Các đài PT-TH cấp tỉnh đổi mới, phát triển, tận dụng lợi thế từ CMCN 4.0

PV| 27/11/2019 11:18
Theo dõi ICTVietnam trên

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có sự thay đổi, phát triển của Phát thanh - Truyền hình (PT-TH). Hệ thống các đài cấp tỉnh cũng nằm trong quy luật phát triển tất yếu đó.

Ngành phát PT-TH đang đứng trước những thách thức chưa từng có đến từ mạng xã hội và các phương thức truyền thông đa phương tiện khác trong thời đại 4.0. Hiện nay mạng xã hội đã thu hút một khối lượng lớn khán giả, độc giả từ các kênh báo chí, truyền thông và các đài PT-TH. Riêng trong lĩnh vực PT-TH, quảng cáo ở khu vực này đang dần sụt giảm. Sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (Al) cũng đang dần thay thế nhiều hoạt động của con người trong các môi trường truyền thông. Ngành PT-TH đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới.

Trước thực trạng đó, các đài cấp tỉnh làm gì để khai thác những lợi thế của cuộc CMCN 4.0, từ đó tiếp tục phát triển? Đây là vấn đề trăn trở của hầu hết các đài PT-TH cấp tỉnh hiện nay.

Điều đầu tiên phải đề cập đến đó là, cần tiếp tục khai thác tối đa nền tảng internet để phát triển đài PT-TH theo mô hình tích hợp đa phương tiện. Mỗi loại hình báo chí sẽ bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau về lợi thế khi đưa thông tin tới độc giả, khán, thính giả.

Ở góc độ khác, theo quy hoạch phát triển báo chí của Chính phủ, các đài PT-TH phải tiến tới tự chủ về tài chính. Xét trên nhiều góc độ, các đài PT-TH cấp tỉnh cần hướng tới mô hình tự chủ, tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh. Để đáp ứng yêu cầu này, việc phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong CMCN 4.0 là yếu tố mang tính quyết định. 

Bên cạnh đó, ngày nay với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ smartphone, tỉ lệ nhóm đối tượng sử dụng công nghệ mới, thường tiếp cập thông tin nhanh trong môi trường bận rộn đang ngày càng gia tăng. Vì vậy, việc đưa các tin tức, phóng sự, chương trình PT-TH lên các thiết bị di động là một yêu cầu thường trực hiện nay. Khái niệm “báo chí di động” đang hiện hữu song song cùng “báo chí xã hội” như facebook, Twitter…Thậm chí, trong rất nhiều trường hợp, “báo chí di động” đang bị “chậm chân” so với “báo chí xã hội”, phải khai thác đề tài, sự kiện từ “báo chí xã hội”.

Kênh Youtube Nghệ An TV và trang TTĐT Truyenhinhnghean.vn giúp NTV nối dài cánh sóng.

Khán, thính giả sẽ không đủ kiên nhẫn để xem hoặc nghe một chương trình dài mà chất lượng nội dung, hình thức thể hiện không có gì hấp dẫn. Kể cả những chương trình khởi đầu là hay, nhưng nếu cứ kéo dài cả năm mà không đổi mới, nâng cao về chất lượng nội dung, nghệ thuật thì cũng sẽ mất dần khán, thính giả; dẫn đến chỉ số Rating thấp dần. Điều đó đồng nghĩa với hiệu quả nguồn thu từ quảng cáo sẽ sụt giảm. Khả năng đầu tư trang thiết bị và thu nhập của cán bộ viên chức theo đó không thể ổn định và nâng cao được. 

Khi mà nguồn thu từ quảng cáo không mấy tăng trưởng thì sự cạnh tranh về “khách hàng” giữa các loại hình - cơ quan báo chí, giữa các nhà đài, các kênh sóng vì thế đang ngày càng khốc liệt. Do vậy, giải pháp tốt nhất là cần phát huy được tối đa năng lực sáng tạo, đổi mới, từ ý tưởng đến cách thức thể hiện trên tất cả các lĩnh vực hoạt động để đưa ra được sản phẩm cuối cùng là tác phẩm, sản phẩm tới khán giả - khách hàng nhanh nhất, hay nhất, hấp dẫn nhất.

Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng đó là, cần phát huy yêu cầu của sự kết nối trong cuộc CMCN 4.0. Dựa trên nền tảng internet và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngày càng phải được hiện đại, đồng bộ; hơn lúc nào hết, cần khai thác tối đa khả năng kết nối, tương tác các chương trình PT-TH với khán, thính giả. Làm sao để mọi người dù đang ở đâu, lúc nào; qua máy điện thoại bàn, hay smart phone… đều có thể trao đổi, tương tác với chương trình đang hoặc đã phát sóng. Qua đó, mỗi phóng viên, biên tập viên và ban biên tập chương trình nhanh chóng nắm bắt được tâm lý, thị hiếu của khán, thính giả; từ đó có thể đổi mới, điều chỉnh nội dung cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng.   

Trên thực tế, thiếu đi sự tương tác này, không ít các chương trình, tác phẩm đã giảm tính sống động, hấp dẫn đi liền với hiệu quả không được như mong muốn của người sản xuất. Sự kết nối ở đây cần được mở rộng, đó là khả năng hợp tác trong sản xuất, trao đổi các chương trình giữa các đài, các đơn vị truyền thông, trước hết là các đài trong khu vực với nhau.

Cuối cùng, yếu tố quyết định để thực hiện tốt các yêu cầu trên vẫn là con người, dù một trong những đặc trưng của CMCN 4.0 là trí tuệ nhân tạo, robot tự động, máy bay không người lái… Đây sẽ là một khó khăn lớn cho nhiều đài PT-TH hiện nay; vì nguồn nhân lực sẽ bị dư thừa khi một số phần việc trong chuỗi sản xuất chương trình được tự động hoá hay phân quyền quyết định.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các đài PT-TH cấp tỉnh đổi mới, phát triển, tận dụng lợi thế từ CMCN 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO