Truyền thông

CĐS góp phần tạo nên một nền báo chí ASEAN phát triển mạnh mẽ hơn

Ánh Dương 08:57 08/12/2023

Các ý kiến và tinh thần tương tác, đoàn kết, sự thống nhất về nhận thức chuyển đổi số (CĐS) của các đại biểu tham luận, cho thấy triển vọng của khối báo chí ASEAN, đoàn kết, hướng tới sự phát triển nền báo chí quốc gia và khu vực chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

Đây là khẳng định của nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tại phiên Hội thảo "Thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp quản trị tòa soạn báo chí số ở khu vực ASEAN" do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chiều ngày 7/12, tại Hà Nội với sự tham dự của 07 đoàn đại biểu quốc tế đến từ Liên đoàn các nhà báo ASEAN.

Mô hình tòa soạn số - xu thế tất yếu

Trong báo cáo về tổng quan Báo chí Thế giới năm 2023 hướng tới năm 2024, Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản Tin tức Thế giới (WAN-IFRA) cho biết, một trong những ưu tiên quan trọng của các tòa soạn trong năm 2024 sẽ là nghiên cứu phát triển sản phẩm và quản trị tòa soạn số. Xu thế phát triển này cũng phù hợp với những dự báo trước đây về giai đoạn phát triển của báo chí kỹ thuật số.

Tại phiên thảo luận thứ 2 về “Thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp quản trị tòa soạn báo chí số ở khu vực ASEAN”, nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) đã giới thiệu về xu hướng báo chí truyền thông mới như: Đồ họa tương tác, Mega Story, RapNewsPlus, Chatbot, Podcast….

Ông Trần Tiến Duẩn nhận định: “Ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình tòa soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất thông tin, tối ưu hóa dữ liệu, đến quy trình xuất bản và phân phối nội dung. Đó là hướng đi mà hầu hết các cơ quan báo chí đã và đang xây dựng nhằm tạo nên một tòa soạn đa phương tiện hội tụ những giá trị của công nghệ, kỹ năng và thích ứng để mang lại những giá trị đột phá cho công chúng".

ong-duan.jpg
Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) chia sẻ tại Hội thảo.

Trong khi đó chia sẻ về xây dựng tòa soạn số, PGS. TS. Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng cần phải tính toán tới giải pháp xây dựng tòa soạn số từ góc nhìn công nghệ.

Cụ thể, PGS. TS. Trần Quang Diệu nêu quan điểm, trong bối cảnh của cuộc cách mạng số, vấn đề tổ chức và quản lý hoạt động báo chí truyền thông đang trở thành vấn đề quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các cơ quan báo chí. Một trong những khía cạnh quan trọng của hoạt động này là tổ chức và quản trị tòa soạn.

Dưới tác động của công nghệ số, mô hình quản trị tòa soạn đã và đang thay đổi từ việc tổ chức sản xuất sản phẩm đến việc quản trị tòa soạn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của của công chúng.

Để thực hiện xây dựng mô hình tòa soạn số, một cơ quan báo chí truyền thông cần bảo đảm thực hiện tốt các yếu tố: Xây dựng văn hóa và chiến lược số; gắn kết độc giả; chuyển đổi và thay đổi và cải tiến quy trình; công nghệ và phân tích và quản lý dữ liệu. Trong đó, mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng được môi trường văn hóa và xây dựng chiến lược số cho từng hoạt động của đơn vị, từ khâu quản lý tòa soạn đến khâu sản xuất sản phẩm và phát hành, xuất bản.

Chia sẻ về vấn đề quản trị tòa soạn số, Đại tá, nhà báo Nguyễn Hồng Hải, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân Điện tử đặc biệt nhấn mạnh vào nhiệm vụ xây dựng hệ thống phần mềm tòa soạn hội tụ; xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động đối với phóng viên, biên tập viên.

Tại Hội thảo, hầu hết các ý kiến đều thống nhất quan điểm CĐS báo chí là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí và các tòa soạn số là sự hội tụ công nghệ với nội dung, vận hành, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả báo chí truyền thông.

Không chỉ phân tích khía cạnh nội dung, công nghệ, nguồn nhân lực... các ý kiến tại tọa đàm còn phân tích thực trạng và giải pháp quản trị tòa soạn số từ góc nhìn quản trị kinh doanh và quản trị tài chính ở các cơ quan báo chí trong bối cảnh CĐS quốc gia ở Việt Nam hiện nay; đề xuất cần đẩy mạnh phối hợp nghiên cứu về CĐS và quản trị tòa soạn số giữa các nước ASEAN, để tìm ra những giải pháp thiết thực, khả thi giúp xây dựng mô hình tòa soạn số tại các cơ quan báo chí ở Việt Nam cũng như các nước ASEAN trong thời gian tới.

Giải pháp tối ưu hóa quản trị tòa soạn số

Trong phiên tọa đàm với chủ đề “Vấn đề đặt ra và giải pháp tối ưu hóa quản trị tòa soạn số ở các quốc gia ASEAN”, ông Chavarong Limpattamapanee, Chủ tịch Hội đồng báo chí quốc gia Thái Lan, Cố vấn cấp cao Liên đoàn các nhà báo Thái Lan, Quản lý Trung tâm Dữ liệu Báo Thairath Daily đã có những chia sẻ về quá trình CĐS, xây dựng tòa soạn số ở tờ báo này.

7bb8ad6138e391bdc8f27.jpg
Các đại biểu chia sẻ, thảo luận tại tọa đàm với chủ đề “Vấn đề đặt ra và giải pháp tối ưu hóa quản trị tòa soạn số ở các quốc gia ASEAN”.

Ông Chavarong cho biết, thời gian đầu, Thairath Daily chỉ thực hiện số hóa thông tin bằng cách lấy thông tin từ các ấn phẩm báo in đưa lên website. Tuy nhiên sau đó, ngày càng nhiều người theo dõi tin tức trên các trang mạng và Thairath Daily nhận ra sự khác biệt giữa những người đọc tin trên mạng và các độc giả báo giấy.

“Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy những độc giả theo dõi tin tức trên mạng không phải muốn “nhai lại” những tin tức trên báo giấy mà muốn đọc những gì đó mới. Do đó, chúng tôi đã không đưa nguyên nội dung báo giấy lên website của mình mà bóc tách, chọn lọc, chỉ đưa những điểm chính phù hợp với những người đọc tin trên mạng”, ông Chavarong chia sẻ.

Về việc đầu tư công nghệ trong các tòa soạn, nhà báo Tạ Bích Loan đặt vấn đề: Việc mua mới công nghệ là không dễ dàng với quy mô các tòa soạn nhỏ, tuy nhiên, nếu cải thiện dần dần có thể gây tốn kém hơn vì phải lồng ghép nhiều hơn. Trong khi, việc đầu tư mới một cách tổng thể ngay từ đầu lại đối mặt với vấn đề không mới, đó là công nghệ có thể sẽ lạc hậu rất nhanh.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Chavarong cho biết, ban đầu Thairath Daily cũng chỉ có tòa soạn nhỏ, sau đó dần dần mở rộng ra. Đặc biệt sau khi mạng xã hội (MXH) trở nên phổ biến, cơ quan này đã sử dụng MXH để phân phối thông tin đồng thời cũng để thu thập thông tin.

Theo Chủ tịch Hội đồng Báo chí quốc gia Thái Lan, phần lớn các tòa soạn ở Thái Lan đều chọn phương án “cơi nới” dần dần, khi nào có điều kiện thì đắp thêm.

“Chúng tôi có hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ toàn cầu, nhưng đôi lúc cũng có những xung đột. Các tòa soạn ở Thái Lan đã hợp lại để hình thành một một liên hiệp báo chí, cộng đồng các tòa soạn báo chí để có một thể thống nhất thương lượng với các cộng đồng khác trên toàn cầu”, ông Chavarong cho biết.

Tại tọa đàm, các đại biểu đều nhận đình rằng bản chất CĐS là con người. Đại diện Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV), nhà báo Ngô Trần Thịnh cũng đã có những chia sẻ về giải pháp để cân bằng và hài hòa đội ngũ nhân viên lâu năm, nhiều kinh nghiệm với đội ngũ trẻ nhưng rất năng động và hiểu biết công nghệ. Vì đây có thể là vấn đề gây nên cản trở lớn trong quá trình làm việc giữa tư duy làm báo cũ và cách thức áp dụng công nghệ mới nếu không có giải pháp dung hòa. Do đó, để đạt hiệu quả, các nhân sự cần trải qua quy trình trở thành những “phóng viên thế hệ mới” - với sự kết hợp của 2 đội ngũ, hỗ trợ nhau trong quá trình CĐS.

Ngoài ra, tại tọa đàm, các đại biểu cũng đã chia sẻ những thách thức chung để nắm bắt công nghệ nhanh chóng hơn, sử dụng các ứng dụng nhằm phát huy tối đa hiệu quả các nội dung. Đồng thời, các đại biểu đều đánh giá các điều kiện về nhân lực, tài chính và công nghệ là những vấn đề mang tính sống còn, đã và đang đặt ra đối với việc xây dựng và vận hành mô hình tòa soạn số.

Để xây dựng và vận hành một tòa soạn số đòi hỏi phải có sự đầu tư đồng bộ từ con người, nền tảng kỹ thuật, công nghệ và kinh phí… Và đây là bài toán hóc búa đối với hầu hết các cơ quan báo chí ở ASEAN hiện nay.

CĐS góp phần tạo nên một nền báo chí ASEAN phát triển mạnh mẽ hơn

Phát biểu kết luận hội thảo, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, những ý kiến trình bày tại hội thảo đã cung cấp nhiều kinh nghiệm quý, gợi ý hay cho các cơ quan báo chí các quốc gia ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng để nghiên cứu, học hỏi, lựa chọn mô hình tòa soạn số, phương thức quản trị tòa soạn số cho phù hợp với thực trạng, điều kiện và nguồn lực đối với từng loại tòa soạn, từng cơ quan báo chí ở từng quốc gia.

24f0441e6899c1c7988874.jpg
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: những ý kiến trình bày tại hội thảo đã cung cấp nhiều kinh nghiệm quý, gợi ý hay cho các cơ quan báo chí các quốc gia ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi khẳng định, các quốc gia trên toàn thế giới đang đối mặt với vô số cơ hội và thách thức khi CĐS đã định hình lại mọi hoạt động của đời sống xã hội; ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và thói quen làm việc hàng ngày.

Trong bối cảnh đó, báo chí truyền thông không thể đứng ngoài cuộc; CĐS của báo chí và phương tiện truyền thông là vấn đề sống còn, là điều cần thiết cho sự phát triển của các cơ quan báo chí, các tổ chức truyền thông và người làm báo.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất CĐS báo chí trong khu vực vẫn là vấn đề nguồn lực. Các cơ quan báo chí trên thế giới đã bắt nhịp tương đối sớm, nhưng đối với các nước ASEAN trong một số cơ quan, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực ở một số nước còn nhiều hạn chế, một số cơ quan báo chí còn chậm chạp, chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng của vấn đề này.

Bên cạnh đó, một tòa soạn số được xây dựng và quản trị tốt sẽ là điều kiện để tận dụng cơ hội, vượt qua các thách thức và những vấn đề mà báo chí ASEAN phải đối mặt như: Sự thống nhất về nhận thức, tính chiến lược và việc xác định rõ mục tiêu, phương thức, điều kiện, lộ trình CĐS, mô hình tòa soạn số thích hợp, nguyên tắc, quy trình quản trị nội dung, quản lý dữ liệu, quản lý và phát triển công chúng số, phân phối trên các nền tảng, vấn đề bản quyền báo chí số, sự thiếu hụt và thiếu đồng bộ về nhân lực, nền tảng kỹ thuật, công nghệ và các điều kiện về tài chính và quản trị tài chính.

Cùng với đó, vấn đề tài lực cũng là thách thức rất lớn, khi CĐS đòi hỏi phải có kinh phí, có tài chính nhưng không phải cơ quan báo chí nào trong ASEAN cũng đáp ứng được điều kiện đó.

Đặc biệt, để xây dựng báo chí ASEAN trở thành khối thống nhất cần có sự liên kết giữa 3 trụ cột, trụ cột về an ninh - chính trị, kinh tế và văn hóa. Trong đó, việc tổ chức các hội thảo báo chí của các nước ASEAN sẽ góp phần xây dựng 3 trụ cột này, đặc biệt là trụ cột văn hóa và báo chí.

“Việc tổ chức Hội thảo "Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN" đã giúp cho các cơ quan báo chí, các nhà báo trong ASEAN hiểu hơn và tham gia sâu hơn vào việc CĐS góp phần tạo nên một nền báo chí ASEAN phát triển mạnh mẽ hơn, cập nhật hơn những cách thức làm báo mới, thúc đấy thông tin báo chí trong khu vực được lan tỏa mạnh hơn, tốt hơn. Từ đó, góp phần cho sự thông hiểu lẫn nhau giữa công chúng, người dân ASEAN với tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi đất nước; tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa các nước trong khu vực”, Nhà báo Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Các ý kiến và tinh thần tương tác, đoàn kết, sự thống nhất về nhận thức CĐS của các đại biểu tham luận, cho thấy triển vọng của khối báo chí ASEAN, đoàn kết, hướng tới sự phát triển nền báo chí quốc gia và khu vực chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
CĐS góp phần tạo nên một nền báo chí ASEAN phát triển mạnh mẽ hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO