Châu Á sẵn sàng cho sự phát triển của nền kinh tế số tương lai?

TH| 17/06/2019 08:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Người tiêu dùng số châu Á hiện đang dẫn đầu toàn cầu với trung bình 22,1 giao dịch/người mỗi năm, trong khi số giao dịch trung bình của người dân Bắc Mỹ là 19.

Đây là số liệu của KPMG, một trong những nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất thế giới và là 1 trong 4 công ty lớn của thế giới trong ngành kiểm toán.

Tại Trung Quốc, hàng triệu người tham gia giao thông công cộng mỗi ngày nhờ sử dụng điện thoại thông minh, trả tiền cho bữa sáng với WeChat và sử dụng một ứng dụng để đặt đồ ăn trưa. Họ làm việc tại các văn phòng ứng dụng blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), robot và điện toán đám mây. Thậm chí, nhiều người còn đặt bữa tối tại các nhà hàng qua Internet hay các cửa hàng bán đêm trên tàu.

Tất cả những việc này không có gì ngạc nhiên bởi người dân khu vực châu Á đã nhanh chóng trở thành người tiêu dùng công nghệ hàng đầu thế giới. Phần lớn được hỗ trợ bởi sự phổ cập của điện thoại thông minh và truy cập vào các kết nối điện thoại di động 4G tốc độ cao, làm bùng nổ các nền tảng truyền thông xã hội và thương mại điện tử.

Về việc sử dụng điện thoại di động, khu vực này đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng chưa từng thấy trong những năm gần đây. Chỉ tính riêng năm 2017, châu Á đã có thêm 319 triệu kết nối di động mới, so với con số 5 triệu kết nối di động mới tại châu Âu vào cùng thời điểm.

Rõ ràng, công nghệ đang biến đổi khu vực châu Á về mặt xã hội, văn hóa và kinh tế với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, những thách thức của việc áp dụng công nghệ trong khu vực và sự thay đổi để trở thành xã hội tiêu dùng kỹ thuật số hàng đầu thế giới đi kèm với những rủi ro lớn, cụ thể là mối đe dọa của tội phạm mạng.

Nắm bắt hệ sinh thái số của châu Á

Người tiêu dùng châu Á đặc biệt năng động khi tích hợp công nghệ vào cuộc sống của họ so với các thị trường khác.

Theo công ty nghiên cứu Kantar TNS, năm 2017, 77% người tiêu dùng được kết nối ở châu Á - Thái Bình Dương đã thực hiện các mua sắm gần đây nhất trên điện thoại di động, so với mức 61% trên toàn cầu và 24% tại châu Âu. Châu Á cũng dẫn đầu thế giới về thanh toán trực tuyến, theo KPMG, với trung bình 22,1 giao dịch/người mỗi năm, trong khi đó tại Bắc Mỹ con số này là 19 giao dịch.

Số giao dịch trực tuyến/người/năm ở các châu lục

Dòng vốn từ các nhà đầu tư vào khu vực cho thấy thương mại trực tuyến tại châu Á mới chỉ bắt đầu. Theo báo cáo của công ty Tech in Asia của Singapore, vốn đầu tư mạo hiểm cho các công ty khởi nghiệp công nghệ Đông Nam Á đã tăng gấp ba lần trong năm 2017, đạt gần 8 tỷ USD.

Những khoản đầu tư này đã góp phần vào sự phát triển đột biến của nền kinh tế số Đông Nam Á, dự kiến sẽ tăng từ 50 tỷ USD năm 2017 lên 240 tỷ USD vào năm 2025.

Khi quá trình số hóa ngày càng mở rộng tại châu Á, ranh giới giữa thế giới vật lý và trực tuyến sẽ dần bị xóa nhòa. Một người phụ nữ ở Ấn Độ có thể xem một tai nghe được quảng cáo trên một tờ báo, mua chúng trực tuyến và sau đó đăng tải hình ảnh sử dụng nó của mình trên phương tiện truyền thông xã hội.

Sự tăng trưởng bùng nổ và hệ lụy

Tăng trưởng số nhanh chóng của châu Á cũng đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp những thách thức mới nhằm khai thác các lợi ích mà số hóa mang lại trong khi giảm thiểu rủi ro có thể.

Các công ty phải liên tục tìm kiếm các chiến lược mới để tồn tại và phát triển trong môi trường số ngày càng phức tạp.

Các nhà quản lý và hoạch định chính sách của châu Á đang tập trung vào việc bảo vệ dữ liệu của người tiêu dùng, trong khi đó các doanh nghiệp đang đẩy mạnh khai thác dữ liệu để tạo ra những lợi thế trong các hoạt động kinh doanh.

Chính phủ và các cơ quan quản lý tăng cường thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong nền kinh tế của họ tiếp cận thị trường. Ví dụ, các nền tảng số như Go-Jek, Line hoặc WeChat, cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, nhằm tiếp cận và phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.

Tuy nhiên, khi làm như vậy, các công ty này cũng mang lại những rủi ro nhất định, ví dụ những nền tảng lớn này có thể nắm giữ và kiểm soát một số phân khúc thị trường nhất định.

Sự thâm nhập của Internet theo khu vực

Phát triển số không đồng đều giữa các quốc gia trong khu vực cũng là một mối quan tâm khác. Tại Đông Nam Á, hơn 40% dân số vẫn chưa được truy cập Internet thường xuyên. Khoảng cách số ngày càng lớn sẽ làm gia tăng giàu nghèo, gây bất bình đẳng xã hội và các hệ lụy khác.

Học hỏi từ kinh nghiệm từ các khu vực khác

Khi các nhà hoạch định chính sách trong khu vực xem xét và giải quyết những vấn đề này cần đảm bảo sự tăng trưởng bền vững, khai thác tài sản cốt lõi cho phát triển số hóa: dữ liệu.

Châu Á không phải là khu vực duy nhất tập trung vào lĩnh vực này. Nhiều chính phủ trên khắp thế giới đang xây dựng và ban hành các quy định pháp luật về việc dữ liệu của người tiêu dùng thuộc về ai và cách bảo vệ dữ liệu tốt nhất.

Châu Á có nhiều lợi thế trong việc quan sát và học hỏi kinh nghiệm từ các quy định tại các khu vực khác trên thế giới. Ví dụ, Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Liên minh châu Âu (EU) đã cân bằng và hài hòa các tiêu chí bảo vệ dữ liệu trên khắp châu Âu. Quy định cho phép người tiêu dùng ở châu Âu quyền kiểm soát dữ liệu của họ và yêu cầu các tổ chức đảm bảo quyền riêng tư bằng cách đưa vào trong quy trình phát triển sản phẩm của họ.

Ngược lại, vấn đề bảo vệ dữ liệu tại châu Á có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia. Các khái niệm cơ bản về dữ liệu cá nhân và dữ liệu nhạy cảm vẫn chưa nhất quán, dẫn tới việc xử lý chúng gặp nhiều khó khăn. Một số quốc gia đã nhận thấy sự cần thiết về an toàn và cho phép truyền dữ liệu xuyên biên giới, trong khi một số quốc gia khác có ý định ngăn chặn luồng dữ liệu này. Điều này gây cản trở sự kết nối giữa các thị trường, hạn chế khả năng sử dụng dữ liệu và thậm chí còn gây ra nhiều rủi ro khác.

Do đó, các nhà hoạch định chính sách khu vực cần đưa  ra các phương thức quản lý dữ liệu mà người dân tin tưởng thông qua sự minh bạch, lựa chọn và kiểm soát, bảo mật, sử dụng hợp lý và có trách nhiệm.

Người tiêu dùng cũng cần được đào tạo và giáo dục nhiều hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu và các thực tiễn tốt nhất để bảo đảm quyền riêng tư trực tuyến của họ. Điều này sẽ giúp thúc đẩy sự bao trùm số, kiến ​​thức số và các kỹ năng công nghệ mới để đảm bảo người dân châu Á có thể được hưởng đầy đủ các lợi ích của công nghệ.

Cuối cùng, việc ban hành các quy định và chiến lược nhằm hỗ trợ thương mại điện tử và chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới hợp lý có thể giúp thúc đẩy hiện thực hóa tiềm năng của thị trường số khu vực.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Châu Á sẵn sàng cho sự phát triển của nền kinh tế số tương lai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO