Câu chuyện “hệ sinh thái” của sách

Trần Anh Khôi | 28/04/2020 16:49
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong thời đại ngày nay, sách không còn là yếu tố đơn thương độc mã trong việc phát triển thói quen đọc. Nhiều nơi đã biết tận dụng sức mạnh "đa phương tiện" để giúp lan tỏa những câu chuyện, những nhân vật từ sách, từ đó hình thành cả một hệ sinh thái những sản phẩm liên quan. Bài viết này giới hạn trong mảng sách văn học.

Bài học từ các nước

Trẻ em chính là đối tượng chính cho việc phát triển các sản phẩm từ sách, bởi vì đây là độ tuổi rất háo hức với những nhân vật mà mình yêu thích và phụ huynh cũng dễ "móc hầu bao" hơn trong việc mua sắm cho con cái. Cho nên đây chính là mảnh đất màu mỡ để các nhà sản xuất đưa ra những ý tưởng phong phú của mình.

Tên tuổi hàng đầu trong hoạt động này chính là hãng Walt Disney. Từ những câu chuyện cổ tích, những cuốn sách gối đầu của biết bao thế hệ thiếu nhi, họ đã tạo ra những bộ phim hoạt hình với tạo hình đặc sắc, để rồi từ đó sinh ra hàng loạt sản phẩm "ăn theo". Những câu chuyện kinh điển như Nàng tiên cá, Aladdin, Lọ Lem,… được họ điều chỉnh nội dung (thậm chí sửa hẳn cái kết) cho phù hợp thời đại (đôi khi gây tranh cãi) và tạo thành những bộ phim hoạt hình được yêu thích trên toàn thế giới (gần đây còn có thêm xu hướng làm lại phim bằng diễn viên thật). Thậm chí, hình tượng mà họ tạo ra đã trở thành mặc định cho nhân vật vốn đã có từ lâu, chẳng hạn như Bạch Tuyết với mái tóc ngắn cùng trang phục xanh vàng và áo choàng đỏ.

Từ sự thành công của phim, họ lại quay ngược lại để… làm sách. Hàng loạt truyện tranh với nội dung là phim hoặc dạng "ngoại truyện", giúp những nhân vật của Disney tiếp tục làm bạn với trẻ em ngày qua ngày dù không xem phim nữa. Tiếp theo là những sách tô màu, sách bóc dán (sticker), sách trò chơi xoay quanh những câu chuyện đó. Và tất nhiên sẽ không thiếu đồ chơi, đồ lưu niệm liên quan.

Một ví dụ khác mà ai cũng biết, đó là bộ truyện Harry Potter và những sản phẩm kéo theo sau đó. Không chỉ là các tập phim hoành tráng gây sốt phòng vé, mà còn là những quà lưu niệm đủ loại, từ áo thun đến bộ cờ, ly uống nước đến huy hiệu thậm chí đến cả lá thư mời nhập học trường Hogwart. Lượng bạn đọc hâm mộ nhiều đến mức, hầu như nước nào cũng có những sản phẩm "ăn ké" tự phát (không có bản quyền). Và tất nhiên đã có hàng loạt video games ra đời dựa trên tác phẩm này.

Không phải chỉ là những sản phẩm đa dạng như thế, mà ngay cả sách cũng tự biến thể rất thú vị. Bộ truyện Harry Potter được in lại với phiên bản có nhiều hình vẽ minh họa màu, hoặc in trên nền giấy màu đặc trưng của từng "nhà" trong truyện (Gryffindor, Slytherin,..) để người mua chọn theo sở thích. Rồi các ấn phẩm kỷ niệm 10 năm, 20 năm, viết về những thông tin bên lề, hậu trường của cuốn sách, nhân vật, tác giả,… Chúng ta sẽ không ngừng ngạc nhiên với sức sáng tạo của những người làm sách và các sản phẩm liên quan.

Câu chuyện “hệ sinh thái” của sách - Ảnh 1.

Đồ chơi Pony

Một mảng khác cũng được khai thác đầy ấn tượng là âm nhạc, xoay quanh các nhân vật và câu chuyện từ loạt truyện tranh "My Little Pony". Bắt nguồn từ sản phẩm đồ chơi, các nhân vật Pony đã được thổi hồn bằng những cuốn truyện tranh và loạt phim hoạt hình. Và từ đó, đã có hẳn một bộ sưu tập những bài hát trong các phim (lên đến vài chục bài), mà mỗi bài đều có cuộc sống riêng của nó. Một điều đáng chú ý là mỗi bài hát, mỗi sản phẩm đều được sáng tạo ra với chất lượng cao, đầy tính nghệ thuật và sự trau chuốt cũng như chuyên nghiệp.

Đỏ mắt tìm "hệ sinh thái" sách Việt

Các ví dụ tương tự như thế trên thế giới có thể tiếp tục được kể ra, như truyện tranh Lucky Luke, Doreamon, hay bộ sách trinh thám lừng danh Sherlock Holmes. Từ sách, các nhân vật đã biến hóa vào phim, games, quần áo, quà lưu niệm, bảo tàng,… Còn các tác phẩm Việt thì sao?

Có thể thấy ngay, nước ta còn thiếu mảng phim hoạt hình chuyên nghiệp. Rất nhiều câu chuyện lịch sử cả hào hùng lẫn bi tráng với đầy ắp nhân vật thú vị, đã được đưa vào truyện tranh đa dạng, nhưng hầu như chưa có một phim hoạt hình nào tạo dựng hoặc phóng tác thành công. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, ngay cả truyện tranh lịch sử của chúng ta vẫn chưa đặc sắc từ tạo hình đến kịch bản, chưa kể ngôn ngữ và sự sáng tạo.

Vài năm gần đây, thị trường trong nước chứng kiến sự thành công của vài bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Có thể nói hiệu ứng truyền thông rất tốt, cho cả độc giả lẫn những người chưa từng đọc trước đó, nhưng đáng tiếc là chưa có thêm hàng loạt sản phẩm "ăn theo" khác. Sẽ thú vị biết bao nếu có sách ảnh "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", sách tô màu cho người lớn theo cốt truyện "Mắt biếc" hay các món quà lưu niệm chứa đầy cảm xúc từ những tác phẩm nói trên.

Văn học nước ta có những tác phẩm gây tiếng vang lớn, như truyện ngắn "Cánh đồng bất tận" (Nguyễn Ngọc Tư) hay "Nỗi buồn chiến tranh" (Bảo Ninh), nhưng các bộ phim dựa trên đó thì chưa có hoặc chưa gây được sự chú ý. Và có lẽ, sản phẩm "ăn theo" của những tác phẩm này chắc chưa từng có ai nghĩ đến. Ngay cả những cuốn sách cho trẻ em là phù hợp nhất để tạo hệ sinh thái, chúng ta cũng chưa thấy phim video game từ "Dế mèn phiêu lưu ký", chưa thấy thú nhồi bông, đồ chơi từ nhân vật Bubu quen thuộc, cũng chưa thấy phim ca nhạc "Kính vạn hoa",…

Sự kiện ca khúc "Để Mị nói cho mà nghe" thu hút sự chú ý của khán giả và đoạt nhiều giải thưởng, chứng tỏ có nhiều đất để sáng tạo từ những nhân vật văn học vốn đã thành danh. Từ các tên tuổi kinh điển của Truyện Kiều như Hoạn Thư, Sở Khanh, đến những nhân vật ai cũng biết như Chí Phèo hay Xuân Tóc Đỏ…; có thể đang chờ được tái sinh dưới một hình thức nào đó, bằng một góc nhìn sáng tạo. Giống như Tấm Cám đã có, một bộ phim và một ca khúc có thể xem là thành công.

Chúng ta không thể đòi hỏi nhà văn, sau khi sáng tác ra tác phẩm, phải tiếp tục nghĩ ra những sản phẩm phụ kéo theo. Điều đó phải dành cho những người chuyên nghiệp với tầm nhìn xa về hệ sinh thái mà các tác phẩm có thể có.

Cần tầm nhìn chiến lược và hệ thống

Có thể nói, Việt Nam chưa có các công ty giải trí "đa ngành", để có kế hoạch đưa ra các sản phẩm phụ cho những tác phẩm văn học và điện ảnh có lượng người hâm mộ cao. Đây đó đã có vài sản phẩm ít nhiều thành công, nhưng vẫn thiếu cái nhìn chiến lược để từ đó triển khai đa dạng. Chiến lược cần có ngay từ khi "đánh hơi" được một tác phẩm văn học hoặc một kịch bản có thể gây ấn tượng và tạo thành hiện tượng.

Một trong những cách để khởi đầu là chọn những tác phẩm lâu đời của nước ta, chẳng hạn các truyền thuyết hay cổ tích. Ví dụ với câu chuyện Thánh Gióng với nhân vật hào hùng, có sẵn chỗ đứng vững chắc trong tâm trí người Việt, liệu có thể có những sản phẩm nào? Một tiểu thuyết dã sử, một bộ truyện tranh và loạt phim hoạt hình cùng một tạo hình, một video game chiến đấu, vài music video hay thậm chí một phim màn ảnh rộng? Kèm theo đó là bộ xếp hình, sách tô màu, sách sticker, áo thun, đồ chơi, ly tách,..? Nếu để cho các nhà sáng tạo được tự do động não, sẽ có rất nhiều thành tố trong hệ sinh thái ấy.

Cách tiếp cận khác là chọn những tác phẩm đương thời, có sức hút với độc giả. Chẳng hạn cuốn "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" (Nguyễn Ngọc Thuần) liệu có thể chuyển thành phim hoặc hoạt hình mà vẫn giữ được nét trong veo của câu chữ? Và song song đó là sách ảnh, truyện tranh? Những sản phẩm khác có thể là ca khúc, postcard, một kênh youtube hay thậm chí là một bảo tàng tuổi thơ? Các "chiến lược gia" và những người làm nghề sáng tạo sẽ trả lời những câu hỏi đó. Hoặc dùng kiểu ngược lại, là chọn một bộ phim thành công tại phòng vé, chuyển thành sách và các sản phẩm kèm theo.

Câu chuyện “hệ sinh thái” của sách - Ảnh 2.

Tác phẩm Mắt biếc của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể thành phim

Một cách khác nữa, là đặt hàng các tác giả ngay từ đầu, với sườn ý tưởng mà nhà sản xuất cho rằng sẽ thành công và khả thi trong việc tạo lập hệ sinh thái. Ví dụ có kế hoạch về một kịch bản với nhân vật chính là Trần Hưng Đạo, trong đó điểm chính là tiểu thuyết dã sử và phim điện ảnh, được đặt hàng cho một (vài) nhà văn chấp bút. Chiến lược tổng thể có thể bao gồm các mobile games, series truyện tranh, một ca khúc, một chợ online để trao đổi những vật phẩm lưu niệm của người dùng tự làm, một trò chơi thực tế ảo (virtual reality), một chương trình thể thao,…

Cho dù chọn điểm xuất phát nào, quan trọng là nơi nắm bản quyền phải có đủ tiềm lực để triển khai hoặc thuê lại, nhưng hơn hết vẫn là có tầm nhìn chiến lược từ đầu và năng lực lên kế hoạch chung cho hệ sinh thái. Tất nhiên, vẫn luôn để mở cho thị trường tham gia bằng sự sáng tạo. Có như thế thì chúng ta mới khai thác hết tiềm năng của các tác phẩm văn học.

Mặc dù các nước tiên tiến đã đi trước Việt Nam khá lâu trong việc này, nhưng đến nay họ cũng vẫn vừa đi vừa tự nâng cao. Một trong những yếu tố quyết định sự phát triển hệ sinh thái từ sách, chính là sự sáng tạo và tầm nhìn, mà điều này thì chúng ta không thiếu. Cho nên vẫn còn nhiều hy vọng và cơ hội để khởi tạo một "ngành công nghiệp" dựa trên sách.

(Bài viết từ ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4/2020)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Sân chơi English Beat 2024 mùa 2 thành công tốt đẹp
    Sau hơn 2 tháng tổ chức, English Beat 2024 mùa 2 do mobiEdu phối hợp cùng các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã chính thức thành công tốt đẹp tại 6 tỉnh trải dài trên toàn quốc.
  • Bia Trúc Bạch một kiệt tác, một di sản dẫn lối tinh hoa
    Từ Hoa Bia Saaz quý tộc vùng Zatec một kinh nghiệm bậc thầy tạo ra hương vị tinh túy bậc nhất đẳng cấp vượt thời gian, trải nghiệm đỉnh cao hoàn mỹ. Bia Trúc Bạch một kiệt tác, một di sản dẫn lối tinh hoa.
  • Hình ảnh chiến thắng Điện Biên phủ qua tem bưu chính Việt Nam
    Ngày 07/5/1954, lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
  • Khám phá đất và người xứ Nghệ trên không gian số
    Thời gian qua, Bảo tàng Nghệ An đã mạnh dạn đưa công nghệ vào hoạt động trưng bày, để tiếp cận và thu hút du khách. Du khách đến với Bảo tàng Nghệ An từ chỗ "cấm sờ tay vào hiện vật" nay có thể được chạm tay vào hiện vật, cổ vật, được khám phá các danh lam, thắng cảnh, lịch sử, con người xứ Nghệ, thông qua không gian số 3D; khám phá kho dữ liệu lịch sử đã được số hóa... giúp Bảo tàng Nghệ An ngày càng hút khách, nhất là giới trẻ.
  • Báo chí và học giả quốc tế ca ngợi Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Báo Resumen Latinoamericano của Argentina những ngày qua liên tục đăng các bài viết cùng nhiều hình ảnh tư liệu minh họa, ca ngợi Chiến thắng Ðiện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện “hệ sinh thái” của sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO