Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu sẽ thúc đẩy kết nối toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long

PV| 14/07/2022 21:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Với tổng chiều dài hơn 27km, đoạn cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh khi hoàn thành, sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, nhất là đường cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang trục ngang chạy theo bờ Bắc sông Tiền.

Dự kiến khởi công dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu từ năm 2023

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 769/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 (sau đây gọi tắt là Dự án) với tổng mức đầu tư khoảng 5.886 tỷ đồng.

Theo đó, Dự án dự kiến có tổng chiều dài 27,43 km, trong đó đoạn qua địa phận Đồng Tháp khoảng 18,2 km và Tiền Giang khoảng 9,23 km. Theo phê duyệt, quy mô đầu tư phần tuyến chính: Bình diện và trắc dọc đạt tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100 km/h (theo TCVN 5729:2012); mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 04 làn xe; mặt cắt ngang giai đoạn 1, phân kỳ đầu tư quy mô 04 làn xe hạn chế với bề rộng nền đường Bnền=17 m, vận tốc khai thác 80 km/h.

Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu sẽ thúc đẩy kết nối toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long  - Ảnh 1.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 5.886 tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Trên cơ sở tiến độ triển khai các hạng mục công việc của Dự án, Bộ Giao thông vận tải dự kiến nhu cầu bố trí vốn trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025 khoảng 3.486,8 tỷ đồng (khoảng 59,2% sơ bộ tổng mức đầu tư), chuyển tiếp, hoàn thành trong giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 2.399,2 tỷ đồng (khoảng 40,8% sơ bộ tổng mức đầu tư).

Bên cạnh đó, với đặc thù của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu chủ yếu đi qua khu vực nền đất yếu, cần thời gian xử lý đất yếu chiếm tới 12 - 15 tháng; đây cũng là tuyến đi mới hoàn toàn, xa hệ thống đường hiện hữu nên điều kiện để tiếp cận mặt bằng, tập kết máy móc thiết bị, vật liệu để triển khai thi công khó khăn.

Đồng thời, đặc điểm thời tiết và khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng lớn bởi mùa mưa thường từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm, mùa lũ từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm nên ảnh hưởng rất lớn đến thời gian thực tế thi công ngoài hiện trường. Với các điều kiện đặc thù nêu trên, dự kiến tiến độ hoàn thành dự án như sau: chuẩn bị dự án năm 2022; khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2027.

Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu chia thành 2 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 dài khoảng 16km thuộc tỉnh Đồng Tháp, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỉ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 458 tỉ đồng). Dự án thành phần 2 dài khoảng 11,43km thuộc tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 2.246 tỉ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 398 tỉ đồng).

Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu sẽ thúc đẩy kết nối toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long  - Ảnh 2.

Đoạn cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh khi hoàn thành sẽ hình thành trục ngang và từng bước hình thành mạng lưới đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuyến cao tốc quan trọng kết nối liên vùng, tạo đà phát triển cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đang "khát" đường cao tốc nhất nước. Cụ thể, nếu như cả nước có khoảng 1.000 km đường cao tốc thì đồng bằng hiện mới chỉ có hơn 40 km (TP.HCM - Trung Lương). Vì thế, việc xây đường, làm đường cao tốc mở đường phát triển kinh tế, phục vụ đi lại của người dân, xóa các nút thắt cổ chai, rút ngắn khoảng cách giữa TP. Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất và Đồng bằng sông Cửu Long, vùng nông sản lớn nhất nước; góp phần giải "cơn đói" đường cao tốc, "khát" đường giao thông, hiện thực hóa giấc mơ của người dân miền Tây nhiều năm qua.

Đoạn cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh khi hoàn thành sẽ hình thành trục ngang và từng bước hình thành mạng lưới đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trục dọc cao tốc, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang từ cửa khẩu Dinh Bà (Đồng Tháp) về cảng Định An (Trà Vinh).

Tuyết đường bắt đầu từ điểm giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, đi theo hướng Đông Nam và cách thị trấn Mỹ Thọ khoảng 7km. Sau đó, tuyến đi theo hướng Đông qua giữa khu dân cư và khu sinh thái Xẻo Quýt, vượt qua sông Cái Lân và kết thúc giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 nằm trong danh mục của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Chính phủ báo cáo và được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022. Đây cũng được đánh giá là "dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông" và là "tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công".

Cùng với đó, Dự án sẽ góp phần tạo không gian phát triển vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng; góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo; từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm toàn diện đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án và các thông tin, số liệu trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp và các bộ, cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai Dự án; thực hiện kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng công trình theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan rà soát, cân đối nguồn vốn để triển khai Dự án theo tiến độ, đúng quy định của pháp luật; giám sát việc thực hiện Quyết định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Giao thông vận tải cho biết suất vốn đầu tư của Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu khoảng 158 tỷ đồng/km, so sánh với các dự án lân cận thì suất vốn đầu tư của dự án tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thấp hơn suất đầu tư của dự án tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (khoảng 172,8 tỷ đồng/km), cao hơn dự án tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (khoảng 138,5 tỷ đồng/km) do tỉ lệ chiều dài cầu/km lớn hơn (dự án Cao Lãnh - An Hữu khoảng 150 md/km, Mỹ An - Cao Lãnh khoảng 119 md/km), số lượng nút giao nhiều hơn (dự án Cao Lãnh - An Hữu có 4 nút giao: 3 nút giao liên thông, 1 nút giao trực thông; Mỹ An - Cao Lãnh có 2 nút giao liên thông).

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
  • Tân Tổng thống Mỹ thu hồi Sắc lệnh về giảm thiểu rủi ro AI
    Ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thu hồi sắc lệnh hành pháp năm 2023 do cựu Tổng thống Joe Biden ký nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro mà trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra cho người dùng, người lao động và an ninh quốc gia.
  • Giải pháp xây dựng nền tảng ứng dụng AI trong doanh nghiệp
    Nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) kỹ thuật số tích hợp nhiều công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo, các giải pháp CNTT điều khiển từ xa và phân tích dữ liệu để cải thiện việc cung cấp dịch vụ CNTT và điện tử viễn thông (ĐTVT).
Đừng bỏ lỡ
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu sẽ thúc đẩy kết nối toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO