Cảnh sắc chỉ có thể được bảo tồn khi chúng ta rung động trước vẻ đẹp của chúng
Cuốn sách “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường” mở ra cho người đọc một cách nhìn mới về vẻ đẹp của thiên nhiên, về cách rung cảm trước nhiều hình thái khác nhau của tạo hóa, thay vì chỉ qua những bức hình trên mạng xã hội.
Cuốn sách “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - Hay vì sao chúng ra cần thay đổi cách thưởng thức thiên nhiên?” vừa được ra mắt tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia với sự tham gia của tác giả - TS. Đặng Hoàng Giang và người điều phối - đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp.
Buổi ra mắt sách được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 - chuỗi sự kiện nhằm tôn vinh, khuyến khích sự kết nối giữa nghệ thuật, sáng tạo và cộng đồng.
Du lịch - một loại hình trải nghiệm được coi là quan trọng trong cuộc sống hằng ngày, lại không hề được người Việt xưa tán dương vì suy nghĩ “sểnh nhà ra thất nghiệp”.
Cuối thế kỷ 20, khi Việt Nam toàn cầu hóa và hướng tới xu thế hội nhập, những trào lưu như đi du lịch, đi phượt mới tới gần hơn với giới trẻ và đến nay, du lịch đã trở thành một trong những “triết lý sống” của nhiều người, là cách để chúng ta tạo ra hạnh phúc.
Và minh chứng của những phút giây hạnh phúc khi đi du lịch đa phần chính là những bức ảnh. Tác giả Đặng Hoàng Giang chia sẻ trong buổi trò chuyện: “Mục đích của những chuyến đi bây giờ là những bức ảnh. Nếu không có những bức ảnh, nghĩa là chuyến đi đó không xảy ra. Vậy là thế giới đã trở thành một trung tâm thương mại, nơi mọi thứ được coi là những “mặt hàng”. Và tất cả những nơi chốn có lịch sử, có văn hóa,… chỉ được tiêu thụ một cách chóng vánh qua những bức ảnh”.
“View đẹp” đã trở thành một trong những chuẩn mực của các điểm đến du lịch. Mọi người ưu tiên tìm đến những nơi có phong cảnh đẹp như tranh, nơi có những khung hình độc lạ để “check-in”, để “tự sướng”. Theo tác giả, điều này đã mang đến một vài hệ lụy: Con người sẵn sàng “băm đồi xẻ núi” để có “view đẹp” và chúng ta đang dần thích thú “đồ giả”. Ví dụ như cổng trời Bali ở Đà Lạt hay chúng ta sẵn sàng gắn hoa giả vào không gian thật để phục vụ việc chụp ảnh.
Song song với những hệ lụy trên là một thực tại đáng buồn: những nơi không thỏa mãn tiêu chí về “view đẹp” con người coi đó là vô nghĩa, vô giá trị. Có thể kể đến một bãi lầy, sình lầy ven biển - thiên đường của những đàn chim di cư, nơi có hệ sinh thái rất đa dạng và đặc sắc.
Những cảnh sắc bình thường ấy tiềm ẩn một vẻ đẹp mà chúng ta phải mất công mới có thể nhìn ra được, nhưng nhiều người khi đi qua hay được giới thiệu chỉ đơn giản nghĩ đây chỉ đơn giản là một bãi bùn.
Đưa ra những lập luận tích cực hơn cho “view đẹp”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, hiện nay, khi mở những ô cửa sổ, chúng ta chỉ thấy được ô cửa sổ nhà bên, chứ không còn là những khoảng sân rộng như ngày thơ ấu. Khi mọi người đi ra khỏi thành phố để tìm một nơi tĩnh lặng hơn để du lịch, để thư giãn thì những địa điểm có lợi thế về tầm nhìn đẹp sẽ luôn được ưu tiên.
TS. Đặng Hoàng Giang đưa ra quan điểm, việc tìm “view đẹp” đang trở thành trào lưu mạnh mẽ. Ông cho rằng chỉ khi có tầm nhìn đẹp, cảnh sắc mới xứng đáng để chúng ta chiêm ngưỡng. Trào lưu này mạnh mẽ tới nỗi, khi chúng ta đến địa điểm du lịch nhưng lại bỏ lỡ khoảnh khắc tạo nên “thương hiệu” của nơi đó, chúng ta - những khách du lịch “săn view” sẽ cảm thấy phiền muộn.
Con người chạy theo những sức ép của xã hội rằng phải đến được những thánh địa du lịch, cuộc đời mới không nhàm chán và phiền muộn. Chúng ta quên đi rằng, những bãi bồi ven biển, những triền đê hay những ao nước nhỏ cũng có thể mang lại cho chúng ta những rung động như vậy, và chúng ta cho phép chúng bị phá hủy.
Vẻ đẹp của thiên nhiên, khi chúng ta hòa mình vào nó bằng cách cảm nhận bằng nhiều giác quan (âm cảnh và hương cảnh) hay cảm nhận những trạng thái khác nhau của thiên nhiên (sự săn mồi, sự phân hủy, …) sẽ khiến cho những hiểu biết và vĩ cảm của chúng ta về thiên nhiên được mở rộng hơn rất nhiều.
"Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - Hay vì sao chúng ta cần thay đổi cách thưởng thức thiên nhiên?" là tác phẩm mới nhất của tác giả Đặng Hoàng Giang được Omega Plus phát hành trong tháng 10/2024.
Trong cuốn sách "Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường", qua những chuyến đi và những cuộc trò chuyện của đôi bạn trẻ hư cấu là Tò Mò và Suy Ngẫm - hai nhân vật đại diện cho những người trẻ ham học hỏi, có cá tính riêng và cùng yêu thiên nhiên; tác giả Đặng Hoàng Giang chỉ ra hệ lụy từ cách mà chúng ta đang thưởng thức vẻ đẹp của phong cảnh và sinh vật.
Hóa ra, thị hiếu, quan điểm của chúng ta về đẹp và xấu trong tự nhiên không đơn giản là những thứ “tùy gu”, thuộc sở thích cá nhân mà tác động trực tiếp đến cách ta kiến tạo thế giới.
Năng lực cảm thụ những vẻ đẹp khác nhau, khó cảm nhận của thiên nhiên cần được bồi đắp, khơi gợi, thậm chí đào tạo. Điều này có ý nghĩa xã hội to lớn và quan trọng hơn mọi khẩu hiệu kêu gọi bảo tổn, bởi có lẽ ta chỉ tâm huyết để gìn giữ và bảo vệ những điều mà vẻ đẹp của nó khiến ta rung động./.