Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước ngành TT&TT quý I năm 2022, sáng ngày 28/3, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết những năm qua các doanh nghiệp (DN) công nghiệp số Việt Nam đã phát triển được rất nhiều ứng dụng, nền tảng số, bây giờ là hướng dẫn người dân sử dụng và chỉ có sử dụng số thì mới tạo ra được môi trường số và chỉ có sử dụng số mới tạo có được nền tảng số và dữ liệu số.
Cách làm tốt nhất, hiệu quả nhất, theo Bộ trưởng, là xây dựng các tổ công nghệ số cộng đồng đến các thôn, tổ dân phố và người làm tốt nhất sẽ là thanh niên. Thanh niên sẽ đi đến từng gia đình để giúp người dân sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số. Đây chính là cách để CĐS Việt Nam, là cách để Việt Nam hùng cường thịnh vượng.
Bộ trưởng cho biết một số tỉnh đã ý thức được việc này và làm tốt, bây giờ là câu chuyện toàn quốc, tất cả 63 tỉnh, thành. Muốn CĐS thành công thì năm nay phải hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng, bảo vệ và nếu chúng ta làm triệt để điều này thì CĐS Việt Nam 2022 sẽ có bước chuyển biến rất mạnh mẽ.
"Chúng ta thường nghĩ rằng CĐS là đầu tư nhưng CĐS chính là sử dụng và sử dụng nền tảng số của các DN, nhất là các DN Việt Nam thì chính quyền không phải đầu tư. Rất nhiều nền tảng, ứng dụng sử dụng giai đoạn đầu hiện nay là miễn phí và chi phí nếu có cũng rất nhỏ", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, năm 2020 - 2021, Nhà nước khởi động và chính thức phát động CĐS. Năm 2022 là đưa người dân lên môi trường số, tức là sử dụng các nền tảng số và ứng dụng số và tốc độ tăng trưởng ít nhất là 50%. "Đây là mục tiêu đặt ra và là trọng tâm của năm 2022. Để đo đếm đánh giá được, năm 2022 sẽ tập trung vào số lượng người dân lên nền tảng số, mức độ sử dụng các nền tảng số của người dân".
Về CĐS tại các địa phương, bộ/ngành, Bộ trưởng cho biết muốn thành công đầu tiên là Tỉnh uỷ phải có nghị quyết chuyên đề về CĐS, sau đó UBND ban hành chương trình, kế hoạch CĐS; với các Bộ thì Ban Cán sự và Bộ trưởng. Đây là quyết tâm của lãnh đạo, cam kết của người đứng đầu. Không có văn bản ban đầu này thì không có các văn bản sau. Hiện nay, chỉ còn 3 địa phương chưa xong nghị quyết, chưa có chương trình về CĐS và theo báo cáo thì có thể hoàn thành trong tháng 4 hoặc tháng 5/2022. Còn 6 bộ và cơ quan ngang bộ cũng tương tự, do đó phải có đề xuất cụ thể để thúc đẩy.
Bộ trưởng nhấn mạnh các địa phương muốn đẩy nhanh CĐS thì hạ tầng số phải đi trước. Theo đó, Bộ trưởng chỉ đạo nhiệm vụ của các Sở TT&TT năm 2022 cần tập trung: (1) xoá các vùng lõm sóng 3G, 4G; (2) phấn đấu 100% các hộ gia đình có máy tính bảng, điện thoại thông minh. Ít nhất mỗi hộ gia đình có thiết bị thông minh; (3) 80% hộ gia đình có Internet cáp quang; (4) giảm số điện thoại 2G xuống dưới 5%, theo đó, các Sở TT&TT cùng địa phương, DN nỗ lực để tỷ lệ 5%, theo đó, có thể thực hiện tắt sóng 2G; (5) tăng tốc độ Internet cố định, di động lên ít nhất 30%.
Các Sở TT&TT phải bàn với Cục Viễn thông, Quỹ Viễn thông công ích (VTCI) và nhà mạng để lập kế hoạch chi tiết cho các công việc trên. Bộ TT&TT sẽ có đánh giá các địa phương về phát triển hạ tầng số.
Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBQG về CĐS đã ban hành Kế hoạch CĐS năm 2022, trong đó có nhiệm vụ cho từng bộ, từng địa phương, theo đó, các đơn vị chuyên trách CNTT, các Sở TT&TT phải đóng vai trò trọng tâm để thực hiện các nhiệm vụ về CĐS.
Bộ trưởng cũng lưu ý các Sở TT&TT đảm bảo đầu tư hiệu quả, đúng pháp luật, không tham nhũng, lãng phí. Bộ TT&TT đã có văn bản gửi tất cả các bộ, địa phương, về các biện pháp phòng tránh sai sót trong đầu tư. Cục Tin học hoá - Bộ TT&TT xây dựng hệ thống công nghệ số, kết nối online với tất cả các bộ, ngành, địa phương để giám sát đầu tư các dự án CĐS.
Bộ trưởng cũng lưu ý công tác giám sát. Giám sát được thì sẽ phân quyền, uỷ quyền nhiều hơn. Cần phải kết nối trực tuyến (online) để giám sát online, đánh giá, cảnh báo tự động đối với các Sở TT&TT, các đơn vị chuyên trách CNTT, các đơn vị trong Ngành. Đây chính là CĐS công tác quản lý và là nội dung CĐS ngành.
"Xây dựng hệ thống giám sát online toàn diện là đổi mới căn bản trong công tác quản lý nhà nước. Bộ TT&TT phải đi đầu trong việc này làm mẫu để triển khai rộng ra cho các ngành khác. Việc này giao cho Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chỉ đạo và tháng 6/2022 là vận hành toàn bộ hệ thống giám sát online của ngành TT&TT".
48 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết về CĐS
Theo Bộ TT&TT, tính đến tháng 28/3/2021 đã có 48 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số (CĐS).
Cũng theo Bộ TT&TT, 54/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT 5 năm giai đoạn 2021-2025; 59/63 tỉnh/thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo CĐS;63/63 địa phương hoàn thành kết nối thử nghiệm với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư để khai thác dịch vụ xác thực thông tin công dân.
Tính đến ngày 23/3/2022 đã có 59/63 tỉnh, thành phố và 19/22 bộ, ngành xây dựng, cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử, phiên bản 2.0.
Về một số tình hình lĩnh vực ứng dụng CNTT tại các địa phương, theo Bộ TT&TT, Yên Bái là tỉnh đầu tiên đã ban hành Quyết định số 262/QĐ-UBND ngày 28/2/2022 về việc đổi tên, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và tổ chức lại Trung tâm CNTT và Truyền thông (trực thuộc Sở TT&TT tỉnh Yên Bái) thành Trung tâm CĐS tỉnh Yên Bái (trực thuộc Sở TT&TT tỉnh Yên Bái). Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/3/2022.Đây là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, trực thuộc và chịu sự quản lý trực tiếp của Sở TT&TT tỉnh Yên Bái.
Trung tâm CĐS có chức năng giúp Sở TT&TT triển khai thực hiện các lĩnh vực quản lý nhà nước về TT&TT và CĐS; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực CNTT; đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tư vấn, xây dựng và triển khai giải pháp, cung cấp dịch vụ, sản phẩm phục vụ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, phát triển đô thị thông minh (ĐTTM).
Sau khi được tổ chức lại, Trung tâm CĐS tỉnh Yên Bái gồm lãnh đạo Trung tâm và 2 phòng chuyên môn là: phòng Hạ tầng - An toàn thông tin và Phòng Đào tạo, tư vấn - chuyển giao công nghệ.
Về công tác CĐS ở các địa phương, theo Bộ TT&TT, trong quý I/2022, thực hiện Quyết định 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.
Trong khi đó, Lạng Sơn chính thức triển khai Nền tảng cửa khẩu số từ ngày 14/01/2022, tham mưu UBND đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp (DN), cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu biết, thực hiện sử dụng Nền tảng cửa khẩu số.
Các tỉnh Bắc Kạn, Đồng Tháp, Cà Mau xây dựng Đề án tổng thể về CĐS giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. TP. Hải Phòng triển khai Nghị quyết Quyết định chủ trương đầu tư Dự án thực hiện một số nội dung để xây dựng Chính quyền số TP. Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025.
Các tỉnh Quảng Bình, Đồng Nai xây dựng dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về CĐS tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh. Tỉnh Thừa Thiên Huế tham mưu trình UBND tỉnh Dự thảo Chương trình hành động của UBND tỉnh về CĐS.
Tỉnh Bình Phước tổng kết hoạt động Ban chỉ đạo CĐS của tỉnh và quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu CĐS tại DN trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Bến Tre thực hiện thí điểm CĐS cấp huyện và cấp xã. Sở TT&TT Bến Tre đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện thí điểm CĐS cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.
TP. Đà Nẵng phối hợp tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác CĐS giai đoạn 2021 - 2025 giữa UBND thành phố và Tập đoàn FPT. Tại tỉnh Quảng Ninh, Sở TT&TT cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh và Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai CĐS toàn diện giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030, hướng đến một số mục tiêu chính như: đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế và góp phần đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu về CĐS.
TP. Hải Phòng tổ chức thành công hội thảo Chữ ký số và lưu trữ điện tử tập trung - Nền tảng xây dựng chính quyền số và công dân số. Hội thảo nhằm thúc đẩy công cuộc CĐS, xây dựng dữ liệu số toàn diện, liên thông trong toàn bộ hệ thống chính trị, phục vụ người dân, DN trên địa bàn Hải Phòng.
Tỉnh Đắk Lắk phối hợp thực hiện kết nối dịch vụ chứng thực chữ ký số Viettel-CA với Hệ thống iGate. Lâm Đồng tham mưu, xây dựng dự thảo Quyết định ban hành mã định danh điện tử theo Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg.
Các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Bạc Liêu tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế xây dựng, quản trị, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu của CSDL tỉnh.
Triển khai DVC trực tuyếntại các tỉnh
Theo Bộ TT&TT, trong quý I/2022, tỉnh Quảng Bình phối hợp các Sở, ban, ngành xây dựng Kế hoạch tích hợp, kết nối, đồng bộ dữ liệu, trạng thái xử lý hồ sơ của các DVC trực tuyến mức độ 3, 4.
Trong khi đó, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục triển khai Kế hoạch cung cấp DVC mức 3, 4 của các cơ quan hành chính tỉnh, tổ chức đăng ký, bổ sung, cập nhật dịch vụ trên Cổng DVC trực tuyến; Gia Lai kết nối, cung cấp một số DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng DVC Quốc gia.
Các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long rà soát, cập nhật, đồng bộ dữ liệu trên Cổng DVC Quốc gia, phục vụ công tác theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả cải cách thủ tục hành chính (TTHC).Tỉnh Kiên Giang văn bản chỉ đạo, phối hợp về cung cấp thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện TTHC đất đai trên Cổng DVC quốc gia.
Tình hình xây dựng đô thị thông minh
Về xây dựng thành phố thông minh (TPTM/ĐTTM) tại các địa phương, theo Bộ TT&TT, tỉnh Quảng Bình đã phối hợp UBND TP. Đồng Hới tích hợp, chia sẻ dữ liệu hệ thống camera trên địa bàn TP. Đồng Hới về Trung tâm Điều hành ĐTTM (IOC) của tỉnh. Tỉnh Quảng Bình cũng tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng Hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh hiện trường thuộc dịch vụ ĐTTM.
TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước xây dựng kế hoạch triển khai Đề án TPTM năm 2022. Tỉnh Quảng Trị triển khai tích hợp lên Trung tâm IOC tỉnh một số thông tin chuyên ngành của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công ty Cấp nước Quảng Trị.
Tỉnh Bình Định triển khai vận hành Trung tâm Giám sát ĐTTM hoạt động an toàn, ổn định; từng bước hoàn thiện các dịch vụ ĐTTM đã triển khai trên địa bàn TP. Quy Nhơn và toàn tỉnh. Tỉnh Phú Yên thẩm định phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ của Báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án Trung tâm IOC TP. Tuy Hòa. Hai tỉnh Đồng Nai, Long An đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kiến trúc ICT phát triển ĐTTM của tỉnh (phiên bản 1.0).
Cũng về xây dựng ĐTTM, tỉnh Lào Cai tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định về Quy chế quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng Cổng DVC tích hợp một cửa điện tử tỉnh Lào Cai.Tỉnh Hà Nam triển khai thuê dịch vụ phần mềm nền tảng, hạ tầng ảo hóa phục vụ hoạt động của Trung tâm IOC./.