Truyền thông

Cảm xúc dâng trào khi thăm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Ngọc Mai 09/08/2024 20:40

Xúc động, tự hào là cảm xúc dâng trào của những người tham dự Chương trình Khánh thành Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

huynh-thuc-khang-_38.jpg
Rất đông học sinh thăm trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trong ngày khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, sáng 9/8/2024 (Ảnh: Quang Hùng)

Tự hào về các bậc tiền nhân

Hàng trăm người đã tới thăm Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sáng 9/8, trong đó có khá nhiều người là thân nhân của các thày giáo, học viên đã từng giảng dạy và học tập tại đây năm 1949.

Chúng tôi đặc biệt chú ý tới hai vị khách, đó là hai cha con ông Từ Linh - Từ Lương, thân nhân gia đình của Giáo sư, bác sĩ, nhà báo Từ Giấy, một trong những người thày dạy đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Ông Từ Linh, con trai của cụ Từ Giấy cho biết: “Nhà tôi 3 đời làm báo. Cụ Từ Giấy làm báo, sau đó quay về làm bác sĩ. Tôi có 9 năm làm Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Quân sự. Con tôi cũng làm báo. Ba thế hệ nối tiếp nhau. Hôm nay chúng tôi cố gắng thu xếp ra đây để tiếp lửa truyền thống”.

Nhà báo Từ Lương, cháu nội cụ Từ Giấy, hiện là Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP.HCM.

ong-tu-luong.jpg
Nhà báo Từ Lương (trái): Chúng tôi cảm nhận được sự chân thành và trách nhiệm của những thế hệ làm báo đi sau dành cho các bậc tiền nhân (Ảnh: N.Mai)

Chia sẻ cảm xúc khi đến đây, nhà báo Từ Lương nói: “Chúng tôi cảm nhận được sự chân thành và có trách nhiệm của những thế hệ làm báo đi sau dành cho các bậc tiền nhân, những người đã đặt nền móng cho Báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là công trình rất ý nghĩa để chào mừng 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, với đa dạng hiện vật, bút tích, đặc biệt là những câu chuyện kể lại từ những gia đình của các nhà báo lão thành như Xuân Thủy, Nguyễn Huy Tưởng, Huỳnh Thúc Kháng, Từ Giấy…

Tới thăm nơi này, tôi cảm nhận được truyền thống cần phải kế thừa, phát huy, và chúng ta phải lan tỏa nhiều hơn nữa những giá trị truyền thống lịch sử. Đây là công trình mang tính chất kết nối rất quan trọng. Có lẽ là chỉ có những trái tim nóng thì mới có thể làm được công trình giàu ý nghĩa như vậy. Rất trân trọng cảm ơn Hội Nhà báo Việt Nam đã quan tâm xây dựng công trình có ý nghĩa lớn như thế này”.

Bà Đỗ Thị Hồng Lạng, con gái của cụ Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Giám đốc Trường dạy viết báo Huỳnh Thúc Kháng, rưng rưng ngắm các hình ảnh, hiện vật liên quan tới cha mình.

ba-do-thi-hong-lang.jpg
Bà Đỗ Thị Hồng Lạng: Tôi là dân kỹ thuật, không theo nghề báo, nhưng đánh giá rất cao ý nghĩa giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của Di tích quốc gia này (Ảnh. N. Mai)

“Xúc động lắm. Cụ mất 31 năm rồi. Hôm nay như được gặp lại cụ. Tôi là dân kỹ thuật, không theo nghề báo, nhưng đánh giá rất cao ý nghĩa giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của Di tích quốc gia này. Cách đây khoảng 9 - 10 năm, các cán bộ Bảo tàng đã tới gặp gia đình chúng tôi để tìm hiểu thông tin, tư liệu lịch sử. Gia đình có bao nhiêu tư liệu về cụ Đỗ Đức Dục cũng như các hoạt động của Trường dạy viết báo Huỳnh Thúc Kháng thì đều đã cung cấp hết cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Tôi thấy các anh chị em ở Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực sự có tâm, có tầm, biết ghi nhận công lao của thế hệ tiền bối và rất tôn trọng lịch sử”, bà Đỗ Thị Hồng Lạng tâm sự.

Từng nhiều năm gắn bó với nghề báo, nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nhận định: “Di tích quốc gia Trường dạy viết báo Huỳnh Thúc Kháng là một “địa chỉ đỏ” trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam”.

ong-tran-mai-huong.jpg
Nhà báo Trần Mai Hưởng: Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng lại Khu di tích này rất có ý nghĩa (Ảnh: N. Mai)

Nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ với chúng tôi một số thông tin, dữ liệu lịch sử: “Năm 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp chuyển sang giai đoạn mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Chỉ thị thành lập lớp báo chí cách mạng, chỉ có 29 giảng viên và 42 học viên. Đấy là tinh hoa của giới báo chí nước nhà vào thời điểm đó. Các giảng viên, học viên sau này đều là những lãnh đạo, nhà báo nổi tiếng như Thép Mới, Chính Yên, Trần Kiên, Lý Thị Trung, Mai Thanh Hải... Điều đó chứng tỏ tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo”.

Theo nhà báo Trần Mai Hưởng, việc Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng lại Khu di tích này rất có ý nghĩa, góp phần làm phong phú thêm lịch sử báo chí nước nhà. Giới báo chí sẽ có thêm địa chỉ để ghi nhớ truyền thống của các thế hệ đi trước, từ đây tiếp thêm động lực để các thế hệ sau vươn lên làm tốt nhiệm vụ của mình.

Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Hồng Vinh có mặt tại Di tích quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng từ rất sớm.

ong-hong-vinh.jpg
Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Hồng Vinh: Các học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sau này đều trở thành lực lượng chủ công, lãnh đạo chủ chốt cho các tờ báo (Ảnh: N.Mai)

“Các học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sau này đều trở thành lực lượng chủ công, lãnh đạo chủ chốt cho các tờ báo. Trong đó có đồng chí Trần Kiên, từng là Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Nhân Dân, tờ báo chính trị lớn nhất của đất nước ta. Đồng chí Trần Kiên đã được Bác Hồ trao giải học viên xuất sắc. Khi đồng chí trở thành phóng viên thường trú của Báo Nhân Dân tại Liên Xô, thì lần nào đi thăm Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, Bác Hồ đều gọi Trần Kiên đi cùng để vừa trao đổi nghề nghiệp, vừa chỉ đạo những ý kiến, bài viết về sự trưởng thành, lớn mạnh của các nước xã hội chủ nghĩa, cũng như mối quan hệ của Việt Nam với các nước anh em”, ông Hồng Vinh kể lại cho các phóng viên trẻ nghe câu chuyện lịch sử không nhiều người biết.

“Ngoài đồng chí Trần Kiên còn có chị Lý Thị Trung, sau này nhiều năm làm Tổng Biên tập Báo Phụ nữ, anh Mai Thanh Hải, Thư ký tòa soạn của Báo Nhân Dân, một số văn nghệ sĩ lớn như Tô Hoài… Có thể nói đấy là những “hạt giống đỏ”. Các anh chị sẽ là tấm gương sáng để giới báo chí, nhất là thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo”, ông Hồng Vinh nhận định.

Một thông tin đáng chú ý được ông Vinh cung cấp, địa điểm của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng cũng là nơi sơ tán của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trong những năm chống Mỹ cứu nước.

“Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trưởng thành, được kết nạp Đảng trong những năm học đại học ở vùng đất Đại Từ này. Và giới báo chí chúng ta có quyền tự hào về một nhà báo Nguyễn Phú Trọng đã kế tục xuất sắc những chiến sĩ đã được đào tạo tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng”, nhà báo Hồng Vinh nhấn mạnh.

Và niềm tự hào của những người tiếp nối có tâm, có tầm

“Tôi gắn bó với mảnh đất này khi tham gia viết lịch sử của Đảng bộ xã Tân Thái, trong đó không quên nhắc đến sự kiện là nơi đây đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chọn để mở Trường dạy viết báo Huỳnh Thúc Kháng. Khi làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, tôi đã cùng tập thể Ban Lãnh đạo Hội quyết định phải xây dựng, phục hồi lại Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng này cho thật khang trang, vì đây là ngôi nhà chung của giới báo chí cả nước”, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Hồng Vinh nhớ lại.

Bày tỏ sự vui mừng, xúc động và tự hào khi sự chỉ đạo kiên trì của các thế hệ lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đến hôm nay đã có thành quả vượt mức mong đợi lúc đầu, nhà báo Hồng Vinh kêu gọi tất cả các nhà báo hiện nay, đặc biệt lớp trẻ làm báo của cả nước, hãy thường xuyên đến đây để biết cha anh mình đã từng học báo, viết báo, rồi cống hiến cho đất nước trong những năm chống Mỹ cứu nước cũng như trong những năm đổi mới, hội nhập quốc tế như thế nào.

“Không có bài học nào ý nghĩa sâu sắc bằng bài học thực tiễn. Những cảnh quan tại chỗ, những hiện vật ở đây đã nói lên rất nhiều điều, là bài học quý báu để thế hệ sau có thể học hỏi, kế thừa và phát huy”, ông Hồng Vinh lưu ý.

Nhiều năm trực tiếp lăn lộn thực tế để tìm kiếm, sưu tầm tư liệu, hiện vật cho Di tích quốc gia Trường dạy viết báo Huỳnh Thúc Kháng, khi đưa các đại biểu, khách mời đi tham quan, anh Nguyễn Văn Ba, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ của Bảo tàng Báo chí Việt Nam có thể thuyết minh rất rõ ràng, chi tiết về từng nhân vật, từng câu chuyện lịch sử… gắn với Di tích.

Để Di tích thành hình như bây giờ, anh Ba và các đồng nghiệp đã có sự nghiên cứu, chuẩn bị từ trước rất lâu.

Anh Ba kể: Khi về Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tôi đã được tiếp cận cuốn bút tích của các giảng viên của trường để lại. Nhưng ngày đấy còn mơ hồ lắm, thế hệ trẻ chúng tôi không thể xác định được chữ ký của từng bậc tiền bối. Ngày đó, tư liệu về trường cũng ít, bởi vì các học viên còn lại không nhiều. Chúng tôi đã đi tìm và nhờ nhiều nhà báo kết nối để đến gặp các nhân chứng từng là học viên.

Chúng tôi đã gặp bác Trần Kiên, tên khi đi học là Hoàng Kiên Trung, được cả lớp gọi là lớp trưởng vì học rất xuất sắc. May mắn cho chúng tôi là trí nhớ của bác rất mẫn tiệp. Khi chúng tôi xin phép Giám đốc Bảo tàng mang quyển sổ đó đến để nhờ bác xác minh chữ ký thì bác đọc vanh vách từng người, đây là của thày Đỗ Đức Dục, đây của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đây của đồng chí Hoàng Quốc Việt… Bởi vì theo bác, quyển sổ đó như cuốn sổ đầu bài. Các thày trong quá trình giảng dạy cứ để ở lớp, có cảm tưởng gì thì ghi vào đó. Bác rất quen các chữ ký của các thày. Trên cơ sở đó, chúng tôi biết đấy là tư liệu rất quý.

Cùng với đó, khi đến nhà một số học viên khác như Lý Thị Trung, Phạm Viết Thiệu, Trần Kiên và Mai Cương…, chúng tôi sưu tầm được thêm rất nhiều hình ảnh về trường. Qua đó có thể khẳng định đây là ngôi trường đào tạo báo chí đầu tiên của Việt Nam dân chủ cộng hòa ở rừng núi vùng ATK, một di tích về đào tạo báo chí rất đặc biệt, không gắn với một tờ báo nào”.

huynh-thuc-khang-_12.jpg
huynh-thuc-khang-_2.jpg
(Ảnh: Quang Hùng)

Không ai tránh được quy luật của thời gian. Những học viên ít tuổi nhất của lớp báo năm nào đều đã ngoài 90 tuổi. Các cụ như lá mùa thu, dần rụng hết.

Hiểu rõ điều đó, đội ngũ Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã làm việc hết sức để kịp khai thác, ghi lại những câu chuyện từ các nhân chứng sống và những người liên quan.

huynh-thuc-khang-_36.jpg
huynh-thuc-khang-_31.jpg
(Ảnh: Quang Hùng)

“Bức phù điêu trong khuôn viên Di tích được làm dựa trên bức ảnh ngày khai giảng 4/4/1949 của Trường dạy viết báo Huỳnh Thúc Kháng. Nhưng trên thực tế, trong ngày khai giảng thời chiến ấy, nhiều học viên ở khu III như bà Lý Thị Trung, bà Mai Cương… do nhiều lý do như địch kiểm soát giao thông, phải ngày nghỉ đêm đi…, không kịp đến dự, nên không có mặt trong ảnh gốc. Bằng tất cả sự tri ân, những người làm bảo tàng, văn hóa như chúng tôi cho rằng, làm lại phù điêu có thể mang tính tượng trưng, nghệ thuật.

Chúng tôi xin phép Hội đồng để tất cả 42 học viên đều được tệ tựu đầy đủ trên bức phù điêu. Với những học viên không có trong ảnh, chúng tôi gửi thêm ảnh cho họa sĩ và thiết kế. Ngày trước các cụ đã bị muộn khai giảng, bây giờ chúng tôi cũng mong muốn không ai bị lãng quên. Đấy là tâm nguyện của những người làm bảo tàng như chúng tôi”, anh Ba bồi hồi kể thêm một kỷ niệm khó quên./.

Bài liên quan
  • Một điểm đến ý nghĩa trong bản đồ báo chí đương đại
    Sáng 9/8, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức lễ khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cảm xúc dâng trào khi thăm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO