Cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong chiến dịch tiêm chủng COVID-19 ở TP.HCM

Đào Trung Thành| 02/07/2021 17:49
Theo dõi ICTVietnam trên

TP.HCM kết thúc chiến dịch tiêm chủng COVID-19 với khá nhiều sự lúng túng, bị động, bên cạnh đó, chưa thấy chuyển đổi số trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

Còn nhiều băn khoăn

Tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM hôm 28/6, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – ông Dương Anh Đức cho biết, chiến dịch tiêm chủng vắc xin quy mô đã hoàn tất với 731.984 người đã được tiêm trong số khoảng 830.000 người đến tiêm. Ông Đức đánh giá là nhanh gấp 10 lần thông thường.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất của TP. Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn tất trong vòng một tuần. Đó là sự nỗ lực đáng khâm phục của không chỉ là nhân viên y tế mà của tất cả các lực lượng tham gia vào đợt tiêm chủng cũng như sự hợp tác của người dân TP.HCM. Tuy nhiên, chiến dịch cũng để lại nhiều băn khoăn trong dân chúng về thành quả và trách nhiệm của người lãnh đạo chiến dịch.

Chiến dịch được bắt đầu sáng ngày 19/6 tại Tập đoàn FPT nằm trong Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức), lực lượng chức năng tổ chức tiêm chủng cho 500 nhân viên của Tập đoàn. Đây là cột mốc mở đầu cho đợt tiêm 836.000 liều vắc xin mà TP.HCM được phân bổ trong chiến dịch này. Nhưng theo quan sát của người viết, ngày 21/06, giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Tấn Bỉnh mới ký văn bản 3087/SYT-NVY về việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống COVID-19. Trong văn bản 3087 này, có danh sách 96 điểm tiêm và 391 đội (280 đội chính thức và 111 đội dự phòng) của 142 cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Đến chiều ngày 21/6, trong cuộc họp báo về Chiến dịch tiêm chủng quy mô này, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho hay, thành phố đã bố trí 946 đội tiêm chủng, 59 đội dự phòng. Nghĩa là số lượng các đội đã tăng gấp 3 kế hoạch dự phòng do Sở Y tế vạch ra.

Cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong chiến dịch tiêm chủng COVID-19 ở TP.HCM - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh báo cáo tại cuộc họp sáng 28-6. Ảnh: TTBC

Đến 22/6 thì tình hình tiêm có vẻ chậm hơn dự tính và có khả năng không đạt được mục tiêu tiêm chủng 836.000 liều vắc xin nên Sở Y tế đã tăng cường điểm tiêm. Tất cả các điểm tiêm theo công văn 3087/SYT-NVY chỉ có tối đa 5 đội tiêm, mỗi đội tiêm khoảng 200 liều vắc xin/ ngày. Vậy tại sao ở Nhà thi đấu Phú Thọ, số đội tiêm lại tăng đến mức kỷ lục 45 đội (bàn) tiêm và ở Vạn Hạnh Mall cũng hơn một chục bàn tiêm tập trung tại cùng một điểm?

Vào ngày 25/6, theo con số thống kê chính thức, có hơn 9.000 người chờ đợi để được tiêm ở Nhà thi đấu Phú Thọ. Nhiều hình ảnh chụp và video ghi lại cho thấy, rõ ràng, Sở Y tế chỉ kiểm soát được tình hình giãn cách khu vực tiêm bên trong, còn bên ngoài, hàng ngàn người chen chúc nhau dưới cái nắng, chờ đợi để được vào khu vực tiêm.

Chuyển đổi số hỗ trợ tiêm chủng COVID-19 thế nào?

Ở đây, bên cạnh tình huống bị động của chiến dịch khi không kiểm soát được tiến độ, dẫn đến việc gia tăng số lượng đội tiêm ở cùng một điểm và không đảm bảo được nguyên tắc 5K, tôi muốn đế cập thêm về công cuộc chuyển đổi số ngành Y tế tại TP. Hồ Chí Minh với việc hỗ trợ chương trình tiêm chủng quy mô này.

Tầm nhìn của chuyển đổi số ngành Y tế tới năm 2030 là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Thế nhưng người dân lại chưa thấy tính thông minh trong việc quản trị y tế ở chiến dịch tiêm chủng COVID-19 lần này.

Cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong chiến dịch tiêm chủng COVID-19 ở TP.HCM - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – ông Dương Anh Đức (Ảnh: TTBC)

Ai cũng biết các ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã được triển khai với nhiều phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), truy vết tiếp xúc (Bluezone), bên cạnh những dự án lớn về chuyển đổi số số đã được ngành Y tế triển khai trong thời gian qua như hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; Hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử; Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS); Khám chữa bệnh từ xa Telehealth…

Công cuộc chuyển đổi số đã được ngành Y tế triển khai trong thời gian qua với nhiều kết quả tích cực. Đến ngày 30/6/2020, Bộ Y tế đã hoàn thành 100% thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, về đích trước thời hạn 5 năm Chính phủ giao. Tuy nhiên, trên thực tế, còn rất nhiều việc không hề như các bản báo cáo thành tích ghi lại.

Để phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng COVID-19 vừa rồi, không rõ các ứng dụng khai báo y tế điện tử trên web, Apple Store và Google Play và các công cụ CNTT, chuyển đổi số có thực sự hiệu quả?

Đơn cử như một ứng dụng khá phổ biến là hệ thống xếp hàng điện tử không phải quá khó để có thể thực hiện nhưng đã không được sử dụng tại chiến dịch lần này. Người trong danh sách được tiêm chủng hoàn toàn có quyền được nhắn tin, thông tin rõ ràng về việc điểm tiêm đã tiêm được bao nhiêu lượt, và ước lượng số thứ tự của mình để có thể đến đúng giờ, đảm bảo giãn cách, không tập trung đông người, yếu tố quan trọng trong công tác phòng dịch.

Cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong chiến dịch tiêm chủng COVID-19 ở TP.HCM - Ảnh 3.

Hàng ngàn người đi tiêm vaccine COVID-19 tại Nhà thi đấu Phú Thọ - Ảnh: Kênh 14

Hệ thống IoT (Internet of Things) cũng chưa thấy được triển khai tại chiến dịch lần này, trong khi với sự hỗ trợ của CNTT khá dễ dàng để có thể kiểm soát tình hình, chẳng hạn có thể dùng vòng đeo tay thông minh. Giá của một vòng đeo tay thông minh khá rẻ, chỉ khoảng vài trăm ngàn, hỗ trợ theo dõi vị trí F1, F0.

Nếu các biện pháp như khai báo y tế điện tử, xếp hàng điện tử, vòng đeo tay cảnh báo F1, F0… được triển khai đồng bộ thì đã bớt đi rất nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, đỡ thêm gánh nặng cách ly tập trung.

Và, nỗi lo lớn nhất, như nhiều báo bắt đầu thông tin vào chiều 30/6, đã có những cán bộ trở thành F0, được xác định đã đến chiến dịch tiêm chủng vừa qua tại điểm tiêm chủng Nhà thi đấu Phú Thọ. Liên quan đến các ca nhiễm là cán bộ này, UBND quận 11 đã phải phong toả hoàn toàn, xét nghiệm tất cả cán bộ nhân viên.

Hiện tại TP Hồ Chí Minh đang thực hiện kế hoạch lấy 5 triệu mẫu xét nghiệm trong 10 ngày. Liệu người dân có thể hy vọng rằng kế hoạch lần này sẽ được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo hơn, có quản trị rủi ro và chú trọng hơn nữa vào các giải pháp CNTT để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng?

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong chiến dịch tiêm chủng COVID-19 ở TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO