Chuyển động ICT

Cạnh tranh Mỹ - Trung về tiêu chuẩn kỹ thuật số

Trần Văn Liệu 25/01/2024 14:05

Các tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là tiêu chuẩn và quy tắc của công nghệ số đã trở thành lĩnh vực cạnh tranh chính giữa các cường quốc hiện nay.

Tóm tắt:
- Sức mạnh của tiêu chuẩn kỹ thuật số:
+ Mang lại cho người đặt tiêu chuẩn khả năng cạnh tranh kinh tế.
+ Mang lại lợi ích pháp lý quốc tế cho bên đặt ra tiêu chuẩn.
+ Mang lại lợi thế cho người thiết lập tiêu chuẩn trong lĩnh vực địa chính trị và an ninh toàn cầu.
+ Chứa đựng các giá trị, đạo đức và tư tưởng của bên đặt ra tiêu chuẩn; Nâng cao uy tín quốc gia.
- Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong lĩnh vực tiêu chuẩn công nghệ số.
- Mỹ và phương Tây quyết tâm duy trì vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế.

Các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính trong lĩnh vực này, đã triển khai các chiến lược và chính sách cạnh tranh tiêu chuẩn kỹ thuật số. [1]

Việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, vốn do các chuyên gia và kỹ thuật viên thực hiện, đã ngày càng mang màu sắc chính trị, không còn mang tính kỹ thuật thuần túy. Việc xây dựng các tiêu chuẩn công nghệ số có thể mang lại lợi thế canh tranh cho người thiết lập tiêu chuẩn trong các lĩnh vực kinh tế, địa chính trị, an ninh và giá trị quan. Tiêu chuẩn kỹ thuật của lĩnh vực truyền thông di động thế hệ mới, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, xe tự lái,... và vẫn ở trạng thái “đang hoàn thiện”, và trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa các cường quốc kỹ thuật trong lĩnh vực tiêu chuẩn công nghệ.

Sức mạnh của tiêu chuẩn kỹ thuật số

Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế là đảm bảo khả năng tương tác, bảo mật và mức độ tuân thủ chung với các quy tắc hiện có. Thông qua tiêu chuẩn, người cung cấp sản phẩm có thể tin tưởng rằng sản phẩm của họ an toàn, đáng tin cậy và có chất lượng. Các tiêu chuẩn kỹ thuật số là các thông số kỹ thuật được thiết lập nhằm hướng dẫn sự phát triển của công nghệ số, đảm bảo khả năng tương tác giữa các sản phẩm kỹ thuật số. Các tiêu chuẩn kỹ thuật số bao gồm công nghệ, cơ sở hạ tầng, thiết bị, ứng dụng và dịch vụ liên quan; ví dụ, tiêu chuẩn USB, giao thức TCP/IP, tiêu chuẩn di động,... Ngoài việc cung cấp khung sản phẩm, các tiêu chuẩn kỹ thuật số còn giúp đảm bảo ứng dụng công nghệ minh bạch và an toàn, đồng thời cho phép khả năng tương tác giữa các nhà sản xuất.

Hiện nay có ba tổ chức lớn về xây dựng tiêu chuẩn công nghệ số, gồm Viện Kỹ sư Điện & Điện tử (IEEE), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO). Để phát triển các tiêu chuẩn, các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế đã thành lập các ủy ban kỹ thuật phụ trách các lĩnh vực cụ thể như: ITU-T phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật cho CNTT & truyền thông; IEEE-SA phát triển các tiêu chuẩn về công nghệ máy tính, điện tử tiêu dùng, an ninh mạng, công nghệ xanh và sạch, truyền thông có dây và không dây; Dự án Đối tác Thế hệ thứ 3 (3GPP) phát triển các tiêu chuẩn của công nghệ viễn thông di động...

canh-tranh-tieu-chuan-so.png

Ngoài các vấn đề kỹ thuật thuần túy, việc thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật có thể đóng vai trò là công cụ địa chính trị và phương tiện gây ảnh hưởng, lợi dụng thiết lập tiêu chuẩn để tạo đòn bẩy địa chính trị (sức mạnh tiêu chuẩn). Trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi, các tiêu chuẩn kỹ thuật chưa được thiết lập đã trở thành trọng tâm chiến lược quốc gia của các cường quốc kỹ thuật số như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). “Sức mạnh tiêu chuẩn” kỹ thuật số trở thành một phần quan trọng trong cạnh tranh cường quốc là ở lợi ích quốc gia mà nó mang lại, gồm:

Thứ nhất, tiêu chuẩn kỹ thuật mang lại cho người đặt tiêu chuẩn khả năng cạnh tranh kinh tế.

Từ góc độ kinh tế, các tiêu chuẩn hỗ trợ sự đổi mới và giúp các công ty cũng như quốc gia duy trì khả năng cạnh tranh. Việc thiết lập các tiêu chuẩn thường có tác động đáng kể đến việc công nghệ nào sẽ thống trị thị trường trong tương lai và mang lại lợi thế đáng kể cho các công ty nắm giữ các công nghệ được tiêu chuẩn hóa.

Giá trị của các tiêu chuẩn sẽ được tối đa hóa khi các tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng trên toàn cầu thay vì chỉ của một quốc gia hay khu vực. Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế mở ra cánh cửa cho doanh nghiệp thâm nhập thị trường thế giới và tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, vì vậy mục tiêu của các doanh nghiệp tham gia tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế là rất trực tiếp, tức là tác động đến sự phát triển của thị trường.

Phần lớn các tiêu chuẩn kỹ thuật là công nghệ được cấp bằng sáng chế (SEPs, bằng sáng chế tiêu chuẩn), có nghĩa là phần lớn các tiêu chuẩn kỹ thuật không miễn phí. Việc thu phí bằng sáng chế có thể tạo ra nguồn thu đáng kể cho chủ sở hữu bằng sáng chế. Ví dụ, hãng Ericsson đã thu được 5,2 tỷ USD từ việc cấp phép công nghệ bằng sáng chế vào năm 2017, chiếm hơn 20% doanh thu của công ty [2].

Thứ hai, tiêu chuẩn kỹ thuật mang lại lợi ích pháp lý quốc tế cho bên đặt ra tiêu chuẩn.

Mặc dù tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế là các thông số kỹ thuật tự nguyện nhưng một khi tiêu chuẩn kỹ thuật được các cơ quan tiêu chuẩn quốc tế công nhận thì các tiêu chuẩn này sẽ trở thành một phần của luật thương mại quốc tế.

Nếu tiêu chuẩn trong nước của một quốc gia khác với tiêu chuẩn quốc tế, WTO có thể xác định quốc gia đó không tuân thủ luật thương mại quốc tế (trừ khi quốc gia đó đưa ra lời giải thích hợp lý cho sự không tuân thủ). Có khoảng 80% hoạt động thương mại bị ảnh hưởng bởi các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn kỹ thuật liên quan, do đó không thể đánh giá thấp những lợi thế mà bên có quyền đặt ra các tiêu chuẩn trong luật pháp quốc tế.

Thứ ba, tiêu chuẩn kỹ thuật mang lại lợi thế cho người thiết lập tiêu chuẩn trong lĩnh vực địa chính trị và an ninh toàn cầu.

Trong những năm gần đây, sự cạnh tranh giữa các cường quốc trong lĩnh vực công nghệ ngày càng gay gắt. Nếu một chủ thể quốc gia tham gia xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, bằng cách tác động đến các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật trong các ngành quan trọng chiến lược, quốc gia này có thể giành được lợi thế đáng kể trên trường quốc tế. Tiêu chuẩn kỹ thuật cũng có liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia.

Ở góc độ vĩ mô, các nước đều nhìn nhận “an ninh kinh tế là an ninh quốc gia”, những lợi thế kinh tế mà “sức mạnh tiêu chuẩn” mang lại cho đất nước chắc chắn sẽ tăng cường “quyền lực cứng” để duy trì an ninh quốc gia. “Sức mạnh tiêu chuẩn” mang lại cho những người thiết lập tiêu chuẩn khả năng tiếp cận thị trường chiến lược, nghĩa là sử dụng sự phụ thuộc của bên có nhu cầu vào bên cung cấp hàng hóa. Từ góc độ kỹ thuật, bên phát triển tiêu

chuẩn có sự hiểu biết sâu sắc về cách thức hoạt động của công nghệ, bao gồm cả sự hiểu biết về các lỗ hổng kỹ thuật. Khi một công nghệ nào đó trở thành tiêu chuẩn quốc tế, nó sẽ lan tỏa khắp thế giới, tạo cơ hội cho những người thiết lập tiêu chuẩn kỹ thuật khai thác các lỗ hổng kỹ thuật để đạt được nhiều lợi ích khác nhau. Việc tiêu chuẩn hóa kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến tính bảo mật của các công nghệ số quan trọng, chẳng hạn như hạ tầng mạng.

Thứ tư, tiêu chuẩn kỹ thuật chứa đựng các giá trị, đạo đức và tư tưởng của bên đặt ra tiêu chuẩn. Thế giới đa dạng hệ tư tưởng và giá trị quan, những tiêu chuẩn kỹ thuật cũng mang giá trị đạo đức và màu sắc tư tưởng. Cuộc tranh luận giữa Wi-Fi và WLAN trong lĩnh vực mạng LAN không dây phản ánh các giá trị, đạo đức và tiêu chuẩn khác nhau. Wi-Fi chú trọng hơn đến quyền riêng tư cá nhân, trong khi WLAN nhấn mạnh vào tốc độ và tính bảo mật của việc truyền thông tin. Khi công nghệ số ngày càng thâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống thì các vấn đề đạo đức, chính trị và an toàn sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tiêu chuẩn hóa công nghệ.

Thứ năm, nâng cao uy tín quốc gia. Nếu một quốc gia có thể định hình các tiêu chuẩn công nghệ quốc tế, quốc gia đó có khả năng tạo dựng được hình ảnh là quốc gia dẫn đầu về công nghệ và giành được uy tín, ảnh hưởng trong các vấn đề quốc tế.

Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong lĩnh vực tiêu chuẩn công nghệ số

Trong nhiều thập kỷ qua, công tác tiêu chuẩn hóa quốc tế bị chi phối bởi một số ít cường quốc công nghiệp, như Mỹ, các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Gần đây, Trung Quốc đã có những nỗ lực đáng kể nhằm gia tăng ảnh hưởng trong thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế, nhất là các công nghệ mới nổi.

Trong lĩnh vực quản trị kỹ thuật số toàn cầu, Trung Quốc chiếm nhiều vị trí lãnh đạo ở các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế. Dù ở vị trí lãnh đạo ISO hay trong các ủy ban kỹ thuật, tiểu ban và nhóm làm việc của ISO, ngày càng có nhiều vị trí thư ký được nắm giữ bởi các quan chức và chuyên gia kỹ thuật Trung Quốc. Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các ủy ban kỹ thuật cũng đang gia tăng.

Theo thống kê từ năm 2011 đến năm 2020, tỷ lệ người Trung Quốc giữ các chức vụ trong ủy ban kỹ thuật và thư ký tiểu ban kỹ thuật của ISO tăng 73%; tỷ lệ các chức vụ tương tự ở các Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế IEC tăng 67%, tăng nhanh hơn hầu hết các quốc gia khác. Trong nhóm nghiên cứu của ITU, các vị trí quản lý của Trung Quốc chiếm 14,1%, cao hơn EU (13,4%), Hàn Quốc (8,5%), Nhật Bản (7%), Mỹ (6,3%) và Nga (3,5). Trung Quốc cũng đã đạt được ảnh hưởng đáng kể trong 3GPP; trong kế hoạch 3GPP, Trung Quốc có tỷ lệ tham gia cao nhất, đạt 23,7%, tỷ trọng đại diện của EU và Mỹ giảm nhẹ, chiếm 22,5%.

Sự tham gia của Trung Quốc vào các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc tế khác như ITU, IETF và IEEE cũng cho thấy xu hướng tăng trưởng tương tự [3]. Tỷ lệ người Trung Quốc nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong các tổ chức tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế ngày càng tăng, giúp nước này có thể bổ nhiệm thêm chuyên gia kỹ thuật từ các công ty và tổ chức Trung Quốc, bên cạnh đó còn có thể phục vụ trực tiếp cho các chiến lược kinh tế và công nghệ đối ngoại.

Trung Quốc ngày càng tích cực tham gia việc xây dựng các tiêu chuẩn công nghệ số quốc tế.

Ngay từ năm 2016, Ủy ban châu Âu đã dự đoán rằng tỷ lệ bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn do các công ty Trung Quốc nộp sẽ ngày càng lớn, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số. Về công nghệ 4G/LTE, Trung Quốc chỉ sở hữu khoảng 7% số bằng sáng chế tiêu chuẩn thiết yếu vào năm 2018; nhưng hiện Trung Quốc sở hữu khoảng 1/3 số bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn liên quan đến công nghệ 5G. Tính đến tháng 2 năm 2021, Huawei đã nộp đơn xin nhiều bằng sáng chế 5G nhất, tiếp theo là Qualcomm của Hoa Kỳ và ZTE của Trung Quốc [4].

Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng quốc tế của các tiêu chuẩn kỹ thuật số thông qua cơ chế hợp tác song phương và đa phương.

Thúc đẩy hợp tác tiêu chuẩn song phương và đa phương với các nước phát triển và đang phát triển là một bước đi quan trọng để hiện thực hóa chiến lược tiêu chuẩn hóa của Trung Quốc. Hợp tác tiêu chuẩn của Trung Quốc với các nước phát triển tập trung vào lĩnh vực công nghệ số, như tiêu chuẩn thành phố thông minh và phát triển đô thị bền vững với Pháp, tiêu chuẩn Công nghiệp 4.0 với Đức. Hợp tác về tiêu chuẩn với các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi thường thông qua các hiệp định thương mại, đây được coi là cơ hội để Trung Quốc quốc tế hóa các tiêu chuẩn nội địa của mình.

Theo Báo cáo Phát triển Trung Quốc số (năm 2021) cho thấy việc Trung Quốc triển khai chiến lược Con đường tơ lụa Kỹ thuật số (DSR) đã đạt được những kết quả đáng kể; đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 17 quốc gia; thiết lập cơ chế hợp tác song phương “thương mại điện tử con đường tơ lụa” với 23 quốc gia; nâng cao khả năng cạnh tranh của thương mại số Trung Quốc. Bên cạnh đó Trung Quốc cũng tham gia vào công việc của các cơ quan tiêu chuẩn khu vực trên thế giới, như Ủy ban Tiêu chuẩn Liên Mỹ (COPANT), Ủy ban Tiêu chuẩn hóa châu Âu (CEN), Ủy ban Đại hội Tiêu chuẩn Khu vực Thái Bình Dương (PASC), Tổ chức Tiêu chuẩn Khu vực châu Phi (ARSO),....

Các chính sách tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật của Trung Quốc là một phần quan trọng trong chiến lược địa chính trị của Trung Quốc. Bản thân sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã bao gồm nội dung tiêu chuẩn hóa rõ ràng. Năm 2015 và năm 2017, Trung Quốc liên tục công bố “Kế hoạch hành động Tiêu chuẩn kết nối BRI” [5], nhấn mạnh việc thúc đẩy quốc tế hóa các tiêu chuẩn của Trung Quốc; sử dụng “kết nối mềm” (tiêu chuẩn) để tạo ra “cơ chế cứng” cho sự hợp tác.

Năm 2019, Trung Quốc công bố ký kết 90 thỏa thuận hợp tác tiêu chuẩn hóa kỹ thuật với 52 quốc gia và khu vực dọc theo BRI. Trung Quốc đang tìm cách chiếm vị trí dẫn đầu về công nghệ toàn cầu và chuyển đổi từ nước chấp nhận tiêu chuẩn sang nước thiết lập tiêu chuẩn, phần nào phản ánh vị thế mới của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực tiêu chuẩn quốc tế đã khiến các nước phương Tây, nhất là Mỹ cảm thấy “đe dọa” đến lợi ích của họ. Sự tham gia ngày càng tăng của Trung Quốc vào việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế có nghĩa là sẽ có nhiều cạnh tranh hơn, thách thức trực tiếp quyền lợi của các cường quốc tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế truyền thống (do Mỹ và phương Tây).

my-trung.png

Chiến lược tiêu chuẩn kỹ thuật số của Mỹ và phương Tây

Trong lĩnh vực kinh tế số, Mỹ và Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới. Theo Báo cáo Kinh tế Kỹ thuật số năm 2019 do UNCTAD công bố, việc tạo ra của cải trong nền kinh tế kỹ thuật số tập trung nhiều ở Mỹ và Trung Quốc, trong khi phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các nước châu Phi và châu Mỹ Latinh, đang tụt hậu xa.

Mỹ và Trung Quốc chiếm 75% số bằng sáng chế liên quan đến công nghệ blockchain và 50% chi tiêu cho Internet of Things (IoT) toàn cầu; Amazon, Microsoft, Alibaba, Google và Huawei chiếm hơn 80% thị trường điện toán đám mây toàn cầu. Bảy nền tảng siêu kỹ thuật số của thế giới (Microsoft, Apple, Amazon, Google, Facebook, Tencent, Alibaba) chiếm 2/3 tổng giá trị thị trường của 70 nền tảng kỹ thuật số lớn nhất thế giới [6]. Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ duy nhất có khả năng cạnh tranh vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực kỹ thuật số, do đó đã gia tăng các hoạt động kế kiềm chế Trung Quốc.

Trong tài liệu “Cách tiếp cận chiến lược của Hoa Kỳ đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” do Nhà Trắng ban hành (năm 2020), từ “tiêu chuẩn” xuất hiện 11 lần, trong đó 8 lần được dùng với nghĩa là “tiêu chuẩn kỹ thuật” hoặc “tiêu chuẩn ngành”. Tài liệu này cho rằng sáng kiến BRI của Trung Quốc và các sáng kiến khác “nhằm định hình lại các chuẩn mực, tiêu chuẩn và mạng lưới quốc tế để thúc đẩy lợi ích và khát vọng toàn cầu của Trung Quốc”.

Đồng thời, tài liệu này đã đề xuất một định hướng chính sách cụ thể chống lại tiêu chuẩn hóa quốc tế của Trung Quốc [7]. Đây là lần đầu tiên một văn kiện chiến lược của Mỹ đã địa chính trị hóa vấn đề “tiêu chuẩn kỹ thuật”. Ngay sau khi tổng thống Biden đắc cử, ông đã ban hành “Sắc lệnh điều hành chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ” [8] (năm 2021) để đánh giá 100 ngày về các chuỗi cung ứng sản phẩm quan trọng chiến lược.

Báo cáo “Xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt, khôi phục hoạt động sản xuất của Mỹ và thúc đẩy tăng trưởng trên diện rộng”, nhấn mạnh: “Tiêu chuẩn và dữ liệu là những công cụ mạnh mẽ không chỉ cho phép các công ty phân biệt sản phẩm và dịch vụ mà còn tạo ra sức hút thị trường để cạnh tranh vị trí dẫn đầu” [9]. Các nhà lập pháp Mỹ cũng lo ngại rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế có thể ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Mỹ.

Trong “Đạo luật ủy quyền quốc phòng năm 2021”, yêu cầu cần chú ý đến chính sách tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế của Trung Quốc và tác động của nó đối với việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2022, “Đạo luật Khoa học và Chip” được thông qua cũng đề xuất các kế hoạch hành động cụ thể để Mỹ tham gia xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế. Có thể nói, kể từ thời chính quyền Trump, Mỹ đã từng bước thiết lập chiến lược và chính sách cạnh tranh trong lĩnh vực tiêu chuẩn công nghệ quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực tiêu chuẩn công nghệ số, bao gồm các khía cạnh sau.

Thứ nhất, quyết tâm duy trì vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế.

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong vai trò lãnh đạo của các tổ chức tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế đã làm dấy lên cảnh báo và đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược tiêu chuẩn của Mỹ. Tháng 2/2019, Nhà Trắng đã ban hành lệnh hành pháp về “Duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trong trí tuệ nhân tạo”, nhấn mạnh rằng: “Việc duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là rất quan trọng để bảo vệ an ninh kinh tế và quốc gia của Mỹ cũng như định hình sự phát triển trí tuệ nhân tạo toàn cầu theo cách phù hợp với các giá trị, chính sách và ưu tiên của Mỹ”. Bên cạnh đó, Mỹ cũng tìm cách giành được quyền lãnh đạo của các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế quan trọng. Ví dụ năm 2021, bà Doreen Bogdan-Martin, cựu chuyên gia thuộc

Bộ Thương mại Mỹ, được bầu làm Tổng thư ký mới của ITU. Trong quá trình bầu cử, Martin đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ Mỹ.

Thứ hai, xây dựng liên minh công nghệ do Mỹ dẫn đầu, hợp tác với các đồng minh, đối tác để làm chủ công nghệ số, tiêu chuẩn công nghiệp số, quy luật vận hành của nền kinh tế số.

Hợp tác giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác trong lĩnh vực này có thể được chia thành ba khía cạnh sau. Một là cùng thiết lập hệ thống giá trị của các tiêu chuẩn và quy tắc công nghệ số. Tuyên bố chung do hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU đưa ra tháng 6 năm 2021 nhấn mạnh: “Trên cở sở các giá trị dân chủ chung, mở rộng hợp tác và triển khai các công nghệ mới, khuyến khích các tiêu chuẩn và quy định tương thích” [10]. Khi đề cập đến quản trị kinh tế kỹ thuật số, cả Mỹ và EU đều tập trung vào quyền cá nhân khi soạn thảo các quy tắc để bảo vệ các luồng dữ liệu xuyên biên giới. Trong Khuôn khổ An ninh Bốn bên (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc), Mỹ cũng đã đưa các vấn đề về tiêu chuẩn công nghệ mới nổi vào khuôn khổ địa chính trị này.

Trong tuyên bố chung nhấn mạnh rằng: bốn nước sẽ hợp tác trong các công nghệ mới nổi, không gian mạng và an ninh mạng để dẫn dắt khu vực và các khu vực khác hướng tới đổi mới có trách nhiệm, cởi mở và tiêu chuẩn cao. Tuyên bố chung cũng lưu ý tầm quan trọng của việc phát triển công nghệ và ý nghĩa của các giá trị phổ quát (bao gồm tôn trọng quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư), sử dụng công nghệ phù hợp với các giá trị chung (bao gồm quyền tự chủ, quyền tự quyết và phẩm giá cá nhân). Hai là, thiết lập các cơ chế hợp tác về tiêu chuẩn với các đồng minh và đối tác.

Vào tháng 9 năm 2021, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã quyết định thành lập Nhóm liên hệ về tiêu chuẩn kỹ thuật, tập trung vào truyền thông di động thế hệ mới của và công nghệ trí tuệ nhân tạo. Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ - EU (TTC), đã thành lập 10 nhóm công tác để điều phối các vấn đề kỹ thuật quan trọng, trong đó có nhóm công tác về xây dựng các tiêu chuẩn cho các công nghệ quan trọng và mới nổi.

Mỹ triển khai kế hoạch hành động với các đồng minh nhằm kìm chế Trung Quốc: “Kế hoạch Mạng sạch 2020” (Clean Network) bao gồm các nội dung “nhà mạng sạch”, “kho ứng dụng sạch”, “ứng dụng sạch”, “đám mây sạch”, “cáp mạng sạch”,... về cơ bản đều nhắm tới các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp có nguồn gốc Trung Quốc. Dưới sự vận động tích cực từ phía Mỹ, đến cuối năm 2020, 60 quốc gia, chiếm 60% GDP toàn cầu và 200 công ty viễn thông, doanh nghiệp kỹ thuật số như Fujitsu, Oracle, Cisco, Siemens, HP, v.v.. đã tham gia kế hoạch “Mạng sạch” [11].

Thứ ba, chính phủ Mỹ thực hiện các biện pháp hỗ trợ chính sách cho các công ty và hiệp hội ngành công nghiệp tham gia vào các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế. Để kiềm chế Trung Quốc, chính phủ Mỹ đã đưa nhiều công ty công nghệ Trung Quốc vào “Danh sách thực thể”. Tuy nhiên, vì việc này mà nhiều công ty Mỹ bị hạn chế tham gia vào các hoạt động thiết lập tiêu chuẩn cùng có các công ty Trung Quốc tham gia. Để giải quyết vấn đề này, tháng 9/2022 Bộ Thương mại Mỹ và Viện Tiêu chuẩn & Công nghệ Quốc gia đã ban hành quy định nhằm mở rộng phạm vi ngoại lệ đối với các yêu cầu cấp phép của “Danh sách thực thể”. Thay đổi này mở ra cơ hội cho các công ty kỹ thuật số của Mỹ tham gia vào các hoạt động xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật số quốc tế.

Nhìn chung, Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh quan trọng nhất trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số. Các hành động của Mỹ không chỉ hạn chế ở việc ban hành chính sách nhằm ngăn chặn sự phát triển của công nghệ số của Trung Quốc; mà trong tương lai, sự cạnh tranh sẽ còn gay gắt hơn nữa trong việc xây dựng các tiêu chuẩn công nghệ số quốc tế.

Thay lời kết

Các tiêu chuẩn, quy tắc hoạt động công nghệ số không chỉ liên quan đến vấn đề công nghệ mà rộng hơn là vấn đề quản trị toàn cầu về công nghệ số, kinh tế số và thương mại số. Việc địa chính trị hóa các tiêu chuẩn công nghệ số đã trở thành vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt. Nếu các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ “tách rời” về tiêu chuẩn công nghệ số, chắc chắn sẽ tạo ra tình trạng hai bộ tiêu chuẩn song song, làm tăng nguy cơ phân mảnh toàn cầu trong thời đại kỹ thuật số. Mặc dù nguy cơ “tách rời” trong lĩnh vực tiêu chuẩn kỹ thuật số mới đang “manh nha” xuất hiện, nhưng nguy cơ “chọn bên” là rất hiện hữu.

Giải quyết những khác biệt nằm ở hợp tác quốc tế, tức là thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quản trị công nghệ số toàn cầu; để tiêu chuẩn công nghệ số quay trở lại các tổ chức tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, để thương mại kỹ thuật số và các luồng dữ liệu xuyên biên giới quay trở lại hệ thống thương mại khu vực và toàn cầu; mặc dù quá trình này có thể kéo dài nhiều năm.

Tài liệu tham khảo:
1.http://www.rmlt.com.cn/2023/03...
2.https://www.ui.se/globalassets...
publications/2021/ui-brief-no.-1-2021.pdf
3.https://static.europeanchamber...
documents/The_Shape_of_Things_to_Come_English_
Final%5b966%5d.pdf
4. https://techmonitor.ai/technol...
setting-shaping-up-next-china-us-showdown
5.https://www.ndrc.gov.cn/fzggw/...
t20151022_1085956.html
6. https://srcic.org/upload/newsl...
zh/5bfd0ba90de69.pdf
7.https://trumpwhitehouse.archiv...
uploads/2020/05/U.S.-Strategic-Approach-to-The-Peoples-
Republic-of-China-Report-5.24v1.pdf
8.https://www.whitehouse.gov/bri...
actions/2021/02/24/executive-order-on-americas-supply-
chains/
9. https://www.whitehouse.gov/wp-...
uploads/2021/06/100-day-supply-chain-review-report.pdf
10.https://www.whitehouse.gov/bri...
releases/2021/06/09/fact-sheet-executive-order-protecting-
americans-sensitive-data-from-foreign-adversaries/
11. https://2017-2021.state.gov/th...

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cạnh tranh Mỹ - Trung về tiêu chuẩn kỹ thuật số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO