Chuyển đổi số

Chỉ số ít doanh nghiệp đang thực sự chuyển đổi số

Thế Phương 11:25 17/02/2023

Dù chuyển đổi số (CĐS) được xem là ưu tiên hàng đầu nhưng hầu hết doanh nghiệp (DN) mới chỉ đang ở giai đoạn khởi động, chỉ số ít đơn vị mới có những bước tiến và phát triển thực sự trong công cuộc này.

anh-1-1-.jpg
Ông Trần Tuấn Anh: Chỉ một vài phần trăm nhỏ những DN, tập đoàn lớn mới có những bước tiến và phát triển thực sự trong công cuộc CĐS.

DN còn rất nhiều việc phải làm để CĐS

Đánh giá về câu chuyện CĐS ở Việt Nam trong năm 2022, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Tư vấn CĐS khu vực miền Nam của Base.vn cho biết, thời gian qua, cơ quan nhà nước đã có nhiều hoạt động để đẩy mạnh hoạt động này hơn bao giờ hết. Nhiều thông tin được hỗ trợ tuyên truyền và nhiều chủ trương được đưa ra, xuyên suốt qua các cấp, các địa phương, nhằm kêu gọi CĐS, thể hiện sự ủng hộ, đồng hành sát sao của Nhà nước, Chính phủ trong quá trình này.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ khía cạnh thực trạng CĐS trong cộng đồng DN, tổ chức, thì phần lớn các đơn vị mới chỉ đang ở giai đoạn khởi động, hay thậm chí đang đứng ngoài nền kinh tế số. Bên cạnh đó, dù có những đơn vị đã triển khai, áp dụng công nghệ nhưng cũng mới chỉ ở trong những bước đầu tiên của số hóa, chưa nên gọi là CĐS. “Chỉ một vài phần trăm nhỏ những DN, tập đoàn lớn mới có những bước tiến và phát triển thực sự trong công cuộc CĐS”, ông Tuấn Anh nhận định.

Trước những ý kiến cho rằng “CĐS gặp nhiều khó khăn hơn thuận lợi”, ông Tuấn Anh khẳng định, điều đó cho thấy còn nhiều việc phải làm. DN đang gặp rất nhiều vấn đề trong bối cảnh này. Một trong số đó là việc thiếu kiến thức thực về CĐS, khi mà nhiều đơn vị vẫn loay hoay không biết phải bắt đầu tư đâu.

Trước bối cảnh này, thách thức của các đơn vị cung cấp giải pháp như Base chính là đẩy nhanh và nhiều hơn nữa các hoạt động nhằm hướng dẫn, tư vấn, nâng cao nhận thức của DN về những giá trị của CĐS, hơn là việc kinh doanh bán phần mềm. Đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ cần đầu tư nhiều thời gian hơn để giúp DN hiểu rõ vai trò của công nghệ, tại sao DN nên áp dụng vào thời điểm này hoặc tại sao không.

Trước đây, đã từng có một khoảng thời gian nhiều đơn vị công nghệ tiến vào Việt Nam, áp dụng các giải pháp phần mềm đối với DN, nhưng lại không phù hợp về thời điểm, quy mô, thói quen hoặc văn hóa làm việc. Điều này đâu đó đã khiến nhiều DN mất niềm tin vào công nghệ và các đơn vị tư vấn.

“Chính vì vậy, trong giai đoạn này, chúng ta cần phải thay đổi cách làm, thực chiến hơn, kiên trì hơn và như tôi đã nói, còn rất nhiều cơ hội cho những đơn vị công nghệ đi con đường đúng đắn”, ông Tuấn Anh chia sẻ thêm.

Đồng thời, theo đại diện của Base, vẫn có những điểm tích cực, với hơn 800.000 DN ở Việt Nam, công cuộc CĐS còn rất dài và những đơn vị như Base còn nhiều cơ hội và khoảng trống để có thể phát triển, thực làm, thực chiến.

anh-5.jpg
Học viện Hàng không Việt Nam là một trong số những bài học tiêu biểu về việc ứng dụng CĐS trong hoạt động của đơn vị mình.

Chia sẻ về một câu chuyện CĐS tiêu biểu, theo ông Tuấn Anh, đó là trường hợp của Học viện Hàng không Việt Nam. Đây là một đơn vị nhà nước với đội ngũ người dùng không trẻ, nhưng đã áp dụng Base một cách rất hiệu quả, văn minh dưới sự chỉ đạo và quyết tâm của một người lãnh đạo kỷ luật và có tính hệ thống cao. Trước khi tìm hiểu và triển khai công nghệ, nhiều quy trình, công việc không được minh bạch. Sau gần 1 năm hợp tác với Base, phần lớn các công việc, dự án ở Học viện đều được trực quan, nhân sự nắm rõ được nhiệm vụ và vai trò của mình trong các dự án.

“Mặc dù các ứng dụng của chúng tôi không đáp ứng được tất cả nhu cầu của Học viện Hàng không vì họ có nhiều bài toán liên quan đến chuyên môn. Trong quá trình sử dụng, họ liên tục phản hồi, phản ánh về các tính năng của sản phẩm, nhưng khi đến gặp trực tiếp, ngồi và lắng nghe họ, thì chúng tôi chắc chắn rằng họ đang triển khai rất hiệu quả. Những phản hồi, góp ý của họ đều hướng đến một mục tiêu duy nhất là cùng Base hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Tuấn Anh nhận định.

Để vượt qua rào cản, hãy nghĩ đến lợi ích CĐS đem lại

Về những rào cản khi CĐS, theo đại diện Base, khi DN cho rằng họ không thể CĐS vì thiếu chi phí, hay thiếu nhân lực, hoặc gặp các vấn đề nào khác, thì cũng chỉ là triệu chứng, đó không phải là căn nguyên của bệnh. Yếu tố cốt lõi là các công ty chưa hiểu được CĐS thực sự có thể tạo ra sự khác biệt.

Có nhiều trường hợp, khi chủ DN thấy bối cảnh thị trường thay đổi, thấy CĐS được nhắc đến nhiều trên khắp các phương tiện truyền thông nên cho rằng cũng phải thay đổi, cũng phải CĐS. Nhưng bản thân lại chưa trả lời được rằng tại sao họ cần điều đó, cũng không xác định được rằng nếu áp dụng công nghệ thì thực trạng nội tại hiện giờ của DN sẽ được cải thiện như thế nào.

“Khi chưa trả lời được câu hỏi này mà chỉ đi theo thị trường, tất nhiên họ sẽ nghĩ việc áp dụng công nghệ là một khoản chi phí. Do vậy, khi vẫn đang tạm thời vận hành bình thường, chắc chắn không chủ DN nào lại muốn bỏ ra một khoản chi phí cả”, ông Tuấn Anh bày tỏ,

Tại Việt Nam, việc dùng nhiều từ ngữ “đao to búa lớn” đã vô tình khiến CĐS trở thành một “phong trào”. Để rồi làm cho nhiều DN loay hoay, hoang mang, thậm chí là có cảm giác đề phòng, càng không thực sự để tâm tìm hiểu về bản chất. Cứ thế, “tốn một khoản chi phí” là điều đầu tiên họ nghĩ đến khi nghĩ về CĐS.

Vì vậy, theo ông Tuấn Anh, để giải quyết được căn nguyên này, không còn cách nào khác, bản thân người lãnh đạo cần trả lời được rằng CĐS thực sự mang lại lợi ích gì cho tổ chức của họ.

anh-6-3-.jpg
Thời gian tới, Base sẽ tích cực gặp gỡ DN nhiều hơn để lắng nghe, đồng hành và sát cánh cùng DN thay vì bán phần mềm.

Bên cạnh đó, cũng có không ít DN dù đã nhìn thấy lợi ích từ CĐS nhưng gặp rào cản về chi phí, vì hành trình CĐS thường khá dài, có thể sẽ mất từ 3-5 năm mới thu được quả ngọt. Trong khi đầu tư một khoản tiền, bất kì DN nào cũng kỳ vọng nhận lại được ngay kết quả.

Ông Tuấn Anh đã lấy ví dụ với một DN có quy mô khoảng 30 người. Khi triển khai, áp dụng hệ thống Base lần đầu tiên, DN cần chi trả khoảng 30-60 triệu đồng/năm. Đây chắc chắn không phải là khoản tiền mà các đơn vị không thể trả. Bởi vì, DN nào cũng có những khoản chi phí để sử dụng cho vận hành, không phải cho phần mềm, thì là cho con người hoặc các máy móc khác thủ công hơn.

“Vấn đề cốt lõi ở đây chỉ là họ đánh giá điều gì quan trọng hơn, muốn ưu tiên làm việc gì hơn mà thôi”, ông Tuấn Anh chia sẻ thêm.

Ngoài ra, trong quá trình tiếp xúc với các công ty, Base nhận thấy có một vấn đề với DN Việt, đó là thiếu tính hệ thống - giúp đảm bảo giúp các công ty không chỉ vận hành trơn tru ở quy mô hiện tại mà còn ở quy mô lớn hơn, phức tạp hơn. Chưa kể, yếu tố khiến DN gặp nhiều khó khăn khi áp dụng công nghệ đó là phần lớn DN đều là vừa và nhỏ. Với quy mô này, tính hệ thống của DN chưa ổn định, dẫn đến việc vận hành trực tiếp chủ yếu mang tính chất truyền thống, giữa con người với nhau là chính.

Nhưng khi quy mô lớn dần hơn, có nhiều hạn chế, nhiều chi phí ẩn mà con người hay các loại máy móc thủ công không nhìn thấy được. Dẫn đến chỉ có công nghệ và dữ liệu số mới giúp minh bạch mọi thứ. Cụ thể, với một tổ chức khi đạt đến quy mô khoảng 200 nhân sự, chi phí in ấn có thể lên tới hàng chục triệu mỗi tháng. Lợi ích dễ nhìn thấy nhất mà các ứng dụng Base có thể mang lại ngay đó là số hóa, sắp xếp toàn bộ những hồ sơ, giấy tờ, văn bản đó, giúp họ giảm thiểu được một khoản chi phí đáng kể. Đã có DN sau khi áp dụng Base, chỉ trong 1 tháng đầu tiên, đã giảm 70% chi phí in ấn.

Bên cạnh đó, một giá trị khác cũng có thể nhìn thấy ngay được khi áp dụng công nghệ, đó là những tri thức, tích lũy của mỗi nhân sự sẽ được đóng gói và kế thừa, toàn bộ dữ liệu và quá trình của người đó tại tổ chức cũng sẽ được số hóa và lưu trữ trên hệ thống, rất để để tìm lại khi cần.

“Tôi nghĩ đó là những ví dụ rất cụ thể để trả lời câu hỏi CĐS mang lại lợi ích gì. Điều quan trọng hơn cả là doanh nghiệp lựa chọn ưu tiên cho điều gì”, Giám đốc tư vấn CĐS của Base nhận định.

Dự báo về CĐS năm 2023, theo ông Tuấn Anh, các hoạt động nhằm số hóa DN tại Việt Nam sẽ càng được đẩy mạnh hơn nữa. Nhưng với việc nền kinh tế nói chung đang có nhiều biến động và không mấy tích cực, DN cần chủ động thích ứng, linh hoạt và nhạy bén hơn. Đồng thời, quá trình chuyển đổi số trong cộng đồng sẽ có một vài thay đổi.

DN sẽ không tiếp cận, tìm hiểu hay áp dụng công nghệ theo phong trào nữa, mà dần nhận thức được rằng đó là công cuộc mà chắc chắn mình phải làm. Trong quá trình làm việc với khách hàng gần đây, Base nhận thấy rằng các đơn vị rất tích cực trao đổi, chủ động và chia sẻ. Điều này đã cho thấy DN thực sự nghiêm túc muốn triển khai, chứ không phải gặp Base vì tò mò, vì muốn thử hay vì phong trào nữa.

“Công cuộc CĐS trong năm 2023 không còn “làm để được” tăng năng suất, minh bạch hơn… mà là “làm để không mất” lợi thế cạnh tranh, chi phí dư thừa… Do đó, Base sẽ tích cực gặp gỡ DN nhiều hơn để lắng nghe, đồng hành và sát cánh cùng họ thay vì bán phần mềm”, ông Tuấn Anh kết luận./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chỉ số ít doanh nghiệp đang thực sự chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO