Chủ động bảo đảm ATTT theo nguyên tắc "thực sao ảo vậy"

Hoàng Linh| 24/11/2022 10:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng cho biết Bộ TT&TT sẽ phát triển các ý tưởng, giải pháp an toàn thông tin (ATTT) mạng sáng tạo xuất sắc, phục vụ lợi ích quốc gia và bảo vệ người dân trên không gian mạng.

Hội thảo - Triển lãm quốc tế ngày An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam 2022 đã chính thức sáng ngày 24/11 tại Hà Nội. Với chủ đề: "Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số an toàn", sự kiện được bảo trợ bởi Bộ TT&TT, do Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) phối hợp cùng Cục ATTT (Bộ TT&TT) tổ chức. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng quan điểm của Chính phủ là lấy người dân, DN là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số (CĐS).

Bảo đảm an toàn không gian mạng là chương trình lớn, dài hạn

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: "Bảo đảm an toàn không gian mạng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. CĐS là một chương trình lớn, dài hạn của quốc gia. CĐS là đưa các hoạt động của chúng ta lên môi trường số. Đồng nghĩa chúng ta cần phải bảo vệ hơn 3.000 hệ thống thông tin (HTTT) của các cơ quan Đảng, Nhà nước, hoạt động trên không gian mạng của 100 triệu người dân, gần 1 triệu DN, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 26 triệu hộ gia đình, 14.000 cơ sở y tế, 44.000 trường học,…".

Chủ động bảo đảm ATTT theo nguyên tắc

Thứ trưởng Nguyễn Hung Dũng: Bộ TT&TT sẽ xây dựng CSDL chống lừa đảo trực tuyến quốc gia để các tổ chức, cá nhân có thể truy vấn, khai thác, đóng góp dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến kịp thời

Với khối lượng công việc khổng lồ này, Thứ trưởng cho biết không một lực lượng đơn lẻ nào có thể làm hết được. Vì vậy, bảo đảm an toàn không gian mạng và an toàn cho các tổ chức, người dân trên không gian mạng là trách nhiệm phải chủ động vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Nguyên tắc là "thực sao ảo vậy", tức là cơ quan quản lý lĩnh vực nào trong đời thực thì cũng có trách nhiệm quản lý nội dung đó trên không gian mạng.

"Các đơn vị chuyên trách về ATTT, sở TT&TT các tỉnh cần nắm rõ nguyên tắc này để tham mưu đúng, đủ cho các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý. 3 lực lượng chuyên trách nòng cốt, hiệp hội, DN, cộng đồng", Thứ trưởng lưu ý.

Trung bình năm 2021, mỗi người dân Việt Nam dành khoảng 7 tiếng mỗi ngày để trực tuyến trên Internet. Nhưng nhận thức và kỹ năng ATTT của người dân còn hạn chế. Vì vậy, tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân và người dân bị lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng thời gian qua là vấn đề nhức nhối. Quốc hội và cộng đồng xã hội rất quan tâm đến vấn đề này.

Theo thống kê, trong 2 năm 2019, 2020, việc mua bán trái phép trên thị trường chợ đen lên tới gần 1.300 GB dữ liệu, chứa hàng tỷ thông tin về các cá nhân của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên cả nước. Bộ TT&TT xác định năm 2022 là năm bảo vệ người dân trên không gian mạng.

Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết Bộ TT&TT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Trong 10 tháng đầu năm đã chặn 2.063 website vi phạm, trong đó có 1.255 website lừa đảo; bảo vệ 3,8 triệu người dân (gần 6% người dùng Internet) trước các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Tới đây, Bộ TT&TT sẽ xây dựng CSDL chống lừa đảo trực tuyến quốc gia để các tổ chức, cá nhân có thể truy vấn, khai thác, đóng góp dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến kịp thời; đồng thời cung cấp các công cụ tự kiểm tra và bảo vệ ATTT trên không gian mạng.

Sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ, rủi ro từ CĐS

Ngày 10/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Sau Chương trình CĐS quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Thứ trưởng nhấn mạnh: "Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia được ban hành trở thành mảnh ghép quan trọng giúp hoàn thiện bức tranh tổng thể về một quốc gia số với Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số".

Với tầm nhìn "Trở thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng", Thứ trưởng cho biết chúng ta sẽ chủ động đón nhận những cơ hội mới mở ra từ CĐS nhưng cũng luôn sẵn sàng ứng phó trước những nguy cơ, rủi ro để bảo vệ thành quả đạt được. Chiến lược mở ra tầm nhìn mới, cơ hội mới cho đất nước, cho các DN. Nhưng cơ hội chỉ mang tính thời điểm, nếu không nắm bắt nó sẽ đi qua. Hiệp hội ATTT Việt Nam và các DN ATTT mạng, cần tận dụng cơ hội này.

Thời gian tới, Thứ trưởng cũng cho biết Bộ TT&TT sẽ ưu tiên thúc đẩy phát triển các ý tưởng, giải pháp ATTT mạng sáng tạo xuất sắc, phục vụ lợi ích quốc gia và bảo vệ người dân trên không gian mạng. "Vì vậy, Bộ TT&TT kêu gọi hiệp hội, các DN ATTT mạng hãy chung tay cùng Bộ trong quá trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia tự chủ về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng".

Cứ 4 tổ chức, DN thì có một đã từng bị gián đoạn hệ thống, dịch vụ do bị tấn công mạng

Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng cho biết mới đây, VNISA đã tiến hành khảo sát 135 tổ chức và DN Việt Nam về công tác đảm bảo ATTT. Các kết quả thu được nổi lên một số vấn đề lớn cần quan tâm khắc phục trong thời gian tới đó là:

Cứ 4 tổ chức, DN thì có một đã từng bị gián đoạn hệ thống, dịch vụ do bị tấn công mạng trong năm 2022; có đến 76% tổ chức, DN chưa đủ nhân lực ATTT đáp ứng được yêu cầu hiện tại; có 87% tổ chức DN lo ngại có yếu tố con người, đơn vị lo ngại về yếu tố con người, 58% đơn vị lo ngại về điểm yếu công nghệ và 47% lo ngại về lỗ hổng quy trình; 68% tổ chức, DN chưa có đủ linh phí đầu tư cho ATTT để đáp ứng yêu cầu hàng năm.

Chủ động bảo đảm ATTT theo nguyên tắc

Ông Nguyễn Thành Hưng -:Chủ tịch VNISA: cộng đồng ATTT phải cùng chung tay đề ra các giải pháp thực hiện đảm bảo ATTT

Để thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình CĐS quốc gia, Chủ tịch VNISA nhấn mạnh: "Vấn đề đảm bảo ATTT là điều kiện tiên quyết, không thể tách rời, đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan, DN và đòi hỏi cộng đồng ATTT phải cùng chung tay đề ra các giải pháp thực hiện".

Chủ động bảo đảm ATTT theo nguyên tắc

Ông Trần Đăng Khoa: năm 2023 là năm kỷ cương, tuân thủ quy định về ATTT

Cụ thể về giải pháp bảo đảm ATTT, ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục ATTT - Bộ TT&TT xác định nhiệm vụ trong năm 2023 là năm kỷ cương, tuân thủ quy định về ATTT. Theo đó, Bộ TT&TT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm HTTT theo cấp độ; đề nghị các đơn vị chuyên trách về ATTT tham mưu: hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn HTTT và phương án bảo đảm an toàn HTTT cho 100% HTTT trong quý I năm 2003; triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ cho các HTTT đang vận hành muộn nhất trong quý III năm 2023.

Đặc biệt, ông Khoa lưu ý từ 01/01/2024 cho dừng vận hành các HTTT không đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật về ATTT.

Năm 2023 với chủ đề dữ liệu số, ông Khoa thông tin một số nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức bảo vệ dữ liệu, nâng cao nhận thức, liên minh tuyên truyền và tổ chức chiến dịch tuyên truyền.

Tuyên truyền ATTT cần đáp ứng 04 tiêu chí

Cũng tại sự kiện đã diễn ra lễ ký kết thành lập Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm ATTT cho người dân trên không gian mạng. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết vấn đề gốc, cốt lõi nhất là làm sao để người dân có thể chủ động bảo vệ mình trên không gian mạng. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng ATTT cho đông đảo người dân. ATTT là lĩnh vực khó, mang tính kỹ thuật phức tạp.

Để đông đảo người dân ý thức, quan tâm đến vấn đề này thì hoạt động tuyên truyền cần phải đáp ứng 04 tiêu chí: "Rộng", "Thường xuyên", "Dễ hiểu" và "Ấn tượng". Liên minh Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm ATTT cho người dân trên không gian mạng được Bộ TT&TT chủ trì thành lập ngày hôm nay là để thực hiện mục tiêu này.

Chủ động bảo đảm ATTT theo nguyên tắc

9 DN tham gia Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức kỹ năng bảo đảm ATTT cho người dân trên không gian mạng

Với thành phần bao gồm cơ quan nhà nước, hiệp hội, các DN viễn thông, ATTT mạng và mạng xã hội, Thứ trưởng tin tưởng Liên minh sẽ có đủ tri thức và công cụ kỹ thuật để làm tốt trọng trách này. Liên minh cần tổ chức những chiến dịch tuyên truyền ngắn hạn và dài hạn để nâng cao nhận thức và kỹ năng ATTT cho các tổ chức, người dân. Làm sao để đạt kết quả tốt như Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng đã được Bộ phát động triển khai trong 3 năm vừa qua./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Ngành TT&TT vươn mình trong kỷ nguyên mới
    Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, các xếp hạng lĩnh vực TT&TT của Việt Nam đang có thứ hạng cao và nhiều thứ hạng trong top đầu thế giới. Do vậy, Ngành TT&TT cần tiếp tục phát huy trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
  • Đạo đức đang trở thành thách thức lớn nhất của AI
    Đạo đức AI rất quan trọng vì công nghệ AI được thiết kế để tăng cường hoặc thay thế trí tuệ con người, điều này có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng nếu không được quản lý đúng cách.
  • Xu thế công nghệ trong An ninh mạng năm 2025
    Giám đốc công nghệ VSEC - Ông Phan Hoàng Giáp nhận định “Trong bức tranh của năm 2025, các xu thế như trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng bảo mật Cloud Native (Cloud Native Application Protection Platform - CNAPP) được dự báo sẽ chi phối ngành an ninh mạng”.
  • Báo chí - Truyền thông Việt Nam 2024: Nhìn từ hai thái cực
    Năm 2024, báo chí - truyền thông Việt Nam tiếp tục đứng trước những cơ hội và thách thức mang tính bước ngoặt.
  • Đông Nam Á có thể nắm bắt cơ hội từ hàng tỷ USD đầu tư vào đám mây và AI?
    Các hãng công nghệ lớn đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI). Nhưng để khai thác tối đa dòng vốn này, các quốc gia trong khu vực cần giải quyết khoảng cách về kỹ năng số và thách thức về lượng khí thải carbon.
Đừng bỏ lỡ
Chủ động bảo đảm ATTT theo nguyên tắc "thực sao ảo vậy"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO