Truyền thông

Không CĐS mạnh mẽ, báo chí khó bắt kịp xu hướng tiêu dùng thông tin mới

Anh Minh 13:06 07/12/2023

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhận định nếu không tiến hành chuyển đổi số (CĐS) một cách mạnh mẽ, báo chí sẽ khó bắt kịp xu hướng tiêu dùng thông tin mới của công chúng thế giới, trong khu vực ASEAN và từng quốc gia nói riêng ...

CĐS là xu thế toàn cầu có tác động sâu rộng lên các lĩnh vực của nền kinh tế - chính trị - xã hội các quốc gia. Đối với báo chí, CĐS là việc ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý nội dung, tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung, kinh doanh…, từ đó tối ưu hoá quản trị tòa soạn; tạo ra những sản phẩm chất lượng, những trải nghiệm mới hấp dẫn, tiện ích và sự tiếp cận, tiếp nhận hiệu quả của công chúng, tăng các giá trị mới cho cơ quan báo chí và nền báo chí quốc gia.

Một mô hình tòa soạn số, với báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu và báo chí tự động cần các điều kiện kỹ thuật công nghệ, nguồn nhân lực và sự đổi mới phương thức tổ chức, quản trị tòa soạn.

Từ thực tế cấp bách đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo báo chí quốc tế Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”. Đồng chủ trì Hội thảo với lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam là đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đại diện lãnh đạo một số cơ quan báo chí như Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam…

bao-chi-quoc-te2.jpg
Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết sự có mặt đông đủ của báo giới, lãnh đạo các quan báo chí, cơ quan truyền thông đại chúng của Việt Nam và các nước ASEAN đã khẳng định sự quan tâm rất cao đối với các nội dung sẽ được trao đổi, trình bày tại Hội thảo.

Theo Thứ trưởng, nền báo chí ASEAN hơn bao giờ hết đang đứng trước cơ hội và thách thức vô cùng to lớn trong việc khẳng định sứ mệnh dẫn dắt thông tin chính thống, định hướng cho cộng đồng, cho công chúng, trao quyền lực cho người dân, cũng như chiến đấu chống lại tin giả và những xu hướng phức tạp khác trên không gian mạng.

Nếu không làm cùng nhau, chúng ta sẽ khó làm được điều đó. Nếu không tiến hành CĐS một cách mạnh mẽ, gắn bó mật thiết với sự phát triển của công nghệ, báo chí sẽ khó bắt kịp những thói quen tiêu dùng thông tin mới của công chúng trên thế giới nói chung, trong khu vực ASEAN và từng quốc gia nói riêng đã hình thành trong những năm gần đây”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhận định.

CĐS báo chí tại Việt Nam luôn được các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý quan tâm thúc đẩy

Việt Nam hiện nay có hơn 800 cơ quan thông tấn báo chí và những cơ quan truyền thông khác, với gần 1 triệu tin tức, các bài báo, các sản phẩm truyền thông được đăng tải lên mạng mỗi ngày. Khi áp dụng các công cụ và kỹ thuật phân tích dữ liệu, các cơ quan báo chí có thể xác định được xu hướng và mối quan tâm của cộng đồng, dư luận, và đó cũng là một trong những sự gợi ý rất quan trọng để các cơ quan báo chí phục vụ cộng đồng, độc giả tốt hơn.

Ở Việt Nam, CĐS báo chí đã được các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý quan tâm thúc đẩy. Chính phủ đã phê duyệt chiến lược CĐS báo chí tới năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở tiền đề quan trọng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam, đồng hành hỗ trợ các quan báo chí, trong cuộc chuyển đổi hết sức quan trọng, từ không gian thực đến không gian số.

7769.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm: Nếu không tiến hành CĐS mạnh mẽ, báo chí sẽ khó bắt kịp với xu hướng tiêu dùng thông tin mới.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết Bộ TT&TT là cơ quan được Chính phủ giao trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí truyền thông, đã ban hành chương trình hành động và “chỉ qua hơn một năm tôi đã thấy sự chuyển biến nhận thức rất quan trọng, rất nhiều cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác đã tham gia hỗ trợ quá trình CĐS báo chí”.

Thứ trưởng cho biết cuối năm nay cũng là lần đầu tiên Bộ TT&TT sẽ công bố bảng xếp hạng, đánh giá đầu tiên về mức độ trưởng thành CĐS báo chí của các cơ quan báo chí Việt Nam. Bộ CĐS này sẽ đánh giá các cơ quan báo chí có chiến lược CĐS hay không, có hạ tầng, nền tảng số và có đảm bảo an toàn thông tin trong tổ chức, hoạt động, trong tác nghiệp, chuyên môn, cũng như có sự hiểu biết và nắm bắt dữ liệu, thói quen, kỳ vọng của người đọc, người xem.

Rất nhiều cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay đã tự tìm con đường của mình và cũng dựa vào định hướng lớn của Nhà nước, mạnh dạn đưa các sản phẩm báo chí của mình lên không gian mạng, lên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới và cả những nền tảng của chính mình.

Theo Thứ trưởng, đây là một hành trình trải nghiệm, mang lại vô cùng nhiều những kiến thức, kinh nghiệm và cả những bài học.

Chính vì thế, Hội thảo hôm nay là cơ hội vô cùng quý báu để chúng ta được lắng nghe, được học hỏi lẫn nhau, được học hỏi kinh nghiệm từ các nước bạn ASEAN, để thấy rằng chúng ta đâu đó có những vấn đề chung, những vấn đề riêng và có cả những cách làm riêng hoàn thành sứ mệnh của cơ quan báo chí và đáp ứng kỳ vọng của độc giả”, Thứ trưởng nói.

Chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong CĐS báo chí giữa các nước ASEAN

Hội thảo diễn ra theo 2 phiên. Phiên thứ nhất với nội dung “Lý luận chung về quản trị toà soạn số” và phiên thứ hai với nội dung “Quản trị toà soạn số: thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp”. Các tham luận tại Hội thảo sẽ đi sâu vào những vấn đề về quản trị toà soạn số hiện nay, như xu hướng phát triển báo chí số trên thế giới và các quốc gia khu vực ASEAN; Quản trị toà soạn số - cơ hội và thách thức với báo chí các quốc gia khu vực ASEAN; Chiến lược CĐS báo chí ở Việt Nam: cơ hội và thách thức với các cơ quan báo chí.

Ngoài ra, Hội thảo cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm triển khai nền tảng số và công cụ số trong quản trị toà soạn báo chí số; Ứng dụng công nghệ (AI, blockchain, XR, metaverse…) trong xây dựng và quản trị tòa soạn số; Nhân lực cho vận hành toà soạn số; Mô hình toà soạn số và vấn đề quản trị nguồn lực thực thi toà soạn số; Quản trị toà soạn số ở các tổ hợp báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, đa loại hình; Quản trị toà soạn số ở các đài phát thanh, truyền hình; Vấn đề đặt ra và giải pháp nhằm xây dựng và quản trị toà soạn số…

Trong khuôn khổ Phiên 2 Hội thảo, sẽ diễn ra toạ đàm “Vấn đề đặt ra và giải pháp tối ưu hoá quản trị tòa soạn số ở các quốc gia ASEAN”.

Tham dự Hội thảo có 07 đoàn đại biểu quốc tế đến từ Liên đoàn báo chí ASEAN, gồm: Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore...

bao-chi-quoc-te.jpg
Hội thảo diễn ra theo 2 phiên về “Lý luận chung về quản trị toà soạn số” và “Quản trị toà soạn số: thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp”.

Ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định: “Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” nhằm kết nối, trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong CĐS báo chí giữa các nước ASEAN, góp phần gợi mở giải pháp xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”.

Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” là một diễn đàn mở để thảo luận các vấn đề lý thuyết, chia sẻ tình hình, tiến trình và các gợi mở phương pháp, giải pháp CĐS trong báo chí truyền thông tại Việt Nam và các quốc gia thuộc khu vực ASEAN.

Đây là Hội thảo báo chí quốc tế lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam năm 2023, nhằm xây dựng cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, đề xuất kinh nghiệm giải pháp phát triển nền báo chí Việt Nam và các quốc gia khu vực ASEAN, là hoạt động nền tảng cho việc tiếp tục thảo luận, đề xuất các sáng kiến đổi mới sáng tạo báo chí, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong Liên đoàn báo chí ASEAN nói riêng và cộng đồng các nước ASEAN nói chung trong thời gian tới./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Không CĐS mạnh mẽ, báo chí khó bắt kịp xu hướng tiêu dùng thông tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO