Truyền thông

Xuất khẩu quả dừa sang Mỹ, ngành nông sản thêm kỳ vọng mới

P.V 17:54 26/09/2023

Cục Kiểm dịch thực vật Mỹ (APHIS) chính thức mở cửa thị trường nhập khẩu cho quả dừa non Việt Nam đã tách ít nhất 75% (3/4) phần xơ dừa và loại bỏ hoàn toàn lớp vỏ xanh bên ngoài.

7411-1675846877_1200x0-185311_578-190928.jpeg
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ tư khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vừa qua, vào ngày 7/8/2023, APHIS đã hoàn tất việc cập nhật cơ sở dữ liệu trực tuyến "Yêu cầu nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp (ACIR)" để phê duyệt việc nhập khẩu dừa non Việt Nam đã tách ít nhất 75% (3/4) phần xơ dừa và loại bỏ hoàn toàn lớp vỏ xanh bên ngoài.

Được biết, trước đó, phía Mỹ đã gửi kết quả phân tích nguy cơ dịch hại đối với dừa tươi của Việt Nam. Theo đó, 43 loài dịch hại trên cây dừa được xác định nhưng không loài nào có khả năng đi theo dừa non tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ. Mỹ đã yêu cầu Việt Nam phải xử lý dừa non tươi sau thu hoạch như loại bỏ những quả thối, rụng, gọt bỏ toàn bộ phần vỏ xanh và ít nhất 75% phần xơ dừa.

Hiện nay, Việt Nam thuộc tốp 10 nước trồng dừa lớn nhất thế giới với khoảng 200.000ha đất nông nghiệp trồng dừa, sản lượng khoảng 2 triệu tấn, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, Bến Tre.

gia-tri-xuat-khau-cua-dua-tuoi-tai-viet-nam-3-1677053309895879350036.jpeg
Cả nước hiện có 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dừa của Việt Nam đạt 900 triệu USD, đưa nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ tư khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nếu thống kê được các nhóm sản phẩm khác sử dụng nguyên liệu từ dừa thì ngành này có thể đã vào nhóm xuất khẩu “tỷ đô”. Cả nước hiện có 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó có 42 doanh nghiệp đã xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu "Made in Vietnam".

Thực tế cho thấy, ngành dừa Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển về sản phẩm và thị trường như: nhóm trọng điểm là nước cốt dừa/bột sữa dừa, cơm dừa nạo sấy, nước dừa đóng lon/hộp và than hoạt tính; nhóm tiềm năng cao gồm dầu dừa/tinh dầu dừa, thạch dừa/mặt nạ thạch dừa, xơ dừa/các sản phẩm xơ dừa/mụn dừa; nhóm sản phẩm có thể phát triển là các sản phẩm như đồ uống - sữa dừa độ béo dưới 5%, bơ dừa và bánh quy bơ dừa.

Thông tin từ Hiệp hội Dừa Việt Nam, mùa xâm nhập mặn hằng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long đang làm giảm năng suất và sản lượng, gây thiếu hụt nguyên liệu dừa trái phục vụ chế biến xuất khẩu. Do vậy, bên cạnh chương trình xây dựng các vùng trồng bền vững, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa dành nguồn lực nghiên cứu phát triển phôi dừa chống chịu được hạn mặn và chính sách hỗ trợ phân bón cho người nông dân trồng dừa giảm chi phí đầu vào.

"Bên cạnh việc xuất khẩu sang nước Mỹ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan xuất khẩu các sản phẩm từ dừa chính ngạch sang Trung Quốc", ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết.

Bài liên quan
  • Xuất khẩu nông sản Việt tiếp đà tăng trưởng kinh tế đất nước
    Xuất khẩu nông sản có vai trò quan trọng trong nền kinh tế mỗi quốc gia. Xuất khẩu nông sản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, phong phú và đa dạng của người tiêu dùng, giúp giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu quả dừa sang Mỹ, ngành nông sản thêm kỳ vọng mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO