ChatGPT trong giáo dục đào tạo: Cơ hội, thách thức và giải pháp
ChatGPT, chỉ trong vòng 2 tháng kể từ khi ra mắt vào 11/2022, đã có đến 100 triệu người dùng. Đối với giáo dục và đào tạo, sự bùng nổ của ChatGPT đem lại cả cơ hội và thách thức song song.
Tóm tắt:
* Tận dụng ChatGPT trong giáo dục đào tạo:
(1) Từ góc độ xử lý ngôn ngữ
(2) Từ góc độ sáng tạo ý tưởng
* Một số giải pháp quản lý sử dụng ChatGPT trong giáo dục:
(1) Đối với cơ quan quản lý Nhà nước: hoàn thiện cơ sở pháp lý; nâng cao nhận thức;
(2) Đối với các nhà trường: xây dựng quy định về việc sử dụng ChatGPT; viết báo cáo giải trình ghi lại các bước làm bài (luận) có sử dụng ChatGPT; ghi lại vết truy vấn; sử dụng công cụ phát hiện AI.
Nếu chỉ nhìn vào các thách thức của nó, một số trường học đã có những phản ứng cực đoan - chọn cách cấm ChatGPT vì học sinh có thể sử dụng để làm bài tập tự động. Tuy nhiên cố gắng ngăn chặn hoặc cấm sử dụng có phải là giải pháp khả thi, hiệu quả và bền vững? Vấn đề ở đây là tìm giải pháp vừa tận dụng các ích lợi đồng thời hạn chế các rủi ro mà ChatGPT đem đến cho giáo dục và đào tạo.
ChatGPT (Chat Generative Pre-Trained Transformer) là công cụ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) được phát triển bởi hãng OpenAI, có thể tạo ra nội dung theo yêu cầu từ phía người dùng. Nó được thiết kế để hiểu ngôn ngữ tự nhiên và tạo ra các câu trả lời liên quan với câu hỏi của người sử dụng. Hiện tại, ChatGPT đã được huấn luyện (học) trên một lượng dữ liệu khổng lồ cập nhật đến năm 2021, tuy nhiên theo OpenAI nó sẽ sớm cập nhật thêm dữ liệu của các năm tiếp theo.
Công nghệ này tác động sâu rộng đến tất cả các hoạt động liên quan đến giáo dục đào tạo (GDĐT), như tìm kiếm thông tin, trả lời các câu hỏi về một chủ đề nào đó; soạn thảo, chỉnh sửa các bài luận; tạo ra mã nguồn phần mềm; hỗ trợ giảng giải; đưa ra các mẫu dữ liệu và phân tích; giải các bài toán và phân tích thống kê, cũng như dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác…
Tuy nhiên, có một số lo lắng liên quan đến ChatGPT trong giáo dục như lo lắng về việc lộ lọt thông tin cá nhân, sử dụng vào các mục đích xấu; lo lắng về mất việc làm (thay thế giáo viên); giảm sự sáng tạo và tư duy phản biện; phổ biến các thông tin thiếu chính xác và lan tràn tình trạng đạo văn; lo lắng về sự bất bình đẳng vì nó dựa trên việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Sử dụng ChatGPT trong giáo dục đào tạo
Trong giáo dục, trường học ở một số quốc gia đã chọn cách cấm ChatGPT vì lo sợ người học có thể sử dụng nó để làm bài hộ. Tuy nhiên việc ngăn chặn, cấm sử dụng sẽ không hiệu quả và bền vững, thậm chí còn kích thích tính tò mò của người học. Hơn nữa, người ta đã có thể dự báo ChatGPT tương lai sẽ trở thành một phần thiết yếu trong học tập gần giống như sử dụng máy tính trong môn toán hiện nay.
ChatGPT đã tiếp cận đến mọi người khá dễ dàng nên số lượng học sinh sinh viên và các nhà trường sử dụng cũng sẽ tăng. Chỉ trong vòng 2 tháng ra mắt, số lượng người người sử dụng đã vượt qua con số 100 triệu cho thấy nó sẽ sớm trở lên phổ biến, giống như điện thoại di động ngày nay.
Vì vậy các nhà trường phải tiếp cận theo hướng chủ động thích nghi hơn là đối phó, cần phải chấp nhận sự có mặt của AI trong lĩnh vực giáo dục, học tập và thi cử. Sự xuất hiện của ChatGPT đòi hỏi các nhà trường nên điều chỉnh quan điểm về giáo dục. Trong đại dịch COVID-19 các trường đã xây dựng các quy định mới để ứng phó với sự thay đổi của môi trường, đồng thời quản lý việc học online, thi online. Tương tự, đối với ChatGPT các trường cũng không nên ngăn cấm hoặc bỏ qua mà phải đặt vấn đề sử dụng nó một cách thích hợp.
Từ góc độ xử lý ngôn ngữ
Rõ ràng là ChatGPT rất hữu dụng vì nó có thể giúp tiết kiệm thời gian và công sức trong việc tạo ra các văn bản. Không còn nghi ngờ gì về hiệu suất của ChatGPT trong việc tìm kiếm, tổng hợp và soạn, sửa văn bản (nhất là bằng Tiếng Anh, một ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trên thế giới). Để dễ hình dung, chúng ta thấy Google tìm kiếm các đường link thông tin và tài liệu điện tử chỉ trong 1 cú nhấp chuột, hiệu quả cao hơn rất nhiều so với cách truyền thống như tìm kiếm trong thư viện và đọc các tài liệu giấy.
Còn Excel đã được sử dụng để hỗ trợ tính toán, sắp xếp, lọc số liệu và không ai nghi ngờ gì về ích lợi của nó so với cách làm thủ công vì nó cũng làm giảm thời gian, công sức đi rất nhiều. Tương tự, ChatGPT là công cụ đắc lực có khả năng hơn hẳn Google, Excel. Sử dụng công cụ như ChatGPT để tìm kiếm, tổng hợp, viết bài luận sẽ tiết kiệm thời gian, sức lực trong việc tìm kiếm hàng trăm trang web, cơ sở dữ liệu, tải về các files và lọc chúng.
Thực tế, không dùng ChatGPT thì người học có thể nhờ người khác vì thế sử dụng các công cụ kiểu này để soạn bài luận không phải là vấn đề đáng lo lắng. Các trường không nên lo lắng việc sử dụng ChatGPT để soạn thảo, chỉnh sửa văn bản vì điều này không đánh giá được năng lực của người học trong các lĩnh vực như toán học, nghệ thuật, thiết kế hoặc bất kì lĩnh vực nào khác (nhưng nó có thể hỗ trợ soạn thảo và cải thiện khả năng viết tốt hơn thông qua việc kiểm tra ngữ pháp, từ vựng, chính tả). Đối với các khóa tiếng Anh, việc viết bài luận trực tiếp là rất quan trọng để chứng minh năng lực thực chất của người học. Cùng với đó giáo viên nên tập trung vào phát triển các kĩ năng trình bày, bảo vệ, đánh giá thông tin cũng như tham khảo, phát triển các ý tưởng sáng tạo mới cho người học.
ChatGPT hỗ trợ đa ngôn ngữ, người dùng có thể đặt câu hỏi, đưa ra yêu cầu bằng ngôn ngữ này sau đó dịch kết quả sang ngôn ngữ khác một cách dễ dàng. Do đó, người học dễ dàng tìm kiếm, tổng hợp được các nội dung cần thiết từ các ngôn ngữ khác nhau một cách nhanh chóng.
Cùng với kỹ năng viết, tiến bộ công nghệ trong kỉ nguyên thông tin đòi hỏi người học phải có được các kĩ năng của thế kỉ 21 như kĩ năng phản biện, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, kĩ năng hợp tác, năng lực số. Người học có thể sử dụng cách tìm kiếm ngược với sự giúp đỡ của công cụ như ChatGPT sẽ nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Tìm kiếm ngược là một khái niệm mới, người học sử dụng kết quả đầu ra để tìm các minh chứng chứng minh cũng như các ý tưởng liên qua từ ChatGPT. Người học cần được trang bị kĩ năng để đặt đúng câu hỏi, đúng từ khóa đồng thời biết đánh giá, đối chiếu các kết quả, các gợi ý để từ đó đưa ra quyết định cuối cùng.
Từ góc độ sáng tạo ý tưởng
Tư duy phản biện và khởi nguồn ý tưởng là các thành phần thiết yếu trong học tập và nghiên cứu. Đạo văn hiểu đơn giản là lấy sản phẩm hoặc ý tưởng của người khác làm của mình mà không có sự cho phép của tác giả. Vì thế, nếu người học sử dụng ChatGPT để viết bài luận và đưa ra trích dẫn hợp lý đối với các ý tưởng thông qua việc tìm kiếm ngược, không nên coi đó là đạo văn.
Không sử dụng ChatGPT người học vẫn có thể phạm lỗi đạo văn nhưng nếu sử dụng ChatGPT họ dễ vi phạm hơn. Tuy nhiên, điều đó không phải lý do để tránh sử dụng ChatGPT, vấn đề là sử dụng nó như thế nào. Nếu người học được hướng dẫn cách sử dụng ChatGPT có trách nhiệm thì sẽ không được xem là đạo văn.
Thực tế, không dùng ChatGPT, người học vẫn có thể lấy ý tưởng của người khác để viết bài luận mà vẫn không bị phát hiện. Vì thế, để xác định ý tưởng của người khác hay ý tưởng của người học cần phải sử dụng công cụ phát hiện. Việc này là hoàn toàn có thể đối với ChatGPT bởi vì toàn bộ quá trình hỏi, đáp đều được ghi lại và tải về.
Hơn nữa, ChatGPT có thể tìm kiếm tất cả các ý tưởng liên quan đến cùng một chủ đề, các ý tưởng này hầu hết các người học đều tìm thấy và có thể tái sử dụng. Vì thế giáo viên cũng có thể nhanh chóng nhận ra một ý tưởng mới (ý tưởng không bị lặp lại). Bên cạnh đó, nếu cho phép tất cả người học cùng được sử dụng công cụ sẽ tạo ra sự công bằng, dễ dàng phát hiện ra người có ý tưởng hay nhất hoặc nghiên cứu sâu nhất về cùng một chủ đề cụ thể.
Người học phải đặt hàng loại câu hỏi để có đủ thông tin liên quan, đòi hỏi họ phải rèn luyên các kĩ năng cần thiết để có được kết quả mong muốn. Khi công cụ không cho ra kết quả mong muốn, người học phải nghiên cứu tài liệu và tìm cách điều chỉnh câu hỏi cho đến khi có câu trả lời thỏa mãn. Khi sử dụng ChatGPT bài luận cần phải kèm theo phần thuyết minh, bao gồm các câu hỏi, câu trả lời cũng như các lần thực hiện để ra được kết quả mong muốn. Thêm vào đó, các ý tưởng ban đầu cũng phải được trình bày trong một phần riêng.
Từ phân tích trên có thể thấy văn bản hay ý tưởng có thể được tạo ra bởi con người (người học) hoặc bởi AI hoặc bởi sự kết hợp giữa con người và AI. Sự phối hợp cho ra kết quả chất lượng cao hơn và hiệu quả hơn. Giáo viên nên khuyến khích sử dụng kết hợp để giải quyết các nhiệm vụ học tập như tìm thông tin, viết bài hay soát lỗi.
Kết hợp người - máy thì kết quả ra sẽ tốt hơn cả về tính sáng tạo, hiệu quả so với chỉ người hoặc chỉ máy. Văn bản chỉ do AI tạo ra sẽ thiếu trích nguồn và vi phạm tiêu chuẩn liêm chính học thuật. Tương tự, các ý tưởng do con người tạo ra theo cách truyền thống cũng có thể không được thực hiện một cách hiệu quả và đầy đủ nguồn gốc xuất xứ.
ChatGPT có thể tìm ra một số lượng lớn các ý tưởng liên quan đến một chủ đề đã được công bố và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu. Điều này tạo thuận lợi cho con người xác định xem ý tưởng của họ đã tồn tại trước đó chưa hoặc xuất phát từ nguồn nào, hay phát triển dựa trên các ý tưởng nào đã có sẵn - tất cả có thể được thực hiện vô cùng nhanh chóng. AI có thể hỗ trợ làm tăng cường khả năng của con người thông qua sự hợp tác người - máy trong lĩnh vực học tập.
Nhờ sự sử dụng trí tuệ của cả con người và AI, các nhiệm vụ học tập có thể được xử lý thông minh hơn. Lưu ý rằng hợp tác giữa người và AI được đánh giá theo 2 khía cạnh phát triển ý tưởng và soạn thảo văn bản. Văn bản do ChatGPT tạo ra chứa nhiều ý tưởng đã được tìm kiếm, thu thập, tổng hợp và trình bày. Vì vậy bất cứ một ý tưởng, một văn bản lấy của ChatGPT cần phải được diễn đạt lại và trích nguồn. Không làm như thế sẽ xem như là đạo văn và vi phạm liêm chính học thuật.
Tóm lại, ChatGPT có thể dùng để tìm hiểu, xây dựng ý tưởng liên quan đến một chủ đề hoặc tạo ra mã nguồn cho một chương trình ứng dụng nhưng sản phẩm đầu ra này không nên xem như kết quả cuối cùng; cần tìm thêm nội dung và ý tưởng khác cũng như trích dẫn một cách hợp lý (sử dụng cách tìm kiếm ngược). Công cụ này cũng có thể được sử dụng để diễn đạt lại văn bản, sửa lỗi tiếng Anh và gợi ý hoàn thiện.
Một số giải pháp quản lý sử dụng ChatGPT trong giáo dục
Từ những phân tích ở trên bài viết đề xuất các nhóm giải pháp để quản lý việc sử dụng ChatGPT trong giáo dục và đào tạo đảm bảo minh bạch, tin cậy, liêm chính và xác thực trong học tập, các nhóm giải pháp cụ thể như sau:
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước
Hoàn thiện cơ sở pháp lý để khuyến khích phát triển và khai thác, sử dụng các ứng dụng AI phù hợp, có hiệu quả; chủ động cung cấp thông tin chính thống, chính xác để huấn luyện các mô hình AI, đồng thời ngăn chặn những thông tin xấu, độc hại, sai lệch.
Nâng cao nhận thức và chuẩn bị kỹ năng số cho người học để chủ động thích ứng trong môi trường học tập đa dạng, trong đó có AI, ChatGPT.
Rà soát các quy định, hướng dẫn để có thể sử dụng các công cụ AI phù hợp với yêu cầu quản lý và đáp ứng nhu cầu của người dạy và người học.
Thúc đẩy các cơ sở giáo dục nâng cao nhận thức về đạo đức và liêm chính học thuật; khuyến khích người học suy nghĩ sáng tạo, chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân khi sử dụng các công cụ AI.
Đối với các nhà trường
Thứ nhất, quy định về việc sử dụng ChatGPT: Nhà trường cần quy định rõ trong chương trình học về việc có thể sử dụng ChatGPT, thậm chí khuyến khích sử dụng; đồng thời giải thích mục đích của việc sử dụng công cụ này, cũng như cung cấp các chỉ dẫn, hướng dẫn sử dụng, một số nội dung quy định cơ bản bao gồm:
ChatGPT là công cụ AI có thể giúp soạn thảo văn bản trong thời gian rất ngắn, tìm kiếm dễ dàng hiệu quả, tổng hợp thông tin, các ý tưởng liên quan đến một chủ đề cụ thể, cải thiện kĩ năng viết của người học.
Người học cần kiểm tra, đánh giá các thông tin do ChatGPT tạo ra vì nó có thể không thực sự liên quan hoặc không chính xác; người học phải kiểm tra nguồn gốc của thông tin và trích dẫn phù hợp. Việc copy và nộp bài viết do ChatGPT tạo ra là đạo văn.
Người học phải nhận thức rõ ràng về sự trợ giúp của ChatGPT trong thực hiện nhiệm vụ học tập.
Khi nộp bài tập, người học phải cung cấp 02 tệp: 1 tệp chứa minh chứng truy vấn và 1 tệp chứa thông tin phản hồi.
Tất cả các bài tập được làm có sự hỗ trợ của ChatGPT sẽ được đánh giá thông qua thi vấn đáp và thuyết trình; người học cần chuẩn bị sẵn sàng để trả lời các câu hỏi hoặc chất vấn của giáo viên trong quá trình trình bày. Người học có thể được yêu cầu viết về một chủ đề nhỏ hoặc đoạn mã tương tự như bài tập đã nộp.
Trong tất cả các trường hợp, người học phải cam kết bài làm của mình không vi phạm quy định về đạo văn, có mức độ sao chép đúng tỉ lệ quy định, nội dung chính của bài là tự làm (không phải AI). Điều này có thể xác định thông qua sử dụng các phần mềm phát hiện nội dung do AI tạo ra.
Khi phần mềm chống đạo văn phát hiện ra, giáo viên sẽ đánh giá cẩn thận những nội dung nghi ngờ đạo văn hoặc nghi ngờ do máy làm, đồng thời sẽ xem xét từng trường hợp để có quyết định đúng đắn nhất, trong đó có tính đến cả bối cảnh khóa học và bài làm cụ thể.
Thứ hai, viết báo cáo giải trình: Người học phải ghi lại các bước làm bài (luận) có sử dụng ChatGPT, bao gồm cả những nội dung không có tài liệu tham khảo, ý tưởng mới, ý tưởng đã có, những mâu thuẫn và cách người học đã tận dụng chúng, tất cả những thuyết minh chứng minh rằng ChatGPT không làm hộ. Trong trường hợp lập trình, người học cần mô tả các lần chỉnh sửa và sẵn sàng trình bày trực tiếp nếu giáo viên yêu cầu.
Thứ ba, ghi lại vết truy vấn: Người học phải cung cấp bản ghi lại các câu hỏi và câu trả lời, ChatGPT có hỗ trợ để tải xuống truy vấn dưới dạng file bảng tính hoặc chụp màn hình. Điều này cho thấy sự minh bạch, tin tưởng khi đánh giá các ý tưởng vì chúng giúp phân biệt giữa ý tưởng của máy và của người.
Thứ tư, sử dụng công cụ phát hiện AI: Giáo viên sử dụng công cụ phát hiện đạo văn để kiểm tra các bài tập của người học. Công cụ này sẽ cho biết nội dung được tạo ra bởi con người hay bởi máy. Một số công cụ có thể cho biết cả tỉ lệ phần trăm nội dung được tạo ra bởi máy hoặc tạo ra bởi người. Tuy nhiên, sau khi công cụ phát hiện ra thì giáo viên cũng cần xem xét kĩ thêm từng trường hợp cụ thể.
Thứ năm, đổi vai trò giữa giáo viên và người học: Giáo viên có thể đổi vai trò với người học để đánh giá. Giáo viên có thể sử dụng ChatGPT để làm một bài luận và yêu cầu người học đánh giá, kiểm tra độ chính xác, bình luận, tìm kiếm thông tin liên quan, tổng hợp và bổ sung. Đây là là một cách hiệu quả để đánh giá tư duy phản biện, sáng tạo cũng như xác thực việc học.
Kết luận
Khi ChatGPT mới nổi lên, nhiều nhà trường và người học chưa nhận thức đầy đủ hoặc chỉ nghe mà chưa trải nghiệm, khám phá. Để giúp họ sử dụng công cụ một cách đầy đủ, cần bồi dưỡng tập huấn về các chức năng, cách đánh giá tính chính xác, cách đặt câu hỏi truy vấn. Thêm vào đó, cần hướng dẫn phân biệt giữa soạn bài luận (soạn thảo, diễn đạt, ngữ pháp, chính tả) và tạo ý tưởng (phát triển ý tưởng mới, tổng hợp các ý tưởng, phản biện).
Giáo viên nên cho phép và đề xuất sử dụng ChatGPT vì bằng cách này hay cách khác thì người học vẫn có thể dùng. Khi cho phép tất cả người học cùng sử dụng công cụ sẽ tạo ra cơ hội bình đẳng để phát triển ý tưởng và cải thiện khả năng viết. Bằng cách này giáo viên cũng dễ dàng xác định được những người học có ý tưởng mới.
Hiện nay ChatGPT có phiên bản miễn phí, tuy nhiên nếu OpenAI quyết định thu phí, các trường vẫn có thể xem xét cung cấp miễn phí cho người học và tích hợp với phần mềm LMS và xem đây như 1 nguồn đầu tư cho đào tạo. Trong tương lai, ChatGPT sẽ phát triển thành mô hình tinh vi, độ chính xác cao cùng với các tiến bộ của công nghệ AI. OpenAI cũng sẽ tạo ra các phiên bản đặc biệt dành riêng cho giáo dục hàn lâm, có các chức năng gắn với học thuật, tương tự như Google Schoolar.
ChatGPT sẽ thúc đẩy sáng tạo thông qua sự cạnh tranh giữa những nội dung tạo ra bằng máy và những nội dung không tạo ra bằng máy. Tất cả mọi người có thể sử dụng ChatGPT, xem các nội dung nó tạo ra tuy nhiên ý tưởng ban đầu vẫn là do con người tạo ra. Tính sáng tạo có thể được kiểm chứng thông qua các báo cáo giải trình, kiểm tra vấn đáp, bài thuyết trình. Điều này là cần thiết để đo mức độ hiểu về một chủ đề, khả năng phát hiện các ý tưởng.
Lĩnh vực giáo dục đang trải qua sự chuyển đổi nhanh chóng vì sự xuất hiện của các công nghệ mới và sự đòi hỏi các kĩ năng khác biệt hơn nhiều so với các thế hệ trước. Người học phải biết trình bày tư duy phản biện, đánh giá thông tin cũng như phát triển và trình bày ý tưởng mới. Hơn nữa, kĩ năng trình bày sẽ rất cần thiết trong việc học tập và bảo vệ ý kiến, rất cần thiết trong làm việc thực tế. Trình bày, vấn đáp, bảo vệ ý kiến sẽ trở thành chuẩn đánh giá trong môi trường giáo dục, để xác định việc học thật cùng với sự hỗ trợ của ChatGPT.
Trên đây bài viết đã tìm hiểu tổng quan về ChatGPT, phân tích điểm mạnh, cơ hội cũng như hạn chế, thách thức của ChatGPT, chứng minh sự gắn kết của nó trong các hoạt động giáo dục đào tạo. Từ đó đề xuất các nhóm giải pháp đối với cơ quan quản lý Nhà nước và đối với các nhà trường nhằm quản lý khai thác sử dụng hiệu quả các lợi ích mà ChatGPT mang lại đồng thời hạn chế các tiêu cực có thể phát sinh. Đồng thời bài viết cũng thảo luận các hướng phát triển tiếp theo cần được tiếp tục nghiên cứu./.
Tài liệu tham khảo:
1. https://thanhnien.vn/giao-duc-...2. https://www.teachermagazine.co...
3. Halaweh, M (2023). ChatGPT in education: Strategies for responsible implementation. Contemporary Educational Technology, 15 (2), ep421.
4. Garcia-Penalvo, F.J. (2023). The perception of artificial intelligence in educational contexts after the launch of ChatGPT: Disruption or panic? Education in the knowledge Society, 24, e31279.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2023)