Công bố tiêu chuẩn tốc độ, chất lượng 5G trước khi ra mắt chính thức
Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước của Bộ ngày 7/12. Cũng theo Bộ trưởng, các lĩnh vực quản lý của Bộ cũng phải công bố tiêu chuẩn chất lượng trước khi triển khai những công việc chính thức.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo, định hướng các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ trong thời gian tới. Bộ trưởng cũng đã chia sẻ những thông tin, bài học sau chuyến công tác của Bộ TT&TT do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn đầu tại Trung Quốc từ ngày 27/11 - 1/12/2023.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Kim Trang Long. Hai bên đã chia sẻ về tình hình phát triển, kinh nghiệm quản lý phát triển hạ tầng số, kinh tế số, phát triển và thương mại hóa 5G, phát triển công nghiệp ICT, phát triển và ứng dụng AI.
Hai Bộ trưởng nhất trí sẽ tăng cường việc chia sẻ thông tin, trao đổi đoàn các cấp, khuyến khích hợp tác trực tiếp giữa các đơn vị, doanh nghiệp (DN) hai bên.
Phát triển 5G để chuyển đổi số các ngành công nghiệp
Đối với lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng chia sẻ tình hình phát triển 5G mạnh mẽ của Trung Quốc. Tại Trung Quốc, hiện nay số thuê bao 5G chiếm 50%, 50% thuê bao còn lại là 4G. Tốc độ trung bình đường xuống (downlink) hiện nay là 500 Mbit/s và đường lên là 200 Mbit/s. Trong thế giới 5G, đường lên là chính vì nhiều sự kiện được phát trực tiếp (livestream).
Bộ trưởng chỉ đạo, để có mạng 5G chất lượng, trước khi các nhà mạng Việt Nam công bố 5G thì Bộ TT&TT sẽ phải công bố tiêu chuẩn tốc độ, chất lượng 5G. Theo đó, Thứ trưởng Phạm Đức Long được giao nhiệm vụ chỉ đạo các Vụ, Cục chức năng sớm xây dựng để ban hành tiêu chuẩn tốc độ cho mạng 5G. Công bố 5G trong đầu năm 2024 thì sau đó phải đo lường được tốc độ của mạng 5G.
“Bao giờ cũng phải công bố tiêu chuẩn trước khi công bố mạng mới và các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ cũng phải thực hiện điều này. Đây chính là quản lý Nhà nước". 5G phải là lưu ý tốc độ đường lên (uplink). Uplink trước đây chỉ 254 kbit/s. Hiện nay, mức trung bình là 200 Mbit/s.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Lần đầu tiên trong lịch sử ngành viễn thông, tiêu chuẩn phải được ban bố trước khi mạng mới ra mắt. Việc triển khai mạng 5G phải làm được điều này”.
Cũng theo Bộ trưởng, câu chuyện nữa là để nâng cao chất lượng mạng 5G không chỉ là tần số mà chủ yếu là việc triển khai số trạm BTS của các nhà mạng. Số trạm BTS phải rất gần nhà dân thì chất lượng mạng mới tốt được. Nhà mạng China Mobile của Trung Quốc cho biết, họ đã triển khai lắp đặt để cứ 700 người dân thì có 1 trạm BTS. Hiện nhà mạng Việt Nam như Viettel con số này là 2.000 dân/trạm BTS.
“Nhà mạng phải đầu tư hạ tầng để dân tộc, đất nước, hàng trăm triệu người được hưởng lợi bởi chỉ có chất lượng cao thì mới chuyển đổi số (CĐS), phát triển thương mại điện tử được”, Bộ trưởng gợi ý.
Bộ trưởng cũng chia sẻ một trong những điểm căn bản của 5G là chia sẻ hạ tầng. 4G không làm được việc này. Nhà mạng China Mobile có hơn 50% thị phần và được cấp tần số hơn 160MHz để triển khai 5G. Điều đó có nghĩa là cấp tần số thì cũng phải "căn" theo thị phần của nhà mạng. Hai nhà mạng còn lại của Trung Quốc là China Unicom và China Telecom được cấp mỗi nhà mạng 100MHz. China Unicom và China Telecom gộp việc cấp tần số của hai nhà mạng để đầu tư xây dựng 1 mạng và chia đôi. Theo Bộ trưởng, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT có thể học hỏi, nghiên cứu ra cơ chế thí điểm việc này.
Bộ trưởng cũng cho biết di động 5G của Trung Quốc tăng trưởng được, chủ yếu là nhờ ứng dụng cho các ngành công nghiệp. Khi làm 5G thì tốc độ tăng lên hàng Gigabyte, có nghĩa là làm bùng nổ dịch vụ dữ liệu (data) và ứng dụng công nghiệp. Như vậy, Việt Nam làm 5G có thể tạo ra nguồn thu từ việc tăng băng thông và ứng dụng.
Tiếp theo, Bộ trưởng chia sẻ kinh nghiệm về việc DN viễn thông bắt đầu chi cho nghiên cứu phát triển, duy trì tỷ lệ từ 15 - 20% chi cho đầu tư, đặc biệt là phát triển các hạ tầng mới và cho các công ty công nghệ nghiên cứu các công nghệ mới như AI. Bộ TT&TT có thể nghiên cứu xin cơ chế chính phủ cho phép nhà mạng đầu tư vào các công ty công nghệ, đặc biệt là AI. Nhà mạng nào cũng cần thành lập Viện nghiên cứu AI, hay công ty AI để phát triển AI như là một dịch vụ đáp ứng cho sự phát triển của các lĩnh vực.
Bưu chính giám sát chất lượng dịch vụ
Chỉ đạo về lĩnh vực bưu chính, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt lưu ý việc giám sát chất lượng, đo đạc, công bố, đánh giá dịch vụ thường xuyên. Kiểm tra và yêu cầu các sàn thương mại điện tử không được độc quyền về chuyển phát.
Bộ trưởng cho rằng, thay vì quản lý giá dịch vụ thì quản lý chất lượng thật chặt. Giảm giá dịch vụ thì chất lượng sẽ giảm. Vụ Bưu chính lưu ý và phải làm rất tốt về quản lý, đo lường, công bố tiêu chuẩn dịch vụ. DN bưu chính nào không đảm bảo chất lượng dịch vụ thì có thể xử lý luôn.
“DN sai phạm thường không ngại bị xử phạt tiền mà thường lo sợ mất thương hiệu, theo đó, cần công bố tiêu chuẩn chất lượng, kết quả đo lường chất lượng dịch vụ, khiếu nại của người dùng”, Bộ trưởng cho hay và yêu cầu Thanh tra Bộ phối hợp với các cơ quan báo chí công bố kết luận thanh tra.
Bộ trưởng định hướng lĩnh vực bưu chính là thông minh hoá, ứng dụng AI nhiều hơn, cung cấp tri thức nhiều hơn, xanh hoá, tăng cường kiểm tra an ninh và ban bố các tiêu chuẩn thế nào là thông minh hoá, thế nào ứng dụng AI…
Triển khai thành phố thông minh: Gốc là dữ liệu
Về triển khai thành phố thông minh (TPTM), Bộ trưởng đặc biệt lưu ý cái gốc của TPTM là dữ liệu. “TPTM đầu tiên phải dựa trên dữ liệu thì mới thông minh. Hiệu quả TPTM không phải là giảm nhân lực. Quan trọng nhất là vận hành thành phố đó có tốt lên không. Ví dụ, triển khai TPTM giúp giảm tội phạm giảm 5 lần hay không còn dự án nào trong thành phố chậm tiến độ…”.
Bộ trưởng lưu ý khi kinh nghiệm triển khai làm dữ liệu của Trung Quốc là dữ liệu của cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm và ký xác nhận dữ liệu. Triển khai TPTM có thể tham khảo kinh nghiệm của thành phố Thẩm Quyến.
Về kinh tế số, Bộ trưởng lưu ý tập trung vào phổ cập hạ tầng và ứng dụng để phát triển kinh tế số. Động lực tăng trưởng của kinh tế số gồm hạ tầng, muốn phát triển kinh tế số phải có hạ tầng số. Thứ hai là các ứng dụng (use case). Muốn đẩy nhanh kinh tế số phải đưa ứng dụng 5G vào các ngành công nghiệp, là CĐS các ngành.
Về trường đại học, Bộ trưởng lưu ý Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) tăng cường hợp tác DN, quốc tế.
Nghiên cứu mô hình tập đoàn báo chí: Vừa tuyên truyền, vừa kinh doanh
Về báo chí, Bộ trưởng lưu ý phải suy nghĩ con đường, cách làm mới. Các cơ quan báo chí phải triển khai đa phương tiện, có mặt trên các nền tảng mạng xã hội lớn. Mạng xã hội, nền tảng số nên được nhìn nhìn nhận như một cái mới, như một công cụ để làm tốt việc của mình. Phải tư duy theo hướng đó, phải triển khai công việc theo hướng đó. Ngoài ra các cơ quan báo chí phải truyền tải đến công chúng năng lượng tích cực cũng như phản ánh dòng chảy chính của xã hội.
Theo đó, Bộ trưởng cho rằng lĩnh vực có hai việc đơn giản. Đó là các cơ quan truyền hình phải vừa làm nhanh vừa làm sâu (làm nhanh phát kịp thời trên các nền tảng xã hội và làm sâu, định hướng để phát triên truyền hình), đồng thời giao nhiệm vụ cho các mạng xã hội, nền tảng số tham gia tuyên truyền những sự kiện lớn.
Bộ trưởng đề nghị Cục Báo chí nghiên cứu mô hình tập đoàn báo chí. Tập đoàn báo chí có bộ phận chỉ tập trung làm nội dung và có bộ phận kinh doanh để nuôi bộ phận làm nội dung. “Tập trung vào một số đơn vị báo chí lớn, phát triển thành tập đoàn”.
Bộ trưởng cũng lưu ý xu hướng truyền thông ngắn đang là xu thế lớn. "Nếu mình bỏ trống trận địa ngắn thì sẽ bị lấy mất trận địa đó".
Cuối cùng, Bộ trưởng đề nghị các Thứ trưởng phụ trách các đơn vị đi công tác nước ngoài về có những kinh nghiệm học hỏi được có thể soạn thành chỉ thị của Bộ trưởng về ứng dụng kinh nghiệm đó trong công tác./.