Chấn hưng văn hoá đọc cũng là chấn hưng cái gốc của một dân tộc

Thu Hiền (Ảnh: Mạnh Vỹ)| 18/04/2019 19:27
Theo dõi ICTVietnam trên

“Xa xưa đọc trên đá, trúc, tới đây đọc điện tử, nhưng đọc và sách sẽ mãi còn lại”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Sáng 18/4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm Ngày Sách Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TTTT; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng số. Công nghệ đang thay đổi cách chúng ta sống và làm việc. Nhưng công nghệ ngày nay lại thay đổi nhanh và liên tục, gần như là từng ngày. Một cá nhân, hay một dân tộc muốn tồn tại, thích ứng và phát triển thì chỉ còn cách duy nhất là liên tục học và học cả đời, liên tục đọc và đọc cả đời. Do vậy, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam thể hiện sự quan tâm kịp thời và tầm nhìn của Đảng và Nhà nước ta nhằm chấn hưng văn hoá đọc Việt Nam. Có thể coi đây như là một tuyên bố ban đầu để tiến tới một chiến lược sách quốc gia hoặc một luật về khuyến đọc Việt Nam”.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc

Bộ trưởng cũng chia sẻ: Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, ngay từ năm đầu tiên, Bộ TTTT đã triển khai đồng bộ kế hoạch tổ chức Ngày sách Việt Nam đến các Bộ, Ngành, các tổ chức, địa phương trên cả nước… với mục tiêu phát động, xây dựng phong trào đọc sách, viết sách, quảng bá sách, lưu giữ sách trong các tầng lớp nhân dân. Chương trình này nhằm đưa phong trào lan toả thành nếp sống đẹp trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng, tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in và phát hành sách.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng hy vọng và tin tưởng rằng sau Hội nghị tổng kết này, nhiều chính sách mới sẽ được ban hành, nhiều hoạt động thiết thực sẽ được thực hiện. Những việc này nhằm thúc đẩy Việt Nam thực sự là một dân tộc ham học và ham đọc sách, để chấn hưng văn hoá đọc sách của người Việt Nam, để mỗi người đều có có tinh thần học cả đời, đọc sách cả đời. “Chấn hưng văn hoá đọc cũng là chấn hưng cái gốc của một dân tộc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết: Qua 5 năm, toàn ngành xuất bản đã cho ra mắt gần 160.000 xuất bản phẩm với khoảng 1,9 tỷ bản, tăng 20% số cuốn và số bản sách; 439 cuộc tọa đàm giao lưu tác giả - bạn đọc và giới thiệu sách mới; các cơ sở giáo dục trên cả nước đã quyên góp được trên 11 triệu bản sách các loại cho thư viện các nhà trường, cho học sinh nghèo; xây dựng trên 30 nghìn tủ sách phụ huynh. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các cấp bộ đoàn trên cả nước đã xây dựng hơn 36.000 tủ sách các loại với gần 4 triệu cuốn sách. Tại các địa phương, chỉ riêng tỉnh Thái Bình đã tổ chức được 50 tủ sách văn hóa thôn, 250 tủ sách gia đình, 35 tủ sách dòng họ, 1 thư viện chùa và 5 không gian đọc...

Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo trình bày Báo cáo Tổng kết

Hệ thống thư viện các địa phương còn tổ chức ngày sách ở các trường học vùng sâu, miền núi; phối hợp với ngành công an tổ chức đem sách đến các trại giam, trung tâm cai nghiện cho các phạm nhân ở tỉnh Sơn La, Hà Nam, Hà Nội, Bình Định, Bình Dương...

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Với vai trò là một trong những đơn vị được Chính phủ giao phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thực hiện Ngày Sách Việt Nam và vai trò chủ trì trong thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có những chỉ đạo và hoạt động cụ thể đối với các đơn vị thuộc ngành, đặc biệt là hệ thống thư viện công cộng.

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội nghị

Ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định, chia sẻ: Hơn 5 năm qua, một số người Nam Định, mà nòng cốt là các doanh nhân, đã bền bỉ vận động xây dựng tủ sách lớp học. Nhóm doanh nhân này tự mua sách mà họ coi là có ích cho học sinh và đem về tặng các trường học của huyện quê hương. Họ không phải là những chuyên gia về văn hoá hay giáo dục nhưng họ đều cùng quan điểm là sách rất quan trọng với trẻ, trẻ đang thiếu sách đọc, cần được tặng sách và tạo môi trường thuận lợi cho việc đọc sách. Họ đã hành động để giải quyết vấn đề mà họ phát hiện. Nỗ lực của các doanh nhân này khá thành công và mô hình đang được lan rộng ra các tỉnh khác.

Ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định

Đại diện Nhà xuất bản Trẻ cho rằng: Để phát huy tối đa vai trò của sách đối với việc giáo dục thế hệ trẻ, nhất thiết phải có sách hay và có cách đưa sách đến với mọi người hay tạo dựng được thói quen đọc sách. Muốn xây dựng được thói quen này thì phải phát huy tối đa vai trò đặc biệt quan trọng của Gia đình và Nhà trường, rồi mới đến Xã hội. Bởi làm sao tạo được thói quen đọc sách nơi con trẻ khi ở nhà không có quyển sách nào, hay khi cha mẹ hay người lớn người thân không bao giờ đọc sách. Hãy nhớ rằng, trẻ con học qua cách nhìn những gì người lớn làm. Bởi làm sao tạo được thói quen đọc sách nơi học sinh khi Nhà trường còn chưa chú trọng đến việc tạo điều kiện hay dạy cho các em học sinh cách đọc sách, hoặc có những yêu cầu học sinh phải đọc sách hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, ngoài sách giáo khoa. Thứ ba chính là vai trò của xã hội, bao gồm của các đơn vị làm xuất bản.

Các đại biểu trình bày tham luận về công tác thực hiện hưởng ứng Ngày sách Việt Nam

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam xúc động nhớ lại hơn 5 năm trước, cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng bàn bạc và đi đến quyết định trình Thủ tướng ký ban hành Ngày Sách Việt Nam. Chúng ta nói nhiều đến sự cần thiết, ý nghĩa của văn hóa đọc. Năm 2017, khi ký Quyết định phát triển văn hóa đọc đến 2020 định hướng đến 2030, các Bộ, Ngành, Ban Tuyên giáo đã ngồi bàn để ngày sách và văn hóa đọc có phát triển thực chất, khắc phục được những cái còn khiếm khuyết...

Ngày sách 21/4, dù đã trải qua 5 năm nhưng các Bộ, Ngành, địa phương, các Nhà xuất bản (NXB), đông đảo những người có tấm lòng đã tham gia hưởng ứng, làm cho văn hóa đọc khôi phục lại và có bước phát triển đáng mừng. Không chỉ những nơi có điều kiện tốt về kinh tế mà phong trào đọc và sách đã đến vùng sâu, xa biên giới hải đảo. Không chỉ doanh nghiệp lớn tài trợ đưa sách về với mọi người, nhiều cá nhân dù kiều kiện kinh tế khó khăn vẫn dành tài chính, tấm lòng cho phong trào.

Bộ TTTT trao tặng Bằng khen cho đại diện các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp cho Ngày Sách Việt Nam.

Phó Thủ tướng biểu dương các NXB trong cơ chế còn rất nhiều khó khăn nhưng đã vươn lên làm tốt việc của mình. NXB không chỉ là nơi để tác giả sách có bệ phóng mà còn dành một phần lợi nhuận, doanh thu để tài trợ cho các phong trào đọc sách, đưa sách về nông thôn, những nơi khó khăn.

Tuy kết quả đạt được đáng khích lệ nhưng vẫn phải nỗ lực hơn nữa, làm sao cho Ngày sách và văn hóa đọc đi vào thực chất, lan tỏa đến mọi ngõ ngách, cơ quan, mọi ngành. Cũng phải đẩy mạnh hơn để phong trào đọc sách tự học, tự đọc lan tỏa trong xã hội, trong giới trẻ, trước hết từ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước.

Phó Thủ tướng cũng biểu dương các đơn vị, cá nhân, các tổ chức quốc tế đã luôn đồng hành cùng chương trình và đưa sách Việt Nam ra nước ngoài nhiều hơn, đồng thời cũng đón nhận nhiều sách giá trị của nước ngoài vào Việt Nam.

Toàn cảnh Hội nghị

Trong thời gian tới, để Ngày Sách Việt Nam phát huy hơn nữa tinh thần văn hóa đọc, Phó Thủ tướng đề nghị:

Bộ TTTT, được giao chủ trì, bên cạnh việc tiếp tục làm theo kế hoạch cụ thể, bài bản để đưa đến các bộ, ngành, vùng miền, phải là đầu mối kiến nghị chính sách, cả chính sách kinh tế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các NXB, cho việc đưa sách về mọi nơi.

Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch, cơ quan được giao phối hợp thực hiện Ngày Sách, chủ trì đề án phát triển văn hóa đọc, phải tiếp tục làm thật tốt việc này.

Cần tích cực lồng ghép nhiều hơn vào tất cả các phong trào, từ xây dựng gia đình văn hóa, phong trào khuyến học, khuyến công, khuyến nông… đều gắn với đọc sách.

Phải làm sao tiếp tục tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất khuyến khích mọi người biết tầm quan trọng của sách và phải có nhiều tác phẩm tốt, hay; đồng thời, tôn vinh nhiều tác giả, văn nghệ sĩ, tôn vinh những người đưa sách đến cộng đồng, đến với mọi người, mọi nhà.

Các Nhà xuất bản trưng bày ấn phẩm tại Hội nghị

Phải phát huy tốt hơn vai trò của các hội, đặc biệt là Hội Xuất bản, hội Khuyến học… Cần tăng cường vai trò của hội trong việc xây dựng chính sách như: Dành những không gian, diễn đàn, tiếng nói của các hiệp hội này để tiếp thu trong xây dựng chính sách cho các NXB để tháo gỡ khó khăn cả về cơ chế, quy định vốn để thành lập, giấy phép xuất bản…

Phải tăng cường hơn nữa truyền thông. Các đơn vị như VTV, VOV, Thông Tấn xã và nhiều báo đã tích cực đồng hành cùng chương trình. Kể cả trước khi có ngày sách, nhiều cơ quan báo đài đã có chuyên mục khuyến khích sách và văn hóa đọc. Cần tích cực tuyên truyền nhiều hơn nữa trong xu thế mới.

Công nghệ mới áp dụng vào giáo dục như AlphaEbot cũng đươc trình diễn bên lề Hội nghị, được nhiều người quan tâm

5 năm trở lại đây, việc tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế đã được đẩy mạnh, Việt Nam đã tham gia nhiều hội sách quốc tế nổi tiếng. Nhưng ngành xuất bản cần mời nhiều NXB quốc tế hơn nữa hợp tác với Việt Nam.

“Trong thời đại công nghệ thông tin, CMCN 4.0… Nhưng, loài người nói chung, dân tộc ta nói riêng muốn vươn lên thì nhất định phải nâng cao dân trí, tăng cường phổ biến tri thức, phải học nhiều hơn, đọc nhiều hơn. Xa xưa đọc trên đá, trên trúc, tới đây đọc điện tử, nhưng đọc và sách sẽ mãi còn lại. Điều quan trọng là chúng ta phải khơi dậy cảm hứng để mọi người Việt Nam dành thời gian nhiều hơn cho việc đọc, việc học”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tập đoàn VNPT tăng trưởng 7% năm 2024
    Năm 2024, mặc dù thị trường viễn thông - công nghệ thông tin gặp khá nhiều khó khăn, song với nhiều nỗ lực và quyết tâm cao, Tập đoàn VNPT vẫn giữ vững thị phần với các dịch vụ trọng điểm, tối ưu chi phí, để doanh thu, lợi nhuận toàn Tập đoàn được duy trì và tăng trưởng so với cùng kỳ.
  • Hướng tới vinh danh các "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” 2024
    Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" là giải thưởng vinh danh những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.
  • 5,5 tỷ người trên thế giới sử dụng Internet
    Theo báo cáo mang tên “Thực tế và Con số 2024” của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), năm 2024 đã có thêm 227 triệu người được tiếp cận Internet, nâng tổng số người sử dụng Internet lên 5,5 tỷ người, chiếm 68% dân số toàn cầu.
  • Bưu điện hợp tác với công ty hàng đầu Hàn Quốc về công nghệ, sàn giao dịch dữ liệu
    Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Công ty DataStreams Corp (DataStreams) hợp tác trong lĩnh vực công nghệ dữ liệu nhằm khai thác sức mạnh dữ liệu để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường năng lực cạnh tranh và mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng.
  • Chấn chỉnh, đảm bảo hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra trong khuôn khổ pháp luật
    Các hoạt động bán hàng đa cấp ngày càng biến tướng ti vi dưới nhiều hình thức. Đây là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, dễ bị biến tướng thành các hoạt động lừa đảo, huy động tài chính bất hợp pháp, gây hệ lụy xấu trên quy mô lớn cho xã hội.
Đừng bỏ lỡ
Chấn hưng văn hoá đọc cũng là chấn hưng cái gốc của một dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO