ChatGPT: Làn nước mát cho giáo dục
Trong những ngày qua, thế giới chứng kiến sự hào hứng trong việc tiếp nhận, khai thác, sử dụng, truyền bá công cụ ChatGPT như là một sự phát kiến rất lớn của con người.
Sự hào hứng tiếp nhận ChatGPT
Nhiều người có thể chưa biết về ChatGPT là gì thì có thể hình dung các ứng dụng trên Internet ra đời như Tik Tok là 1 hiện tượng, nhưng Tik Tok để có 100 triệu người dùng thì phải mất 100 triệu USD và 2 năm “nuôi” các KOL, còn ChatGPT ra đời tháng 11/2022 sau 5 ngày đã có 1 triệu người dùng. Sau 2 tháng, ChatGPT đã có 100 triệu người dùng. Đây bước tiến đạt số lượng người dùng lớn nhất. ChatGPT ra đời đã khiến Microsoft đã phải quyết định ký hợp đồng ngay với OpenAI trị giá 10 triệu USD để cùng OpenAI cải thiện Bing.
Ông Phùng Việt Thắng, Phó Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ tại toạ đàm “ChatGPT, trí tuệ nhân tạo - lợi ích và thách thức đối với giáo dục” do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức chiều ngày 13/2 cho biết ChatGPT là một phiên bản thể hiện rất thành công của ứng dụng AI và phiên bản thành công này có các yếu tố khác với những phiên bản khác là tính phổ cập, tính tiếp cận và tính học hỏi mang tính ngôn ngữ. ChatGPT đã có thể chat tiếng Việt Nam nên đây là sự thú vị và cám dỗ.
Sự thú vị của ChatGPT, theo ông Thắng, là nhờ phía sau có một loạt các công nghệ đã ra đời và được áp dụng nhiều năm trước đây để ngày hôm nay trở thành một sản phẩm hội tụ, đại trà, được tiếp cận cao. Theo đó, ChatGPT là biểu hiện thành công của một xu hướng công nghệ AI trên toàn cầu.
Ông Thắng cũng chia sẻ: “Những công ty công nghệ như Microsoft cũng như các công ty công nghệ khác đã đầu tư vào AI và cũng như nhiều công nghệ tiên tiến khác như nhiều năm vừa qua. Đây là một sự khuyến khích vô cùng thuận lợi cho những công nghệ ấy được xã hội hoá, được phát triển ở các trình độ cao hơn”.
Bình tĩnh trước ChatGPT
Trước những hào hứng của thế giới và Việt Nam về ChatGPT, PGS. TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng trường CNTT và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ những người làm công nghệ, khoa học thì tiếp nhận câu chuyện ChatGPT khá bình tĩnh bởi công nghệ hay khoa học công nghệ nói chung có quá trình phát triển dài và đến một thời điểm nào đủ chín, có đủ điều kiện hội tụ thì sản phẩm công nghệ sẽ ra đời.
Theo phân tích của PGS. TS. Tạ Hải Tùng, sản phẩm ChatGPT có cái hay là vì nó đi được thẳng đến người dùng đại chúng nên mọi người khá bất ngờ. ChatGPT là công nghệ tạo sinh, tức là sinh ra các nội dung mới từ nội dung đã được huấn luyện. Những người làm công nghệ thì thấy cũng bình thường và ChatGPT chỉ là cái demo cho công nghệ phía sau, chính là công nghệ AI tạo sinh hay là mô hình ngôn ngữ lớn. Đó mới là tương lai phát triển trong một lĩnh vực đã có quá trình phát triển rất dài như AI và bây giờ ChatGPT thu hút đầu tư cũng như nghiên cứu tạo ra sản phẩm.
PGS. TS. Tạ Hải Tùng cho rằng: “Nên coi ChatGPT là thành tựu mà lần đầu tiên người dùng đại chúng được trải nghiệm năng lực của AI không quá xa xôi nhưng cũng không nên kỳ vọng nó tạo ra được một thứ mà sẽ thay thế con người trong một sớm một chiều vì đơn giản đây là mô hình dự đoán, vẫn chưa có được khả năng truy vấn, sáng tạo như con người”.
“Nên cần tiếp cận vừa phải, coi đó là công cụ để cho ngành nghề của chúng ta tốt hơn và không ai có cảm giác bị đe doạ nếu chúng ta vẫn giữ một tinh thần ủng hộ cái mới và tiếp cận cái mới một cách chừng mực và coi đó là một công cụ cho ngành nghề của chúng ta tốt hơn”, PGS. TS. Tạ Hải Tùng chia sẻ.
ChatGPT - làn nước mát cho giáo dục
Trước sự phát triển của AI, gần đây là sự ra đời của ChatGPT đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu và hiện đang là chủ đề thảo luận, nghiên cứu của nhiều quốc gia trên thế giới. Bộ GD&ĐT đã chủ động tìm hiểu và nhận thức về cơ hội cũng như những thách thức đặt ra của ChatGPT và AI đối với giáo dục sẽ sớm có hành động phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực, phát huy hiệu quả tích cực của AI nói chung và ChatGPT nói riêng trong giáo dục.
PGS. TS. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết CNTT trong nhiều thập kỷ qua đã mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích và sự ra đời của công nghệ mới, công cụ mới đều giúp cho công việc của chúng ta dễ dàng hơn, nâng cao chất lượng giáo dục như chúng ta đã chứng kiến sự chuyển đổi rất lớn từ học tập trực tiếp sang trực tuyến với nhiều công cụ hỗ trợ hữu hiệu.
Với AI nói chung và ChatGPT nói riêng, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết mọi người đều có mức độ trải nghiệm chatGPT khác nhau và đều có tâm lý hào hứng nhất định. “Chắc chắn những công nghệ này có tác động căn bản, toàn diện mọi mặt trong ngành giáo dục từ chương trình giáo dục, vai trò của người thầy, cách tổ chức dạy học, cách tiếp cận với học liệu, cách tiếp cận với tri thức của người học, đặc biệt là vai trò của cá nhân hoá, cá thể hoá ngày càng cao hướng tới quá trình dạy và học, hướng tới học nhiều hơn là dạy”.
TS. Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập FUNiX cho biết chủ đề AI trong GD&ĐT đã có từ lâu, ChatGPT là một sự chứng nhận, làn nước mát, mưa rào vì mục tiêu cuối cùng là người học phải tự học mà học được thì cần câu hỏi.
Sinh viên có thể đặt ra nhiều câu hỏi hơn với ChatGPT khi mà học với thầy cô trên giảng đường chưa thể. FUNiX đã triển khai ChatGPT nên sinh viên mạnh dạn đặt ra nhiều hỏi. Chúng ta chỉ có thể học qua câu hỏi. Việc này đi đúng bản chất của giáo dục. Google hay Việt Nam cũng dự định ra các công cụ tương tự. Đây là xu hướng cần hướng tới sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta với giáo dục, ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ.
TS. Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục cho biết có thể nói mục tiêu lớn nhất của sự ra đời AI là để tạo ra được văn bản giống con người, thông minh hơn con người và theo ngôn ngữ, kiểu nói của con người.
Ông Phùng Viết Thắng cho biết khi nói về AI, cụ thể Chat GPT có thể áp dụng gì trong giáo dục thì đây là đề tài rất lớn để bàn thảo. “ChatGPT nóng lên trong thời gian qua là dấu hiệu tốt cho thấy cần phải đầu tư, làm chủ công nghệ và phải xác định theo hướng tích cực để làm tốt hơn trong dạy và học hay là thách thức mang tính tiêu cực cần hạn chế, tức là AI có trách nhiệm”.
Hiệu trưởng Tạ Hải Tùng chia sẻ thêm thế giới có nhiều ví dụ điển hình (case study) liên quan đến ứng dụng AI để nâng cao hiệu quả giảng dạy. Trung Quốc đã có những hệ thống được demo, khi chia kiến thức ra thành các module nhỏ và chỉ mất 10 câu hỏi đã biết học sinh, sinh viên (HS-SV) bị kém điểm gì. Việc ứng dụng công nghệ giúp hiểu HS-SV và có thể đưa ra một dịch vụ giáo dục tốt.
Cũng theo Hiệu trưởng Tạ Hải Tùng, gần đây, có nhiều trường có xu hướng cấm sử dụng ChatGPT vì có khả năng các HS-SV viết bài luận và vượt qua việc chấm điểm của các thầy cô nhưng đây là việc khá bảo thủ. Nếu dùng ChatGPT, giúp các học sinh có thể nâng kỹ năng viết lách của các em thì rất tốt. Thay vì kiểm tra đoạn văn này là của ChatGPT viết hay do HS-SV viết thì có thể trao đổi với các em cách làm bài luận đó với sự hỗ trợ của ChatGPT để đạt điểm cao hơn. Như vậy, vô hình chung có thể nói là công nghệ giúp nâng chuẩn đào tạo.
Nói cho cùng, theo nhấn mạnh của Hiệu trưởng Tạ Hải Tùng, công nghệ hỗ trợ thầy cô giáo hiểu HS-SV hơn, qua đó có những dịch vụ giáo dục tốt hơn và điều này mang lại tương lai cho giáo dục và không đe doạ bất kỳ ai. Công nghệ mới đặt ra yêu cầu là chúng ta phải thích ứng với nó, và thích ứng để nâng chuẩn đào tạo. Đây có thể là tương lai của giáo dục./.