Cần tháo gỡ chính sách cho công nghiệp nội dung số phát triển

Lan Phương| 17/08/2017 15:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Phát triển ngành công nghiệp nội dung số (NDS) đã được nhiều đại biểu trao đổi, đóng góp ý kiến tại Tọa đàm "Luật CNTT và định hướng phát triển trong thời gian tới" vừa được Bộ TT&TT tổ chức

Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp cho rằng: tổng doanh thu của các công ty trong ngành công nghiệp NSD vào khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng mỗi năm tại thị trường Việt Nam và nếu tính thêm các công ty khác tham gia vào thị trường theo hình thức khác, doanh thu của ngành còn cao hơn nhiều, trong đó có nguồn thu đến từ quảng cáo và game, phim đang lên. Ngành NSD có đặc điểm quan trọng là cạnh tranh với công ty xuyên biên giới, như Facebook có nền tảng, các ứng dụng từ Mỹ, được phân phối tại Việt Nam, nội dung không phải kiểm duyệt…

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp

Thêm nữa, Ngành NDS là ngành phải cấp phép. Nếu được cấp phép làm con “cá” thì chỉ được phép làm con “cá”. Nếu làm trang tin điện tử thì không làm mạng xã hội. Đã làm nhạc trực tuyến thì không được làm thông tin tổng hợp. Còn Facebook không biết gọi là gì khi vừa là mạng xã hội, vừa có thể đọc báo, vừa nhắn tin, vừa có thể livestream (truyền trực tiếp)… VCCorp có thể đầu tư lớn cho những khả năng phát triển NDS mới nhưng không biết có tương lai hay không, hay có thể vi phạm quy định… Ông Tân bày tỏ lo ngại DN Việt Nam đang mất dần sân nhà. Nếu không có ưu đãi thì DN Việt không thể “gượng” được mãi.

Khó khăn thứ hai, ông Tân nêu là DN NDS Việt Nam đóng tất cả các loại thuế. Trong khi DN xuyên biên giới lại không: không thuế thu nhập cá nhân VAT, không thuế thu nhập DN, không bảo hiểm… "Việc phải đóng nhiều loại thuế khiến chúng tôi khi bán một mặt hàng lại bị đội giá lên vài chục phần trăn. Những bất lợi đó càng ngày càng khiến DN Việt Nam “teo tóp”. Đó là những vấn đề thực tế DN Việt Nam đang gặp phải", ông Tân cho hay.

Ông Tân lấy dẫn chứng trường hợp Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông và sau đó nhiều DN nhỏ lẻ có doanh thu vài trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng họ phải “ẩn” mình đi. Tại sao họ phải trốn? Bởi với tình trạng pháp luật hiện nay thì “ẩn” mình đi cho đỡ rắc rối. Người Việt Nam bán sản phẩm ra nước ngoài nhưng tiền chuyển về tài khoản nước ngoài dù sống ở Việt Nam, .

Theo ông Tân, trong 5-10 năm tới, nếu ngành NDS phát triển thì chỉ đứng sau du lịch, còn lại vượt qua dệt may, xăng dầu… về giá trị kinh tế mang lại cho Việt Nam. Cùng đó ước chừng có 1 triệu lao động. Ngành này có đặc điểm là phát triển từ chính DN trên “sân nhà” của Việt Nam. Tất cả các công ty NDS Việt Nam hầu hết đi lên từ tay không, dùng nguồn lực duy nhất là con người. Tuyển dụng về CNTT, nội dung, người thiết kế… rồi kinh doanh. Vốn chưa bao giờ xin của Nhà nước hoặc tự làm hoặc gọi đầu tư từ nước ngoài. “Bộ TT&TT nên đề xuất với nhà nước gọi ngành NDS là ngành kinh tế trọng điểm, khi có tinh thần như vậy thì sẽ biết được là làm ưu đãi gì”, ông Tân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc VTC Intecom

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc VTC Intecom, DN sản xuất NDS mang lại doanh thu đóng góp lớn cho Tổng công ty VTC cho biết: Luật CNTT có nhiều quy định vĩ mô quá trong khi DN cần những điều thiết thực hơn. Quy mô của ngành NDS ngày càng lớn, cách đây 10 năm doanh thu của NDS từ dịch vụ giá trị gia tăng đã đạt 3.000 - 4.000 tỷ đồng, đến nay quy mô ngày càng lớn, từ truyền hình, các dịch vụ trên online, sự dịch chuyển sang ngành quảng cáo trực tuyến, các nội dung trên mạng xã hội… Về mặt chính sách, đang có một số hạn chế sự phát triển của ngành NDS trong nước, Nhà nước có quy định quản lý NDS trong nước rất chặt. Việt Nam không phát triển được mạng xã hội trong nước vì bị quản lý nội dung thông tin rất chặt chẽ, trong khi những nội dung ấy nếu được đưa lên Facebook thì không bị ai hỏi đến. Ngành game online nhà nước quy định Game G1 phải phê duyệt nội dung kịch bản, với các thủ tục hành chính giấy tờ rất nhiều, tuy nhiên khi gửi hồ sơ xin phép thì các cơ quan quản lý phê duyệt không chơi game nên làm sao đọc được. Đối với game mobile trên Store một ngày ra bao nhiêu game mới không sao kiểm soát được. Trong khi chỉ có DN Việt Nam bị “quản” chặt, không sao phát triển được.

Một hạn chế khác, ngành NSD đang chuyển dịch mạnh từ PC sang mobile, nhưng chính sách quản lý vẫn chưa phù hợp, quy định chỉ xoay quanh các quy định mà chỉ áp dụng cho thị trường Việt Nam. NDS trên mobile đang bị cảnh “một cổ hai tròng”, một là phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam, hai là phải tuân theo các quy định của các nhà cung cấp nền tảng, do đó DN phải tìm cách đáp ứng các yêu cầu của các cửa hàng (Store) để có thể đưa game lên được. Nhưng hiện tại các DN Việt gặp khó khăn khi thanh toán làm mất khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.

Theo ông Hưng, chính vì có nhiều hạn chế về chính sách nên các DN NDS Việt không còn mặn mà đầu tư vào công nghệ NDS. Muốn phát triển ngành này phải đầu tư tương đối dài hạn, một nền tảng tốt cần được đầu tư từ 3 - 5 năm nên ngành NDS Việt đang mất dần niềm tin chỉ còn xu hướng khai thác dịch vụ ngắn hạn, không đầu tư dài hạn.

Luật CNTT có quy định ưu đãi cho sản phẩm công nghệ trọng điểm, DN NDS cung cấp nhiều dịch vụ cho hàng triệu người dùng như VTC có studio sản xuất game cung cấp cho thị trường Mỹ, châu Âu nhưng thực tế chưa có chính sách khuyến khích cho những hoạt động đó. Ông Hưng đề xuất với Bộ TT&TT trong quá trình xây dựng chính sách cần có chỉ số cụ thể, đừng đưa luật chung chung, yêu cầu ngành thuế ưu đãi nhưng chả ai triển khai, chả ai ưu đãi, do đó Luật phải rất cụ thể.

Bộ TT&TT cần nghiên cứu chính sách yêu cầu các DN nước ngoài khi vào Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Kinh tế số là nền kinh tế không có biên giới, cần có chế tài đối với các DN toàn cầu như Google, Facebook khi họ có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng từ thị trường Việt Nam nhưng không đóng thuế.

Ông Nhan Thế Luân, đại diện Nhaccuatui

Cũng liên quan đến vấn đề bình đẳng giữa các DN xuyên biên giới, ông Nhan Thế Luân, đại diện Nhaccuatui nhận định rằng: các công ty lớn nhất trên thế giới hiện nay như Google, Faceboo, Amazon… đều là các công ty phát triển dịch vụ trên nền tảng Internet. Các công ty này phát triển mạnh bởi ngành này đặc thù không giới hạn về vị trí địa lý, không gian, công nghệ nên có thể phát triển nhanh. Khi bước ra thế giới, chúng ta có thể tiếp cận 4 tỷ dân toàn thế giới. Đó là lý do tại sao các công ty Internet lại lớn như thế. Ở Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có khả năng phát triển mạnh hơn hiện nay.

Cũng đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thế Tân nói: "Các công ty nhỏ như chúng tôi đang gặp một vấn đề đó là vừa phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài lớn vừa bị “trói buộc lại trong góc tường”. Chúng ta có thể hình dung, trong số 300 website được cấp phép hiện nay thì tổng lưu lượng (traffic) chỉ chiếm khoảng trên 20% so với các ông lớn nước ngoài như Google, YouTube, Facebook dù họ không có giấy phép tại thị trường Việt Nam".

Do đó, ông Luân mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước có thể tạo sự công bằng. Nhà nước đưa ra chính sách công bằng với các công ty nước ngoài, nghĩa là các công ty nước ngoài cũng cần phải có giấy phép hoặc chịu các chế tài giống DN trong nước. Một cách công bằng hơn, chúng ta thường nói rằng tại sao không ủng hộ hàng Việt?

Về ưu đãi, nhất là thuế, ông Luân cho biết, Việt Nam có cơ hội lớn trong hút vốn đầu tư. Nhưng để công ty Việt Nam nhận vài chục triệu USD là rất hiếm. Trong khi đó, các công ty ở các quốc gia khác như Singapore, Indonesia có thể nhận đươc hàng tỷ USD tiền đầu tư. Nguyên nhân là chính sách của các nước được hỗ trợ rất nhiều cho các DN. Đặc biệt là chính sách thuế. "Do đó, đề xuất của tôi là nếu coi đây là ngành kinh tế trọng điểm thì hoàn toàn có thể sử dụng các chính sách về thuế để chẳng những giữ được các nguồn thu trong nước mà còn hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam", ông Luân kiến nghị.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số

Cũng đồng quan điểm với các đại biểu trong lĩnh vực này, đại diện cho Hội Truyền thông số, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Hội cho biết các DN truyền thông và NSD đang mong muốn được bình đẳng, bình đẳng giữa các loại hình DN trong nước, bình đẳng giữa các DN nhỏ - vừa - lớn, giữa DN tư nhân với nhà nước, giữa DN trong nước với các DN nước ngoài, DN xuyên biên giới, FDI. Luật khi sinh ra phải làm được điều đấy, không phải luật sinh ra bảo hộ ngược cho các DN nước ngoài do đó cần hiệu chỉnh lại, có những quy định với DN trong nước phải đi theo hướng không cấp phép mà chuyển sang hậu kiểm, giảm bớt các thủ tục hành chính. Cụ thể, NDS hầu hết là DN khởi nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn lực và nội lực của mình là chính nhưng các DN khởi nghiệp hiện bị đối xử bất bình đẳng ngay trong nước.

Cũng theo ông Cường, DN NDS bị bất bình đẳng với các nhà mạng, bản thân các nhà mạng thay vì làm hạ tầng làm nền tảng của các nền kinh tế khác, bản thân DN tập trung chưa cao, xã hội chưa thực sự được hưởng từ các dịch vụ do các DN này cung cấp. Nhưng các nhà mạng cũng “nuôi dưỡng” các DN NDS. Chúng tôi đã có số liệu chứng minh có hiện tượng bù chéo thông qua báo cáo tài chính của các DN này, bù chéo bằng biện pháp kỹ thuật thông qua hệ thống billing tạo ra cạnh tranh không lành mạnh. Từ đó chính sách của nhà mạng với DN NDS không ổn định, họ tự do điều chỉnh theo hệ thống như bốc thuốc.

Ông Cường lấy ví dụ có ngày hệ thống tính cước (billing) bị trục trặc, họ tự lấy số liệu nào đó bù vào, DN nội dung bị thiệt phải chịu. DN NDS trực thuộc nhà mạng tạo ra bức tranh “méo mó” cho ngành NDS, sự phân chia giữa các DN nội dung và nhà mạng biến động không ngừng, nhà mạng thích thế nào chia như thế, ban đầu chia 60% cho DN nội dung, sau giảm 50%, 40%, thậm chí có 30%, chính sách của nhà mạng không ổn định khiến các DN nội dung không muốn đầu tư dài hạn, ngành NDS có nguy cơ teo tóp.

Ông Cường cũng cho biết một thực tế là cách mạng 4.0, IoT phải phát triển mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng hiện nay tỷ lệ thanh toán qua thẻ cào rất lớn, trong khi các nước tỷ lệ dùng thẻ cào rất ít. Trung Quốc trước đây cũng dùng thẻ cào nhưng giờ nếu không dùng ví điện tử sẽ không không thanh toán được. Ông Cường đề nghị Bộ TT&TT xem xét chỉ đạo các DN viễn thông điều chỉnh lại, nếu Bộ không tác động thì tỷ lệ thẻ cào rất lớn, thẻ cào vẫn là tiền mặt. Việc này cần làm được ngay làm giảm chi phí thanh toán kết nối, nâng cao sự cạnh tranh.

Trao đổi về vấn đề DN NDS muốn được đối xử bình đẳng, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT cho biết nhà nước cần hoạch định ra các chiến lược cho từng lĩnh vực trong ngành CNTT- viễn thông nói chung là cần thiết. Về việc các công ty viễn thông lớn của Việt Nam đang “nuôi” các DN nội dung số của họ, ông Ngọc cho biết Bộ TT&TT cần ghi nhận và có chính sách quản lý thế nào cho phù hợp đảm bảo cạnh tranh lành mạnh cho ngành nội dung số phát triển.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng trao đổi về phát triển NDS tại Tọa đàm

Trong kết luận Tọa đàm, trao đổi về phát triển lĩnh vực NDS, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết có nhiều điều cần quan tâm đến lĩnh vực NDS. Nền tảng, hạ tầng của chúng ta không chỉ là vấn đề về viễn thông mà còn là nền tảng về cơ sở dữ liệu, về thanh toán để tạo thuận lợi cho các DN NDS phát triển. Bộ TT&TT đã ý thức rõ các bất cập, bất bình đẳng giữa các DN trong nước và DN nước ngoài. Bộ mong muốn các DN NDS, các hiệp hội liên quan cùng Bộ có tiếng nói để tháo gỡ, có giải pháp để làm việc với DN nước ngoài nhằm tạo nền tảng ngày càng bình đẳng hơn với các DN trong nước.

Quan trọng nhất của việc tổng kết Luật CNTT không phải là những nhận định chúng ta đã làm được gì liên quan đến Luật mà chính là danh mục kiến nghị, đề xuất với Quốc hội liên quan đến ngành CNTT. Bộ TT&TT mong rằng trong thời gian tới nhận được sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa để từng bước đưa ngành CNTT tiến lên”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần tháo gỡ chính sách cho công nghiệp nội dung số phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO