Các địa phương khu vực Tây Nguyên nỗ lực xây dựng "cộng đồng không phóng uế bừa bãi"

Đỗ Quyên| 25/10/2019 09:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Những năm qua, để bảo vệ môi trường sống, đẩy lùi dịch bệnh, nhiều địa phương khu vực Tây Nguyên đã đồng loạt triển khai các giải pháp nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc từ bỏ thói quen phóng uế bừa bãi ra môi trường; xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Từ trước tới nay, tại khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa trên cả nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng, các dịch, bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, lỵ, thương hàn, tay-chân-miệng, giun sán vẫn còn lưu hành và luôn tiềm ẩn nguy cơ  bùng phát thành dịch tại nhiều vùng trong cả nước.

Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch, sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, phóng uế bừa bãi, thực hành vệ sinh cá nhân chưa tốt.

Ngày 31/5/2016, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn thẩm định và công nhận cộng đồng đạt danh hiệu “Cộng đồng không phóng uế bừa bãi”.

Mục đích của Hướng dẫn nhằm triển khai, nhân rộng quy trình thẩm định và công nhận cộng đồng không phóng uế bừa bãi trên phạm vi cả nước một cách thống nhất, hướng tới việc thay đổi nhận thức, hành vi vệ sinh của người dân từ việc xóa bỏ hoàn toàn phóng uế bừa bãi đến việc quản lý được phân người trong cộng đồng; tăng tỷ lệ hộ gia đình xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Thời gian qua các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đã khẩn trương vào cuộc triển khai các giải pháp thiết thực để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường sống. Ghi nhận tại làng Hway, xã Hà Tam huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, để chấm dứt tình trạng người dân phóng uế bừa bãi ra môi trường, sau khi thống kê lại số hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, các ban ngành đoàn thể của xã đã cùng bàn bạc và góp tiền, để hỗ trợ các hộ mua vật liệu xây dựng.

Sau đó, nhờ cán bộ chiến sĩ của Lữ đoàn công binh 7, Quân đoàn 3 giúp công để xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ. Trong vòng 1 tháng, đã tiến hành làm xong và bàn giao đưa vào sử dụng cho 19 hộ của làng.

Bộ đội giúp dân xây nhà tiêu hợp vệ sinh (Ảnh: Báo Gia Lai)

Cũng với cách làm đó, đến nay, toàn huyện Đak Pơ có gần 100 hộ chưa có nhà tiêu được xây mới, nhà tiêu hợp vệ sinh để sử dụng. Nhờ đó đã góp phần cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn, đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người dân.

Tương tự, tại tỉnh Kon Tum, huyện Đăk Hà là một trong những huyện tiên phong ở Tây Nguyên triển khai xây dựng làng sức khỏe với trên 100 Tổ tự quản về chăm sóc sức khỏe, hơn 500 nhóm hộ gia đình tự quản về vệ sinh, phòng chống tai nạn thương tích trong các thôn buôn trong địa bàn huyện.

Xưa nay quen nương rẫy nhưng giờ đây đến các ngày mít tinh được tổ chức ở Đăk Hà như: Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường (ngày 29/4 - 6/5), Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân (ngày 02/7), Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng (ngày 15/10), Ngày Quốc tế nhà vệ sinh (ngày 19/11)… Bà con các buôn, làng đều kéo nhau đi dự để hiểu thêm công tác bảo vệ sức khỏe và môi trường.

Già làng Y Phan ở thôn Kon Gung, xã Đăk Mar chia sẻ: Trước đây, nhận thức của người dân trong các buôn làng về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân… còn nhiều hạn chế. Do đó, tình trạng phóng uế bừa bãi ra môi trường vẫn xảy ra. Tuy nhiên hiện nay, các gia đình đều đã ý thức xây dựng nhà vệ sinh, không còn ai phóng uế bừa bãi, mọi người ai cũng giữ buôn làng sạch sẽ…

Có thể khẳng định, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp của các tỉnh trên địa bàn khu vực Tây Nguyên, những năm qua, tại nhiều địa bàn vùng dân tộc thiểu số, thói quen phóng uế bừa bãi đã dần được đẩy lùi và chấm dứt. Đến nay bà con đã có ý thức xây dựng nhà vệ sinh theo chuẩn của Bộ Y tế, nhằm bảo vệ môi trường trong sạch, phòng tránh dịch bệnh. Tin tưởng rằng, với những nỗ lực và giải pháp được triển khai liên tục, trong tương lai không xa, môi trường sống của  đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên sẽ ngày một tốt hơn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Các địa phương khu vực Tây Nguyên nỗ lực xây dựng "cộng đồng không phóng uế bừa bãi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO