ChatGPT thử nghiệm tính năng “Học cùng nhau”: Bước ngoặt mới cho việc học tập?
OpenAI đang âm thầm thử nghiệm một tính năng mới trong ChatGPT mang tên “Học cùng nhau” (Study Together), với mục tiêu biến trí tuệ nhân tạo (AI) thành một người bạn đồng hành chủ động và hiệu quả hơn trong quá trình học tập.
Xuất hiện ở thanh bên của giao diện ChatGPT, tính năng này được giới thiệu như một giải pháp học tập có cấu trúc, diễn ra theo thời gian thực, phù hợp với học sinh, sinh viên ở mọi lứa tuổi.

Khác với cách sử dụng ChatGPT thông thường, nơi người dùng đặt câu hỏi và nhận phản hồi tức thì, “Học cùng nhau” được thiết kế để mô phỏng một buổi học và ôn tập chuyên sâu với giáo sư. Mục tiêu của tính năng này là hỗ trợ người dùng trong việc học, phát triển thói quen học tập hiệu quả, duy trì sự tập trung và khám phá sâu hơn các lĩnh vực chuyên môn.
Dù OpenAI chưa công bố chi tiết cách vận hành, những người dùng đầu tiên cho biết “Study Together” thiết lập một buổi học có cấu trúc rõ ràng. Người dùng bắt đầu bằng việc chọn môn học và đặt mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như hoàn thành một chương sách hoặc giải một số bài tập. ChatGPT sau đó sẽ điều phối buổi học với sự hỗ trợ của đồng hồ đếm ngược, các lời nhắc, bài kiểm tra nhỏ và những khoảng nghỉ hợp lý đan xen.
Tính năng này được ví như phiên bản “Pomodoro có mục tiêu” – lấy cảm hứng từ kỹ thuật quản lý thời gian Pomodoro, nhưng được tích hợp thêm AI để hỗ trợ cá nhân hóa và đưa ra phản hồi thông minh theo tiến trình học tập.
Ngoài ra, có suy đoán rằng tính năng học nhóm có thể sẽ là bước phát triển tiếp theo - cho phép bạn bè hoặc bạn cùng lớp học với nhau trong cùng một không gian do AI điều khiển. Tuy nhiên, hiện tại “Study Together” vẫn là một trải nghiệm đơn lẻ.
Tính năng này hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm beta và chỉ dành cho một nhóm người dùng giới hạn, có thể là những người đăng ký gói ChatGPT Plus. OpenAI chưa đưa ra thông báo chính thức nào cũng như chưa công bố thời gian cụ thể cho việc triển khai rộng rãi.
Việc thử nghiệm trong âm thầm dường như nhằm mục đích thu thập số liệu sử dụng và phản hồi thực tế để quyết định có nên mở rộng hay tối ưu hóa công cụ này hay không. Trước đây, OpenAI từng âm thầm ra mắt các tính năng mới theo cách tương tự, và lần này cũng không phải ngoại lệ.
“Study Together” hứa hẹn tạo ra bước ngoặt trong giáo dục khi tích hợp AI vào quá trình học tập một cách chủ động và có cấu trúc. Thay vì chỉ phản hồi câu hỏi, AI giờ đây có thể hỗ trợ người học lập kế hoạch, quản lý thời gian và cá nhân hóa quá trình học tập – những yếu tố giúp giải quyết trực tiếp các thách thức mà học sinh, sinh viên thường gặp khi ôn thi hoặc tự học.
Trong bối cảnh học tập ngày càng số hóa, và học sinh, sinh viên mong muốn có các công cụ giúp họ đi đúng hướng và duy trì tiến độ. OpenAI hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu này thông qua ChatGPT.
Nếu được triển khai rộng rãi, tính năng này có thể định hình lại cách con người học hỏi - từ luyện thi, tự học đến học nhóm trực tuyến. Nó cũng có tiềm năng tạo sức ép cạnh tranh lên thị trường ứng dụng dạy kèm, nền tảng học trực tuyến và các dịch vụ đào tạo cá nhân hóa./.