An toàn thông tin

Các “ông lớn” công nghệ cam kết ngăn chặn nội dung sai lệch do AI tạo ra

Tâm An 17:04 20/02/2024

Các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới đã cùng nhau đưa ra cam kết ngăn chặn việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để can thiệp vào các cuộc bầu cử sắp tới.

tech-accord.jpg
(Hình minh họa)

Theo đó, Google, Meta, OpenAI và X (trước đây là Twitter) nằm trong số 20 công ty công nghệ đã cam kết ngăn chặn nội dung sai lệch do AI tạo ra, như một phần trong nỗ lực bảo vệ các cuộc bầu cử toàn cầu dự kiến diễn ra trong năm nay.

Thỏa thuận này có tên là “Hiệp định công nghệ nhằm chống lại việc sử dụng AI để lừa đảo trong cuộc bầu cử năm 2024”, trong đó nêu ra “khuôn khổ các nguyên tắc và hành động tự nguyện” bao gồm các cam kết ngăn chặn, phát hiện, ứng phó, đánh giá và xác định nguồn gốc của nội dung sai lệch, nội dung gây hiểu lầm do AI tạo ra trong cuộc bầu cử.

Với thỏa thuận này, 20 công ty cam kết sẽ tuân thủ 8 tuyên bố về sứ mệnh, bao gồm phát triển các công nghệ để giảm thiểu rủi ro liên quan đến nội dung AI giả mạo trong bầu cử, phát hiện việc phân phối và phát tán tài liệu đó trên các nền tảng mạng xã hội và minh bạch với công chúng về những nỗ lực xử lý nội dung AI có hại; đồng thời nâng cao nhận thức của công chúng về cách bảo vệ bản thân khỏi bị thao túng bởi những nội dung sai lệch đó.

Hiệp định công nghệ nêu rõ: “Năm 2024 sẽ có nhiều cuộc bầu cử hơn bất kỳ năm nào trong lịch sử, với hơn 40 quốc gia và hơn 4 tỷ người sẽ lựa chọn các nhà lãnh đạo và đại diện của họ”. Đồng thời, sự phát triển nhanh chóng của AI đang tạo ra cơ hội mới cũng như thách thức cho quá trình dân chủ. Toàn bộ xã hội sẽ cần phải tận dụng cơ hội mà AI mang lại và cùng nhau thực hiện các bước đi mới để bảo vệ các cuộc bầu cử và quá trình bầu cử trong năm đặc biệt này.

Hiệp định này đặt ra kỳ vọng về cách các bên ký kết sẽ quản lý rủi ro phát sinh từ nội dung sai lệch do AI tạo ra thông qua nền tảng công khai hoặc mô hình nền tảng mở của họ hoặc được phân phối trên các nền tảng mạng xã hội. Điều này phù hợp với chính sách và thông lệ riêng của các bên ký kết.

Các mô hình hoặc bản demo nhằm mục đích nghiên cứu hoặc chủ yếu cho mục đích sử dụng của doanh nghiệp không nằm trong phạm vi điều chỉnh của hiệp định.

Các bên kết đều đồng thuận và cam kết thực hiện vai trò của mình với tư cách là các công ty công nghệ, đồng thời thừa nhận rằng việc sử dụng AI cho mục đích gian lận, lừa đảo không chỉ là một thách thức kỹ thuật mà còn là một vấn đề chính trị, xã hội và đạo đức và hy vọng những người khác cũng sẽ cam kết hành động tương tự trên toàn xã hội.

“Chúng tôi khẳng định rằng việc bảo vệ tính minh bạch trong bầu cử và niềm tin của công chúng là trách nhiệm chung và lợi ích chung vượt qua lợi ích đảng phái và biên giới quốc gia”, các bên ký kết khẳng định.

Christoph Heusgen, Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich cho biết hiệp định này là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy tính liêm chính trong bầu cử và khả năng phục hồi xã hội. Nó cũng sẽ giúp tạo ra “các hoạt động công nghệ đáng tin cậy”.

Theo Báo cáo Rủi ro toàn cầu 2024 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố vào tháng trước, những rủi ro liên quan từ thông tin sai lệch về sự gắn kết xã hội do AI cung cấp sẽ chiếm ưu thế trong bối cảnh năm nay. Báo cáo đánh giá thông tin sai lệch và thông tin gây hiểu lầm là rủi ro toàn cầu hàng đầu trong 2 năm tới, đồng thời cảnh báo rằng việc sử dụng rộng rãi thông tin sai lệch cũng như các công cụ để phổ biến thông tin sai lệch có thể làm suy yếu tính hợp pháp của các chính phủ mới trong thời gian tới./.

Theo Zdnet
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các “ông lớn” công nghệ cam kết ngăn chặn nội dung sai lệch do AI tạo ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO