Đây là lần đầu tiên chính phủ ba nước bày tỏ quan điểm chung về vấn đề này. Vào tháng 5/2002, các cơ quan quản lý của EU cho biết đang phân tích vấn đề liệu những gã khổng lồ công nghệ như Google, Meta và Netflix có nên gánh vác một số chi phí cho nâng cấp mạng lưới viễn thông hay không.
Trong một văn bản chung, ba chính phủ cho biết sáu nhà cung cấp nội dung lớn nhất chiếm 55% lưu lượng truy cập Internet. "Điều này tạo ra các chi phí cụ thể cho các nhà khai thác viễn thông châu Âu về công suất, vào thời điểm họ đã đầu tư rất lớn cho mạng lưới 5G và cáp quang đến tận hộ gia đình (Fiber-To-The-Home - FTTH)".
Văn bản kêu gọi các mạng viễn thông châu Âu và các nhà cung cấp nội dung trực tuyến lớn phải cùng chi trả một phần chi phí mạng một cách công bằng. "Chúng tôi kêu gọi một đề xuất lập pháp... đảm bảo tất cả các bên tham gia thị trường đều đóng góp chi phí cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số", tài liệu cho biết.
Theo một nghiên cứu được công bố bởi nhóm vận động hành lang viễn thông ETNO vào đầu năm nay, khoản đóng góp hàng năm 20 tỷ euro cho chi phí mạng của các gã khổng lồ công nghệ có thể mang lại mức tăng 72 tỷ euro cho nền kinh tế EU.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động cảnh báo việc Big Tech trả tiền cho các mạng có thể đe dọa các quy tắc trung lập của EU.
Cũng theo Reuters, Giám đốc kỹ thuật số của châu Âu Margrethe Vestager cho biết, sau khiếu nại của các nhà khai thác viễn thông EU, các "đại gia" công nghệ như Google, Meta và Netflix có thể phải chịu một số chi phí cho mạng lưới viễn thông của châu Âu.
Giám đốc Vestager cho biết: "Tôi nghĩ rằng có một vấn đề mà chúng ta cần phải xem xét với cùng nhiều vấn đề quan trọng, và đó là vấn đề đóng góp công bằng cho các nhà mạng viễn thông. Bởi vì chúng tôi thấy rằng có nhiều công ty tạo ra nhiều lưu lượng truy cập thúc đẩy kinh doanh nhưng đã không thực sự đóng góp để kích hoạt lưu lượng đó. Các công ty đã không đóng góp vào việc đầu tư cho thúc đẩy kết nối. Và chúng tôi đang trong quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng về cách có thể kích hoạt tính năng này".
Bà Vestager cho biết đang xem xét cách thức lưu lượng dữ liệu phát triển theo thời gian và điều đó liên quan đến đại dịch COVID-19.
Theo một nghiên cứu do nhóm vận động hành lang viễn thông ETNO công bố ngày 1/8, Meta, Alphabet, Apple, Amazon, Microsoft và Netflix chiếm hơn 56% tổng lưu lượng dữ liệu toàn cầu vào năm ngoái./.