Theo Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, hiện tỉnh có 828 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 490 HTX tham gia liên kết bền vững, chiếm 65,42% số HTX nông nghiệp toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới; trên 280 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất (công nghệ tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, kết hợp bón phân qua nước, công nghệ sản xuất dưa trong nhà màng, nhà lưới, công nghệ sản xuất gia cầm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…); 35 HTX nông nghiệp tham gia sản xuất với 48 sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng.
Có nhiều HTX đã đẩy mạnh ứng dụng KHCN, CĐS trong quá trình sản xuất, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như: Postmart.vn, Lazada, Shopee; phần mềm kết nối cung - cầu: nongsanantoanthanhhoa.vn; các trang mạng xã hội như: zalo, facebook… nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của khách hàng, đồng thời, hướng tới xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm bền vững.
Đại diện Liên minh HTX tỉnh nhận định, hiệu quả từ hoạt động CĐS trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đã được minh chứng từ thực tiễn. Việc các HTX đẩy mạnh CĐS, đầu tư mở rộng quy mô, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và thông tin về sản phẩm lên mạng xã hội; đẩy mạnh bán hàng qua sàn giao dịch TMĐT, sử dụng hóa đơn điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, đăng ký tên miền cho website riêng để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm… đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ, doanh thu hàng hóa dịch vụ cho các HTX.
Thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động CĐS trong khu vực kinh tế tập thể, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn về CĐS, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng tem nhãn, truy suất nguồn gốc… nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Đồng thời, tăng cường tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thích ứng với quá trình CĐS, công nghệ, phương thức sản xuất, kinh doanh mới và đẩy mạnh cơ hội giao thương, hợp tác, kết nối thị trường trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, tích cực đào tạo nâng cao năng lực hoạt động cho HTX thông qua các lớp tập huấn nhằm giúp các HTX, thành viên ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là việc tiếp cận thị trường tiêu thụ, hướng tới phát triển bền vững./.