Chính vì lẽ đó, các chính sách về BVMT luôn được quan tâm và từng bước hoàn thiện để quản lý chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn về BVMT đối với hoạt động sản xuất công nghiệp. Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường đã quy định 17 nhóm sản xuất công nghiệp tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; qua đó có thể thấy, sản xuất công nghiệp là hoạt động luôn tiềm ẩn những nguy cơ về môi trường.
Những vấn đề đặt ra đối với phát triển công nghiệp gắn với BVMT
Không thể phủ nhận công nghiệp là ngành kinh tế có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, sản phẩm công nghiệp là sản phẩm xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao; thời gian qua, nhiều ngành công nghiệp đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất và nâng cao đời sống của nhân dân....
Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề phát triển công nghiệp là vấn đề môi trường; khi công nghiệp phát triển mạnh mẽ cũng đồng thời làm phát sinh nhiều thách thức về BVMT; từ thực tế quản lý môi trường thời gian qua cho thấy, việc phát triển công nghiệp phải đồng thời với tăng cường quản lý về BVMT; với tốc độ phát triển nhảy vọt về công nghiệp ở nước ta thời gian vừa qua đã có rất nhiều vấn đề về BVMT phát sinh cần được quan tâm giải quyết, để tạo môi trường đầu tư sản xuất công nghiệp an toàn, hạn chế phát sinh những điểm nóng ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường thậm chí trở thành điểm nhức nhối về mất an ninh, trật tự tại các địa phương, bắt nguồn từ hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Hiện nay, có một số vấn đề về BVMT rất quan trọng, hay có thể nói là những thách thức đặt ra về BVMT trong quá trình phát triển công nghiệp ở nước ta. Nghị định 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ xác định rất rõ 3 mức nhóm với 17 nhóm ngành sản xuất công nghiệp có nguy cơ môi trường cao, trong đó đặc biệt Nhóm một - Đứng đầu về nguy cơ ô nhiễm môi trường với 8 loại hình sản xuất gồm: Khai thác khoảng sản; Luyện kim; Sản xuất giấy, bột giấy; Sản xuất hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực phẩm hóa học; Nhuộm, giặt mài: Thuộc da; Lọc dầu; Nhiệt điện than, sản xuất cốc, khí hóa than, điện hạt nhân.
Với những công ty sản xuất nhóm có nguy cơ ô nhiễm cao, vấn đề quy hoạch phát triển đối với các nhóm loại hình sản xuất công nghiệp này phải được quan tâm hàng đầu, nếu không muốn có những rủi ro về môi trường khi các dự án thuộc các nhóm công nghiệp này đi vào hoạt động, trong đó có 2 vấn đề nhóm về quy hoạch gắn với BVMT cần được quan tâm:
Thứ nhất, Quy hoạch phát triển công nghiệp chưa hết được những tác động về môi trường đến cộng đồng dân cư xung quanh, có thể dẫn đến tranh chấp khi triển khai quy hoạch; thực tế quản lý thời gian qua cho thấy có nhiều dự án không thể hoạt động được hoặc phải tạm dừng sau một thời gian hoạt động, dẫn đến bị phá sản do người dân phản ứng, biểu tình, phong tỏa nhà máy sản xuất; tạo ra tình thế "tiến thoái lưỡng nan" đối với cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước.
Thứ hai, Quy hoạch và đầu tư phát triển các ngành công nghiệp cần quan tâm đến những tương tác về môi trường giữa các loại hình sản xuất công nghiệp, điều này có thể làm cho doanh nghiệp có thể bị phá sản do sản phẩm sản xuất ra bị ảnh hưởng bởi cơ sở công nghiệp liền kề; Điều này rất dễ xảy ra khi cấp phép đầu tư cho các dự án sản xuất công nghiệp không tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch phân khu chức năng trong các khu vực công nghiệp.
Tăng cường chính sách pháp luật để quản lý, xử lý chất thải công nghiệp
Trong công tác BVMT, quản lý, xử lý chất thải là một trong những nội dung trọng tâm của quản lý Nhà nước; các cơ sở sản xuất công nghiệp có đặc điểm là có thải lượng rất lớn (nước thải, khí và chất rắn); đây là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao, nên chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý chất thải thường được nhanh chóng được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để quản lý chặt chẽ hơn từ khi phát sinh đến quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý cuối cùng như: Yêu cầu phải có giấy phép xả khí thải, giấy phép xả nước thải với quy chuẩn thải khắt khe hơn... Hoặc các cơ sở có phát sinh tro, xỉ chỉ có thể được bố trí ở bãi thải không quá 2 năm sản xuất trung bình theo Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng"… buộc các cơ sở sản xuất công nghiệp phải có biện pháp xử lý chất thải phát sinh đạt quy chuẩn môi trường.
Cần tăng cường giám sát đặc biệt đối với các cơ sở công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, có lượng phát thải lớn có nguy cơ gây sự cố môi trường. Thời gian qua, một số cơ sở sản xuất công nghiệp có gây ra một số sự cố môi trường hoặc ô nhiễm môi trường kéo dài, gây hậu quả rất nặng nề cho môi trường, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, vì vậy, hoạt động của các doanh nghiệp thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường và có lượng thải lớn luôn được Bộ TNMT và UBND cấp tỉnh quan tâm đưa vào "tầm ngắm" để thực hiện giám sát đặc biệt. Họ phải chịu sự kiểm soát thường xuyên, liên tục của các cơ quan quản lý về môi trường các cấp; ngoài việc yêu cầu phải có các công trình xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về môi trường, các cơ sở còn phải đầu tư công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; phải đầu tư hệ thống quan trắc tự động, liên tục, kết nối với sở Tài nguyên và Môi trường.
Với việc duy trì cơ chế kiểm soát đặc biệt, kết hợp với việc hoàn thiện hệ thống kỹ thuật và quy trình giám sát thường xuyên, liên tục đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc nhóm có nguy cơ ô nhiễm và có nguồn thải lớn đã góp phần giảm thiểu các rủi ro về môi trường, sự cố môi trường, tuy nhiên, chi phí để giám sát, đầu tư, lắp đặt và vận hành cực kỳ tốn kém, là áp lực không nhỏ đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Triển khai đồng bộ các giải pháp BVMT hiệu quả
Nguy cơ Việt Nam trở thành "bãi rác công nghệ": Công nghiệp luôn gắn liền với công nghệ sản xuất, tuy nhiên, nhiều khi để đáp ứng nhu cầu nào đó, đôi khi chúng ta đã vô tình hoặc có chủ ý chấp nhận những công nghệ sản xuất kém thân thiện với môi trường, với tư duy "chết dần dần còn hơn chết ngay"; dễ thấy nhất đó là trước đây để giải quyết vấn đề thiếu xi măng chúng ta đã cho phép đầu từ các dự án sản xuất Clinker công nghệ lò đứng hoặc để giải quyết nhu cầu thép trong nước, chúng ta đã cho phép đầu tư các dự án sản xuất phôi thép bằng công nghệ lò hồ quang, thực chất đây là những công nghệ sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng; ô nhiễm môi trường mà nước ngoài đã cấm hoặc hạn chế đầu tư, nên chuyển về đầu tư ở Việt Nam với ưu thế của công nghệ sản xuất giá rẻ; sau đó chúng ta đã phải trả giá khi các cơ sở sản xuất với công nghệ trên trở thành những điểm nóng, bức xúc về môi trường, gây mất an ninh, trật tự, khiếu kiện đông người... và sau đó chúng ta đã phải chi phí rất nhiều tiền để chuyển đổi sang công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường.
Hiện nay, việc phát triển mạnh các dự án nhiệt điện than ở Việt Nam đang nhận được nhiều ý kiến cảnh báo của các chuyên gia môi trường về nguy cơ trong tương lai gần, Việt Nam sẽ phải đối mặt với các vấn đề môi trường liên quan đến các nhà máy nhiệt điện than như xử lý tro, xỉ, thạch cao; xử lý khí, bụi, nước thải phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện than... Nếu chúng ta không có phương án hạn chế, thay thế nhiệt điện than ngay từ bây giờ.
Để quản lý môi trường có hiệu lực, hiệu quả cần triển khai đồng bộ rất nhiều những giải pháp quản lý, tuy nhiên, có một số vấn đề rất cần được quan tâm khi xây dựng, ban hành chính sách pháp luật để quản lý, BVMT đối với hoạt động sản xuất công nghiệp:
Thứ nhất, chất thải là tài nguyên, nhưng cần có tư duy thân thiện hơn với quản lý chất thải theo hướng, không nên coi tất cả vật chất phát sinh từ các cơ sở sản xuất công nghiệp đều là chất thải, đặc biệt là đối với vật chất phát sinh ở thể rắn, có thể tái chế, tái sử dụng;
Thứ hai, thay đổi tư duy quản lý môi trường mang tính "mệnh lệnh hành chính" (quá nhiều thủ tục hành chính) như hiện nay theo hướng cắt giảm những thủ tục hành chính không cần thiết; tăng cường kiểm soát môi trường công nghiệp bằng các giải pháp kỹ thuật, trong đó tập trung vào các nguồn thải lớn, loại hình sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và các giải pháp kỹ thuật kiểm soát nguồn thải phải phù hợp với từng nhóm/ngành sản xuất công nghiệp;
Thứ ba, cần có chính sách ưu đãi đầu tư thiết thực hơn đối với những dự án sản xuất công nghiệp có công nghệ sản xuất hiện đại, tiêu tốn ít năng lượng, thân thiện với môi trường để thay thế dần những cơ sở sản xuất công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng và phát sinh nhiều chất thải.
Thứ tư, cần triển khai chính sách thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ và tính đủ chi phí thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ trong đơn giá bán sản phẩm tiêu dùng./.