúng ta chứng kiến các cuộc tấn công mạng trắng trợn của các quốc gia, thường với mục đích thu thập thông tin tình báo, làm gián đoạn hoạt động hoặc phá hủy hoàn toàn dữ liệu", Izrael nói.
Tại Singapore, 60% số người được hỏi thừa nhận đã trải qua vi phạm an ninh mạng, trong khi 36% nhận thấy nhiều hoạt động đe dọa hơn trên mạng của họ trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10/2022, so với 6 tháng trước đó. Các tổ chức trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và viễn thông có mức tăng cao nhất.
Ở Nhật Bản, 44% số người được hỏi cho biết họ đã từng bị vi phạm an ninh mạng. Tuy nhiên, đối mặt với một cuộc tấn công ransomware, các tổ chức Nhật Bản ít có khả năng trả tiền chuộc nhất, với chỉ 7% cho biết họ sẽ trả tiền chuộc. Trong khi đó, 47% ở Mỹ cho biết chính sách của công ty họ là luôn trả tiền chuộc.
Nhìn chung, 31% số người được hỏi từ các tổ chức có hơn 500 nhân viên cho biết chính sách của công ty là không bao giờ trả tiền trong trường hợp bị ransomware tấn công, so với 23% của các đồng nghiệp của họ từ các công ty có từ 100 - 249 nhân viên.
Những người được hỏi từ các tổ chức chính phủ ít có khả năng trả tiền nhất trong số tất cả các lĩnh vực trong trường hợp bị tấn công bằng ransomware, với 43% lưu ý rằng chính sách của công ty họ là không bao giờ trả tiền, so với mức trung bình toàn cầu là 26%.
Và trong khi 31% trên toàn cầu cho biết tổ chức của họ sẽ chỉ trả tiền khi dữ liệu của khách hàng gặp rủi ro, thì 24% cho biết chính sách của họ là luôn trả tiền chuộc./.