Truyền thông

Cần nâng cao chất lượng chế biến nông sản bằng công nghệ

P.V 11:24 11/10/2023

Do trình độ phát triển và chi phí đầu tư cho công nghiệp chế biến còn thấp, nên tỷ lệ sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam đảm bảo chất lượng quốc tế mới chỉ đạt khoảng trên dưới 10%.

Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, hàng nông sản luôn chiếm tỷ trọng khá cao, nhiều loại nông sản đã khẳng định được vị thế trên thị trường khu vực và thế giới như: gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, chè, trái cây, rau quả…

Thống kê cho thấy, đến tháng 1/2023, nông sản của Việt Nam đã có mặt trên thị trường của 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn đang nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu với nhiều sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu cao.

nong-san.jpg
Tỷ lệ sản phẩm nông sản chế biến đạt chất lượng quốc tế mới chỉ khoảng trên dưới 10%.

Tuy vậy, theo đánh giá của Viện Công nghệ sau thu hoạch, do trình độ phát triển và chi phí đầu tư cho công nghiệp chế biến còn thấp, nên tỷ lệ sản phẩm nông sản chế biến đảm bảo chất lượng quốc tế mới chỉ đạt khoảng trên dưới 10% và số doanh nghiệp chế biến nông sản đăng ký chất lượng sản phẩm hiện mới dừng ở tỷ lệ khoảng 15%.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc đầu tư cho sản xuất nông sản chưa có nhiều và chưa dám đầu tư mạnh vì sản xuất nông sản khá bấp bênh. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ cao vẫn còn hạn chế.

“Liên kết giữa các vùng trong sản xuất nông nghiệp không tính theo địa phương, phải tính theo vùng nguyên liệu, mà vùng nguyên liệu lại tính theo thổ nhưỡng”, TS. Từ Minh Thiện - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Dịch vụ Thái Bình Dương nhận định.

Thực tế hiện nay, mặt hàng nông sản đang cạnh tranh rất mạnh trên thị trường, đặc biệt là cạnh tranh với giá của nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan…

Để tạo ra chuỗi cung ứng hàng nông sản an toàn và bền vững, trước hết nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp qua việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu lực hợp đồng, hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước... tạo điều kiện cho liên kết phát triển.

Cạnh đó, các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam phải tự vận động đi lên bằng cách đầu tư thích đáng cho công nghệ, liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Với vai trò là trung tâm chuỗi, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cũng cần có sự kết nối chặt chẽ với các thành viên khác trong chuỗi.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần nâng cao chất lượng chế biến nông sản bằng công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO